MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác thanh toán không dùng tiền mặt qua kho bạc nhà nước đà nẵng (Trang 83 - 91)

CHƯƠNG 3. KHUYẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC

3.2. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC

Trên cơ sở định hướng phát triển của KBNN đến năm 2020, định hướng hoàn thiện công tác TTKDTM qua KBNN Đà Nẵng, trước thực trạng công tác TTKDTM qua KBNN Đà Nẵng đã được phân tích tại Chương 2, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện công tác TTKDTM qua KBNN Đà Nẵng.

3.2.1. Triển khai việc chi tiêu công bằng thẻ tín dụng mua hàng Thẻ tín dụng mua hàng là một hình thức “chi tiêu trước, trả tiền sau”.

Chủ thẻ không trả tiền từ tài khoản của mình ngay khi mua hàng, mà ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho người bán, chủ tài khoản sẽ thanh toán sau cho ngân hàng đối với khoản chi tiêu này. Chủ thẻ không phải trả lãi đối với khoản vay tạm thời này nếu đảm bảo thanh toán đúng hạn. Từ thời điểm thẻ được sử dụng để thanh toán đến thời hạn thanh toán của thẻ thường kéo dài.

Vì vậy, việc sử dụng thẻ tín dụng mua hàng phục vụ chi tiêu công đảm bảo kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị, tiết kiệm được thời gian; đây là một hình thức thanh toán hiện đại, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách có thêm lựa chọn trong việc thanh toán các khoản chi NSNN, song không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chi tiêu của đơn vị và việc kiểm soát chi của KBNN. Bên cạnh đó, tạo điều kiện về thời gian để tập trung nguồn thu, giảm căng thẳng đối với

NSNN tại các thời điểm NSNN thiếu hụt tạm thời do nguồn thu chưa tập trung kịp. Đối với KBNN, việc sử dụng thẻ tín dụng giúp giảm được khối lượng công việc cho công chức như: giảm bước giao nhận, xử lý chứng từ, tiết kiệm thời gian; thuận lợi hơn trong kiểm soát thanh toán và giảm được phí thanh toán chuyển tiền qua ngân hàng, do chỉ thực hiện 1 lần/tháng, thay vì phải chuyển tiền theo từng lần như trước đây, tiết kiệm văn phòng phẩm…

Việc áp dụng thanh toán bằng thẻ tín dụng mua hàng phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng thanh toán tại địa phương, các trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ phải được trang bị máy POS đồng thời họ chấp nhận thanh toán qua máy POS, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào trình độ, sự nhạy bén, thích nghi các dịch vụ thanh toán hiện đại của cán bộ các đơn vị giao dịch.

Để triển khai thực hiện hình thức chi tiêu bằng thẻ tín dụng, KBNN Đà Nẵng tiến hành rà soát và cung cấp danh sách các đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn có số lượng chi tiêu lớn và có thể áp dụng hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng cho các NHTM nhằm phối hợp triển khai thực hiện. Danh sách cung cấp cho NHTM cần nêu rõ tên đơn vị, địa chỉ liên hệ… để tiện cho quá trình triển khai thực hiện. Trước mắt, KBNN Đà Nẵng chủ động làm việc với các NHTM để tổ chức thực hiện thí điểm hình thức thanh toán thẻ tín dụng mua hàng với một số đơn vị giao dịch. Các đơn vị giao dịch được lựa chọn có đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, có khả năng phối hợp tốt với KBNN và NHTM để thực hiện thông suốt quy trình thanh toán bằng thẻ tín dụng. Khi đã thực hiện thành công với các đơn vị giao dịch nói trên, KBNN Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai áp dụng đối với các đơn vị còn lại, đồng thời cho phép các đơn vị KBNN quận huyện tổ chức thực hiện thanh toán bằng thẻ tín dụng mua hàng. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị sử dụng NSNN để theo dõi và thống kê số lượng đơn vị sử dụng NSNN mở thẻ tín dụng trên địa bàn, nhằm phục vụ công tác kiểm soát chi NSNN.

Bên cạnh đó, các NHTM phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thẻ thanh toán dịch vụ kịp thời. KBNN Đà Nẵng sẽ trực tiếp thỏa thuận với các NHTM về việc đăng ký phát hành thẻ, sử dụng thẻ và các thỏa thuận có liên quan như hạn mức tín dụng, phí phát hành, phí thường niên… để tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị sử dụng NSNN.

NHTM phải có phương án kiểm tra, giám sát chặt chẽ các giao dịch qua thẻ tín dụng mua hàng, ngăn chặn hành vi kẻ xấu làm giả thẻ để trục lợi hay giao dịch khống bằng thẻ tín dụng dưới mọi hình thức; đồng thời cần phải cung ứng những dịch vụ tốt nhất liên quan đến việc xử lý tác nghiệp cũng như thanh toán thẻ tín dụng mua hàng để đơn vị được hưởng chất lượng dịch vụ hiện đại và tiên tiến nhất của ngân hàng, nhằm đảm bảo hoạt động của đơn vị.

3.2.2. Tăng cường thu NSNN qua máy POS

Thu NSNN qua máy POS là hình thức thanh toán tạo thuận lợi cho người nộp NSNN (trường hợp người nộp có sử dụng thẻ) trong khi chi phí cho việc triển khai thu qua POS đối với mỗi đơn vị KBNN là không lớn. Thông tư 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính đã pháp lý hóa hình thức thu NSNN qua máy POS đồng thời giao cho hệ thống KBNN phối hợp với các NHTM nơi mở tài khoản để tổ chức thu. Đây là một hình thức thu mới, giúp cho người dân có thêm lựa chọn khi nộp thuế, phí, lệ phí, nộp phạt vi phạm hành chính….

KBNN Đà Nẵng tiếp tục mở rộng triển khai POS, đảm bảo mỗi KBNN quận, huyện được lắp đặt ít nhất 01 máy POS để tổ chức thu NSNN. Để thực hiện, KBNN Đà Nẵng sẽ phối hợp với các NHTM để lắp đặt kèm cáp mạng kết nối internet và các thiết bị kèm theo. Khách hàng khi đến nộp NSNN tại KBNN Đà Nẵng có thể sử dụng thẻ của bất cứ ngân hàng nào thay cho việc nộp tiền mặt theo truyền thống từ trước đến nay. Giao dịch này sẽ truyền trực tiếp đến cơ quan thu để ghi nhận việc hoàn tất các thủ tục nộp NSNN giữa

khách hàng và KBNN Đà Nẵng, tiết kiệm thời gian cho khách hàng giao dịch, giảm thiểu được các khó khăn phải thanh toán bằng tiền mặt, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Thu tiền qua máy POS còn giúp tập trung nhanh chóng, chính xác các khoản thu vào NSNN, lượng giao dịch bằng tiền mặt sẽ giảm dần và tính bảo mật trong giao dịch sẽ tăng lên.

Để khách hàng sớm biết được hình thức thu NSNN mới, KBNN Đà Nẵng sẽ phối hợp với các NHTM tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung thu NSNN qua máy POS, đặt bảng hướng dẫn công khai tại trụ sở KBNN Đà Nẵng, lựa chọn vị trí phù hợp để lắp đặt máy POS sao cho thuận tiện đối với khách hàng. Mặt khác, cần thỏa thuận với ngân hàng lắp đặt máy POS ngay tại quầy giao dịch của ngân hàng để phục vụ thu NSNN. Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng các máy POS cố định, có thể mở rộng thanh toán qua các máy POS lưu động, áp dụng cho thu phạt vi phạm hành chính, nộp và thu thuế lưu động. Trong tương lai, việc áp dụng hình thức thu NSNN qua máy POS sẽ đa dạng hơn hình thức thu, đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng chi tiêu bằng thẻ, giảm lượng khách hàng chi tiêu bằng tiền mặt, phát triển theo đúng định hướng về TTKDTM của Chính phủ.

3.2.3. Hiện đại hóa công nghệ thông tin trong công tác thanh toán không dùng tiền mặt

Để hạn chế sai sót do việc tích hợp thông tin quản lý thu NSNN và thông tin thanh toán trên lệnh thanh toán trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan và tăng tốc độ xử lý thông tin, góp phần hạn chế lỗi đường truyền của hệ thống thanh toán, nên xây dựng mã số định danh riêng đối với từng khoản thu nộp NSNN tương ứng với từng tờ khai của người nộp NSNN. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm nhập dữ liệu, quản lý thông tin chi tiết về các khoản thu (gồm mã số thuế, tên người nộp tiền, cơ quan quản lý thu, mã chương, mã nội dung kinh tế, chi tiết nội dung khoản thu, số tiền). Khi phát sinh các khoản thu, hệ thống sẽ tự động sinh ra một mã số định danh duy nhất gắn cố

định với khoản thu NSNN đó; khi truyền dữ liệu trên các chương trình thanh toán, lệnh thanh toán chỉ bao gồm thông tin thanh toán và mã số định danh của khoản thu. Vì vậy người nộp NSNN chỉ cần cung cấp mã số định danh cho KBNN, NHTM và KBNN, NHTM căn cứ vào mã số đó để lập và in Giấy nộp tiền vào NSNN (KBNN, NHTM chỉ cần đối chiếu khớp đúng mã số định danh, không phải đối chiếu nhiều thông tin như hiện nay). Điều này giúp đẩy nhanh thời gian xử lý công việc, làm giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian nhập liệu, tránh sai sót trong giao dịch, tạo thuận lợi cho việc kết nối, trao đổi thông tin thu với các đơn vị có liên quan khác.

Mặc khác, với quy trình hiện tại chỉ có một user được thiết lập để nhận lệnh thanh toán đến là chứng từ thu NSNN từ chương trình giao diện liên ngân hàng, cần thiết lập thêm một user trên TCS để nhận các lệnh thanh toán đến từ chương trình giao diện liên ngân hàng vào thu NSNN. Khi đó, nếu user thứ 1 khai báo vắng thì sẽ thực hiện ủy quyền cho user thứ 2. Như vậy, mới đảm bảo yếu tố bảo mật thông tin khi thực hiện, tránh tình trạng thanh toán viên không làm việc nhưng vẫn sử dụng user của thanh toán viên đó.

3.2.4. Mở rộng, nâng cao chất lượng công tác ủy nhiệm thu qua Ngân hàng thương mại

Hiện nay, công tác ủy nhiệm thu NSNN của KBNN Đà Nẵng đã thực hiên với 05 hệ thống NHTM lớn với hơn 20 chi nhánh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và MBbank, đa số đều là các NHTM Nhà nước. Vì vậy để công tác phối hợp thu NSNN mang lại hiệu quả cao cần tiếp tục mở rộng kênh thu NSNN ở tất cả các hệ thống NHTM trên địa bàn, không chỉ đối với các NHTM nhà nước mà những NHTM ngoài nhà nước đảm bảo đủ các điều kiện về pháp lý, hạ tầng, nhân sự, truyền thông… để tổ chức phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN, hướng đến toàn bộ công tác thu, nộp NSNN đều được thực hiện qua hệ thống ngân

hàng. KBNN Đà Nẵng phải mở tài khoản chuyên thu NSNN tại tất cả các NHTM có hợp tác phối hợp thu và thực hiện ủy nhiệm thu; để thực hiện được điều này cần có các tiêu chí cụ thể đối với hệ thống và chi nhánh NHTM như:

tỷ lệ an toàn vốn, số lượng khách hàng có quan hệ thu nộp với NSNN, doanh số trích nộp NSNN, khả năng nhân lực đáp ứng được yêu cầu…..

Việc mở rộng ủy nhiệm thu đối với các NHTM tạo thuận lợi cho đối tượng nộp thuế có thể thực hiện nghĩa vụ của mình ở mọi lúc, mọi nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm tập trung nhanh hơn nữa nguồn thu vào NSNN, giảm dần và tiến tới không giao dịch bằng tiền mặt KBNN đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn của KBNN.

Ngoài ra, công tác phối hợp thu qua NHTM yêu cầu dữ liệu ban đầu phải chính xác. Thực tế triển khai trên địa bàn, các thông tin về người nộp thuế chưa được cập nhật đầy đủ, gây khó khăn cho công tác thu nộp và đối chiếu giữa KBNN, cơ quan Thuế, Hải quan, ngân hàng. Chi cục Thuế cần rà soát lại danh bạ người nộp thuế, kịp thời cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin về người nộp thuế làm cơ sở để trao đổi thông tin giữa các cơ quan có liên quan.

Tiếp tục mở rộng phối hợp thu NSNN bằng phương thức điện tử, mở ra cơ hội phát triển dịch vụ thanh toán cho NSNN thông qua các kênh thanh toán hiện đại như thu thuế qua mạng, ATM, internet banking, mobile banking… và xây dựng cơ chế ưu đãi theo nhiều hình thức để thúc đẩy khuyến khích các đối tượng nộp thuế triển khai các hình thức giao dịch điện tử trong quá trình thu; tăng cường phối hợp, liên kết với các tổ chức làm dịch vụ thu nộp NSNN (kể cả thu phạt vi phạm hành chính) như hệ thống bưu điện…. Từ đó thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc sử dụng tiền mặt làm phương tiện thanh toán.

Mở rộng đối tượng ủy nhiệm thu: Hiện nay tại KBNN Đà Nẵng đang thực hiện ủy nhiệm thu các loại thuế, thu phạt vi phạm hành chính; cần thiết

mở rộng đối tượng ủy nhiệm thu ra các lĩnh vực thu phí, lệ phí, thuế chuyển quyền sử dụng đất và các loại thu khác của NSNN.

3.2.5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt đối với khách hàng giao dịch

Mặc dù thanh toán điện tử được triển khai ở nhiều lĩnh vực nhưng trong chi tiêu thanh toán hằng ngày, người dân Việt Nam vẫn thích sử dụng tiền mặt. Thói quen tiền mặt đã ăn sâu vào tâm lý của người dân ngay cả khi họ đã có tài khoản tại ngân hàng và sử dụng các loại thẻ từ ngân hàng. Thời gian đầu sử dụng TTKDTM sẽ không tránh khỏi khó khăn nhưng dần dần sử dụng, mọi người sẽ quen và nhận thấy sự tiện lợi khi không cần sử dụng tiền mặt mà vẫn giao dịch, thanh toán được.

Công tác TTKDTM qua KBNN Đà Nẵng cũng gặp khó khăn khi gặp tình trạng khách hàng giao dịch có thói quen sử dụng bằng tiền mặt, ngại với những hình thức giao dịch mới. Vì vậy để cho tất cả khách hàng giao dịch đều hiểu được lợi ích của chủ trương phát triển TTKDTM, những tiện ích của dịch vụ thanh toán hiện đại thì KBNN Đà Nẵng cần có kế hoạch để triển khai công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng giao dịch một cách có hiệu quả. Việc tuyên truyền, vận động phải được thực hiện dưới nhiều hình thức. Ngoài việc công khai quy trình, quy định, thủ tục thanh toán tại trụ sở KBNN, cán bộ công chức phải hướng dẫn trực tiếp cho khách hàng đến giao dịch; tuyên truyền qua tạp chí, báo đài, các phương tiện truyền thông của địa phương. Tại các điểm giao dịch của các NHTM, cần có biển thông báo, bảng công khai quy trình, thủ tục nộp thuế, nộp tiền phạt vi phạm hành chính để người nộp tiền, nộp phạt biết, liên hệ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện triệt để việc thanh toán bằng chuyển khoản cho các bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ qua tài khoản tiền gửi tại các NHTM.

3.2.6. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt

Con người luôn là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự thành công hay thất bại của một tổ chức. Để hoạt động thanh toán qua KBNN được hiệu quả cần đội ngũ công chức được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn tốt, có trình độ tin học đáp ứng được yêu cầu công việc, kịp thời nắm bắt được chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời phải có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm, nhiệt huyết trong công việc, có thái độ phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp…. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng những yêu cầu trên, KBNN Đà Nẵng cần thực hiện tốt những việc sau:

Sắp xếp, bố trí cán bộ công chức vào các vị trí công việc phù hợp với khả năng của từng người nhằm phát huy được thế mạnh của họ; thường xuyên thực hiện công tác điều động công chức ở những vị trí mới để nâng cao tinh thần học tập, sự am hiểu nghiệp vụ ở các vị trí khác nhau để tránh tình trạng tiêu cực. KBNN Đà Nẵng phải thường xuyên theo dõi để có nhìn nhận, đánh giá khách quan và phân loại công chức theo các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, đạo đức, năng lực tổ chức quản lý,…. làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, phân công công việc. Tiếp nhận và xử lý nghiêm minh, kịp thời các ý kiến, phản ánh của khách hàng giao dịch về thái độ quan liêu, nhũng nhiễu của cán bộ kho bạc.

Thường xuyên cử cán bộ công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng dài hạn và ngắn hạn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng quản lý và tác nghiệp của cán bộ công chức KBNN Đà Nẵng theo chức trách, nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu phát triển của KBNN Đà Nẵng. Có kế hoạch đào tạo cơ bản và đào tạo chuyên sâu về công tác thanh toán cho cán bộ công chức KBNN Đà Nẵng, đặc biệt đội ngũ cán bộ làm công tác thanh toán của KBNN Đà Nẵng theo những nội dung, yêu cầu mới.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác thanh toán không dùng tiền mặt qua kho bạc nhà nước đà nẵng (Trang 83 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)