CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ CẬN NGHÈO TẠI CHI NHÁNH NHCSXH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
2.3. HOẠT ĐỘNG CHO VAY HỘ CẬN NGHÈO CỦA CHI NHÁNH
2.3.4. Thực trạng triển khai cho vay – thu nợ của chương trình cho vay hộ cận nghèo tại Chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng
Công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo đặc biệt được chú trọng. Chi nhánh đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác nắm bắt đầy đủ thông tin tín dụng chính sách của Chính phủ và chính quyền thành phố. Thông tin được niêm yết công khai tại trụ sở Chi nhánh, các Phòng giao dịch, các điểm giao dịch xã. Bên cạnh đó, Chi nhánh còn phối hợp với các cấp hội, đoàn thể biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền phù hợp về chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo nói riêng và các đối
tượng chính sách nói chung, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ đối với người vay. Công tác tuyên truyền được triển khai thông qua các cuộc họp Tổ dân phố, họp sinh hoạt Tổ TK&VV cũng như các phương tiện thông tin, truyền thông như: báo, tạp chí, website… Chi nhánh đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí thường xuyên đưa tin, bài phản ánh về việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng chính sách của Nhà nước cho hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tuyên truyền nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác ủy thác, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Công tác phối hợp giữa Ngân hàng với cơ quan chính quyền, hội đoàn thể các cấp ngày càng chặt chẽ. Trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước luôn có hai mảng hoạt động song song là khối đảng và khối chính quyền. 4 Hội đoàn thể nhận ủy thác thuộc sự chỉ đạo của khối đảng nhưng khối chính quyền lại đảm nhận công tác giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Chính vì vậy, để hoạt động tín dụng chính sách xã hội thực sự phát huy hiệu quả cần có sự tham gia đồng bộ của đảng, chính quyền địa phương và NHCSXH. Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung chủ tịch xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH đã tạo nền tảng vững chắc trong việc xây dựng mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa đảng – chính quyền – NHCSXH trong hoạt động tín dụng chính sách nhằm thực hiện các mục tiêu an sinh hội của địa phương. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, Đảng ủy, ủy ban nhân dân các xã, phường trên địa bàn thành phố đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi tại địa phương, đặc biệt là
chương trình cho vay hộ cận nghèo. Hội đoàn thể các cấp cũng đã chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tổ chức các buổi hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; từ đó phát huy hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tự lực vươn lên, ổn định cuộc sống.Điều này vừa giúp cho hoạt động của hội, đoàn thể ngày càng lớn mạnh và phong phú về nội dung, tạo môi trường thuận lợi để thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, bao gồm cả hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu an sinh xã hội của địa phương, thực hiện tốt chương trình “4 an”của thành phố.
Kiện toàn, phát triển mạng lưới Tổ TK&VV: Tổ TK&VV ở xã, phường chịu sự quản lý trực tiếp của Hội đoàn thể nhận ủy thác, cũng là đơn vị tác nghiệp từ cơ sở của NHCSXH, là cánh tay vươn dài cấu thành mô hình quản lý NHCSXH. Tổ TK&VV có tối thiểu 5 thành viên và không quá 60 thành viên, gồm những hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn cùng sống trên một địa bàn dân cư, do các hội, đoàn thể thành lập, được chính quyền cấp xã chấp thuận. Ban quản lý Tổ TK&VV trực tiếp thực hiện một số nội dung được NHCSXH ủy nhiệm như: tổ chức họp bình xét vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay, tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, góp phần hình thành thói quen tiết kiệm, biết cách tạo lập nguồn vốn tự có để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện tốt công tác thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng; theo dõi đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn; phối hợp tốt công tác xử lý nợ tồn đọng, nợ bị rủi ro...
Đến nay, Chi nhánh xây dựng được mạng lưới 1.796 tổ TK&VV trên khắp các thôn, tổ dân phố, sắp xếp hợp lý theo địa bàn khu dân cư. Trong đó 1.787 tổ TK&VV đạt loại tốt, khá, chiếm tỷ lệ 99,4%, không có Tổ TK&VV xếp loại yếu, kém. Chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của NHCSXH, Tổ TK&VV có hoạt động tốt, ổn định thì chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên; do đó, thời gian qua NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đoàn thể các cấp thường xuyên rà soát, đánh giá phân loại Tổ TK&VV, để có kế hoạch thực hiện sắp xếp, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ, Ban quản lý Tổ TK&VV.
Công tác cho vay: hộ cận nghèo khi có nhu cầu cần ủy quyền cho một người đại diện vay vốn và sẽ được bình xét công khai tại tổ TK&VV về số tiền cần vay, mục đích sử dụng vốn vay, dưới sự chứng kiến của trưởng thôn (tổ trưởng tổ dân phố), hội đoàn thể nhận ủy thác, được UBND xã, phường xác nhận đối tượng cũng như việc cư trú hợp pháp tại địa phương. Hộ vay có hồ sơ hợp lệ sẽ được nhận tiền vay trực tiếp từ ngân hàng tại các điểm giao dịch lưu động xã phường vào các ngày định kỳ hàng tháng. Người vay sẽ không tốn bất kỳ chi phí nào trong việc làm hồ sơ vay vốn và không mất quá nhiều thời gian di chuyển đến nơi nhận tiền vay. Tuy nhiên do hoạt động tại điểm giao dịch lưu động xã phường không chỉ đơn thuần tập trung vào hoạt động cho vay mà còn có thu lãi, thu tiết kiệm của các tổ TK&VV, thu nợ của người vay đến hạn nên đôi khi người nhận tiền vay phải mất khá nhiều thời gian chờ đợi.
Tổ chức thu nợ, thu lãi: NHCSXH ủy nhiệm cho tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn thu lãi, thu tiết kiệm cho khách hàng vay vốn chương trình hộ cận nghèo. Người vay vào một ngày định kỳ trong tháng, theo quy ước hoạt động của Tổ TK&VV, đến địa điểm sinh hoạt tổ để nộp tiền lãi, tiền tiết kiệm cho
tổ trưởng tổ TK&VV. Việc trả nợ gốc, người vay tự thực hiện giao dịch với NHCSXH tại điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch cố định hàng tháng hoặc trụ sở phòng giao dịch nơi cho vay.
Công tác kiểm tra, giám sát nợ, thu nợ, thu lãi: trong thời gian 30 ngày sau khi đại diện hộ gia đình vay vốn chương trình hộ cận nghèo nhận tiền vay, hội đoàn thể nhận ủy thác sẽ cùng với tổ trưởng tổ TK&VV tiến hành việc kiểm tra sử dụng vốn vay, nhằm đảm bảo người vay sử dụng khoản vay đúng mục đích, đồng thời nhắc nhở người vay trả nợ, lãi đúng hạn, đầy đủ. Bên cạnh đó, cán bộ ngân hàng cùng với hội đoàn thể nhận ủy thác, ban giảm nghèo cũng có thể kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ tình hình sử dụng vốn vay của hộ cận nghèo nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, bị rủi ro, ... Hàng tháng, trong các kỳ họp giao ban tại điểm giao dịch xã phường, NHCSXH, các tổ chức chính trị nhận ủy thác, tổ trưởng tổ TK&VV sẽ lần lượt báo cáo về những trường hợp hộ vay không tuân thủ nghĩa vụ trả nợ, trả lãi, không tham gia thực hành tiết kiệm,… cho chủ tịch UBND xã phường được biết và có ý kiến chỉ đạo xử lý khắc phục. Ngoài ra, qua thông tin phản hồi của khách hàng vay vốn, cán bộ NHCSXH cũng có thêm cơ sở để kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ TK&VV cũng như Hội đoàn thể nhận ủy thác. Thông qua hoạt động gửi thông báo bằng tin nhắn định kỳ 6 tháng/ lần về số dư tài khoản tiết kiệm và khoản nợ gốc còn lại của khách hàng tính đến 30/6 và 31/12, hoạt động tuyên truyền cho người vay về cách kiểm tra thông tin của biên lai thu lãi, khách hàng vay vốn đã chủ động trong việc kiểm soát hoạt động nộp lãi, nộp tiết kiệm của tổ trưởng tổ TK&VV đối với khoản vay của mình, cũng như kịp thời liên hệ với cán bộ NHCSXH để xác minh làm rõ những dấu hiệu bất thường.
Việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được Chi nhánh thực hiện hàng năm
theo kế hoạch của NHCSXH Trung ương; cũng như của các đoàn kiểm tra của NHCSXH, của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, đoàn kiểm tra liên bộ, liên ngành. Bên cạnh đó, thông qua việc gắn camera tại các điểm giao dịch lưu động xã phường, thao tác nghiệp vụ được kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và điều chỉnh sai sót, ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính ưu đãi của chính phủ và chính quyền địa phương. Sau kết quả kiểm tra của các đoàn, Chi nhánh sẽ ban hành thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo chấn chỉnh những tồn tại sai sót, yêu cầu mỗi đơn vị tự đề ra giải pháp và kế hoạch khắc phục sửa sai.
Xử lý nợ rủi ro, nợ tiềm ẩn nguy cơ mất vốn: thông qua việc kiểm tra sử dụng vốn vay, đối chiếu nợ thường xuyên, NHCSXH phối hợp chặt chẽ với UBND các phường xã, hội đoàn thể nhận ủy thác và các thành phần liên quan chủ động rà soát và lập hồ sơ xử lý rủi ro kịp thời cho các đối tượng vay vốn chương trình hộ cận nghèo gặp rủi ro khách quan trong quá trình sản xuất kinh doanh và đề nghị cấp trên xử lý bằng các hình thức như gia hạn nợ, khoanh nợ và xóa nợ giúp người vay gặp rủi ro giảm bớt khó khăn và yên tâm làm ăn, khôi phục sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, nhanh chóng thu thập thông tin những trường hợp hộ vay đi khỏi nơi cư trú, lập danh sách, báo cáo chủ tịch UBND xã phường là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH quận, huyện chỉ đạo công tác tìm kiếm và bàn giao nợ đi khỏi nơi cư trú về địa phương mới kịp thời, tránh phát sinh nợ xấu.
2.3.5. Thực trạng hoạt động kiểm soát, đánh giá, điều chỉnh, của chương trình cho vay hộ cận nghèo tại Chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng
Công tác kiểm soát, đánh giá, điều chỉnh đối với chương trình cho vay hộ cận nghèo được tiến hành thường xuyên với mục tiêu đảm bảo nguồn
vốn tín dụng chính sách đến tay đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, đúng lúc.
Dựa vào danh sách hộ cận nghèo Sở Lao động Thường binh và xã hội cung cấp đầu mỗi năm, các Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện trực thuộc sẽ chủ động kiểm tra lại danh sách khách hàng vay vốn trước khi phê duyệt hồ sơ giải ngân, đảm bảo người được vay thực sự là hộ cận nghèo có tên trong danh sách đã được phê duyệt. Trong trường hợp nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo có sự chênh lệch với nhu cầu vay vốn, cán bộ NHCSXH sẽ làm việc với chính quyền địa phương để xác định nguyên nhân, lập báo cáo gửi về cho Hội sở Chi nhánh có căn cứ điều chỉnh nguồn vốn cân đối giữa đối tượng vay vốn và nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo toàn thành phố, đảm bảo nguồn vốn cho vay không bị tồn đọng, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn nhanh chóng tiếp cận với khoản vay. Định kỳ mỗi tháng, cán bộ tín dụng NHCSXH sẽ tiến hành kiểm tra, thống kê số lượng hộ cận nghèo được vay vốn, tổng dư nợ đã cho vay, báo cáo chủ tịch UBND xã phường, trưởng Ban Giám nghèo được biết. Bên cạnh đó, phối hợp với Hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ Tk&VV kiểm tra sử dụng vốn vay, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tuyên truyền, nhắc nhở người vay thực hiện tốt việc trả lãi, thực hành tiết kiệm cũng như thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.
2.3.6. Kết quả hoạt động cho vay hộ cận nghèo của Chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng
Kết quả của hoạt động cho vay chương trình hộ cận nghèo trong giai đoạn 2015 – 2017 được đánh giá dựa trên các tiêu chí như: Quy mô cho vay, cơ cấu cho vay, kết quả kiểm soát rủi ro tín dụng, chất lượng dịch vụ cho vay, kết quả kinh tế xã hội.
a. Quy mô cho vay đối với hộ cận nghèo.
Dư nợ cho vay chương trình hộ cận nghèo có xu hướng giảm dần từ năm 2015 đến năm 2017. Cao nhất trong giai đoạn này là năm 2015, do đây là năm thứ hai triển khai cho vay chương trình hộ cận nghèo và cũng là năm cuối cùng để thực hiện các mục tiêu quốc gia giảm nghèo của giai đoạn 2009 – 2015, nên các địa phương tập trung khảo sát và cho vay hộ cận nghèo trong giai đoạn cần được vay vốn để sản xuất kinh doanh. Năm 2016 là năm bản lề trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia giảm nghèo của giai đoạn mới 2016 – 2020, dư nợ cho vay đối với hộ cận nghèo giảm không đáng kể so với năm 2015. Năm 2017, dư nợ cho vay giảm gần 13% so với năm 2016 tương đương với số hộ cận nghèo giảm dần trên địa bàn thành phố.
Số hộ cận nghèo được vay vốn giảm dần qua từng năm do hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn đã được hỗ trợ từ đầu giai đoạn. Riêng năm 2015, là năm cho vay hộ nghèo cả giai đoạn 2009-2015 nên số lượng hộ cận nghèo được vay vốn cao hơn hẳn so với năm 2016 và 2017. Với nỗ lực về đích sớm trong các giai đoạn giảm nghèo, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ thực hiện, dự kiến năm 2018 sẽ hoàn thành các mục tiêu quốc gia giảm nghèo của giai đoạn 2016-2020. Chính vì vậy, số hộ cận nghèo có sự giảm nhanh qua các năm.
Mặc dù số hộ cận nghèo vay vốn và dư nợ cho vay cũng giảm dần, tuy nhiên, dư nợ bình quân lại có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2020. Điều này cho thấy hoạt động cho vay đã xuất phát từ thực tế mục đích sử dụng vốn vay, không mang tính cào bằng giữa các hộ vay, cũng đồng thời cho thấy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc cho vay hộ cận nghèo.
Người vay đã vay vốn, sử dụng vốn hiệu quả, trả nợ đúng hạn, vươn lên trong cuộc sống.
Bảng 2.5: Kết quả cho vay đối với hộ cận nghèo giai đoạn 2015-2017 ĐVT: %, triệu đồng STT Chỉ tiêu Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017
1 Dư nợ cho vay hộ cận
nghèo 567.369 565.240 492.759
2 Số lượng hộ cận nghèo
đang vay vốn 30.962 29.464 24.135
3 Dư nợ bình quân/ 1 hộ cận
nghèo còn dư nợ 18 19 20
4
Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ
cho vay hộ cận nghèo -0,38 -12,82
5 Tỷ lệ hộ cận nghèo đang
vay/tổng số KH 39,44 38,35 32,41
6 Tỷ trọng dư nợ cho vay hộ
cận nghèo/ tổng dư nợ 43,21 37,72 29,46
Nguồn: Phòng KHNVTD Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng b. Cơ cấu cho vay hộ cận nghèo
Giai đoạn 2015 đến năm 2017, chương trình cho vay hộ cận nghèo được triển khai rộng rãi trên toàn thành phố, đảm bảo tất cả các hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh đều được tiếp cận với món vay.
Cơ cấu theo thời gian vay vốn: Kết quả thống kê cho thấy, không có món vay chương trình hộ cận nghèo trong ngắn hạn, thời hạn vay phổ biến là trung hạn.
Cơ cấu theo mục đích sử dụng vốn vay: Phần lớn khách hàng sử dụng vốn vay để phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông lâm thủy sản và bán buôn, bán lẻ. Điều này cũng phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng, vừa có địa hình miền núi (huyện Hòa Vang), vừa có địa hình ven biển và thành thị, thích hợp với việc phát triển lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và bán buôn, bán lẻ.