DỰ ÁN XÂY DỰNG TẠI VIỆT NAM
3.6. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến dự án xây dựng tại Việt Nam
3.6.2. Năng lực ban quản lý dự án
Năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án ở nhiều dự án còn yếu; mặt yếu kém nhất của Ban quản lý dự án phổ biến là khả năng điều hành, phối hợp giữa các nhà thầu, các đơn vị tham gia dự án. Một số chủ đầu tư khoán trắng cho tư vấn, thiếu kiểm tra đôn đốc, kiểm soát, là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới không dảm bảo chất lượng công trình, nhiều sai phạm và kéo dài tiến độ thực hiện dự án. Thực hiện giám sát, chất lượng quản lý công trình của chủ đầu tư và tư vấn giám sát nhiều nơi còn chưa tốt dẫn tới chất lượng thi công nhiều công trình chưa đảm bảo đúng yêu cầu (hầm chui Văn Thánh, Đường cảng A5) (Bộ Kế hoạch - Đầu tư).
Ngoài yếu tố về năng lực đơn vị thi công thì đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của dự án (mean = 2.85). Có 67.9 % đối tượng khảo sát cho rằng đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của dự án. điều này phản ảnh được rằng hiện nay công tác quản lý dự án đã và đang được xem trọng. Bởi từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường thì quan niệm về công tác quản lý đã từng bước được nhìn nhận tầm quan trọng, trong đó không thể không nói đến năng lực của lực lượng quản lý dự án bởi vì họ là những người có quyết định cao nhất và chịu trách nhiệm về dự án mà họ thực
hiện. Mặt khác với tư cách là chủ đầu tư nên họ giữ vai trò tối quan trọng là điều phối các thành phần khác liên quan đến dự án làm sao cho hiệu quả nhất. Cũng theo kết quả khảo sát trên ta nhận thấy rằng một số nhỏ (13.2%) đối tượng khảo sát chưa xem năng lực của ban quản lý dự án là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của dự án, điều này phản ảnh được họ là những người chưa hiểu hết thế về quản lý dự án. có thể họ là những người chưa tiếp xúc với công tác quản lý nên chưa quan tâm lắm về vấn đề này.
Đây cũng là điều đáng lưu ý bởi vì trong môi trường xây dựng hiện nay năng lực quản lý đóng một vai trò rất quan trọng trtong việc thực hiện một dự án đúng tiến độ, chất lượng và kinh phí.
Thực tế cho thấy nếu ban quản lý dự án có đủ năng lực quản lý thì sẽ làm tăng hiệu quả của dự án đó là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của dự án. Ví dụ cho vấn đề này là dự án Cầu Mỹ Thuận đã được hoàn thành và theo đánh giá của Chính Phủ Việt Nam thì đây là dự án thành công ngoài mong đợi các lý do thành công đó một phần cũng nhờ vào vấn đề quản lý và kế hoạch được làm chặt chẽ, nghĩa là mọi chuyên gia, kỹ sư đều phải có kế hoạch chặt chẽ về quản lý, kỹ thuật. Thiết bị được nhập về từ nhiều nước khác nhau cho nên kế hoạch càng phải hoàn chỉnh (Tấn Đức, 2002)
Về vấn đề này thì việc thành lập ban quản lý dự án Đông - Tây và môi trường nước cũng như qui định rõ chức năng và nhiệm vụ của từng thành viên trong ban quản lý dự án thể hiện quyết tâm cao độ của Chính Phủ Việt Nam, mong muốn sự thành công đối với dự án này, cho đến nay tuy có những khó khăn nhất định nhưng đội ngũ cán bộ Ban quản lý dự án đã hoạt động hết sức có hiệu quả và giải quyết các vấn đề phát sinh một cách linh động và nhanh chóng kịp thời.
Tuy nhiên trong thực tế chúng ta phải nhìn nhận nhận rằng định mức chi phí dành cho ban quản lý dự còn rất thấp, một cao ốc văn phòng ở TPHCM chủ đầu tư phải trả đến 5-6 tỉ đồng cho tiền quản lý dự án, tính theo tỷ lệ thì có khi lên đến 2-3% tổng giá trị công trình, trong khi quy chế của ta chỉ cho 0,9%, đành phải dùng ban quản lý của Việt Nam dù biết rằng khả năng hoàn toàn nghiệp dư. Tuy nhiên, nếu nhìn lại con số ước tính 30% thất thoát trong xây dựng cơ bản thì chi phí này quả thực xứng đáng để các chủ đầu tư và các nhà nghiên cứu quy chế xây dựng xem xét.
Vì thế, biện pháp để có những dự án hiệu quả trong xây dựng cơ bản là phải chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa các chủ đầu tư. Hay nói một cách khác phải gom các công trình đầu tư xây dựng cơ bản của nhà nước về một vài đầu mối chuyên môn, chuyên nghiệp thực hiện, sau đó bàn giao cho người thụ hưởng dự án. Để tránh tình trạng tập trung chuyên quyền có thể thành lập các ban quản lý các cấp trung ương và tỉnh, thành phố. Việc giao trách nhiệm cộng với tính chuyên nghiệp và luật lệ ràng buộc đi kèm sẽ có khả năng hạn chế tham nhũng. Thực ra, việc chuyên nghiệp hóa này đã được các nghị định, văn bản của Chính phủ xác định thông qua việc thành lập ban quản lý các cấp.
Nhưng điều này lại làm nhiều chủ đầu tư phản ứng nên dần dần mỗi chủ đầu tư lại thành lập một ban quản lý.
Hiện nay việc Ban quản lý dự án bị quá tải vượt quá năng lực là tình trạng thường xảy ra ở Việt Nam (Thái Thanh, 2005), do đó theo N.T.Dũng (2005) cần phải rà soát lại các bộ của các ban này; khi bổ nhiệm không chỉ căn cứ vào thâm niên công tác, lý lịch, mà còn phải xem xét cả năng lực của cán bộ. Theo ông Đ.Đ.Bình (N.Ẩn, 2005) Bộ giao thông vận tải sẽ kiên quyết thay thế lãnh đạo các ban quản lý dự án để xảy ra tình trạng chất lượng công trình không đảm bảo, tiến độ chậm trễ, giải ngân chậm, đấu thầu thông đồng
móc nối . . . và không loại trừ khả năng sẽ thay thế toàn bộ lãnh đạo các đơn vị gây ra tình trạng này. như vậy có thể nói đây là một tín hiệu tốt hoặc có thể coi như một lời cam kết của lãnh đạo nhà nước về các phương thức để quản lý dự án hiệu quả nhất.
Như vậy một ban quản lý dự án đủ năng lực là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công trong việc quản lý cũng như sự thành công của dự án. Tuy nhiên hiện nay một số ban quản lý dự án không đủ năng năng lực thông đồng với nhà thầu hoặc tư vấn giám sát là điều thường xuyên xảy ra, về vấn đề này Ông T.Đ.Ngô (2001) cho rằng nhà nước nên có quy định để không xảy ra tình trạng chủ đầu tư cũng là chủ quản của đơn vị thi công, giám sát công trình bởi vì như hiện nay thì khó tránh khỏi sự thông đồng giữa chủ đầu tư và các đơn vị thi công, tư vấn giám sát. Có điều rất đáng quan tâm là chức trách của người giám sát công trình và đơn vị tư vấn thường được xem nhẹ khi xảy ra sự cố đối với công trình. Khi vai trò người giám sát và tư vấn không rõ hoặc thực hiện không đầy đủ thì thông thường chủ đầu tư chịu trách nhiệm thay họ.
Cũng theo ông T.Đ.Ngô (2001) thì muốn nâng cao năng lực và trách nhiệm của Ban quản lý dự án thì Nhà nước cần xây dựng những quy định, thể chế thật chặt chẽ các quy định định này phải thể hiện thành điều luật xác định rõ và chi tiết trách nhiệm từng người, và quan trọng hơn hết là luật lệ phải được thực hiện một cách nghiêm túc.