CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
1.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
1.1.2. Chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
1.1.2.1. Khái niệm chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Chất lượng có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Từ góc độ nhà sản xuất có thể xem: chất lượng là mức độ hoàn thiện của sản phẩm (dự án) so với các tiêu chuẩn thiết kế được duyệt. Như vậy, trong khu vực sản xuất, một dung sai của các chỉ tiêu được định rõ để đánh giá mức độ hoàn thành chất lượng. Trong khu vực dịch vụ, chất lượng được xác định chủ yếu thông qua một số chỉ tiêu gián tiếp. Theo quan điểm của người tiêu dùng, chất lượng là tổng thể các đặc tính của một thực thể, phù hợp với việc sử dụng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hay chất lượng là giá trị mà khách hàng nhận được, là sự thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Chất lượng có thể được xác định trên các khía cạnh như thuộc tính vật chất của sản phẩm; định hướng thời gian của sản phẩm dịch vụ (phù hợp với việc sử dụng lâu dài, đảm bảo liên tục bên lâu); các dịch vụ sau bán hàng; ấn tượng tâm lý đối với sản phẩm; yếu tố đạo đức kinh doanh trong kinh doanh. Từ những khái niệm trên có thể rút ra một số vấn đề sau:
Chất lượng là phạm trù có thể áp dụng đối với mọi thực thể.
Chất lượng phải thể hiện trên một tập hợp nhiều đặc tính của thực thể, thể hiện khả năng thỏa mãn nhu cầu.
Chất lượng là sự phù hợp với nhu cầu. Một thực thể dù đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm nhưng lại không phù hợp với nhu cầu, không được thị trường chấp nhận thì bị coi là không có chất lượng. Chất lượng được đo bởi mức độ thỏa mãn nhu cầu. Sự thỏa mãn được thể hiện trên nhiều phương diện như tính năng của sản phẩm, giá cả, thời điểm cung, mức độ dịch vụ, tính an toàn...
Chất lượng phải gắn với điều kiện cụ thể của nhu cầu, của thị trường về các mặt kinh tế kỹ thuật, xã hội phong tục tập quán.
Theo Nguyễn Văn Nghiến (2001): “Chất lượng là tập hợp các đặc tính của một thực thể (đối tượng) tạo cho thực thể (đối tượng) đó khả năng thoả mãn những yêu cầu nêu ra hoặc tiềm ẩn”.
Phó Đức Trù và Phạm Hồng (2002) cho rằng: “Chất lượng là mức độ đáp ứng các yêu cầu của một tập hợp các đặc tính vốn có”.
Trên góc độ sản xuất: Nguyễn Đình Phan (2002) cho rằng: “Chất lượng là sự hoàn hảo và phù hợp của một sản phẩm với một tập hợp các yêu cầu hoặc tiêu chuẩn, quy cách đã được xác định trước”.
Trên góc độ quản lý: Nguyễn Văn Hùng (2009) lại cho rằng: “Chất lượng được hiểu như là sự thực hiện mục tiêu và làm thỏa mãn nhu cầu của chủ thể và đối tượng. Trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, chất lượng của sản phẩm được đặc trưng bởi các nhân tố về nguyên vật liệu chế tạo, quy trình và công nghệ sản xuất, các đặc tính sử dụng kể cả về mẫu mã, thị hiếu, mức độ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.
Theo Oxford Pocket Dictionary: Chất lượng là mức hoàn thiện, là đặc trưng so sánh hay đặc trưng tuyệt đối, dấu hiệu đặc thù, các dữ kiện, các thông số cơ bản.
Theo tiêu chuẩn ISO 9000:2005, mức độ cùa một tập hợp các đặc tính vốn có đáp ứng các yêu cầu. (Nguyễn Quang Toản, 2019)
Như vậy, có thể hiểu chất lượng đào tạo nghề là kết quả đem lại giá trị gia tăng (sự vượt trội sau quá trình đào tạo) của người được đào tạo như khối lượng, nội dung, trình độ kiến thức được đào tạo và kỹ năng thực hành, năng lực nhận thức, năng lực tư duy cùng những phẩm chất nhân văn được đào tạo; thể hiện ở sự hoàn hảo trong thực hiện mục tiêu đào tạo của cơ sở; thể hiện ở mức độ xứng đáng với sự đầu tư của người được đào tạo, cơ sở đào tạo, nhà nước và xã hội và thể hiện ở sự hài lòng của người được đào tạo khi theo đổi chương trình đào tạo.
Nói cách khác, chất lượng đào tạo nghề là kết quả tác động tích cực của tất cả các yếu tố cấu thành hệ thống đào tạo nghề và quá trình đào tạo vận hành trong môi trường nhất định.
1.1.2.2. Nội dung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn a. Xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Theo Nguyễn Ngọc Quân và Nguyễn Vân Điềm (2012), xác định nhu cầu đào tạo là xác định khi nào, ở bộ phận nào cần phải đào tạo, đào tạo kỹ năng nào, cho loại lao động nào và bao nhiêu người. Trong khi đó, theo Trần Kim Dung
(2013) thì một trong những yêu cầu để xác định chính xác nhu cầu đào tạo là cần nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu của người lao động.
Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhu cầu đào tạo nghề là những đòi hỏi của thị trường lao động về số lượng lao động, nghề đào tạo, trình độ đào tạo, mức độ kiến thức, kỹ năng, thái độ của lao động nông thôn qua đào tạo nghề theo từng trình độ… và khả năng đáp ứng những đòi hỏi trên sẽ phản ánh mức độ chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Do đó, nội dung xác định nhu cầu đào tạo đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường với sự vận hành của các quy luật khách quan sẽ tạo ra sự mở rộng thị trường lao động cho lao động nông thôn, hiện tượng di chuyển lao động nông thôn giữa các địa phương và thậm chí ra ttlao động nước ngoài là tất yếu. Do đó, khi nghiên cứu chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngoài việc phân tích nhu cầu đào tạo nghề đáp ứng thị trường lao động tại địa phương, còn cần phải phân tích nhu cầu đào tạo nghề đáp ứng cho việc di chuyển lao động giữa các tỉnh và xuất khẩu lao động.
b. Các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Như đã thống nhất ở trên, “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là quá trình tác động làm tăng kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp của người được đào tạo nghề nhằm đáp ứng tốt nhất đòi hỏi, yêu cầu của người sử dụng lao động trong từng thời kỳ nhất định...” (Bùi Hồng Đăng, 2017). Các tác động có thể ở phạm vi vĩ mô như thay đổi các chủ trương, chính sách, luật pháp...
của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương về đào tạo nghề nhằm tạo môi trường cho hoạt động đào tạo nghề phát triển theo định hướng chất lượng;
hoặc cũng có thể tác động ở phạm vi vi mô, hay có thể coi là tác động trực tiếp vào những yếu tố bên trong quá trình đào tạo tại từng cơ sở dạy nghề để cải biến chất lượng đào tạo.
Tiếp cận theo hướng thứ hai, Tổ chức Lao động quốc tế đã xác định có 9 nhóm tiêu chí với 100 tiêu chí cụ thể mà các cơ sở dạy nghề cần phải cải thiện
không ngừng trong quá trình đào tạo nghề để đảm bảo chất lượng đào tạo, 9 nhóm tiêu chí chính gồm: tôn chỉ mục đích; tổ chức quản lý; chương trình đào tạo; cán bộ quản lý và giáo viên; thư viện và học liệu; tài chính; khuôn viên và cơ sở hạ tầng;
xưởng thực hành, thiết bị đầu tư; dịch vụ học sinh (dẫn theo (Đỗ Đình Trường, 2009)). Các cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo nghề tại Việt Nam cũng cho rằng việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề nói chung và chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng sẽ đạt được khi các điều kiện như: mục tiêu và nhiệm vụ; công tác tổ chức và quản lý; hoạt động dạy và học tốt; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; chương trình, giáo trình; thư viện; cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học; quản lý tài chính; các dịch vụ cho người học nghề... được đáp ứng mức tốt nhất (Bộ Lao động - TB&XH, 2008a, 2008b, 2010)
Thực tiễn triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Việt Nam thời gian qua cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập; đặc biệt là chất lượng đào tạo nghề còn rất hạn chế chưa đáp ứng được thị trường lao động, ngoài ra “chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đồng đều trên phạm vi cả nước” và nguyên nhân của những tồn tại được cho là “danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại một số địa phương vẫn còn dàn trải; việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề còn dàn trải, thiếu đồng bộ; một số địa phương chưa phê duyệt định mức chi phí đào tạo cho từng nghề; có nhiều chính sách liên quan nhưng chưa tổ chức thống nhất nên có sự phân tán nguồn lực” (Bộ Lao động - TB&XH, 2016a).
Như vậy, xét cả về mặt lý luận và thực tiễn thì hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại mỗi địa phương ngoài việc chờ sự thay đổi tích cực từ các chủ trương, chính sách của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương về đào tạo nghề; địa phương cần tích cực, chủ động triển khai các hoạt động nhằm tác động theo hướng tích cực đến các điều kiện, tiền đề cơ bản để nâng cao chất lượng như: i) cơ chế tổ chức quản lý đào tạo; ii) nhân lực phục vụ đào tạo; iii) chương trình đào tạo, giáo trình và tài liệu học tập; iv) cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; v) dịch vụ cho người học; vi) nguồn tài chính và quản lý tài chính.
c. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Kết quả thu được từ việc tổ chức hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn có thể được phản ánh trên nhiều góc độ: như số lượng lao động nông thôn được đào tạo; chất lượng đào tạo; những tác động của việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho lao động nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập cho nông dân; hoặc các mục tiêu về an sinh xã hội khác…
Tuy nhiên, đối với việc tổ chức hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn có kèm theo các chính sách hỗ trợ của nhà nước, thì việc phản ánh kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải dựa trên cơ sở các mục tiêu đề ra khi áp dụng các chính sách hỗ trợ để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo Quyết định 1956/QĐ – TTg ngày 27/11/2009, những mục tiêu chính hướng tới khi triển khai tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm một số chỉ tiêu như: tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển CNH, HĐH; cải thiện cơ hội việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn và đặc biệt là việc hỗ trợ lao động nông thôn thuộc các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người gặp hoàn cảnh khó khăn khu vực nông thôn… có khả năng tiếp cận với cơ hội học tập, trang bị kiến thức nghề nghiệp để thay đổi cuộc sống. (Chính phủ, 2009)
d. Đánh giá chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một khái niệm khá trừu tượng, có thể nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Do đó, để phản ánh một cách chính xác thực trạng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần phải đánh giá một cách đa chiều. Các đối tượng tham gia đánh giá bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề, cơ sở dạy nghề, đội ngũ gv, người học nghề, người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó:
- Cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề đánh giá thông qua mức độ đạt các yêu cầu trong công tác kiểm định chất lượng của các cơ sở dạy nghề, kết quả đánh giá này sẽ phản ánh cơ sở dạy nghề khi tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn có đạt chất lượng hay không và đạt mức nào.
- Cơ sở dạy nghề tự đánh giá về đào tạo nghề của đơn vị mình thông qua mức độ đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động đào tạo, với mỗi mức điều
kiện đảm bảo khác nhau sẽ phản ánh mức chất lượng đào tạo nghề mà đơn vị đó đạt được khi tham gia vào hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Đội ngũ giáo viên đánh giá chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn qua mức độ về kiến thức, kỹ năng, thái độ của lao động nông thôn có được sau quá trình đào tạo nghề.
- Người học nghề (lao động nông thôn đang học nghề và lao động nông thôn qua đào tạo nghề đang đi làm) đánh giá chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các tiêu chí: cơ hội tìm kiếm việc làm, mức thu nhập, khả năng thích ứng với công việc, cơ hội thăng tiến trong công việc và khả năng tự tạo việc làm.
Mức độ hài lòng của lao động nông thôn học nghề đối với các tiêu chí trên càng cao thì chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn càng cao; và ngược lại.
- Người sử dụng lao động đánh giá chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua mức độ đáp ứng các yêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp của lao động nông thôn qua đào tạo nghề khi tuyển dụng và sử dụng. Mức độ đáp ứng của lao động nông thôn qua đào tạo nghề đối với các yêu cầu của người sử dụng lao động sẽ phản ánh mức chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
(Bùi Hồng Đăng, 2017)
1.1.3. Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.