CHƯƠNG 4 GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGHỀ
4.2. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI TỪ
4.2.2. Giải pháp đối với cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn huyện Đại Từ
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tổ chức đào tạo
- Cần tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề để người học có cơ hội tiếp cận thực tiễn thông qua việc liên hệ đưa người học đến thăm quan, thực tập trải nghiệm, thực hành tại doanh nghiệp hay các đơn vị SXKD liên quan đến lĩnh vực nghề đào tạo. Các cơ sở dạy nghề cần chủ động hơn trong việc phối hợp như: thoả thuận về hợp tác đào tạo và cung ứng lao động qua đào tạo;
hợp đồng thuê mướn cơ sở vật chất của doanh nghiệp phục vụ trải nghiệm, thực hành hoặc thông qua ràng buộc về mặt chính sách giữa doanh nghiệp và địa phương khi doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư tại địa phương
- Việc xây dựng kế hoạch đào tạo phải dựa trên cơ ở chương trình đào tạo đã ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kế hoạch cần phải linh hoạt để phù hợp với điều kiện thực tế về đối tượng học nghề, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc thù nghề và thị trường lao động. Thông thường, đối với chương trình đào tạo những nghề phi nông nghiệp thì việc xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch có tính ổn định hơn; nhưng đối với những nghề nông nghiệp do quá trình thực hiện kế hoạch phụ thuộc một phần vào điều kiện tự nhiên nên cần có những điều chỉnh kế hoạch khi tổ chức thực hiện để các kế hoạch phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Thứ hai, nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên dạy nghề
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho toàn bộ giáo viên cơ hữu của các cơ sở dạy nghề tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia với nghề mà giáo viên đăng ký giảng dạy - Nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên thông qua việc kiểm tra, phân loại giáo viên.
- Linh hoạt trong việc áp dụng những quy định đối với giáo viên dạy nghề là thợ lành nghề, nghệ nhân để khuyến khích người giỏi nghề, có nhiều kinh nghiệm thực tế tham gia. Xây dựng tiêu chí thay thế để đánh giá năng lực sư phạm của họ như: số năm kinh nghiệm trong nghề hoặc số lao động đã được họ truyền nghề trong quá trình hành nghề… Đồng thời, cần tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt để thu hút lực lượng thợ giỏi nghề, nghệ nhân có kinh nghiệm tham gia giảng dạy.
Thứ ba: Nâng cao năng lực và tăng cường vai trò của các cán bộ quản lý đào tạo tại các cơ sở dạy nghề.
- Xây dựng các quy trình xử lý công việc trong từng hoạt động thuộc nội dung công việc, nhiệm vụ của các cán bộ quản lý. Việc tham gia đóng góp ý kiến của chuyên gia, những người có nhiều kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực sẽ giúp hoàn thiện các quy trình xử lý công việc và khi áp dụng theo đúng quy trình sẽ giảm sự phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thực hiện mà vẫn mang lại hiệu quả.
Khi đạt được những tiền đề phù hợp, các cơ sở dạy nghề nên có định hướng xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn phù hợp
- Để tăng tính chủ động và khả năng xử lý các tình huống trong công việc thì bản thân đội ngũ cán bộ quản lý phải nắm kỹ về nghiệp vụ thuộc công việc, chức trách đảm nhận. Do đó, cần đưa nhân tố này thành tiêu chuẩn trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và tổ chức kiểm tra đánh giá để phân loại và bố trí công việc phù hợp
Thứ tư: Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.
- Cần xác định mục tiêu đào tạo gắn với yêu cầu thị trường lao động. Để làm được điều này trong mỗi chương trình cần phải xác định mức độ kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ nghề nghiệp theo yêu cầu của phía đơn vị sử dụng lao động;
chương trình trước khi ban hành đưa vào sử dụng phải được sự đánh giá về tính hợp lý của ít nhất 3 bên: các đơn vị chuyên môn (các cơ sở giáo dục-đào tạo cùng cấp hoặc cấp cao hơn đã có kinh nghiệm trong đào tạo ngành, nghề cùng lĩnh vực), cơ quan quản lý về hoạt động đào tạo nghề và đại diện đơn vị đang sử dụng lao động nghề đào tạo.
- Với đặc thù lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ cao, một số lĩnh vực sản xuất trong nông nghiệp chỉ diễn ra ở thời điểm nhất định trong năm hoặc chu kỳ sản xuất kéo dài… nên sẽ khó khăn cho việc thực hiện các phần thực hành, thăm quan, trải nghiệm thực tế. Do đó, trong chương trình đào tạo cần căn cứ đặc thù nghề để xác định thời gian, phương pháp và hình thức đào tạo để quá trình đào tạo luôn gắn liền với thực tế lao động sản xuất.
- Thời gian qua, một số cơ sở dạy nghề còn coi nhẹ việc điều chỉnh chương trình đào tạo hoặc làm theo hình thức, chưa đi vào thực chất nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Do đó, các cơ sở dạy nghề cần chủ động xem xét đánh giá để điều chỉnh chương trình đào tạo tối thiểu 1 lần/năm với cả chương trình sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên. Kết quả tổ chức đánh giá chương trình đào tạo nên phối hợp với các đơn vị chuyên môn, cơ quan quản lý về đào tạo nghề và đại diện đơn vị sử dụng lao động đã từng đánh giá khi xây dựng chương trình đào tạo tham gia; nếu kết quả đánh giá cho thấy không còn phù hợp cần phải tiến hành điều chỉnh lại chương trình đào tạo.
Thứ năm: Bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu phù hợp với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Bổ sung kinh phí mua hay in ấn giáo trình, tài liệu để cấp phát đầy đủ cho người học với thực hiện với tất cả các môn học lý thuyết và modul thực hành. Số lượng và tên giáo trình, tài liệu phải thống nhất ngay trong chương trình đào tạo theo từng môn học, modul; đơn vị tổ chức đào tạo cần chủ động mua, biên soạn, in ấn trước khi mở lớp để kịp thời cấp phát cho người học trong quá trình tổ chức đào tạo
- Đa dạng hoá cách trình bày nội dung giáo trình, tài liệu; tập trung xây dựng các tài liệu hướng dẫn đi kèm dưới hình thức là những cuốn cẩm nang về nghề có hình vẽ minh hoạ, chỉ dẫn chi tiết, quy trình hoá công việc thành các bước cụ thể
Thứ sáu: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo
- Các cơ sở dạy nghề cần chủ động tự rà soát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cơ sở mình; so sánh với yêu cầu khi tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở tổng hợp kết quả đánh giá khả năng đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, tiến hành xây dựng kế hoạch đầu tư
mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nhiều cơ sở dạy nghề không có khả năng đáp ứng đủ mọi tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tất cả các nghề đang đào tạo. Do đó, cần xác định những nghề đào tạo có thế mạnh hoặc những nghề đang có nhu cầu đào tạo lớn để ưu tiên đầu tư trọng điểm. Mỗi cơ sở dạy nghề chỉ nên quy hoạch đầu tư trong điểm từ 3 đến 5 nghề, thay vì đầu tư dàn trải nhiều nghề như hiện nay
- Bên cạnh việc đầu tư, mua sắm mới cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học thì cần có kế hoạch bảo quản, sửa chữa, nâng cấp định kỳ cơ sở vật chất và trang thiết bị để kéo dài tuổi thọ sử dụng khai thác giúp giảm số lượng mua sắm, đầu tư mới và dành kinh phí mua sắm trang thiết bị còn thiếu.
Thứ bảy: Nâng cao hiệu quả của hoạt động dịch vụ người học
- Cơ sở dạy nghề cần xác định hoạt động tư vấn lựa chọn nghề học là yêu cầu bắt buộc trong quy trình tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuỳ điều kiện của cơ sở dạy nghề , chọn cử cán bộ hay thành lập 1 bộ phận làm nhiệm vụ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện công tác tư vấn cho lao động nông thôn lựa chọn nghề học; công tác tư vấn lựa chọn nghề học phải bám sát với quy hoạch chi tiết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.
- Ngoài việc thu nhập thông tin về thị trường lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người học nghề sau khi tốt nghiệp. Mỗi cơ sở dạy nghề cần phải thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động nông thôn do đơn vị mình đào tạo.