CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO CHO VAY
1.1.3 Nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nên có rất nhiều cách để phân loại ví như: nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, nguyên nhân từ phía khách hàng và nguyên nhân từ phía ngân hàng, nguyên nhân từ bên ngoài ngân hàng và nguyên nhân từ bên trong ngân hàng. Ở đề tài nghiên cứu này, tác giả sẽ nghiên cứu theo nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.
1.1.3.1 Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân khách quan là những nguyên nhân không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể liên quan tới hoạt động tín dụng (ngân hàng, khách hàng) như:
môi trường chính trị, môi trường xã hội, môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế, môi trường pháp lý, ….
+ Môi trường chính trị: Ngân hàng hoạt động trong tình hình chính trị bất ổn thì khó có thể hoạt động ổn định, đặc biệt là liên quan đến cấp tín dụng. Khi mà nguy cơ bạo loạn, nhà nước sụp đổ, chiến tranh, … có thể xảy ra bất cứ lúc nào thì ngân hàng khó có thể tập trung, yên tâm đầu tư vốn cho người đi vay. Việc bất ổn chính trị không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các thành phần kinh tế trong nước mà còn ảnh hướng tới các quốc gia có liên quan khác. Ví như, ở các khu vực
Trung Đông, tình hình chính trị căng thẳng, tranh giành lãnh thổ giữa các đảng phái dẫn đến chiến tranh, người dân không yên tâm tập trung sản xuất vì có thể bị đánh bom bất cứ lúc nào và người cho vay cũng không yên tâm khi không biết lúc nào tài sản đang thế chấp bị phá hủy. Người dân mất lòng tin vào sự điều hành của nhà nước, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước e ngại mất vốn, các DN khó chuyên tâm vào sản xuất hàng thì hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
+ Môi trường xã hội: Trong xu thế hội nhập giữa các nước trên thế giới ngày càng sâu và rộng thì mối quan hệ song phương và đa phương giữa các nước cũng ảnh hưởng tới tình hình kinh tế của các quốc gia. Việc thay đổi đối tác chiến lược của chính phủ, dẫn tới đường lối kinh tế thay đổi, ảnh hưởng tới các thành phần kinh tế trong xã hội trong đó có ngân hàng. Khi mà, lệnh cấm giao dịch với một quốc gia được ban hành, khi các nước khác sẽ e ngại trong quan hệ ngoại giao và kinh tế. Hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ hạn chế. Các DN chủ yếu xấu khẩu cho nước bị ban bố lệnh cấm sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác mới, ngân hàng sẽ rủi ro nếu như đã đầu tư vốn cho DN đó.
+ Môi trường tự nhiên: Những bất trắc đến từ thiên nhiên không lường trước được và ngoài tầm kiểm soát của con người ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế như thiên tai, bão lũ, hạn hán, dịch bệnh, … . Gần đây nhất là tình hình dịch bệnh COVID 19 bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc. Tính đến tháng 17/06/2020 dịch bệnh đã lây lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, số người thiệt mạng lên tới 377.515 người, thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỷ USD, các nước thực hiện cấm xuất nhập cảnh, hàng hóa ngưng trệ, việc cho vay các DN cũng bị ảnh hưởng theo, đặc biệt là các DN liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu.
+ Môi trường kinh tế: Nền kinh tế được cấu thành bởi rất nhiều thành phần kinh tế có mối tương hỗ nhau vì thế khi một thành phần của nền kinh tế bị ảnh hưởng thì các thành phần khác cũng bị ảnh hưởng có thể là cùng chiều hay ngược chiều. Theo nghiên cứu của PGS.TS Hoàng Thị Thanh Hằng và các cộng
sự (2019) thì nền kinh tế phát triển, tỷ lệ thất nghiệp giảm, khi người dân có thu nhập thì khả năng trả nợ khoản vay sẽ được đảm bảo hơn, rủi ro tín dụng sẽ giảm và ngân hàng sẽ trích lập dự phòng rủi ro ít hơn và theo chiều ngược lại. Khi nền kinh tế khủng hoảng, DN khó khăn, thu nhập người dân không đảm bảo, khả năng trả nợ không ổn định, rủi ro không trả được nợ là cao, khi rủi ro tín dụng tăng lên, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tăng theo.
+ Môi trường pháp lý: Môi trường kinh tế muốn hoạt động hiệu quả phải có sự đồng bộ, nhất quán trong đường lối, chính sách, pháp luật. Hơn nữa, với loại hàng hóa kinh doanh đặc biệt là tiền tệ thì môi trường pháp lý của ngân hàng cần phải được đảm bảo tuân thủ nhất quán khắt khe. Sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát và quản lý từ cơ quan địa phương tới trung ương, những khe hở của luật pháp, những bất nhất giữa các luật, các văn bản quy phạm pháp luật và dưới luật, bất cập trong việc thực hiện và thi hành pháp luật, không đi chung và tiếp cận vào dòng chảy của pháp luật quốc tế. Những vấn đề trên ảnh hưởng vô cùng lớn tới hoạt động kinh doanh ngân hàng, đặc biệt là rủi ro trong hoạt động tín dụng như người đi vay lừa đảo, trục lợi, chiếm đoạt tài sản, nhân viên ngân hàng tham ô, cố ý sai phạm, làm trái quy định, … Bên cạnh đó việc xử lý tài sản thế chấp còn phức tạp, nhiều thủ tục, tốn nhiều thời gian, nhân lực, … mà lại không hiệu quả.
1.1.3.2 Nguyên nhân chủ quan
Các nguyên nhân chủ quan gây ra rủi ro tín dụng chủ yếu đến từ hai phía là từ khách hàng và từ ngân hàng. Khách hàng đi vay ở đây có thể là cá nhân hoặc KHDN. Tuy nhiên đề tài chỉ tập trung nghiên cứu vào KHDN. Hơn nữa, tác giả xét nguyên nhân chủ quan đến từ khách hàng đi vay trên góc độ là ngân hàng đã cho vay và trong quá trình vay vốn thì xảy ra những rủi ro cho ngân hàng. Bởi quyền quyết định cho vay phụ thuộc vào ngân hàng.
Nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng từ khách hàng đi vay Năng lực điều hành, quản trị của Ban lãnh đạo doanh nghiệp
Mặc dù DN có tư cách pháp nhân (tức mọi quyết định hoạt động dựa trên tư cách tổ chức) song việc hoạt động kinh doanh cụ thể phụ thuộc vào ý chí cá nhân của ban lãnh đạo. DN có phát triển vững mạnh hay không phụ thuộc rất lớn vào đường lối chính sách, phương án kinh doanh của ban lãnh đạo. Việc đầu tư vốn vào những lĩnh vực nhiều rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận cao, sai mục đích vay vốn, không đúng thời điểm, khi gặp khó khăn chưa có quyết định kịp thời và phù hợp. Ban lãnh đạo chưa đủ năng lực và tầm nhìn để định hướng DN hoạt động ổn định, bền vững, … có thể dẫn đến việc doanh nghiệp thua lỗ và phá sản. Đến khi thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì che giấu, lừa đảo ngân hàng. Khi ngân hàng phát hiện thì lại không có thiện chí trả nợ. Dẫn đến ngân hàng không thu hồi được vốn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
Tình hình tài chính yếu kém, thiếu minh bạch
Tình hình tài chính yếu kém, thiếu minh bạch thể hiện qua BCTC của DN.
Việc quản lý tài chính của DN rất quan trọng, phải được ghi chép cụ thể, có sổ sách rõ ràng, trung thực thể hiện qua số liệu trên BCTC hàng năm. Vì vậy khi DN cung cấp cho ngân hàng BCTC thiếu sự trung thực, không phù hợp với tình hình thực tế của DN thì việc CBTD đánh giá sai khả năng tài chính, nguồn trả nợ của DN là điều tất yếu. Thực trạng tại Việt Nam hiện nay, hầu hết kế toán các DN đều không ghi chép cụ thể, rõ ràng và minh bạch, dẫn đến số liệu trên BCTC chỉ là số liệu “sổ sách” hình thức, mang tính chất đối phó nhiều hơn là thực chất. Đa phần DN tại Việt Nam hiện nay có quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ là trên sổ sách, không góp đủ, không rõ ràng minh bạch. Điều này phần nào cũng cho thấy có nhiều khe hở pháp luật. Dẫn đến, việc cho vay có TSĐB của ngân hàng luôn được ưu tiên, tài sản thế chấp xem như là chỗ dựa cuối cùng để phòng chống rủi ro tín dụng.
Nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng từ chính ngân hàng cho vay
Đường lối chính sách tín dụng, các quy trình, quy định liên quan tới công tác tín dụng do ngân hàng ban hành còn nhiều khe hở, lỏng lẻo, dẫn đến CBTD lợi
dụng, trục lợi cá nhân, gây ra hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Việc kiểm tra kiểm soát, giám sát các hoạt động tín dụng không được chặt chẽ, mang nặng tính hình thức. CBTD còn yếu kém năng lực trong việc đánh giá khách hàng, chưa am hiểu về ngành nghề và tình hình kinh doanh, chưa nắm vững các quy trình quy định, nghiệp vụ, không theo dõi sát sao trong hoạt động kinh doanh của DN, kiểm tra thường xuyên sau cho vay, không cập nhật thông tin khách hàng thường xuyên, ... dẫn đến tổn thất rất lớn cho ngân hàng.