CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO CHO VAY
1.2. QUẢN TRỊ RỦI RO CHO VAY KHDN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.2.1 Tổng quan về cho vay KHDN của ngân hàng
Để có khái niệm tổng quan về cho vay KHDN, tác giả đã dựa trên khái niệm “cho vay” và khái niệm “doanh nghiệp”.
Khái niệm cho vay
Theo khoản 16 điều 4 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2010: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”.
Theo điều 2 thông tư số 39/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”. Cũng theo điều này thì Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân.
Khái niệm doanh nghiệp
Theo khoản 7, điều 4 luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”.
Theo điều 1 luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014 doanh nghiệp bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Theo khoản 8 điều 4 luật doanh
nghiệp số 68/2014/QH13 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Theo khoản 1 điều 74 bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định như sau: Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Qua các khái niệm trên, theo quan điểm của tác giả cho vay KHDN là hình thức cấp tín dụng mà tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho KHDN một khoản tiền để phục vụ hoạt động kinh doanh trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Cụ thể cho vay KHDN có các đặc điểm chính sau:
+ Đối tượng khách hàng ở đây được hiểu là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh và có tư cách pháp nhân.
+ Mục đích vay vốn là phục vụ kinh doanh, có nghĩa là việc tổ chức vay vốn để thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
1.2.1.2 Phân loại cho vay KHDN
Tùy theo từng tiêu chí mà cho vay KHDN có nhiều loại khác nhau:
Căn cứ vào phương thức cho vay
Theo điều 27 thông tư số 39/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016, Tổ chức tín dụng thoả thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay như sau:
Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết thỏa thuận cho vay.
Cho vay hợp vốn: Là việc có từ hai tổ chức tín dụng trở lên cùng thực hiện cho vay đối với khách hàngđể thực hiện một phương án,dự án vay vốn.
Cho vay lưu vụ: Là việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay đối với khách hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp.
Cho vay theo hạn mức: Tổ chức tín dụng xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay từng lần. Một năm ít nhất một lần, tổ chức tín dụng xem xét xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này.
Cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng: Tổ chức tín dụng cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi mức cho vay dự phòng đã thỏa thuận. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng nhưng không vượt quá 01 (một) năm.
Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: Tổ chức tín dụng chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán. Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 (một) năm.
Cho vay quay vòng: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 01 (một) tháng, khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo nhưng thời hạn cho vay không vượt quá 03 (ba) tháng.
Cho vay tuần hoàn (rollover): Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng với điều kiện:
+ Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay;
+ Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh;
+Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng;
+ Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.
Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức cho vay quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và đặc điểm của khoản vay.
Căn cứ vào thời hạn cho vay:
Theo điều 10 thông tư số 39/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016, Tổ chức tín dụng xem xét quyết định cho khách hàng vay theo các loại cho vay như sau:
Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 (một) năm.
Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm.
Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 (năm) năm Căn cứ mục đích sử dụng vốn vay:
+ Cho vay đầu tư tài sản cố định: là cho vay để KHDN đầu tư vào tài sản cố định như: mua sắm, mở rộng, sửa chữa, duy tu, … tài sản cố định.
+ Cho vay bổ sung vốn lưu động: cho vay để KHDN bổ sung vốn lưu động trong quá trình kinh doanh như: mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán các chi phí ngắn hạn liên quan đến hoạt động kinh doanh, … .
Căn cứ vào mức độ tín nhiệm của KHDN:
+ Cho vay có TSĐB: là cho vay mà KHDN dùng tài sản có giá trị để đảm bảo cho số tiền được vay bằng các hình thức như: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký quỹ. Lúc này, cùng với việc ký hợp đồng vay vốn, KHDN ký hợp đồng đảm bảo bằng tài sản. Bản chất của hợp đồng bảo đảm bằng tài sản là khi KHDN không trả được nợ, ngân hàng sẽ có quyền được xử lý tài sản theo hợp đồng này để thu hồi nợ.
+ Cho vay 100% không có TSĐB: là cho vay mà chỉ dựa trên uy tín của KHDN nên không cần dùng tài sản nào để đảm bảo cho số tiền vay. Vì vậy, để KHDN được cho vay thì kèm theo các điều kiện như khách hàng truyền thống, có giao dịch lâu năm, có uy tín và thiện chí trong việc trả nợ, có phương án kinh doanh khả thi, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, có số dư tiền gửi lớn, có danh tiếng, … Tuy nhiên có những khoản vay không có TSĐB là vì mục tiêu công ích, xã hội, thường là những dự án cho vay theo chỉ định của Chính phủ.
Cho vay không có TSĐB mang nhiều rủi ro cho ngân hàng nên xu hướng của các ngân hàng đều là cho vay có TSĐB vì nó được xem như lá chắn phòng vệ cuối cùng của ngân hàng khi khách hàng không trả được nợ.
+ Cho vay có một phần đảm bảo bằng tài sản: là cho vay kết hợp giữa cho vay có TSĐB và cho vay không có TSĐB. Ví dụ: KHDN có tài sản để đảm bảo cho số tiền vay là 1 tỷ đồng, phần còn lại được ngân hàng cho vay không có tài sản đảm bảo là 1 tỷ đồng, số tiền vay được nhận nợ tối đa của KHDN là 2 tỷ đồng. Tùy thuộc vào các điều kiện cho vay của từng ngân hàng, cũng như tùy từng DN khác nhau mà tỷ lệ cho vay không có TSĐB trên số tiền vay được nhận nợ tối đa nhiều hay ít, song ngân hàng luôn muốn tỷ lệ này là thấp nhất để rủi ro cho ngân hàng là thấp nhất.