Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Kinh nghiệm liên kết và tiêu thụ chè của một số địa phương
* Kinh nghiệm của huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên
Tỉnh Thái Nguyên là một trong những vùng chè trọng điểm của cả nước. Với ưu đãi về thổ nhưỡng đất đai, nguồn nước, thời tiết khí hậu, rất phù hợp cho cây chè phát triển. Cùng với đó, người làm nghề chè tỉnh Thái Nguyên có kỹ thuật chăm sóc, thu hái và chế biến chè rất tinh xảo, bằng những công cụ chế biến thủ công, truyền thống, đã tạo nên những sản phẩm chè đặc trưng “Chè Thái Nguyên”.
Mặc dù việc tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu chè Đồng Hỷ là vấn đề không nhỏ đặt ra với ngành sản xuất, chế biến chè của huyện Đổng Hỷ nhưng công việc phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đa dạng sản phẩm, được đặc biệt quan tâm, ngay cả đến việc tạo dựng hình ảnh và danh tiếng cho thương hiệu chè “Trại Cài ”. Cùng với nhãn hiệu Tập thể Chè Thái Nguyên và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, sản phẩm chè “Trại Cài”
(Đồng Hỷ) - một trong những vùng chè đặc sản của tỉnh, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng chè Thái Nguyên nói chung và chè Đồng Hỷ nói riêng. (nguồn baothainguyen.vn - Định hướng cho phát triển cây chè).
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chế biến chè nhằm tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí đầu vào và bảo vệ môi trường. Xác định hoa học công nghệ là nền tảng, động lực phát triển theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tăng cường ứng dụng công
nghệ sinh học về giống mới, phân bón, thuốc trừ sâu, chế phẩm sinh học trong sản xuất chè an toàn.
Thực hiện chuyển đổi giống chè làm khâu đột phá để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế cây chè. Chuyển đổi giống mới và ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để sản xuất chè theo hướng an toàn vào sản xuất đã đem lại lợi thế nhất định và càng củng cố vị trí số 1 về chất lượng sản phẩm chè xanh của Thái Nguyên nói chung và huyện Đồng Hỷ nói riêng đối với người tiêu dùng trong nước.
Từng bước xây dựng mối quan hệ gắn bó với khách hàng trong và ngoài nước, từng bước đầu tư ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản phẩm. Đối với những cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, đầu tư theo hướng kết hợp trang thiết bị chế biến công nghiệp công nghệ tiên tiến, quy mô công suất phù hợp với chế biến bán công nghiệp, thủ công tinh sảo để tạo ra sản phẩm đặc sản truyền thống. Đổi mới và thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; lồng ghép với chính sách đầu tư tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và các nguồn lực khác.
* Kinh nghiệm của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
Huyện Bắc Quang có trên 5,8 nghìn ha chè. Trong đó, diện tích thu hoạch đạt gần 5,3 nghìn ha, cho sản lượng chè búp tươi trên 26 nghìn tấn/năm. Đồng thời, tại địa phương đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung với tổng diện tích 4.077,1 ha, cho sản lượng chiếm 76% tổng sản lượng chè toàn huyện. Không những vậy, nhiều năm qua, việc triển khai sản xuất 679,7 ha chè theo quy trình VietGAP trên địa bàn huyện đã chứng minh giá trị kinh tế-xã hội thiết thực góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng. Và giá thành sản phẩm chè búp tươi VietGAP luôn cao hơn so với chè búp tươi sản xuất truyền thống từ 2 đến 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đã đầu tư vốn để đổi mới thiết bị, dây chuyền chế biến hiện đại với công suất lớn
nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, điển hình như: Công ty TNHH Trà Hoàng Long hay Công ty Cổ phần Chè Hùng An với công suất chế biến lên đến 100 tấn và 150 tấn chè búp tươi/ngày,..(Nguồn báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và định hướng phát triển cây chè của huyện Bắc Quang năm 2017)
Song song với mục tiêu trên, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, hướng dẫn nhân dân thực hiện phân vùng nguyên liệu chè; giao vùng nguyên liệu cho các đơn vị chế biến quản lý, chủ động đầu tư sản xuất, phát triển bền vững vùng nguyên liệu chè. Theo đó, 77 cơ sở chế biến/10 xã, thị trấn đã thực hiện phân vùng nguyên liệu chè với tổng diện tích 2.855 ha/3.636 hộ tham gia. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp như Công ty: TNHH Trà Hoàng Long, Cổ phần Chè Hùng An, Nhà máy chè Hùng Thắng được phân vùng nguyên liệu từ 50 đến 250 ha chè. Việc làm này sẽ từng bước đáp ứng yêu cầu ổn định sản xuất khi các nhà máy, cơ sở chế biến đảm bảo nguyên liệu hoạt động, đáp ứng yêu cầu thị trường về sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Gắn liền với hoạt động trên, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đặc biệt coi trọng việc thực hiện công tác chuyển đổi từ sản xuất hộ đơn lẻ, quảng canh sang liên kết, hình thành các cơ sở tổ hợp tác, HTX sản xuất chè an toàn theo hình thức tập trung, khép kín (từ tổ chức, chỉ đạo sản xuất đến khâu dịch vụ đầu vào, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) gắn với từng vùng sản xuất chè theo quy trình VietGAP; nhằm tổ chức lại sản xuất, tăng cường gắn kết cơ sở chế biến liên kết với vùng sản xuất chè búp tươi chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Từ đó, phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm chè có chất lượng và giá trị cao nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững. Đồng thời, nỗ lực thực hiện đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để phát triển thị trường tiêu thụ, tăng cường kết nối, thu hút doanh nghiệp, cơ sở đầu mối tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
* Kinh nghiệm của công ty chè Sông Lô, Tuyên Quang
Chè Sông Lô đã trở thành thương hiệu có một uy tín trên thị trường và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Công ty đã tiến hành cải tiến, thay thế một số thiết bị góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè đen xuất khẩu.
Cụ thể, đầu tư hộc héo tự nhiên để thay máy héo; đầu tư một số máy sàng phân loại để nâng cao năng suất sàng cũng như chất lượng sản phẩm; cải tiến một số máy cắt, bẻ chè… Do xác định được chất lượng chè là khâu then chốt để từ đó khẳng định thương hiệu chè Sông Lô trên thị trường trong nước và quốc tế, Công ty tổ chức triển khai đồng loạt các giải pháp như: phát triển cây chè, tận dụng vùng nguyên liệu của dân, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật phụ trách từng vùng nguyên liệu, hướng dẫn bà con cách trồng chăm sóc và thu hoạch chè đúng quy trình kỹ thuật. (Nguồn baotuyenquang.com.vn- Công ty chè Sông Lô đồng hành cùng người dân để phát triển bền vững)
Trên diện tích đất trồng chè do công ty sở hữu, công ty đã giao khoán cho các hộ nông dân có nguyện vọng nhận đất sản xuất của công ty, hình thành nền các đội sản xuất của công ty. Hiện nay, công ty có 12 đội sản xuất trên diện tích đất trồng chè của công ty trên địa bàn các xã. Mặt khác, xí nghiệp cung ứng vật tư của công ty cũng nhận khoán đất để trồng chè bán cho công ty. Bên cạnh đấy, công ty cũng đã ký hợp đồng với các hộ nông dân có đất với hình thức công ty hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV cho hộ, hộ nông dân sản xuất chè và bán lại toàn bộ khối lượng sản phẩm chè búp tươi thu hái được cho công ty. Hình thức này đã cung cấp một khối lượng nguyên liệu đáng kể, giúp cho việc sản xuất chè của công ty ổn định và hiệu quả.
* Kinh nghiệm của huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ
Phú Thọ là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn, toàn tỉnh hiện có 18,2 nghìn ha (năm 2017), trong đó diện tích chè kinh doanh 16,4 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 10,3 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 152 nghìn tấn.
Thanh Ba là huyện giàu tiềm năng đất đai cây chè đã và đang khẳng định vai trò, vị thế là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần giải quyết việc
làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân khu vực nông thôn, miền núi. Để đạt được những thành công đó, huyện Thanh Ba đã nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển cây chè theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu.(Nguồn báo phutho.gov.vn - Giải pháp bền vững phát triển chè Phú Thọ)
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè. Đặc biệt tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến chè, kiên quyết xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất, chế biến theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan ban ngành và các hộ gia đình, doanh nghiệp chè tiến hành rà soát diện tích trồng chè, quy hoạch vùng nguyên liệu, thay thế những giống chè cũ năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn; đẩy mạnh sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP... Đồng thời, tích cực đổi mới công nghệ chế biến, tăng cường quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao giá trị và thu nhập từ ngành chè.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ, đẩy mạnh vai trò hoạt động của các hợp tác xã sản xuất chè đã có và tiếp tục phát triển các hợp tác xã mới. xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã sản xuất chè; tổ hợp tác dịch vụ về giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tổ chức sản xuất theo chuỗi, đảm bảo quản lý chất lượng an toàn, và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm trong sản xuất chè nguyên liệu phục vụ nhà máy.