1.3 Vai trò, mô hình hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam
1.3.2 Mô hình hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử
Hiện nay mô hình hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử ở nước ta bao gồm các mô hình chủ yếu sau:
- Các sàn giao dịch điện tử được tổ chức theo mô hình trung tâm thương mại hoặc chợ điện tử, nơi các thành viên được mở gian hàng trực tuyến và có quyền quản lý, cập nhật thông tin, hình ảnh trên các gian hàng đó (ví dụ: chodientu, enbac, vatgia, 123mua,…). Hàng hóa được trưng bày giới thiệu với thông tin chi tiết từng sản phẩm, tạo nên sự đa dạng và sự lựa chọn phong phú cho khách hàng có nhu cầu.
- Các website cung cấp dịch vụ kinh doanh theo nhóm, nơi nhiều doanh nghiệp có thể thông qua website tiến hành hoạt động truyền thông, tiếp thị và trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng (muachung, muare, bookdeal, v.v…).
Từng nhóm hàng hóa được sắp xếp theo thông tin sản phẩm, chủng loại, chi tiết nhà sản xuất và địa chỉ liên hệ. Ở mô hình này khách hàng sẽ dễ dàng lựa chọn dòng sản phẩm, dịch vụ phù hợp.
- Các website rao vặt, diễn đàn, nơi thành viên có thể đăng ký tài khoản và đưa thông tin về nhu cầu mua bán ở dạng đơn giản như tin rao vặt hay chủ đề thảo luận (rongbay, nhavadat, v.v…). Những ai, khách hàng có nhu cầu mua, bán một loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ đơn lẻ mà không muốn đầu tư nhiều và không có thời gian đi giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của mình thì những website rao vặt như trên tỏ ra khá hiệu quả, chỉ với vài thao tác đơn giản, chi phí rẻ mà khách hàng có thể đăng tải thông tin về hàng hóa, dịch vụ của mình lên hệ thống thông tin mạng.
Từ đó những người cũng có nhu cầu tương tự sẽ gặp nhau để trao đổi, mua bán hàng hóa.
- Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định. Quá trình mua bán hàng hóa cùng với gia tăng nhu cầu mua bán hàng qua website dưới nhiều hình thức khác nhau để kịp thời điều chỉnh loại hình mua bán hàng hóa phát sinh thì Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, ban hành quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ mua bán mới phát sinh nhằm đảm bảo trật tự, an toàn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp các bên trong hoạt động thương mại điện tử.
- Các Website hoạt động theo phương thức sở giao dịch hàng hóa: thì “phải có giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa và tuân thủ các quy định pháp luật về sở giao dịch hàng hóa”10. Quy định của pháp luật nhằm không loại trừ khả năng các sàn giao dịch phát triển với quy mô lớn, đáp ứng đủ điều kiện để thiết lập website thương mại điện tử, trên đó cho phép người tham gia tiến hành mua bán hàng hóa theo phương thức của sở giao dịch hàng hóa. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển diễn ra ở mọi lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người thì mua bán hàng hóa theo phương thức của sở giao dịch hàng hóa sẽ sớm gia tăng trong tương lai. Để website hoạt động theo phương thức sở giao dịch hàng hóa thì phải có giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa và tuân thủ các quy định pháp luật về sở giao dịch hàng hóa.
Đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa của khách hàng ở nhiều nơi, nhiều quốc gia thì hình thức buôn bán này sẽ có cơ hội phát triển một khi sàn giao dịch thương mại điện tử phát triển đến giai đoạn nhất định, mở rộng phạm vi hoạt động trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới. Do việc mua bán dưới phương thức Sở giao dịch hàng hóa khá phức tạp, nhiều quy định, số lượng hàng hóa lớn, điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa đòi hỏi “vốn pháp định là 150 tỷ đồng trở lên”11 và sở giao dịch hàng hóa điều hành việc mua bán hàng hóa nên phải quy định cụ thể cơ chế giám sát, kết nối thông tin giao dịch giữa cơ quan quản lý nhà nước với sở giao dịch hàng hóa và các yêu cầu khác về hoạt động của website hoạt động theo phương thức sở giao dịch hàng hóa, để đảm bảo hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra phù hợp quy định pháp luật.
10 Điều 35, khoản 3, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 về thương mại điện tử
11 Điều 8, Luật thương mại 2005
Năm 2013 Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ công thương đã tiến hành tổng hợp thông tin từ một số đơn vị tiêu biểu. Kết quả khảo sát cho thấy tại Việt Nam ước tính giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm 2013 đạt khoảng 120 USD. Sản phẩm được mua sắm tập trung vào các mặt hàng như “thời trang, mỹ phẩm (62%), đồ công nghệ và điện tử (35%), đồ gia dụng (32%), vé máy bay (25%) và một số các mặt hàng khác”12.
Kết quả khảo sát của Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin trong nhóm đối tượng mua sắm trực tuyến năm 2013 cho thấy 61% người mua hàng trực tuyến mua sắm qua các website bán hàng, 51% mua qua các website mua hàng theo nhóm, 45% mua qua các diễn đàn xã hội, 19% mua qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và 6% trả lời mua hàng qua các ứng dụng cài đặt trên mobile.
Theo thống kê cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử đến hết năm 2013, “trong số 116 website đã được xác nhận đăng ký có 90 website cung cấp dịch vụ thương mại điện từ theo mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử, 13 website thương mại điện tử hoạt động theo mô hình website khuyến mại trực tuyến, 13 website thương mại điện tử hoạt động theo mô hình kết hợp”13.
Từ số liệu thồng kê năm 2013 của Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công thương cho thấy sự phát triển khá mạnh mẽ của loại hình hoạt động thương mại điện tử mà chủ yếu là loại hình website cung cấp dịch vụ theo mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng mức độ sử dụng của khách hàng, mua sắm trên sàn giao dịch chưa cao mà chủ yếu qua các website bán hàng trực tuyến.
Điều này có thể thấy nhu cầu mua hàng hóa của người dân khá cao nhưng để thu hút khách hàng thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải xây dựng uy tín thương hiệu hàng hóa, sản phẩm dịch vụ kèm theo chế độ thanh toán trực tuyến nhanh gọn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ, chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng thường xuyên.
12 Bộ Công Thương, Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam, năm 2013
13 Bộ Công Thương, Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam, năm 2013
Kết luận Chương 1
Trong Chương 1, tác giả đã phân tích làm sáng tỏ khái niệm về sàn giao dịch thương mại điện tử, mô hình tổ chức cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là các quy định của pháp luật buộc doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành trong hoạt động kinh doanh của mình và hậu quả pháp lý bất lợi, phải chịu các chế tài của pháp luật nếu như không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
Phân tích một số nguyên tắc đặc thù có tác động đến hoạt động thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử với những ưu điểm của nó trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tác giả cũng phân tích các nhu cầu kiện toàn công tác quản lý, quy định chế tài xử lý vi phạm của Nhà nước áp dụng đối với doanh nghiệp, cũng như kết hợp với nhu cầu chính đáng của nhân dân tạo môi rượng kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.