CHƯƠNG 2. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ SÀN GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM
2.1 Cơ sở pháp lý đối với hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử
2.1.1 Các văn bản pháp luật quy định về thương mại điện tử
Cùng với phát triển nền kinh tế trong nước, hội nhập nền kinh tế thế giới.
nhu cầu phát triển mua bán hàng hóa, giao thương giữa các khách hàng trong nước với nhau, giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào hoạt động mua bán hàng hóa, xúc tiến thương mại đặt ra yêu cầu xây dựng khung pháp lý điều chỉnh hoạt động mua bán, giao dịch dưới hình thức mới thông qua hoạt động thương mại điện tử. Từ đó thương mại điện tử đã được nhắc tới trong những văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, thể hiện chủ trương phát triển thương mại điện tử như một phương thức quan trọng thúc đẩy kinh tế trong nước và hội nhập với thế giới.
- Ngày 15-9-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010” (222/2005/QĐ- TTg). Quyết định 1073/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011- 2015”
- Luật giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/3/2006, với 8 chương, 54 điều quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Luật Giao dịch điện tử thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử được sử dụng trong các quan hệ dân sự, thương mại và hành chính; dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử đồng thời cụ thể hóa các quy định áp dụng cho hợp đồng điện tử và các giao dịch điện tử của khối cơ quan nhà nước.
- Luật thương mại
Luật Thương mại được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 là văn bản pháp lý điều chỉnh các hoạt động thương mại, trong đó có Điều 15 Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu “Trong
hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản”.
- Bộ luật dân sự
Bộ luật dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác;
quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tại khoản 1, điều 124 Hình thức giao dịch dân sự của Bộ luật dân sự quy định “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản”.
- Luật Hải quan
Luật Hải quan được Quốc hội thông qua năm 2001, sửa đổi bổ sung ngày 14/06/2005 quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu, có bổ sung một số quy định về trình tự khai hải quan điện tử, địa điểm khai, hồ sơ hải quan điện tử, khuyến khích tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tham gia xây dựng, thực hiện giao dịch điện tử và hải quan điện tử.
- Luật sở hữu trí tuệ
Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 thể hiện một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ có một số điều khoản liên quan đến thương mại điện tử như quy định về các hành vi bị xem là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường điện tử như cố ý hủy bỏ, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm, dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
- Luật Công nghệ thông tin
Luật Công nghệ thông tin được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006. Luật gồm 6 chương 79 điều quy định về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Các văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử
- Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2006 về thương mại Điện tử quy định việc sử dụng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại, giá trị pháp lý của chứng từ điện tử làm cơ sở cho các giao dịch thương mại điện tử diễn ra trong thực tế được pháp luật thừa nhận.
- Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về Chữ ký số và Dịch vụ chứng thực chữ ký số . Điều 8 Nghị định về Chữ ký số và Dịch vụ chứng thực chữ ký số đã chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký số trong các giao dịch điện tử.
- Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Nghị định này ra đời nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết để hình thành và phát triển một môi trường giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả.
- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đây là văn bản hướng dẫn đồng thời Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin với phạm vi rất rộng, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư cho ứng dụng và hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước, trong giao dịch của cơ quan nhà nước với tổ chức và cá nhân; hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính và bảo đảm công khai, minh bạch
- Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.
Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam.
Khuyến khích việc ứng dụng Internet trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để nâng cao năng suất lao động; mở rộng các hoạt động thương mại; hỗ trợ cải cách hành chính, tăng tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn pháp luật về Internet. Có biện pháp để ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm các quy định của pháp luật và để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của Internet. Do lĩnh vực internet có sức ảnh hưởng rộng lơn,
lan truyền thông tin nhánh chóng nên Điều 6 của Nghị định quy định nghiêm cấm hành vi lợi dụng internet để tuyên truyền chống phá nhà nước, đánh cắp thông tin, gây rối, tạo ra phần mếm máy tính gây hại… sự phát triển công nghệ sẽ kéo theo tội phâm công nghệ cao gia tăng. Từ đó cần tiếp tục bổ sung quy định pháp luật và cần có sự tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.
- Thông tư số 46/2010/TT-BCT ngày 31tháng 12 năm 2010 quy định về quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
Thông tư này quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động của các website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam thiết lập để bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, điều chỉnh hoạt động website dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, quy định điều kiện thành lập, đăng ký, công bố thông tin hoạt động, làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát.
Quy định 7 nhóm hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, trách nhiệm các bên tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Thông tư ra đời hướng dẫn kịp thời hoạt động dịch vụ liên quan sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng vẫn chưa đầy đủ, các hành vi nghiêm cấm, chưa bao quát hết hoạt động thương mại điện tử diễn ra trên thực tế nên cần bổ sung trong thời gian tiếp theo.
- Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 quy định quy định về việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động thương mại điện tử (thay thế nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2006 về thương mại điện tử)
Nghị định quy định cụ thể ba cấp độ quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử. Điểm nổi bật trong nội dung của Nghị định là việc phân chia các loại hình website thương mại điện tử nhằm tạo điều kiện cho công tác quản lý. Theo đó, các website thương mại điện tử được phân chia thành website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Tiếp đến, các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lại được chia thành: sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến và website đấu giá trực tuyến.
Quy định tại Điều 4 về các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử, trong đó liệt kê cụ thể nhóm hành vi phạm về hoạt động kinh doanh, về thông tin, giao dịch trên website thương mại điện tử và các vi phạm khác. Những quy định này là nhằm ngăn chặn những loại hình kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thương mại điện tử.
- Thông tư số 12/2013/TT-BCT ngày 20 tháng 6 năm 2013 quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử (thay thế Thông tư số 46/2010/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2010)
Theo đó, có 03 đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư: Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng; thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; thương nhân, tổ chức hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử.
Tại Thông tư này, Bộ Công Thương quy định rõ đối tượng đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải là thương nhân hoặc tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, có website thương mại điện tử cung cấp ít nhất 01trong 03 dịch vụ sau: Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ khuyến mại trực tuyến, dịch vụ đấu giá trực tuyến.
Việc tiếp nhận, xử lý thông báo website thương mại điện tử bán hàng và hồ sơ đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử cũng được thực hiện tương tự trên Cổng Thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ công thương. Quy định trong thông tư khá đầy đủ bao gồm trách nhiệm đăng ký của các nhà cung cấp dịch vụ, nghĩa vụ báo cáo theo quy định như Điều 13 khoản 3 quy định để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước hoặc làm rõ thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân theo quy định, tại Điều 24 Thông tư này, thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có nghĩa vụ giải trình và cung cấp thông tin về các hoạt động trên website của mình khi được Bộ Công Thương yêu cầu. Vấn đề đảm bảo quyền lợi của khách hàng, thành viên tham gia là hợp lý nhưng cũng cần xem xét kỹ vì môi trường internet rất dễ lan truyền thông tin, nếu có đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, tố cáo thông tin sai sự thật, cố tình phá hoại tung tin làm thiệt hại uy tín của doanh nghiệp chân chính thì phải xử lý nghiêm.
- Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nghị định gồm 04 chương và 107 điều, quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghị định 185/2013/NĐ-CP ra đời đã thay thế hàng loạt Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Nghị định 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2008/NĐ-CP; Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá; Nghị định số 76/2010/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP; Nghị định số 19/2012/NĐ-CP ngày 16/3/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 08/2013/NĐ-CP ngày 10/01/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Việc ra đời nghị định 185/2013 thay thế một loạt các nghị định xử lý vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực và gom chung lại trong một nghị định có ý nghĩa quan trọng cho thấy quan điểm xử lý nghiêm của cơ quan nhà nước đối với hành vi vi phạm pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động thương mại. Và nghị định dành mục 11 từ điều 81 đến điều 85 để xử phạt các hành vi vi phạm về thương mại điện tử, các quy định xử phạt ở các điều luật khá cụ thể, chi tiết có thể mục đích nhà làm luật là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đúng luật trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp các bên.
Nhưng có một số điểm có vẻ hơi nghiêng về phía khách hàng mà thiệt thòi cho nhà cung cấp dịch vụ vì hệ thống đường truyền internet thường xuyên có sự cố dẫn đến mất thông tin, dữ liệu hoặc nếu thành viên đăng nhập hay giao dịch cùng lúc thì dễ xảy ra lỗi chương trình kết nối khi đó nếu do nguyên nhân khách quan mà nhà cung cấp dịch vụ đã cố gắng khắc phục thì không nên xử lý.
Hình phạt bổ sung ở các quy định trong nghị định là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, việc hướng dẫn xử lý số lợi bất hợp pháp này sẽ do Bộ tài chính hướng dẫn nhưng cần phải có hướng dẫn rõ ràng về số lợi bất hợp pháp là như thế nào, số lợi bất hợp pháp là vật chất hay tiền cụ thể, nếu số lợi này phát sinh lãi, phát sinh ra nhiều tài sản khác thì xử lý như thế nào.
Một vấn đề trong nghị định khi nghiên cứu thấy chưa hợp lý là tại Điều 82 khoản 5 Hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử quy định phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử
b) Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân
c) Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh
Các hành vi quy dịnh tại Điều 82 khoản 5 này khi phát hiện hành vi vi phạm thì đều rơi vào quy định tại Bộ luật hình sự nên nếu quy định nối tiếp là chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ hành vi vi phạm nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển trả xử lý vi phạm hành chính thì hợp lý hơn.