Chương 2: Chương 2: Quy định về tội phạm khủng bố trong Luật Hình sự Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật
1.1. Khái niệm khủng bố
1.1.1. Một số quan niệm trên thế giới về khủng bố.
Trong lịch sử xã hội, hoạt động khủng bố đã có từ lâu, nhưng thế kỷ XVIII nhìn chung vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia. Thế kỷ XIX, hoạt động khủng bố bắt đầu vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Từ những năm 1940 đến năm 1960, khủng bố bắt đầu diễn ra ở quy mô lớn, từ năm 1990 đến nay đã phá hoại nghiêm trọng hòa bình, ổn định và sự phát triển trên thế giới. Mặc dù hoạt động khủng bố đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất trên phạm vi toàn cầu về “khủng bố” cũng như “chủ nghĩa khủng bố”.
Cuối thế kỷ XVII, ở Châu Âu xuất hiện thuật ngữ “khủng bố” (terror) chỉ hành vi đe dọa, làm cho người khác sợ hãi để đạt được ý đồ và người có hành vi gây ra sự khiếp sợ, kinh hoàng cho người khác được gọi là kẻ khủng bố (terorist).
“Việc sử dụng thuật ngữ “khủng bố”, “kẻ khủng bố” này được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1795, liên quan đến chính quyền Terreur (chính quyền cách mạng tại Pháp trong giai đoạn cách mạng Pháp diễn ra từ tháng 9/1793 đến tháng 7/1794)” [80 - tr.19,20]. Để tấn công thù trong giặc ngoài, chính quyền Pháp do Ủy ban an ninh công cộng lãnh đạo đã thiết lập một chế độ độc tài (rất nhiều người đã bị Tòa án cách mạng kết án tử hình) và tiến hành các biện pháp kinh tế hà khắc. “Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ “kẻ khủng bố” theo nghĩa là kẻ chống chính quyền chỉ được sử dụng từ năm 1878 - 1881 bắt đầu từ nước Nga Sa hoàng rồi lan ra Châu Âu và Mỹ. Khái niệm này được người ta dùng để chỉ những kẻ chống chính quyền với triết lý và lý tưởng vô chính phủ, phủ nhận nhà nước, các đạo luật do nhà nước ban hành và tài sản của công dân” [36- tr.3,4].
Như vậy, thuật ngữ “khủng bố” ban đầu được nhân loại nói chung sử dụng để chỉ hành vi đàn áp của chính quyền, của chế độ thực dân hay xâm lược. Sau
này, người ta sử dụng nó để chỉ cả các hành vi của các nhóm đối lập chống chính quyền.
Trên thực tế, hầu hết các nhà nghiên cứu đều tin rằng không bao giờ người ta đạt được một định nghĩa khách quan và toàn diện nhất để từ đó được quốc tế chấp nhận về khủng bố. Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 chỉ như khơi lại một vấn đề tưởng chừng đã bị chìm đi trong cơn lốc toàn cầu hóa kinh tế. Khi vụ khủng bố này xảy ra, người Mỹ và nhân loại đã bừng tỉnh khi nhận ra cùng với toàn cầu hóa về kinh tế, bạo lực (trong đó có khủng bố) cũng được toàn cầu hóa, ngày càng có những diễn biến phức tạp và khó lường.
Trên phạm vi toàn thế giới hiện có tới 13 điều ước phổ cập và 7 điều ước khu vực trực tiếp liên quan đến khủng bố nhưng không có văn kiện nào đưa ra được một định nghĩa thống nhất về khủng bố, đây vẫn là một vấn đề lý luận đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách cần nghiên cứu giải quyết đối với tất cả quốc gia và dân tộc do đó việc cộng đồng quốc tế chưa thể đi đến một ĐƯQT toàn diện về chống khủng bố một mặt phản ánh sự khó khăn của việc định nghĩa nhưng mặt khác quan trọng hơn nó phản ánh nhu cầu cần phải có một định nghĩa thống nhất để công tác phòng, chống khủng bố có thể đạt hiệu quả cao hơn.
Có thể nói rằng khủng bố là một vấn đề xã hội đã xuất hiện từ rất lâu và được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn chưa có một văn bản nào đưa ra một định nghĩa thống nhất về khủng bố. Vấn đề này xuất phát từ những quan điểm khác nhau giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới từ khi có hoạt động khủng bố đến nay. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 100 khái niệm về hoạt động khủng bố. Vấn đề này đã gây bất đồng giữa các quốc gia với nhau và cũng gây không ít khó khăn trong hợp tác, phòng chống khủng bố và việc tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các tổ chức khủng bố cũng như các hoạt động của chúng. Hiện có không ít quốc gia đã đưa ra quan niệm về khủng bố và hoạt động khủng bố, tiêu biểu là:
- Theo quan niệm của Mỹ, với lập luận “không có khái niệm khủng bố nào nhận được sự thừa nhận rộng rãi”, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lấy khái niệm trong
Mục 22 Bộ luật Liên Bang đoạn 2656f(d) về khủng bố như sau: “là hành vi bạo lực có chủ ý và mục đích chính trị nhằm vào các mục tiêu không tham chiến do một nhóm vô chính phủ - tiểu quốc gia hoặc các tổ chức bí mật tiến hành và luôn nhằm mục đích gây ảnh hưởng tới những người chứng kiến”, “khủng bố quốc tế là khủng bố nhằm vào công dân hoặc lãnh thổ từ hai quốc gia trở lên”, nhóm khủng bố được coi là “nhóm thực hiện hoặc có những nhóm nhỏ quan trọng thực hiện hành động khủng bố”[36 - tr.6].
- Theo quan niệm của Anh, “Khủng bố là việc sử dụng hay đe dọa sử dụng:
(a) bạo lực nhằm vào con người hay gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản hay gây nguy hiểm đối với tính mạng của người khác ngoài người thực hiện hành động đó hay gây nguy hại hay an toàn của công chúng ; (b) sử dụng hoặc đe dọa sử dụng nhằm gây ảnh hưởng với một chính quyền hay để hăm dọa công chúng hoặc một bộ phận công chúng ; và (c) sử dụng hoặc đe dọa sử dụng nhằm mục đích thúc đẩy mục tiêu tư tưởng hay tôn giáo hay chính trị” - Luật chống khủng bố, năm 2000 [36 - tr.5].
- Khái niệm của LHQ: Xét về mặt pháp lý, LHQ là cơ quan có khả năng đưa ra được một khái niệm khách quan về khủng bố hơn bất kỳ chủ thể nào khác.
Nhưng Tổng thư ký LHQ cũng đã phải thừa nhận việc đưa ra một khái niệm về khủng bố là một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với tổ chức quốc tế này nhưng đó là một khó khăn bắt buộc phải vượt qua. Trên thực tế, trong suốt hơn 30 năm qua, LHQ đã có nhiều nỗ lực để có được một khái niệm chung về khủng bố, nhưng cũng chưa mang lại kết quả khả quan nào do sự bất đồng chính trị giữa các quốc gia về việc phân biệt giữa khủng bố và các phong trào giải phóng dân tộc. Gần đây nhất, trong báo cáo của Nhóm hoạch định chính sách của LHQ về khủng bố, đã đưa ra một khái niệm khá chung về khủng bố: “khủng bố là thực hiện hoặc có ý đồ thực hiện hành vi xâm phạm các nguyên tắc pháp luật, trật tự, quyền con người và nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế vốn là nền tảng tạo lập nên thế giới”[35 - tr.21]. Khái niệm này xuất phát từ góc độ coi khủng bố là mối hiểm họa đe dọa tấn công vào các nguyên tắc nền tảng và sứ
mệnh chính của LHQ.Tuy nhiên, chính những người đưa ra khái niệm này cũng công nhận là họ “không cố gắng đi đến một khái niệm toàn diện về khủng bố”
[36 - tr.6].
Qua một số quan niệm trên của cộng đồng quốc tế về tội phạm khủng bố ta có thấy rõ một điều là mặc dù hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chung nhận thức về tính chất nguy hiểm cũng như sự cần thiết hợp tác đấu tranh ngăn ngừa và trừng trị các hành vi khủng bố quốc tế, nhưng một vấn đề tồn tại lớn hiện nay là vẫn chưa ra được một khái niệm chung như thế nào là tội phạm khủng bố. Điều này xuất phát từ chính sự khác biệt về chế độ chính trị, các quan niệm pháp lý, đặc điểm lịch sử, vị trí và sự ảnh hưởng của mỗi quốc gia trên thế giới và trong khu vực…và còn xuất phát từ chính tính chất nhạy cảm của vấn đề khủng bố liên quan đến các lợi ích quốc gia và dân tộc của mỗi nước khi đặt ra vấn đề khủng bố và chống khủng bố. “Không ngoại trừ trong nhiều trường hợp,
“chống khủng bố” đã trở thành một chiêu bài chính trị, bị một số thế lực trên thế giới lợi dụng, bóp méo xuyên tạc để đạt được các tham vọng chính trị cũng như những quyền lợi kinh tế, và trong trường hợp đó, chống khủng bố sẽ trở thành cái cớ để tiến hành chiến tranh xâm lược hoặc can thiệp trái phép vào công việc nội bộ của các quốc gia khác hoặc của khu vực; điều đó cũng thể hiện rõ trong Công ước ASEAN dẫn chiếu đến các ĐƯQT phổ cập để quy định về hành vi khủng bố”[40 -tr.10].
Qua việc nghiên cứu quan điểm về tội phạm khủng bố của một số quốc gia trên thế giới nói riêng cũng như của cộng đồng quốc tế nói chung, theo tác giả đối với Việt Nam để có một cái nhìn toàn diện nhất về loại tội phạm này để từ đó đưa ra được một khái niệm cụ thể nhất về định nghĩa như thế nào là “khủng bố”
cần phải dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, coi khủng bố là một hiện tượng chính trị, xã hội phức tạp và đặt nó trong một điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm lịch sử hiện tại, phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở xem xét đến lợi ích chung của toàn thể nhân loại. Đồng thời việc đưa ra định nghĩa cần có sự tính toán đến phạm vi điều chỉnh cho tất cả các hành vi khủng bố của tất
cả các đối tượng đã, đang và sẽ diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động phòng, chống khủng bố của Việt Nam phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay. Theo đó, riêng đối với ý kiến của bản thân, tác giả đồng tình nhất với định nghĩa “khủng bố” được quy định trong BLHS của Liên bang Nga. Bởi lẽ với định nghĩa này, Tội khủng bố mặc dù được quy định thành một tội danh độc lập nhưng vẫn có mối liên hệ với các tội danh khác có liên quan. Theo đó, khủng bố là hành vi không những xâm phạm đến tự do, thân thể, xâm phạm tự do dân chủ của con người mà ngoài ra nó còn xâm phạm đến các quan hệ về tài sản; ngoài ra “khủngbố” trong BLHS Liên bang Nga không đòi hỏi mục đích chống chính quyền nhân dân, mà với bất kỳ mục đích nào mà thỏa mãn đầy đủ các cấu thành tội phạm được quy định trong điều luật thì đều cấu thành tội phạm “khủng bố” - đây là những quy định khá phù hợp với quan điểm của cộng đồng quốc tế nói chung hiện nay.
Qua việc nghiên cứu một số quan niệm trên thế giới về khủng bố, ta có thể thấy rõ rằng các quan niệm trên là hoàn toàn không giống nhau, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song xét đến cùng thì một hành vi nếu muốn được xem là “khủng bố” thì phải có những đặc điểm nhất định. Cụ thể như sau:
Một là, khủng bố là sự thống nhất biện chứng giữa tư tưởng bạo lực cực đoan với hoạt động diễn ra trên thực tế [80- tr.34].
Chúng ta đều biết rằng khủng bố hay chủ nghĩa khủng bố nảy sinh từ tư tưởng bạo lực cực đoan, thường là tư tưởng bạo lực cực đoan về chính trị, dân tộc hay tôn giáo, vvv… Tư tưởng này chi phối các hành động diễn ra trên thực tế.
Nếu một người nào đó có tư tưởng bạo lực cực đoan nhưng không bộc lộ ra bên ngoài bằng hoạt động bạo lực, chưa đe dọa sử dụng bạo lực hoặc chưa tiến hành bất cứ một hoạt động phá hoại nào khác, chưa gây ra sự khiếp sợ hay hoảng loạn trong xã hội thì cho dù tư tưởng đó cực đoan đến mức độ nào đi chăng nữa cũng không thể kết luận và truy cứu trách nhiệm hình sự với người đó về tội khủng bố (mặc dù có thể truy tố họ về các tội phạm thông thường khác). Nhưng nếu bộc lộ tư tưởng bạo lực cực đoan ra bên ngoài, mang tư tưởng đó áp đặt hoặc áp dụng
vào thực tiễn bằng các hành vi như tổ chức, chỉ đạo, tài trợ, tham gia hoặc trực tiếp thực hiện hoạt động bạo lực, đe dọa sử dụng bạo lực hoặc có các hoạt phá hoại khác… thì có nghĩa là vi phạm quy tắc của xã hội. Vì vậy bị coi là khủng bố hoặc chủ nghĩa khủng bố. Nếu xác định được vấn đề này thì sẽ không bị nhầm lẫn, có thể loại trừ việc lợi dụng khủng bố, chủ nghĩa khủng bố để quy kết các quốc gia, tổ chức, con người là khủng bố, chủ nghĩa khủng bố nhằm thực hiện âm mưu chính trị của các thế lực muốn can thiệp vào quốc gia khác.
Hai là, phương thức bạo lực của hoạt động khủng bố là bất hợp pháp, phi nghĩa, đi ngược lại với những quy tắc đã được xã hội loài người công nhận [85- tr.11].
Nếu như một phương thức hoạt động bạo lực nào đó phù hợp với Hiến pháp của một quốc gia, Hiến chương của LHQ đã quy định thì không bị coi là bạo lự bất hợp pháp, phi nghĩa… Chẳng hạn, luật pháp cho phép công dân được sử dụng bạo lực để ngăn chặn hành vi phạm tội, sử dụng bạo lực tập thể để chống lại sự xâm lược… đây là hoạt động bạo lực hợp pháp, không thể là bạo lực của khủng bố. Nhưng nếu phương thức hoạt động bạo lực đó vi phạm luật pháp, chẳng hạn có hoạt động bạo lực tấn công không phân biệt vào mục tiêu dân sự, đi ngược lại nguyên tắc quy định về quyền sinh tồn, chủ nghĩa nhân đạo như giết hại dân thường, giết người vô tội sẽ bị coi là bạo lực bất hợp hợp pháp và phi nghĩa. Như vậy, nếu vi phạm những quy tắc đã được cả xã hội công nhận thì phương thức hoạt động bạo lực vừa bị coi là bất hợp pháp, vừa bị coi là phi nghĩa, sẽ thuộc hoạt động của phạm trù “khủng bố”.
Ba là, khủng bố có hoạt động bạo lực, đe dọa sử dụng bạo lực, nhưng cũng có thể là có các hoạt động phá hoại khác [80- tr.36].
Bạo lực và đe dọa sử dụng bạo lực là hành vi chung, phổ biến trong tất cả các định nghĩa về khủng bố và chủ nghĩa khủng bố. Nhưng thực tế, có khi kẻ khủng bố không cần sử dụng bạo lực mà vẫn làm cho mọi người khiếp sợ, chẳng hạn như tấn công mạng Internet làm tê liệt thông tin liên lạc,… vì vậy nếu định nghĩa khủng bố theo các dạng truyền thống như trước kia đặt trong tình hình hiện
nay sẽ là không phù hợp. Do đó ngoài bạo lực, đe dọa sử dụng bạo lực nhằm vào con người, khủng bố còn bao gồm cả hoạt động mang tính phá hoại khác, chẳng hạn như phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật làm cho mọi người nhận thức được sự nghiêm trọng đang diễn ra dẫn đến sự lo sợ, hoảng loạn buộc phải hành động theo ý đồ của đối tượng. Mặt khác, mục đích thực sự của hoạt động khủng bố không chỉ là sát thương và phá hoại mà nó nhằm vươn tới cái đích là ép buộc nhà nước, chính phủ, cán bộ công chức, công dân phải hành động theo phương thức của phần tử khủng bố yêu cầu. Do đó nếu chỉ xem xét về thủ đoạn thì không thể xác định được sự khác nhau giữa hoạt động khủng bố với các loại tội phạm thông thường khác, không phân biệt được bạo lực khủng bố với bạo lực khác.
Bốn là, khủng bố có thể vì mục đích chính trị của bản thân, nhóm người, một tổ chức nhất định hoặc mục đích khác nhưng không vì lợi ích của cá nhân [88- tr.82].
Nhìn chung, mục đích chính trị là tiêu chí chủ yếu để phân biệt hoạt động khủng bố với các loại tội phạm khác. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, đã xuất hiện hoạt động khủng bố có khuynh hướng chính trị không rõ ràng, chẳng hạn như khủng bố vì mục đích liên quan đến vấn đề môi trường sống, vì động cơ kinh tế, cuồng tín tôn giáo hoặc lo sợ văn hóa dân tộc hay tâm linh tôn giáo bị xâm hại… Nhưng nếu vì mục đích khác ngoài mục đích chính trị thì các hoạt động này phải có đặc trưng là không vì lợi ích riêng của một cá nhân, do đó nên quy vào phạm trù khủng bố và chủ nghĩa khủng bố.“Nếu vì lợi ích riêng thì có thể bị coi là khủng bố cá nhân chứ không phải chủ nghĩa khủng bố” [80 - tr.37].
1.1.2. Quan điểm của Việt Nam về khủng bố.
Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Việt Nam cho rằng khủng bố là một hiện tượng chính trị - xã hội hết sức phức tạp. Với mục đích chung là ngăn chặn và phòng ngừa hoạt động khủng bố nhưng do cách tiếp cận, mục tiêu nghiên cứu cũng như phương pháp nghiên cứu… khác nhau nên ở Việt Nam cũng tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về khủng bố. Khi nghiên cứu về vấn đề này, quan niệm của Việt Nam được thể hiện như sau: