Chương 2 QUY ĐỊNH VỀ TỘI PHẠM KHỦNG BỐ TRONG LUẬT HÌNH SỰ
2.1. Quy định về các tội phạm khủng bố theoBLHS 1999 (được sửa đổi,
2.1.1. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84 BLHS)
2.1.1.1. Dấu hiệu pháp lý
- Khách thể của tội phạm: Là những quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ và bị tội phạm gây thiệt hại.
Điểm nổi bật của tôi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là hành vi cố ý tước bỏ tính mạng hoặc xâm hại quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, về tự do thân thể của người khác để qua đó làm suy yếu chính quyền nhân dân. Như vậy, khách thể của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân chính là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước CHXHCN Việt Nam (các cơ quan trong bộ máy Nhà nước), xâm phạm đến an ninh đối nội, đối ngoại, đồng thời xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của người khác.
Đối tượng tác động của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là cán bộ, công chức nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội, công dân và người nước ngoài.
- Mặt khách quan của tội phạm: Là mặt bên ngoài của tội phạm bao gồm những dấu hiệu của tội phạm diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.
Khi xem xét mặt khách quan của tội phạm nói chung và của tội phạm khủng bố nói riêng chúng ta cần làm sáng tỏ hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả nguy hiểm và cuối cùng là các điều kiện bên ngoài khác của việc thực hiện tội phạm.
Hành vi khách quan trong cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân bao gồm bốn dạng hành vi cụ thể: xâm phạm tính mạng, xâm phạm tự do thân thể, xâm phạm sức khỏe của nạn nhân, đe dọa xâm phạm hoặc uy hiếp tinh thần đối với họ.
+ Xâm phạm tính mạng là hành vi dùng mọi thủ đoạn để tước bỏ quyền sống của người khác (được thể hiện qua hành vi giết hoặc làm chết những người này).
+ Xâm phạm sức khỏe là hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
+ Xâm phạm tự do thân thể là trường hợp bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật.
+ Đe dọa xâm phạm tính mạng là dọa giết nạn nhân. Hành vi khác uy hiếp tinh thần là trường hợp đe dọa sẽ gây thiệt hại về vật chất cho nạn nhân, gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của họ.
Việc phân biệt, xác định đúng bản chất các hành vi nêu trên mặc dù không ảnh hưởng tới việc định tội danh nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định khung hình phạt. Để xác định đúng các hành vi nêu trên, ngoài biểu hiện của hành vi, thiệt hại thực tế xảy ra phải đặc biệt chú trọng tới ý thức chủ quan của người phạm tôi.
Hậu quả trong tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân bao gồm thiệt hại thể chất (làm nạn nhân chất hoặc bị thương) và thiệt hại về tinh thần. Cụ thể:
+ Hậu quả trực tiếp: Gây chết người, thương tích, xâm phạm tự do thân thể của con người (nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội,…).
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện hành vi gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tự do thân thể của công dân.
+ Hậu quả gián tiếp: Thông qua việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của nhân viên nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội hay của công dân, hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ góp phần làm suy yếu chính quyền nhân dân và cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của một bộ phận nhân dân.
Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 84 BLHS, hành vi khủng bố được coi là hoàn thành khi có hậu quả (làm chết người, hoặc gây
thương tích cho nạn nhân). Tuy nhiên, dấu hiệu hậu quả không đóng vai trò là dấu hiệu quyết định về tội danh của hành vi mà chỉ là căn cứ để xác định tội khủng bố được thực hiện ở giai đoạn hoàn thành hay chưa đạt và điều này chỉ ảnh hưởng tới việc quyết định hình phạt theo các giới hạn được quy định tại Điều 52 BLHS.
Khi nghiên cứu về mặt khác quan của tội phạm khủng bố được quy định tại điều 84 BLHS 1999, chúng ta cần lưu ý rằng nếu người nào có hành vi cung cấp vũ khí, lương thực, tiền,…cho tội phạm khủng bố nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân, không biết động cơ mục đích chống chính quyền nhân dân của bọn chúng thì không đồng phạm (giúp sức) với tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84 BLHS), nhưng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tài trợ khủng bố (Điều 230b).
- Mặt chủ quan của tội phạm: Là mặt bên trong của tội phạm, bao gồm những dấu hiệu thể hiện trạng thái tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra. Dấu hiệu đặc trưng của mặt chủ quan gồm: lỗi, mục đích, động cơ phạm tội.
Lỗi: Theo luật Hình sự Việt Nam lỗi được hiểu là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Lỗi được biểu hiện dưới hai hình thức: Lỗi cố ý (trực tiếp/ gián tiếp), Lỗi vô ý (do cẩu thả/ vì quá tự tin). Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được thực hiện với lỗi cố ý. Kẻ khủng bố nhận thức rõ về hành vi phạm tội của mình và mong muốn hậu quả của hành vi phạm tội đó xảy ra. Những hành động khủng bố xảy ra trên thực tế đều có sự phân tích, tính toán kỹ, được lên kế hoạch rất chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro và đạt được kết quả đã định.
Về mục đích: Là kết quả mong muốn đạt được của kẻ phạm tội khi thực hiện hành vi nguy hiểm của mình. Đây là dấu hiệu bắt buộc đã được nêu rõ trong điều luật, kẻ phạm tội thực hiện hành vi khủng bố với mục đích là nhằm chống chính quyền nhân dân, dấu hiệu mục đích phạm tội này cho phép phân biệt tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân với các tội xâm phạm tính mạng,
sức khỏe cũng như tội xâm phạm quyền tự do con người. Dấu hiệu này cũng cho phép phân biệt tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân với tội khủng bố.
Về động cơ: Là động lực bên trong thúc đẩy kẻ phạm tội thực hiện tôi phạm. Động cơ của kẻ khủng bố có thể là sự thù hằn giai cấp, sự mâu thuẫn về vấn dân tộc, tôn giáo,…Đây không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội này.
- Chủ thể của tội phạm: Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ được coi là chủ thể của tội phạm khi họ có lỗi trong hành vi của mình. Để được coi là có lỗi thì phải chứng minh rằng người này có khả năng hiểu được ý nghĩa xã hội của hành vi và điều khiển được hành vi đó theo yêu cầu khách quan của xã hội, thể hiện ở hai khía cạnh: kiềm chế hành vi và khả năng lựa chọn biện pháp xử sự vấn đề cần giải quyết. Năng lực trách nhiệm hình sự không phải là sản phẩm bẩm sinh của con người vì năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực tự ý thức. Để có được năng lực trách nhiệm hình sự, con người phải trải qua một quá trình sinh sống và học tập.Độ tuổi là một điều kiện để thừa nhận một người là có năng lực trách nhiệm hình sự hay không. Tóm lại, chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật Hình sự quy định.
Chủ thể của tội khủng bố là bất kỳ ai đạt độ tuổi luật định được quy định tại Điều 12 BLHS và không thuộc trường hợp luật định tại Điều 13 BLHS. Cụ thể, chủ thể của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là những người đủ 14 tuổi trở lên trong trường hợp thực hiện hành vi phạm tội thuộc khoản 1, 2 Điều 84 BLHS và là những người đủ 16 tuổi trở lên trong trường hợp thực hiện hành vi phạm tội thuộc khoản 3 Điều 84 BLHS mà không rơi vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 13 BLHS.
Tội hoạt động phỉ và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân giống nhau về hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác. Tuy nhiên giữa hai tội này có những điểm khác biệt cơ bản, đó là sự khác biệt về địa điểm thực hiện tội phạm, chủ thể và cả đối tượng tác động. Hành vi xâm phạm tính mạng trong tội hoạt động phỉ có thể nhắm vào bất kỳ người nào, trong khi đó nạn nhân
của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân thường là những người được người phạm tội tính toán, lựa chọn từ trước.