So sánh tội phạm khủng bố với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người; xâm phạm quyền tự do, dân chủ

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố trong luật hình sự việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 75 - 79)

Chương 2 QUY ĐỊNH VỀ TỘI PHẠM KHỦNG BỐ TRONG LUẬT HÌNH SỰ

2.2. So sánh các tội phạm về khủng bố với một số tội phạm có liên quan trong BLHS

2.2.2. So sánh tội phạm khủng bố với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người; xâm phạm quyền tự do, dân chủ

Xét về mặt khách quan và đối tượng tác động: Tội khủng bố có hành vi giống một số tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền tự do, dân chủ của công dân như: Tội giết người (Điều 93), Tội đe dọa giết người (Điều 103), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (Điều 104), Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134), Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123). Tuy nhiên, Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân thực hiện hành vi phạm tội với mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, tạo môi trường chính trị thiếu ổn định… còn các tội danh nêu trên, tội phạm thực hiện vì mục đích cá nhân vụ lợi, không mang tính chất chính trị.

Hành vi xâm phạm tính mạng công dân được quy định tại Điều 230a- đây là hành vi xâm phạm tính mạng của công dân được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như dùng sức mạnh vật chất tác động lên cơ thể nạn nhân gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của công dân. Sức mạnh vật chất thể hiện bằng việc dùng súng bắn, đánh bom, mìn, lựu đạn, dùng dao, kiếm đâm, chém,… hành vi xâm phạm tính mạng trong tội khủng bố cũng có thể được thực hiện bằng các thủ

đoạn khác như đầu độc nạn nhân bằng thuốc độc, các loại hóa chất khác gây thiệt hại đến tính mạng của công dân… Hành vi này được thực hiện tương tự như hành vi khách quan của tội giết người được quy định tại Điều 93 BLHS.

Tội khủng bố có hành vi khách quan giống các tội xâm phạm ANQG như tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84 BLHS), hành vi khách quan giống các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người như tội giết người (Điều 93 BLHS), tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS),… giống các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân như tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123 BLHS), giống các tội xâm phạm sở hữu như Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134 BLHS), Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản,…

Để phân biệt tội khủng bố với những tội phạm này ngoài các dấu hiệu đặc thù khác chủ yếu chúng ta căn cứ vào mặt chủ quan của tội phạm. Nếu thực hiện những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng với mục đích chống chính quyền nhân dân thì xử lý về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84 BLHS), nếu thực hiện những hành vi nêu trên không vì mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân mà chỉ nhằm gây hoang mang trong quần chúng thì xử lý về tội khủng bố (Điều 230 Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 1999).

Nếu người phạm tội thực hiện các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng không có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân hay mục đích gây tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì tùy từng trường hợp mà chúng ta truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng như Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích; Tội bắt, giam giữ người trái pháp luật; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội cố ý hủy hoại tài sản.

- Đối với Tội đe dọa giết người (Điều 103- BLHS):

Điều 103 - BLHS có quy định như sau: “Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực

hiện…”. Trong khi đó tại khoản 3- Điều 230a có quy định: “Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này…”. Có thể thấy, hành vi đe dọa thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 cũng tương tự như hành vi “đe dọa giết người” quy định tại Điều 103 của BLHS.

Tuy nhiên, có hai điểm cần lưu ý để phân biệt hai tội này như sau:

+ Đối với tội được quy định tại Điều 103 thì tội phạm chỉ đe dọa giết người, còn đối với Tội khủng bố thì người phạm tội không chỉ đe dọa giết người mà còn đe dọa cả việc phá hủy tài sản.

+ Mục đích mà người phạm tội hướng đến trong Tội khủng bố là nhằm chống chính quyền nhân dân, trong khi đó tội phạm thực hiện Tội đe dọa giết người lại không nhằm mục đích này.

- Đối với Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123 - BLHS):

Theo quy định của BLHS tại Điều 123: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật,…”.

Theo đó, về mặt khách quan điều luật quy định ba hành vi bao gồm: hành vi bắt người trái pháp luật, hành vi giữ người trái pháp luật, hành vi giam người trái pháp luật và tất cả các hành vi này đều xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân. Cũng hành vi trên, người thực hiện hành vi cũng có thể phạm Tội khủng bố, tuy nhiên chỉ khi nào tội phạm thực hiện các hành vi xâm phạm tự do thân thể bao gồm các hành vi như: bắt, giam, giữ…nhưng với mục đích nhằm gây ra sự hoảng sợ trong công chúng thì mới cấu thành tội được quy định tại Điều 230a, còn nếu không nhằm mục đích này mà chỉ nhằm mục đích cá nhân hoặc những lý do khác thì sẽ cấu thành tội tại Điều 123 - BLHS.

2.2.3. So sánh tội phạm khủng bố với các tội xâm phạm sở hữu.

- Đối với Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134 BLHS):

Theo quy định tại Điều 134 BLHS“Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản…”.

Mặt khách quan của tội này chính là có hành vi bắt giữ người khác làm con tin. Được hiểu là hành vi của người phạm tội thực hiện việc bắt giữ người trái

pháp luật nhằm tạo ra điều kiện gây áp lực buộc người bị hại phải giao tài sản bằng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực khống chế, dùng thủ đoạn lừa dối, dùng thuốc gây mê để bắt giữ người… Hành vi này rất giống với hành vi xâm phạm tự do thân thể của người phạm tội được nêu ra trong cấu thành tội phạm thuộc mặt khách quan của Tội khủng bố được quy định tại Điều 230a BLHS: “Hành vi xâm phạm tự do thân thể bao gồm các hành vi như: bắt, giam, giữ, trói…Tuy nhiên, đối với tội khủng bố, người phạm tội chủ yếu thực hiện hành vi bắt cóc làm con tin để đưa ra những yêu sách nhằm gây ra sự hoảng sợ trong công chúng” [18- tr.181,182]. Tuy nhiên, nếu như mục đích của hành vi bắt cóc làm con tin được quy định tại Điều 230a nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì mục đích của tội phạm khi thực hiện hành vi quy định tại Điều 134 lại không mang sắc thái chính trị như trên mà chỉ nhằm tạo điều kiện gây áp lực buộc người bị hại phải giao tài sản.

Một điểm khác nữa cũng rất chú ý nhằm phân biệt giữa hai loại tội phạm này, đó chính là đối tượng bị bắt cóc. Nếu như theo Điều 134 thì đối tượng bi bắt cóc thông thường phải là người có quan hệ huyết thống (cha, mẹ,con, anh, chị, em), quan hệ hôn nhân (vợ, chồng), hoặc quan hệ tình cảm, xã hội thân thiết khác (ông, bà, cha nuôi, mẹ nuôi, người yêu…) với người bị hại mà người phạm tội đã dự định từ trước nhằm đưa ra yêu cầu trao đổi bằng tài sản để chiếm đoạt [86- tr.179], trong khi đó đối tượng bị bắt cóc được tội phạm thực hiện theo Điều 230a lại không có đặc điểm này và người phạm tội cũng không dự tính trước đối tượng mình sẽ bắt cóc làm con tin là ai.

- Đối với Tội hủy hoại hoặc cố ý là hư hỏng tài sản (Điều 143- BLHS):

“Hủy hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn” [18- tr.281].

“Làm hư hại tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần)” [18- tr.281].

Hành vi của tội này được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động, trong đó dạng hành động được thể hiện qua việc chủ động đốt, phá, cài thuốc nổ… làm cho tài sản bị hư hại hoặc bị tiêu hủy. Hành vi này cũng tương tự như hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 230a BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, nếu như tội phạm thực hiện hành vi được quy định tại Điều 230a với mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng và đây là dấu hiệu bắt buộc của tội này thì Điều 143 lại không quy định dấu hiệu mục đích này.

Ngoài ra, dựa theo quy định của hai điều luật ta cũng có thể thấy rõ rằng phạm vi quy định các hành vi tại Điều 230a của BLHS là rộng hơn so với quy định tại Điều 143, là bởi lẽ hành vi phá hủy tài sản theo Điều 230a không chỉ là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS, mà còn bao gồm cả hành vi quy định tại các điều như: Điều 188 - Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; Điều 189- Tội phá hủy rừng; Điều 231 - Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về ANQG; Điều 334 - Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố trong luật hình sự việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)