Chương 2: Chương 2: Quy định về tội phạm khủng bố trong Luật Hình sự Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật
1.3. Tội phạm khủng bố trong luật pháp quốc tế
1.3.2. Tội phạm khủng bố theo quy định trong BLHS của một số nước trên thế giới
Nghiên cứu Luật Hình sự của một số nước trên thế giới như Liên bang Nga, Nhật Bản, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa,…cho thấy các quy định về tội khủng bố giữa các quốc gia rất khác nhau, việc khác nhau này do nhiều nguyên nhân như: chế độ chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội,… và chính việc nghiên cứu này sẽ là cơ sở để đánh giá, hoàn thiện Luật Hình sự Việt Nam về tội phạm khủng bố trong tương lai.
BLHS Nhật Bản:
Trong BLHS của Nhật Bản, tội khủng bố không được quy định riêng thành một tội độc lập, mà nó được quy định trong nhiều điều luật nằm rải rác ở các chương khác nhau[99 - tr.83]: Chương VIII: Các tội gây rối trật tự, Chương IX:
Các tội gây hỏa hoạn và vô ý gây cháy, Chương X: Các tội liên quan đến lũ lụt và sử dụng nước, Chương XI: Các tội gây cản trở giao thông; có thể kể đến các điều luật như: Điều 108 - Tội gây hỏa hoạn đối với những công trình xây dựng, phương tiện đang có người; Điều 109 - Tội gây hỏa hoạn đốivới công trình xây dựng, phương tiện không có người; Điều 117 - Tội gây nổ; Điều 119 - Tội làm hư hỏng các công trình, phương tiện bằng cách gây lũ lụt; Điều 126 - Tội lật đổ tàu hỏa…
Về quyết định hình phạt thì dường như BLHS Nhật Bản có những chế tài nhẹ hơn so với BLHS Việt Nam khi người phạm tội chỉ phải chịu hình thức phạt tù có lao động bắt buộc hay phạt tiền.
Với quy định trên của pháp luật hình sự Nhật Bản, ta có thể thấy là BLHS Nhật Bản có rất nhiều điểm khác so với BLHS Việt Nam, thể hiện qua việc khủng bố không được quy định thành một tội danh độc lập với những dấu hiệu pháp lý cụ thể mà nó nằm ở các điều luật ở nhiều chương khác nhau với những hành vi mang đặc điểm khủng bố; ngoài ra BLHS Nhật Bản cũng không quy định mục đích “chống chính quyền nhân dân” là dấu hiệu định tội khủng bố. Đây là những quy định còn nhiều hạn chế cần được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với những quy định của cộng đồng quốc tế.
BLHS Liên bang Nga:
Việc thay đổi về chính sách pháp luật Hình sự của Liên bang Nga được thể hiện rõ nhất trong BLHS Liên bang Nga được thông qua ngày 24/11/1995 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/1996. Bộ luật này thay thế BLHS Liên bang Nga năm 1960 và đã có những thay đổi cơ bản về chính sách hình sự so với BLHS năm 1960, cụ thể là BLHS Liên bang Nga hiện hành đã hình sự hoá rất nhiều các hành vi so với BLHS năm 1960 để phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại và nhất là để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong nền kinh tế thị trường. “Đặc biệt, BLHS năm 1996 đã tội phạm hóa các hành vi phá hoại hòa bình và an ninh nhân loại trong một chương riêng (Chương XXXIV), một điểm khác biệt nữa của BLHS năm 1996 của Liên bang Nga so với Luật Hình sự của các nước khác là tội khủng bố được quy định riêng tại Điều 202” [99 - tr.83].
Đến nay, BLHS Liên bang Nga đã được hoàn thiện với những quy định cụ thể hơn về tội phạm khủng bố, cụ thể trong đó tại Mục IX. Các tội xâm phạm trật tự công cộng và an toàn xã hội, Chương 24. Các tội xâm phạm an toàn xã hội có quy định riêng tội khủng bố tại Điều 205. Tội khủng bố, cùng với đó BLHS Liên bang Nga cũng có những quy định khác liên quan đến tội phạm này như Điều 20 - 1. Tội giúp đỡ hoạt động khủng bố, Điều 20 - 2.Tội kêu gọi công khai thực hiện hoạt động khủng bố, hoặc bao che công khai chủ nghĩa khủng bố, Điều 207. Tội thông báo về hành vi khủng bố mà biết chắc là giả dối. Với những quy định trên ta có thể thấy rõ là việc quy định về tội phạm khủng bố theo BLHS Liên bang Nga có điểm giống với BLHS 1999 của Việt Nam khi tội phạm này được cấu thành một tội danh độc lập mà không phải là những tội danh có liên quan nằm rải rác như trong BLHS của một số nước khác trên thế giới, ngoài ra những dấu hiệu ở Tội giúp đỡ hoạt động khủng bố (Điều 205 - 1) trong BLHS Liên bang Nga có những điểm tương tự như các dấu hiệu cấu thành tội Tài trợ khủng bố được quy định tại Điều 230b BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009). Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều điểm khác nhau trong quy định về tội phạm khủng bố giữa hai BLHS này, cụ thể là: BLHS Liên bang Nga bên cạnh Tội khủng bố hay Tội giúp đỡ hoạt động khủng bố thì còn quy định những hành vi khác như kêu gọi công
khai thực hiện hoạt động khủng bố, hoặc bao che công khai chủ nghĩa khủng bố;
hay thông báo về hành vi khủng bố mà biết chắc là giả dối - nếu người phạm tội thực hiện những hành vi nêu trên thì cũng bị truy cứu thành những tội danh độc lập có liên quan đến khủng bố. Ngoài ra, BLHS Liên bang Nga cũng có một điểm hoàn toàn toàn mới so với BLHS Việt Nam đó chính là quy định về việc sẽ được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đã tham gia vào giai đoạn chuẩn bị thực hiện hành vi khủng bố (đối với Điều 205) và người phạm tội nói chung và trong hành động của người này không có yếu tố cấu thàn một tội phạm khác (đối với Điều 205 - 1) kịp thời báo cho các cơ quan quyền lực biết hoặc bằng cách nào đó góp phần tích cực vào việc ngăn chặn hoặc chấm dứt tội phạm. Có thể thấy đây là những quy định rất hợp lý mà các nhà lập pháp Việt Nam nên tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện BLHS nói chung và pháp luật hình sự nói riêng.
BLHS Trung Quốc:
Cũng như ở Việt Nam, nguồn cơ bản của pháp luật Hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là BLHS.BLHS của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được Quốc hội khóa 5, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 01/7/1979, có hiệu lực từ ngày 01/01/1980. Bộ luật này đã được sửa đổi, bổ sung qua các năm 1997, 1999, 2001, 2002 và 2005.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về đấu tranh phòng và chống tội phạm trong hoàn cảnh mới của đất nước. Vì vậy, “các quy định của BLHS hiện hành đã tương đối phù hợp với tình hình phát triển của đất nước Trung Hoa hiện nay”[70 - tr.180,181], trong đó có việc “các pháp nhân (công ty, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan, đoàn thể) cũng bị coi là chủ thể của tội phạm, nếu có những hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cũng bị coi là thực hiện tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 30). Các pháp nhân này phạm tội sẽ bị phạt tiền; cán bộ chủ quản phụ trách và những người có trách nhiệm trực tiếp khác của các chủ thể phạm tội này cũng sẽ bị xử phạt theo các hành vi tương ứng (Điều 31)”[70 - tr.184].
Tại Điều 120 BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung hoa có quy định như sau:
“Người nào tổ chức, lãnh đạo hoạt động khủng bố thì sẽ bị phạt tù từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân; người nào tích cực tham gia thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm; những người tham gia khác thì bị phạt tù đến 3 năm, cải tạo lao động, quản chế hoặc bị tước quyền lợi chính trị.
Người nào phạm vào những tội trên mà lại phạm vào tội giết người, gây nổ, bắt cóc thì căn cứ vào số tội mà xử phạt theo quy định hình phạt.
Cá nhân nào tài trợ hoạt động khủng bố hoặc thực hiện hoạt động khủng bố, thì bị phạt tù đến 5 năm, cải tạo lao động, quản chế hoặc bị tước quyền lợi chính trị và bị phạt tiền; có tình tiết nghiêm trọng thì bị phạt tù đến 5 năm và bị phạt tiền hoặc bị tịch thu tài sản.
Đơn vị, tổ chức nào phạm tội trên sẽ phạt tiền đối với đơn vị đó, người chủ quản phụ trách trực tiếp và người trực tiếp phụ trách khác thì bị xử phạt theo quy định trên” [3 - tr.85].
Quy định trên nằm trong Chương II thuộc các Tội xâm phạm an toàn công cộng. Đây là bộ luật đã được sửa đổi, bổ sung vào ngày 28 tháng 02 năm 2005 tại Hội nghị lần thứ 14 của Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa X, theo đó BLHS của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sửa đổi tăng nặng hình phạt tại Điều này như sau: “Người nào tổ chức, lãnh đạo hoạt động khủng bố thì sẽ bị phạt tù từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân; người nào tích cực tham gia thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm “ và cùng với đó là việc bổ sung thêm quy định
“Cá nhân nào tài trợ hoạt động khủng bố hoặc thực hiện hoạt động khủng bố, thì bị phạt tù đến 5 năm, cải tạo lao động, quản chế hoặc bị tước quyền lợi chính trị”
[3 - tr.25,26].
Qua việc nghiên cứu BLHS Trung Quốc có thể thấy Bộ luật này có nhiều điểm khác biệt so với BLHS 1999 của Việt Nam, theo đó BLHS Trung Quốc không phân chia các hành vi khủng bố hay tài trợ khủng bố thành những tội danh độc lập mà các hành vi này được quy định chung trong một điều luật (Điều 120);
ngoài ra BLHS Trung Quốc có một điểm mới rất hay mà theo ý kiến tác giả đây sẽ là một quy định mà Việt Nam nên tham khảo đó chính là việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể có tư cách pháp nhân nếu như các chủ thể này có các hành vi khủng bố hoặc tài trợ khủng bố được quy định trong điều luật.
Như vậy, qua nghiên cứu nghiên cứu pháp luật hình sự của các nước Nhật Bản, Liên bang Nga, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa,… ta có thể thấy quy định của các nước này về tội phạm khủng bố, bên cạnh những nét tương đồng thì vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác biệt, xuất phát từ chính ý chí và điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước, cụ thể:
Một là, có quốc gia quy định khủng bố là một tội danh độc lập (ví dụ: Liên bang Nga) nhưng lại có quốc gia quy định hành vi khủng bố nằm rải rác ở các điều luật khác nhau (Ví dụ: Nhật Bản);
Hai là, có quốc gia (Liên bang Nga), trong một số điều luật liên quan đến tội phạm khủng bố có quy định, nếu người đã tham gia vào giai đoạn chuẩn bị thực hiện hành vi khủng bố; hoặc người phạm tội nói chung và trong hành động của người này không có yếu tố cấu thành một tội phạm khác, nếu kịp thời báo cho các cơ quan quyền lực biết hoặc bằng cách nào đó góp phần tích cực vào việc ngăn chặn hoặc chấm dứt tội phạm, thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.
Đây là quy định khác biệt so với các quốc gia còn lại cũng như Việt Nam, bởi lẽ trong BLHS của các nước cũng như BLHS 1999 của Việt Nam không hề có quy định tương tự này. Và theo ý kiến chủ quan của tác giả thì đây là một điểm rất hợp lý mà các nhà lập pháp Việt Nam cần nghiên cứu bổ sung.
Ba là, mục đích “chống chính quyền nhân dân” đều không được quy định là dấu hiệu định tội đối với tội khủng bố trong BLHS của các nước này. Nói cách khác, những quy định của pháp luật hình sự các nước này là hoàn toàn phù hợp với quan niệm chung của cộng đồng quốc tế về tội khủng bố được thể hiện rõ ràng thông qua các điều ước quốc tế song phương và đa phương.
Bốn là, có quốc gia (Trung Quốc) xác định chủ thể có tư cách pháp nhân phải cũng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như các chủ thể này có các hành vi khủng bố hoặc tài trợ khủng bố được quy định trong điều luật.
Tóm lại, việc nghiên cứu những quy định về tội phạm liên quan đến khủng bố trong BLHS của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có hệ thống các quy định của pháp luật mà trước đây Việt Nam đã kế thừa để xây dựng BLHS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quá trình nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa các quốc gia trong quy định của BLHS liên quan đến tội phạm khủng bố, mà còn là căn cứ và cơ sở khoa học vững chắc để pháp luật hình sự Việt Nam có sự tiếp thu, điều chỉnh những quy định về loại tội phạm khủng bố sao cho phù hợp với pháp luật các nước nói riêng cũng như quan niệm của cộng đồng quốc tế nói chung, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Chương 2