Chương 2: Chương 2: Quy định về tội phạm khủng bố trong Luật Hình sự Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật
1.2. Tội phạm khủng bố trong lịch sử lập pháp Hình sự Việt Nam
1.2.1. Giai đoạn trước năm 1999
Ngay từ những năm đầu mới giành được chính quyền cho tới trước ngày BLHS năm 1985 có hiệu lực, để bảo vệ sự bền vững, ổn định và phát triển của chính quyền nhân dân, nhà nước Việt Nam đã lần lượt ban hành các văn bản
pháp luật Hình sự làm cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chống các tội xâm phạm ANQG.
Trong Luật Hình sự Việt Nam, khủng bố được quy định là tội phạm trước khi có BLHS đầu tiên (BLHS năm 1985).Khi đó, tội phạm này được quy định là một tội phản cách mạng trong Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967.Trong BLHS năm 1985 và BLHS 1999, khủng bố đều được quy định là tội phạm thuộc Chương “Các tội xâm phạm ANQG”.
Trước tình hình lịch sửđất nước bị chia cắt (1945- 1975) và thời gian đầu đất nước mới thống nhất (1976- 1985), bọn phản cách mạng luôn tìm mọi cách tiến hành hành động chống phá, làm suy yếu chính quyền nhân dân non trẻ nên chính quyền Việt Nam trong giai đoạn này đã ban hành hai văn bản pháp luật làm cơ sở trừng trị bọn phản cách mạng chống lại nhà nước và nhân dân Việt Nam: Pháp lệnh “trừng trị các tội phản cách mạng” ban hành ngày 30/10/1967 áp dụng ở Miền Bắc và Sắc lệnh 03 ban hành ngày 15/03/1976 áp dụng ở miền Nam. Như vậy, tội khủng bố trong thời gian này đã được quy định cụ thể trong hai văn bản pháp luật trên. Hai văn bản pháp luật này tuy được áp dụng ở hai miền đất nước khác nhau nhưng cả hai đều thống nhất về mặt nội dung trong đó bao gồm các nguyên tắc chung, quy định về tội phạm và hình phạt. Tuy nhiên, cách thể hiện hình thức phạm tội thì Sắc lệnh 03 có tính chất đơn giản hơn, chỉ nêu tội danh mà không miêu tả các dấu hiệu của tội phạm và một số tội danh thì giống các tội danh nêu trong Pháp lệnh 1967 như Tội phản bội tổ quốc(Điều 3), Tội gián điệp (Điều 5),…, một số tội danh khác thì lại quá chung chung, một tội danh có thể bao gồm rất nhiều hình thức phạm tội cụ thể mà Pháp lệnh 1967 đã quy thành những tội riêng biệt. Cụ thể, tại Điều 3 điểm c Sắc lệnh 03 các tội phá hoại gồm nhiều tội khác nhau như “phá hoại khối đoàn kết và thống nhất dân tộc, phá hoại quốc phòng, phá hoại trật tự an ninh,…” [31 - tr.235]; trong Tội phá hoại trật tự an ninh lại gồm những tội như Tội vũ trang bạo loạn, Tội hoạt động phỉ, Tội ám sát cán bộ, bộ đội, Tội bắt cóc cán bộ, bộ đội [31 - tr.242, 243].
Trong khi đó, Tội bạo loạn lại được quy địnhtại Điều 7, Tội hoạt động phỉ cũng được quy định chi tiết tại Điều 8 của Pháp lệnh 1967.
Chính vì vậy, tội khủng bố được quy định tại hai văn bản này có sự khác biệt về tên gọi. Theo Điều 10 Pháp lệnh 1967, tội khủng bố được gọi là tội “giết người, đánh người, gây thương tích, bắt giữ người, dọa giết người vì mục đích phản cách mạng” với nội dung cụ thể như sau:
“1. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà giết cán bộ, nhân viên nhà nước, bộ đội, công an hoặc giết nhân dân thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình.
2. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà đánh đập, gây thương tích, bắt giữ cán bộ, nhân viên nhà nước, bộ đội, công an hay là nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến mười lăm năm.
3. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà dọa giết cán bộ, nhân viên nhà nước, bộ đội, công an trong khi họ thi hành nhiệm vụ thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm” [107 - tr.12].
Theo Sắc lệnh số 03 ban hành ngày 15/3/1976 tội khủng bố lại được quy định tại Điều 3 điểm c Sắc lệnh 03 các tội phá hoại, tội khủng bố lúc này là tội “ám sát cán bộ, bộ đội” và “bắt cóc cán bộ, bộ đội” thuộc nhóm tội phá hoại (hành vi ám sát, bắt cóc dân thường vì mục đích phản cách mạng cũng bị xét xử theo hai tội trên).
Sau ngày đất nước thống nhất, pháp luật được thi hành đồng bộ trong cả nước đã tạo ra sự thay đổi xã hội về mọi mặt và quản lý nhà nước bằng pháp luật là một đòi hỏi cấp thiết lúc bấy giờ. Ngày 18/12/1980, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới, tạo điều kiện cho việc ra đời một loạt văn bản pháp luật quan trọng, trong đó có BLHS 1985 mà nội dung là thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn cách mạng lúc bấy giờ: xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và cho đến ngày 27/6/1985 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua BLHS và trải qua bốn lần sửa đổi, bổ sung, tội
khủng bố được quy định tại Điều 78 BLHS 1985 với tên gọi “tội khủng bố” nằm trong nhóm các tội xâm phạm ANQG, theo đó, tội khủng bố được quy định như sau:
“1. Người nào xâm phạm tính mạng của nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội hoặc công dân nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước CHXHCN Việt Nam thì cũng bị xử phạt theo Điều này”[67 - tr.91].
Bên cạnh tội khủng bố, BLHS năm 1985 cũng quy định các tội khác có liên quan như: Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 87); Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về ANQG (Điều 94); Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ (Điều 96), đây là các tội phạm được ghi nhận tại các công ước quốc tế về chống khủng bố và yêu cầu các quốc gia thành viên phải nội luật hóa.
Trải qua một thời gian dài áp dụng, BLHS 1985 đã không còn phù hợp với tình hình đất nước, chính vì lẽ đó, ngày 21/12/1999 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua BLHS 1999 và một lần nữa tội khủng bố được quy định tại Điều 84 Chương XI các tội xâm phạm ANQGvới tên gọi là “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Tóm lại, ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước, xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi trên mọi lĩnh vực, trong đó có cả lịch sử lập pháp Hình sự.“Nhiều tội danh đã không còn tồn tại như: các tội chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa anh em, tội lạm dụng gia súc…”[85 - tr.32] nhưng nhiều tội danh vẫn tồn tại do hành vi của nó gây nguy hiểm đến xã hội, đe dọa đến sự ổn định, phát triển xã hội và con người. Khủng bố cho đến ngày nay vẫn đe dọa sự bền vững của
chính quyền nhà nước và môi trường sống an toàn cho con người. Điều này giải thích vì sao tội phạm khủng bố luôn được ghi nhận trong các văn bản pháp luật hình sự qua các giai đoạn lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, làm cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm khủng bố.