Chương 2 QUY ĐỊNH VỀ TỘI PHẠM KHỦNG BỐ TRONG LUẬT HÌNH SỰ
2.4.1. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của BLHS
Những quy định về tội phạm khủng bố trong pháp luật Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với quan điểm của nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như
cộng đồng quốc tế. Vì vậy việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa việc phòng, chống loại tội phạm này là một điều hết sức quan trọng và cần thiết; tuy nhiên việc làm này cũng phải cần cũng cần được xây dựng trên một cơ sở chính trị pháp lý hết sức khoa học và cụ thể như sau:
Về cơ sở chính trị:Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phòng, chống khủng bố được thể hiện qua nhiều Nghị quyết, Thông tư, Chỉ thị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhằm chỉ đạo công tác bảo vệ ANQG, giữ vững trật tự, an toàn xã hội có nội dung phòng, chống khủng bố, như Nghị quyết số 28- NQ/ TW ngày 22/9/2008 của Bộ chính trị Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực vững chắc trong tình hình mới;
Chỉ thị số 48- CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới…
Trong suốt thời gian qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động phòng, chống khủng bố như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 (điều chỉnh, bổ sung các quy định về tội phạm khủng bố, tài trợ khủng bố); Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012 và đặc biệt là Luật Phòng chống khủng bố 2013 - đây đều là những cơ sở pháp lý quy định hết sức sức cụ thể và đầy đủ về các hành vi khủng bố cũng như công tác phòng, chống loại tội phạm này.
Mặt khác, giữ vững ANQG là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà đất nước ta đang tiến hành đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Về cơ sở pháp lý: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, thực tiễn hoạt động phòng chống khủng bố đã nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập về khía cạnh pháp lý cần được quan tâm, nghiên cứu, giải quyết để từ đó có những sửa đổi cơ bản về tội khủng bố và các tội phạm liên quan theo hướng khách quan hơn, phù hợp với xu thế chung của luật hình sự các nước trên thế giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế đồng thời
qua đó tội phạm hóa một số hành vi khác liên quan đến khủng bố theo yêu cầu của các công ước quốc tế về chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên.
Là quốc gia thành viên của LHQ, Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực để đấu tranh phòng chống các hành vi khủng bố. Việt Nam luôn thể hiện rõ lập trường và cam kết chống khủng bố cũng như quyết tâm và nguyện vọng trong việc nỗ lực phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển, hội nhập và hợp tác quốc tế, qua đó nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế; thắt chặt quan hệ hợp tác với các quốc gia khác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm khủng bố. Chính vì lẽ đó, việc đảm bảo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống khủng bố thông qua việc hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về loại tội phạm này bằng các điều luật cụ thể là hết sức cần thiết. Theo đó cần chú trọng một số nội dung sau:
Về chủ thể: Theo quy định của BLHS, chủ thể của tội phạm nói chung và tội phạm về khủng bố nói riêng luôn là cá nhân, người đã thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống khủng bố lại xác định chủ thể thực hiện khủng bố có thể là tổ chức và cá nhân. Việc xác định tổ chức là chủ thể của khủng bố trong khái niệm khủng bố là điều rất cần thiết, bởi vì xuất phát từ tính chất, nhiệm vụ của đạo luật là vừa phục vụ cho công tác đấu tranh trực diện với các hành vi khủng bố như BLHS, đồng thời phục vụ cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động do các tổ chức khủng bố thực hiện. Vậy nên thiết nghĩ BLHS cũng nên xác định tổ chức là chủ thể của tội phạm, trong đó có tội phạm về khủng bố. Bởi lẽ, thực tiễn công tác phòng, chống khủng bố trong thời gian qua luôn đặt ra yêu cầu không chỉ phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa hành vi khủng bố của cá nhân mà cả đối với các hoạt động của tổ chức khủng bố, như hoạt động thành lập tổ chức, tuyển mộ, đào tạo phần tử khủng bố, tổ chức thực hiện các vụ khủng bố… Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Nhà nước ta đã và đang đấu tranh kiên quyết với nhiều tổ chức được xác định tổ chức khủng bố, trong đó có các tổ chức khủng bố do các phần tử phản động lưu vong người Việt lập ra.Mặt khác, yêu cầu đấu tranh với các tổ chức khủng bố là một trong những
nội dung quan trọng của hợp tác quốc tế về phòng chống khủng bố. Trong các Nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ như Nghị quyết số 1267 (ngày 15/10/1999), Nghị quyết số 1373 (ngày 28/09/2001), Nghị quyết số 1390 (ngày 16/01/2002), Nghị quyết số 1455 (ngày 17/01/2003)… đều quy định các quốc gia có trách nhiệm đấu tranh, ngăn chặn, trấn áp các tổ chức khủng bố, tài trợ khủng bố.
Về mục đích:Theo các quy định về tội phạm khủng bố của BLHS, mục đích của khủng bố là (1) nhằm chống chính quyền nhân dân, (2) gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân - Điều 84), (3) gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng (Tội khủng bố - Điều 230a). Trong khi đó, theo khái niệm khủng bố của Luật phòng, chống khủng bố 2013, ngoài 3 mục đích trên, trường hợp nhằm “ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế”
bằng cách thực hiện một trong các hành vi nêu trong nêu trong khái niệm này thì cũng được coi là khủng bố. Qua các quy định nêu trên có thể thấy rằng nếu theo quy định tại BLHS hiện hành thì phạm vi cấu thành tội phạm của các tội về khủng bố dường như bị thu hẹp hơn và có chăng nên mở rộng dấu hiệu mục đích xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống khủng bố trong tình hình hiện nay. Nhằm “ép buộc chính quyền nhân dân” có mức độ thấp hơn
“chống chính quyền nhân dân”. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi khủng bố không nhằm chống chính quyền nhân dân mà chỉ nhằm “ép buộc chính quyền nhân dân” làm một việc hoặc không làm một việc nào đó vì lợi ích của mình hoặc của người khác, thậm chí là để phản đối một chủ trương, chính sách nào đó của chính quyền, Nhà nước. Đồng thời, thực tế cũng đã xảy ra nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi khủng bố không nhằm vào các cơ quan, tổ chức của nước sở tại mà nhằm vào trụ sở, người của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trên lãnh thổ nước đó.
Về hành vi: Theo quy định về các tội phạm khủng bố của BLHS thì dấu hiệu hành vi và mục đích luôn gắn với nhau tạo nên dấu hiệu đặc trưng của khủng bố. Cụ thể là:
+ Về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84): Đối tượng tác động của tội này luôn là con người, đó là tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể và tinh thần. Trường hợp nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tài sản như phá hủy, chiếm giữ, làm hư hỏng tài sản, hoặc tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì không phải là hành vi khủng bố theo quy định tại Điều 84 BLHS mà là hành vi thuộc mặt khách quan của các tội phạm khác như Tội gián điệp quy định tại Điều 80, Tội phá hoại cơ sở, vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 85, Tội chống phá trại giam quy định tại Điều 90 BLHS… Đối chiếu với khái niệm khủng bố của Luật phòng, chống khủng bố thì các hành vi phạm tội nêu trên đều là hành vi khủng bố (quy định tại Điểm b của khái niệm).
+ Về tội khủng bố (Điều 230a): Hành vi phạm tội này là trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng bằng cách thực hiện một trong các hành vi sau: (1) xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng người khác; (2) xâm phạm sức khỏe, tự do thân thể của người khác; (3) phá hủy, đe dọa phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (4) chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (5) hành vi khác uy hiếp tinh thần. Đối chiếu quy định của Luật phòng, chống khủng bố thì ngoài các hành vi quy định tại Điều 230a, nhiều hành vi quy định trong các tội phạm khác cũng thuộc về hành vi khủng bố nếu như hành vi đó được thực hiện nhằm phục vụ cho việc thực hiện một trong các hành vi quy định tại điều này. Vậy nên BLHS hiện hành cũng cần có những quy định nhằm mở rộng hơn phạm vi của các hành vi khủng bố theo khái niệm khủng bố.
Theo đó, Điều 230a cần bổ sung thêm các hành vi như: chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất cháy, chất độc, công cụ hỗ trợ…
Về khái niệm tài trợ khủng bố, tại Điều 230b của BLHS, tài trợ khủng bố được hiểu là hành vi “huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố”, theo quy định này thì mọi trường hợp huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố đều được coi là hành vi tài trợ khủng bố, “trong khi đó theo quy định của Công ước quốc tế năm 1999 về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố lại cho thấy có một số khác biệt, bởi theo Công ước này thì không phải mọi trường hợp huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố đều bị coi là tài trợ khủng bố mà chỉ khi việc huy động, hỗ trợ tiền, tài sản đó được sử dụng một phần hay toàn bộ vào việc thực hiện một trong các hành vi khủng bố thì mới bị coi là tài trợ khủng bố” [67 - tr.94]. Theo đó, hành vi tài trợ khủng bố theo quy định ở Tội tài trợ khủng bố trong BLHS có phạm vi rộng hơn so với hành vi tài trợ khủng bố theo quy định của Công ước;
việc quy định mở rộng này tạo thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tài trợ khủng bố; hạn chế, triệt tiêu đến mức tối đa khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các tổ chức, cá nhân khủng bố; đấu tranh triệt để đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, xét ở góc độ khác thì hành vi tài trợ khủng bố theo quy định về Tội tài trợ khủng bố trong BLHS lại hẹp hơn so với hành vi phạm tội tài trợ khủng bố trong Công ước. Theo quy định Tội tài trợ khủng bố trong BLHS thì chỉ bị coi là tài trợ khủng bố nếu như việc huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố - đó là những tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân khủng bố do cơ quan có thẩm quyền lập; trong khi đó, theo Công ước thì không phải như vậy, mọi trường hợp huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào mà với ý định để tổ chức, cá nhân đó sử dụng hoặc nhận thức được là nguồn tiền, tài sản đó được sử dụng một phần hay toàn bộ vào việc thực hiện một trong các hành vi khủng bố theo quy định của Công ước đều bị coi là tài trợ khủng bố. Theo đó, thiết nghĩ vấn đề này cần được nghiên cứu để có sự điều chỉnh phù hợp khi sửa đổi, bổ sung quy định về Tội tài trợ khủng bố trong BLHS.
Ngoài ra, khi nghiên cứu kỹ các khoản của Điều 230a, ta thấy nảy sinh một số vấn đề mà theo đó thiết nghĩ cần có sự quan tâm và điều chỉnh sao cho phù hợp hơn trong tương lai, cụ thể như sau:
+ Khoản 1 của điều luật quy định 3 loại hình phạt: tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Tuy nhiên, theo tình hình hiện nay thì vẫn chưa có một văn bản nào quy định trong trường hợp nào thì bị áp dụng hình phạt tử hình, trường hợp nào thì tù chung thân còn trường hợp nào thì tù có thời hạn, do đó khi gặp những vụ án cụ thể sẽ rất khó cho các Cơ quan tiến hành tố tụng trong việc quyết định hình phạt. Do đó, theo tác giả BLHS cần có sự quy định cụ thể trong vấn đề này, ví dụ như luật có thể quy định mức hình phạt căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm tín mạng hoặc phá hủy tài sản là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
+ Theo quy định tại khoản 2, Điều 230a thì điều luật này chỉ quy định xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản mà không quy định mức độ xâm phạm như thế nào, nên khi quyết định hình phạt Tòa án cũng gặp không ít khó khăn. Điều này đặt ra cần phải bổ sung vào khoản 2 mức độ xâm phạm của hành vi là nhiều hay ít, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quyết định hình phạt được dễ dàng hơn.
+ Khoản 3 của Điều luật quy định người phạm tội đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Việc xác định người phạm tội mới “đe dọa” chứ không thực hiện hành vi gây thiệt hại như ở khoản 1 của điều luật cũng là một vấn đề hết sức phức tạp. Thông thường, khi thiệt hại chưa xảy ra, người phạm tội thường khai là mình chỉ “đe dọa” chứ không thực hiện hành vi gây thiệt hại. Ngoài ra, tại khoản 3 của điều luật cũng chỉ quy định “đe dọa” thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 chứ không quy định “đe dọa” thực hiện tại khoản 2 của điều luật. Do đó, nếu người phạm tội chỉ “đe dọa” thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 thì chưa thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật. Do đó, theo ý kiến chủ quan của
tác giả cần đẩy mạnh, nâng cao công tác chứng minh, thu thập chứng cứ trong điều tra nhằm tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để chứng minh là người thực hiện hành vi chỉ là “de dọa” hay cố ý gây ra thiệt hại bằng mọi giá.
Vậy nên, riêng với Điều 230a - BLHS, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các văn bản dưới dạng Nghị quyết, Thông tư,… quy định một cách cụ thể những vấn đề còn nhiều bất cập, vướng mắc nêu trên nhằm tạo ra khung cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể dễ dàng giải quyết các vấn đề pháp lý xảy ra trên thực tế.
Ngoài ra khi áp dụng để quyết định hình phạt, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, nhân thân người phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định một mức hình phạt sao cho tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Ngày 12/06/2013, Quốc hội nước ta cũng đã thông qua Luật phòng, chống khủng bố (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013) và theo quy định của Luật này thì khái niệm khủng bố đã được mở rộng hơn về chủ thể, mục đích cũng như hành vi so với các quy định về tội phạm khủng bố trong BLHS hiện hành. Điều này không chỉ thể hiện một bước tiến rõ nét trong công tác đấu tranh phòng chống khủng bố, mà còn thể hiện những hạn chế, thiếu sót trong phần quy định về tội phạm khủng bố của BLHS Việt Nam năm 1999. Vì lẽ đó, trong giai đoạn tới, để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong đấu tranh, ngăn chặn và xử lý với tội phạm khủng bố, việc hoàn thiện những quy định về tội khủng bố trong BLHS Việt Nam cần chú ý những điểm cơ bản sau:
Một là, về tổng quan, cần nghiên cứu rộng rãi quan điểm của các nước trên thế giới cũng như quy định của pháp luật quốc tế về tội phạm khủng bố, đặc biệt là mục đích, đối tượng xâm hại của loại tội phạm này. Bên cạnh đó, cần chú ý tìm hiểu các văn bản luật có liên quan như Luật ANQG, Luật Công an nhân dân, Luật quốc phòng, Luật phòng, chống rửa tiền… nhằm phục vụ cho việc xây