Tội phạm khủng bố trong BLHS hiện hành

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố trong luật hình sự việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 37 - 42)

Chương 2: Chương 2: Quy định về tội phạm khủng bố trong Luật Hình sự Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật

1.2. Tội phạm khủng bố trong lịch sử lập pháp Hình sự Việt Nam

1.2.2. Tội phạm khủng bố trong BLHS hiện hành

BLHS năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21/12/1999 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2000 là công cụ sắc bén của Nhà nước, của nhân dân, đã phát huy vai trò, tác dụng to lớn trong công cuộc bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ ANQG và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, tội khủng bố trong BLHS năm 1999 được quy định tại Điều 84 và nằm trong chương “Các tội xâm phạm ANQG”. Mặc dù BLHS năm 1999 chưa đưa ra được định nghĩa pháp lý của khái niệm tội khủng bố, nhưng theo quy định tại điều 84 Bộ luật này, có thể thấy dấu hiệu cơ bản của tội này chính là mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân của người phạm tội. Như vậy, so với tội giết người, đánh người, gây thương tích, bắt giữ người, dọa giết người vì mục đích phản cách mạng được quy định trong Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967, thì mặt khách quan của tội khủng bố rộng hơn ở hành vi uy hiếp tinh thần cán bộ, công chức và công dân. Tội khủng bố được coi là hoàn thành từ thời điểm gây ra cái chết cho người khác (hành vi xâm phạm tính mạng), gây thương tích cho người khác hoặc gây tổn hại cho sức khỏe (hành vi xâm phạm sức khỏe), bắt giữ gười trái pháp luật (hành vi xâm phạm tự do thân thể), đe dọa giết người hay bằng ác hành vi khác uy hiếp tinh thần cán bộ, công chức hoặc công dân được thực hiện với mục đích chống chính quyền nhân dân.

Từ sự phân tích ở trên cho thấy, trong Luật Hình sự Việt Nam, đối với các tội xâm phạm ANQG nói chung và tội khủng bố nói riêng, việc chứng minh dấu

hiệu mục đích chống chính quyền nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Song mục đích phạm tội nói chung, mục đích chống chính quyền nhân dân nói riêng là vấn đề thuộc phạm trù chủ quan của tội phạm, cho nên việc chứng minh rất phức tạp. Lý luận và thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội khủng bố cho thấy, để xác định được mục đích chống chính quyền nhân dân của người phạm tội khủng bố, phải phân tích các tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội.Chỉ trên cơ sở xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện hai loại tình tiết này thì mới có thể xác định được mục đích chống chính quyền nhân dân một cách đúng đắn.

Có thể thấy, BLHS năm 1999 đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần không nhỏ vào công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, qua gần 10 năm thi hành, BLHS năm 1999 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sớm khắc phục và cùng với nhiều nguyên nhân khác nhau đòi hỏi BLHS 1999 cần phải có sự sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp nhất. Cụ thể như sau:

Thứ nhất,Nghị quyết 08-NQ/TW năm 1999 của Bộ Chính trị về Chiến lược ANQG nêu rõ “Chủ động xây dựng phương án bảo vệ an ninh, trật tự, phương án phòng, chống đich xâm nhập, phá hoại, gây rối, bạo loạn, chống khủng bố…”, Nghị quyết 40-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị về Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác công an trong tình hình mới cũng khẳng định “Nguy cơ khủng bố và lợi dụng chống khủng bố đe dọa nghiêm trọng an ninh thế giới vẫn tiếp tục gia tăng; phòng, chống khủng bố đang trở thành vấn đề quốc tế lớn đòi hỏi các nước đều phải quan tâm”; Chỉ thị số 25/2007/CT-TTg ngày 15/11/2007 của Thủ tướng chính phủ; Hướng dẫn số 02/2008/HD-BCA(A11) và Kế hoạch số 15/2008/KH-BCA(A11) ngày 07/3/2008 của Bộ Công an về công tác phòng, chốngkhủng bố trong tình hình mới. Chính vì lẽ đó, việc sửa đổi, bổ sung BLHS 1999 là một việc làm hết sức cần thiết nhằm hiện thực hóa những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trên thực tế.

Thứ hai, Tội khủng bố theo quy định của BLHS 1999 đòi hỏi dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm là mục đích chống chính quyền nhân dân, đây là một quy định cứng nhắc gây ra nhiều khó khăn trong việc xử lý loại tội phạm này trên thực tế, thể hiện rõ nét nhất ngay trong vấn đề dẫn độ - đây là một vấn đề rất quan trọng liên quan đến việc tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.

Điển hình như trường hợp dẫn độ Nguyễn Hữu Chánh, tên cầm đầu tổ chức phản động “Chính phủ Việt Nam tự do” và là tên khủng bố nguy hiểm mà Tòa án Hàn Quốc từ chối dẫn độ. Nguyên nhân của vấn đề này chính là do phía Việt Nam yêu cầu dẫn độ Nguyễn Hữu Chánh về tội “khủng bố”, đây là một trong những tội danh được Tòa án Hàn Quốc coi là “tội phạm mang tính chất chính trị”, nên thuộc trường hợp bị từ chối dẫn độ theo quy định của luật pháp quốc tế và quy định trong Hiệp định về dẫn độ giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc. Đây chính là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc dẫn độ loại tội phạm mang tính chất chính trị này.

Thứ ba, Theo dấu hiệu bắt buộc quy định trong cấu thành tội phạm của tội khủng bố như đã phân tích ở trên thì có những hành vi xảy ra trên thực tế giống với các hành vi khách quan được quy định tại Điều 84 BLHS 1999, tuy nhiên với việc thực hiện các hành vi này, người phạm tội không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân mà lại nhằm gây ra sự hoảng sợ trong quần chúng nhân dân. Với những trường hợp như thế này sẽ rất khó khăn cho các cơ quan có thẩm trong vấn đề xử lý, bởi lẽ nếu không xử thì sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, còn nếu xử lý thì sẽ trái với Luật định khi không cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự với tội phạm tương tự mà “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” [1 - tr.47].

Thứ tư, do được ban hành từ năm 1999 trong bối cảnh nước ta chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều ĐƯQT chúng ta chưa có điều kiện gia nhập nên BLHS chưa phản ánh được những đặc điểm và yêu cầu đấu tranh chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhất là các tội phạm mang tính chất

quốc tế như: khủng bố, buôn bán người, rửa tiền, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết trong các ĐƯQT về phòng, chống tội phạm cũng như việc thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước ta với các nước.

Thứ năm, là một quốc gia yêu chuộng hòa bình trong suốt thời gian qua Việt nam đã luôn thể hiện rõ quan điểm của mình trong việc kiên quyết đấu tranh tiến đến loại bỏ dần các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, trong đó có tội phạm khủng bố. Cụ thể hóa vấn đề này trên thực tế, Việt Nam đã gia nhập và ký kết hàng loạt các ĐƯQT song phương và đa phương, chính việc làm này đã giúp cho Việt Nam có điều kiện tiếp thu có chọn lọc những điểm mới trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới để từ đó hoàn thiện hơn BLHS của nước mình và cũng chính hoạt động này cũng đã giúp Việt Nam góp phần không nhỏ cùng với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm quốc tế nói chung và tội phạm khủng bố nói riêng.

Từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung BLHS là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết trong điều kiện phát triển về kinh tế và xã hội hiện nay của nước ta, nhằm góp phần khắc phục một bước những bất cập, hạn chế nói trên, đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn và bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm khủng bố; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trước những đòi hỏi và yêu cầu bức thiết đó, ngày 19 tháng 6 năm 2009, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Ngày 29 tháng 6 năm 2009 Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật này (Lệnh số 13/2009/L- CTN) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

Theo đó, BLHS 1999 đã bổ sung thêm một số điều, trong đó quy định nhóm các tội phạm về khủng bố. Ngoài Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84 BLHS 1999), giờ đây được bổ sung thêm hai điều luật mới: Điều 230a - Tội khủng bố và Điều 230b - Tội tài trợ khủng bố với những đặc điểm pháp lý cụ thể và rõ ràng hơn.

Tội khủng bố được quy định tại Điều 230a có phần mở rộng hơn khi trong cấu thành tội phạm của tội này không hề đòi hỏi dấu hiệu “nhằm chống chính quyền nhân dân” là dấu hiệu bắt buộc như trong Điều 84 BLHS 1999. Đây được xem là một sự sửa đổi hết sức đúng đắn, nó cho thấy được tầm nhìn xa, trông rộng của các nhà làm luật Việt Nam; bởi lẽ nước ta cũng đang trong quá trình hội nhập sâu hơn vào cuộc đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế của nhân loại tiến bộ, vì vậy về mặt hệ thống pháp luật nói chung cũng như pháp luật hình sự nói riêng cần có những sửa đổi, bổ sung để những quy định của pháp luật hình sự nước ta về tội khủng bố phù hợp hơn với những quy định tương ứng trong pháp luật hình sự của các nước trên thế giới. Trong khi nhiều nước trên thế giới không quan niệm tội khủng bố phải có dấu hiệu mục đích chống chính quyền nhân dân, thì việc quy định dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội khủng bố là mục đích chống chính quyền nhân dân như BLHS 1999 sẽ gây khó khăn cho nước ta trong việc thực hiện các Công ước quốc tế và các Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự có liên quan đến khủng bố. Vậy nên việc quy định mục đích “chống chính quyền nhân dân” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội khủng bố là không hợp lý, và với việc quy định có mục đích “nhằm gây ra sự hoảng sợ trong công chúng” theo Điều 230a- BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã tương đồng với quan niệm của cộng đồng quốc tế cũng như của nhiều nước trên thế giới.

Nếu như Điều 230a được quy định có phần tương tự như cấu thành tội phạm ở Điều 84 (chỉ khác ở mục đích phạm tội), thì Điều 230b lại là một tội hoàn toàn mới trong BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Đây sẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn công tác phòng, chống khủng bố ở Việt Nam cũng nhu triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng chống khủng bố. Điều này càng thể hiện thái độ nhất quán của Nhà nước ta kiên quyết lên án và đấu tranh với hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức, sẵn sàng hợp tác với các quốc gia và cộng đồng quốc tế từng bước loại trừ khủng bố ra khỏi đời sống nhân loại.

Một trong những nội dung chủ yếu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS là việc hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình nói chung và đối với một số tội phạm cụ thể nói riêng, theo đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS đã bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội phạm cụ thể. Ngoài ra, Luật cũng bổ sung thêm Tội khủng bố (Điều 230a) vào Chương XIX các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng với hình phạt cao nhất là tử hình. Như vậy, so với quy định của BLHS hiện hành thì có 8/29 điều luật đã được bỏ hình phạt tử hình, đồng thời, bổ sung thêm một điều luật có hình phạt tử hình (Điều 230a. Tội khủng bố).

Có thể thấy Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS là một bước kế thừa và phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan và hết sức cần thiết của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 33/2009/ QH12 về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS.

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố trong luật hình sự việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)