Dấu hiệu pháp lý

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố trong luật hình sự việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 59 - 65)

Chương 2 QUY ĐỊNH VỀ TỘI PHẠM KHỦNG BỐ TRONG LUẬT HÌNH SỰ

2.1. Quy định về các tội phạm khủng bố theoBLHS 1999 (được sửa đổi,

2.1.2. Tội khủng bố (Điều 230a BLHS)

2.1.2.1. Dấu hiệu pháp lý

Tội phạm này xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Mặt khách quan của tội phạm:

Theo quy định của Điều 230a và Thông tư liên tịch số 06 ngày 05/05/2012 [17] của BCA - BQP - BTP - NHNNVN - VKSNDTC - TANDTC về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về Tội khủng bố và Tội tài trợ khủng bố thì hành vi khách quan của Tội khủng bố được thể hiện bằng các hành vi cụ thể như sau:

+ Tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ. Để gây tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi được quy định tại Điều 230a có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người như quảng trường, ngã ba, ngã tư đường giao thông, tại các bến, nhà ga các phương tiện giao thông, tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện khu dân cư, tại các tòa nhà, cơ sở hạ tầng khác mà người dân đến với nhiều mục đích khác nhau. Hành vi được thực hiện ở các khu vực có tính biệt lập, không phải nơi công cộng, ví dụ: tại gia đình hoặc trong trụ sở cơ quan nhằm gây tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo Điều 230a nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

+ Hành vi phá hủy tài sản quy định tại khoản 1 Điều 230a là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản sẽ không còn. Ví dụ: dùng thuốc nổ đánh sập một tòa nhà cao tầng, một trụ sở của cơ quan, tổ chức hoặc một căn nhà của cá nhân; phs hủy phương tiện giao thông như: máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe ô tô,…

Hành vi phá hủy tài sản được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc và thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: đốt cháy, dùng thuốc nổ, dùng chất độc, hóa chất, hoặc lợi dụng thiên tai để hủy hoại tài sản…

+ Trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, nếu gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 84 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này; nếu xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân và hành vi đó được thực hiện ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hoạt động phỉ theo quy định tại điều 83 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này; nếu

xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thông qua hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bạo loạn theo Điều 82 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người thực hiện một trong các hành vi xâm phạm tính mạng, đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần;

xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của người khác, nhưng không nhằm gây sự hoảng sợ trong công chúng, không nhằm chống chính quyền nhân dân thì tùy trường hợp cụ thể, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng như Tội giết người quy định tại Điều 93, Tội đe dọa giết người quy định tại Điều 103, Tội cố ý thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 , Tội bắt giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 123 của BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng. Trường hợp người thực hiện hành vi phá hoại, nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gián điệp theo quy định tại Điều 80 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người thực hiện hành vi phá hủy tài sản, nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, nhưng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân và tài sản bị phá huỷ là cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam theo quy định tại Điều 85 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này; nếu phá hủy tài sản nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, không có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, nhưng tài sản đó là công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, hoặc tài sản là vũ khí quân dụng,

phương tiện kỹ thuật quân sự thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội khủng bố theo quy định tại Điều 230a BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.

+ Trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà thực hiện hành vi chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội khủng bố theo quy định tại Điều 230a BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Nếu chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy nhưng không có mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy theo quy định tại Điều 221 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người thực hiện một trong các hành vi chiếm giữ tài sản, làm hư hại tài sản, nếu không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 BLHS hoặc tội hủy hoại hoặc cố ý là hư hỏng tài sản quy định tại Điều 143 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm đó.

+ Trường hợp nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà bịa đặt,cố ý loan truyền thông tin giả về khủng bố (ví dụ bịa đặt, cố ý loan truyền thông tin giả có chất nổ, bom trên tàu bay, tàu hỏa, về dịch bệnh nguy hiểm…) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội khủng bố theo Điều 230a BLHS mà tùy từng trường hợp cụ thể sẽ bị xử lý theo quy định khác của pháp luật.

- Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho an toàn, trật tự công cộng, cho tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể và tài sản của người khác mà vẫn thực hiện

Mục đích là nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng - đây là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm này.Tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn cho tính mạng, sức khỏe, tài sản các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ. Đây là dấu hiệu cho

phép phân biệt tội khủng bố với các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể cũng như các tội cố xâm phạm sở hữu.

Việc xác định mục đích của người phạm tội nói chung là một vấn đề khó vì nó thuộc ý thức chủ quan của con người. Tuy nhiên, căn cứ vào hành vi khách quan cụ thể mà người phạm tội thực hiện, tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội nơi người phạm tội thực hiện hành vi; mối quan hệ giữa người phạm tội với người bị hại hoặc với cơ quan, tổ chức bị xâm phạm để xác định mục đích của người phạm tội.

Để làm rõ vấn đề này phải dựa trên cơ sở tổng hợp toàn bộ các tình tiết có liên quan đến hành vi phạm tội như: thái độ chính trị, trình độ nhận thức, các biểu hiện về việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chấp hành nội quy, quy tắc của cơ quan, tổ chức hoặc khu phố nơi người đó làm việc, sinh sống, quan hệ xã hội của chủ thể, các đối tượng là bạn bè, thân hữu của đối tượng, các biểu hiện cực đoan của người thực hiện hành vi, khí chất, bệnh lý và các tài liệu chứng cứ khác như lời nói, thư từ, tranh cổ động, biểu ngữ, các bài viết, trả lời phỏng vấn báo chí, ngoài lời khai của người làm chứng, của đối tượng và tài liệu chứng cứ khác thì cần thông qua quần chúng nhân dân, khu phố và cả chính quyền sở tại về các biểu hiện của người phạm tội… Thực tiễn cho thấy để làm rõ người phạm tội có mục đích chống quyền nhân dân hay chỉ dừng lại ở việc nhằm gây sự hoảng loạn, lo sợ trong công chúng - đây là một trong những vấn đề khó khăn cho toàn bộ quá trình chứng minh.

Một số vấn đề cần chú ý khi xác định đồng phạm:

Thứ nhất, việc xác định đồng phạm đối với tội khủng bố. Hành vi khủng bố có thể có nhiều người tham gia, có tổ chức, tuy nhiên khi xác định đồng phạm cần căn cứ vào động cơ, mục đích của người tham gia thực hiện tội phạm. Vì đối với tội khủng bố thì động cơ, mục đích gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng là dấu hiệu bắt buộc, chính vì vậy muốn xác định đồng phạm về tội này đòi hỏi phải làm rõ những người tham gia thực hiện tội phạm đều phải có động cơ, mục đích nêu trên. Nếu có người tham gia thực hiện tội phạm nhưng không

có động cơ, mục đích nêu trên, không nhận thức được động cơ, mục đích đó của đồng bọn, thì tùy từng trường hợp họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng trong BLHS.

Thứ hai, khi xác định đồng phạm đó là hành vi cung cấp tiền, tài sản cho hoạt động khủng bố thì có đồng phạm với tội khủng bố hay không, và nếu có thì khi nào là đồng phạm?. Có thể thấy về mặt lý thuyết thì hành vi nêu trên là một dạng hành vi của người giúp sức (giúp sức vật chất) trong đồng phạm2, nhưng do tội khủng bố nhằm mục đích gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng là dấu hiệu bắt buộc, vì vậy chỉ đồng phạm về tội này khi có hành vi huy động, cung cấp tiền, tài sản cho cá nhân, tổ chức khủng bố mà cùng động cơ, mục đích. Và ngược lại, thực hiện những hành vi nêu trên mà không có mục đích gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì cấu thành tội tài trợ khủng bố (Điều 230b BLHS 1999 đã sửa đổi, bổ sung).

Thứ ba, thực tiễn việc làm rõ động cơ, mục đích trong tội khủng bố là một vấn đề hết sức phức tạp vì đây là yếu tố tâm lý bên trong của tội phạm. Để khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội cần làm rõ những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do, tài sản của công dân các cơ quan, tổ chức có phải là nhằm gây nên tình trạng hoảng sợ trong công chúng hay không, hay chỉ vì tư thù cá nhân, ghen tuông tình ái, hoặc bởi những động cơ, mục đích vụ lợi khác.

- Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội khủng bố là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 của điều luật;

người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này mà không phân biệt thuộc trường hợp nào quy định tại khoản nào của điều luật.

2Theo Khoản 2, Điều 20 BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009)quy định “Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức đều là những người đồng phạm”.

Một phần của tài liệu Các tội phạm về khủng bố trong luật hình sự việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)