Trường hợp Kim Định

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 27 - 33)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN VỀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

1.2. Tổng quan về đối tượng nghiên cứu

1.2.2. Trường hợp Kim Định

1.2.2.1. Cuộc đời và sự nghiệp Kim Định

Kim Định tên đầy đủ là Lương Kim Định (15/6/1915 – 25/3/1997), sinh tại Trung Thành thuộc tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp môn Triết học tại Giáo hoàng Chủng viện Saint Albert Le Grand. Ông được thụ phong Linh mục năm 1943. Từ năm 1943 đến 1946 ông dạy triết học tại Chủng viện Bùi Chu ở Nam Định. Năm 1947, ông lại sang Pháp nghiên cứu về triết học trong vòng 10 năm và tốt nghiệp Triết học tại Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris), và tốt nghiệp Nho học tại Học viện Trung Hoa Paris (Institut des Hautes Etudes Chinoises).

Là một linh mục, lại có thời gian được đào tạo rất bài bản và có phương pháp, đồng thời thực hiện nghiên cứu ở Pháp, Kim Định được xem là người rất uyên bác.

Ông am hiểu triết học phương Tây. Điều này giúp ông tiếp cận khá dễ dàng với các trào lưu học thuật mới của thế giới trong giữa thế kỷ XX, đặc biệt là các trường phái lý thuyết nghiên cứu mới như cấu trúc luận, phân tâm học… Mặt khác, bối cảnh học thuật ở miền Nam trước năm 1975 đã có sự giao lưu với phương Tây giúp ông nắm

bắt được cơ hội này tốt hơn các nhà nghiên cứu ở miền Bắc. Những lý thuyết mới đã được ông vận dụng ít nhiều trong các công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh thông thạo triết học phương Tây, Kim Định lại còn am hiểu lịch sử và văn hóa Trung Hoa do ông học cao học chuyên ngành Trung Quốc học (ngành Đông phương học) tại Pháp. Nhờ đó mà ông tiếp cận thêm được với các công trình nghiên cứu Trung Quốc từ góc nhìn của người phương Tây.

Các ý tưởng của Kim Định được hình thành bởi nhận thức của ông về các luận chiến tri thức ở phương Tây cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Thế nhưng nền tảng tinh thần trong con người ông vẫn là vốn văn hóa Việt. Tiếp xúc với văn hóa Đông, Tây cho phép ông có được những phương pháp nghiên cứu hiện đại để ông quay về với vốn văn hóa cổ của dân tộc. Kim Định được xem là một con người “nệ cổ chiết trung”.

Năm 1958, sau khi du học trở về nước, Kim Định dạy triết học phương Đông tại Học viện Lê Bảo Tịnh, Trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Đà Lạt. Cùng với Nguyễn Văn Thích và Nguyễn Ðăng Thục, ông là người khai mở khoa Triết học Đông phương tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn từ năm 1958 và sau này tại vài trường đại học khác ở miền Nam. Từ những năm 1960, ông bắt đầu cho ra mắt một loạt những cuốn sách mà ông gọi là “minh triết Việt”. Trong suốt thời gian giảng dạy ở đại học, Kim Ðịnh đã có một ảnh hưởng nhất định đến các thế hệ thanh niên và sinh viên trong lĩnh vực văn hóa dân tộc. Mặc dù gặp nhiều chống đối, Kim Ðịnh vẫn kiên trì xây dựng một hệ thống triết lý Việt của mình. Từ Ðại học Văn Khoa Sài Gòn, ông mở rộng sự ảnh hưởng tới các đại học khác như Đại học Ðà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Ðức, Thành Nhân và An Giang. Chính trong giai đoạn này, Kim Ðịnh đã sáng lập ra chủ thuyết “An Vi” và

“Việt Nho”.

Với vốn học thức sâu rộng, lại làm việc trong môi trường đại học có cơ hội khuyến khích tư duy sáng tạo, Kim Định đã đặt ra nhiều giả thuyết trong nghiên cứu. Những giả thuyết đó đôi khi được ông xem là tiền đề cho các nghiên cứu nghiêm túc của mình, nhưng đôi khi ông chỉ xem đó là những “đề bài cho sinh viên

tìm tòi mà thôi”, mà như ông nói, “nếu có sai thì cũng không có gì là đáng chê trách!”

Sau năm 1975, Kim Định định cư ở Mỹ. Tuy sống ở nước ngoài nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu cổ sử Việt và theo đuổi thuyết Việt triết (Việt Nho) mà ông tạo ra với những trụ cột triết lý: An vi, nhân bản, thái hòa, bình sản. Các học trò của ông sáng lập ra tổ chức An Việt và tạo những phong trào văn hóa “về nguồn” rộng lớn và có ảnh hưởng ở nước ngoài.Trong tâm thức hướng về cội nguồn trong vô vọng của những người Việt mới di cư ra nước ngoài sau năm 1975, triết lý An Vi của Kim Định đã tìm được chỗ đứng, từ đó tạo thành một “phong trào An Vi” ở nhiều nước, với những hoạt động ít nhiều mang màu sắc chính trị. Trong khi đó, ở trong nước, cũng như số phận nhiều nhà nghiên cứu trước năm 1975 ở miền Nam, Kim Định gần như không được nhắc đến, ngoại trừ một vài học giả trong nước có tiếp nhận hướng nghiên cứu và phương pháp luận của ông để biên soạn những công trình học thuật mới về bản sắc văn hóa dân tộc. Ông mất ngày 25/3/1997 tại Carthage, bang Missouri nước Mỹ.

1.2.2.2. Các công trình nghiên cứu của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc Kim Định đã xuất bản 32 đầu sách ở nhiều lĩnh vực triết học, văn hóa, giáo dục… trong đó có 17 cuốn được in ở miền Nam trong giai đoạn 1965 – 1975.

Trong giai đoạn ở miền Nam trước năm 1975, ông xuất bản nhiều sách nghiên cứu về Nho giáo và Việt Nho. Từ nghiên cứu Nho giáo, ông xây dựng nên triết thuyết Việt Nho theo nghĩa Nho siêu việt và Nho sơ khởi là do người Lạc Việt, gồm các quyển: Nguyên Nho/ Cửa Khổng (1965), Nhân bản (tái bản dưới nhan đề Nhân chủ tại Mỹ sau 1975), Chữ thời (1967), Tâm tư (1970), Cơ cấu Việt Nho, Việt lý tố nguyên (1970), Lạc thư Minh triết (1971), Tinh hoa Ngũ điển (1973).

Trong số sách triết học, ông có hai cuốn sách được viết để đặt nền tảng cho việc tìm về triết lý nhân sinh và nền tảng tinh thần của phương Đông, đó là cuốn Những dị biệt triết lý Ðông Tây (1969) và Dịch kinh linh thể (1970).

Ngoài ra trong số sách xuất bản trước 1975 còn có cuốn Vũ trụ Nhân linh (1969) được ông viết thêm “để làm cho dễ hiểu cuốn Chữ thời, vừa bổ sung thêm một số yếu tố mới”. Sau đó khi tái bản ông đã dồn hết vào cuốn Chữ thời.

Kim Định đã bỏ ra nhiều công sức để “hòa nhập” vào đạo Nho bằng cách nghiên cứu và viết nhiều sách về Nho giáo, đến nỗi học giả Nguyễn Hiến Lê phải thốt lên: “Thật lạ lùng! Người có công nghiên cứu đạo Khổng nhất, đề cao Khổng nhất ở nước ta từ trước đến nay lại là một người Công giáo: giáo sư Lương Kim Định” [Dẫn theo Trần Ngọc Thêm: website]

Loại thứ hai thuộc lĩnh vực giáo dục gồm các quyển: Triết lý giáo dục, Ðịnh hướng văn học, Hiến chương Giáo dục, Vấn đề quốc học.

Loại thứ ba là sách về lĩnh vực văn hóa. Sách về văn hóa Việt Nam của Kim Định có hai loại chính: sách bàn về những vấn đề chung của văn hóa Việt Nam (cuốn Vấn đề nguồn gốc văn hóa Việt Nam, 1973…) và sách viết về một đặc điểm nhất định của văn hóa dân tộc (Triết lý cái đình, 1971; Loa Thành đồ thuyết, 1973…). Những quyển xuất bản trước 1975 được ông gọi chung là bộ “Triết lý an vi”.

Ngoài xuất bản sách, Kim Định còn viết nhiều bài báo để công bố các kết quả nghiên cứu cũng như giới thiệu những quan điểm của mình. Trong thư mục của Thư viện Tổng hợp TP.HCM, chúng tôi tìm được 24 bài báo của Kim Định đăng trên các tạp chí như Phương Đông, Văn Hóa, Bách Khoa trong giai đoạn từ 1970 – 1975.

Trong giai đoạn sau 1975, Kim Định có 15 cuốn được ông và các học trò xuất bản, chủ yếu ở Mỹ, bao gồm: Nhân chủ (tái bản từ cuốn Nhân Bản); Hồn nước với Lễ gia tiên (tái bản từ cuốn Căn bản triết lý trong Văn hóa Việt Nam); Hùng Việt sử ca; Kinh hùng khải triết; Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc; Sứ điệp trống đồng; Văn Lang vũ bộ; Hoa Kỳ & Thế chiến lược toàn cầu; Ðạo trường chung cho Ðông Á;

Hưng Việt; Cẩm nang triết Việt; Việt triết nhập môn; Gốc rễ triết Việt; Thái bình minh triết; Phong thái An Vi.

Sách của Kim Định Tổng số (cuốn)

Sách viết về bản sắc văn hóa dân tộc

Số lượng (cuốn) Tỷ lệ (%)

Trước 1975 17 3 17,65%

Sau 1975 15 4 26,67%

Tổng cộng 32 7 21,88%

Bảng 1: Số lượng sách của Kim Định viết về bản sắc văn hóa dân tộc

Nhìn vào bảng 1, chúng tôi nhận thấy số lượng sách của Kim Định chuyên biệt về bản sắc văn hóa là không cao, chiếm chưa tới 1/4 sách của ông. Tuy nhiên, trong hầu hết các công trình còn lại, Kim Định tập trung vào việc thiết lập, lý giải các nền tảng triết lý cho văn hóa dân tộc. Các cuốn sách về lịch sử hay giáo dục được ông viết ra như sự minh họa cho các triết thuyết mà ông chủ xướng. Điều này thể hiện rõ trong phần “Khai từ” của cuốn “Nguồn gốc Văn hóa Việt Nam”, Kim Định xác định năm điểm là đối tượng nghiên cứu trong toàn bộ các công trình của ông gồm: (1) Mối liên hệ giữa Việt Nam và Bách Việt; (2) Sự khác biệt giữa Hán Nho và Việt Nho; (3) Mối liên hệ giữa văn hóa Việt Nam với Nho giáo; (4) Đặc trưng văn hóa Việt Nam và (5) Một chủ đạo thích hợp tính tình phong thổ và trình độ tiến hóa. Trong năm đối tượng trên, có đến hai nội dung (4 và 5) có thể trực tiếp làm sáng tỏ bản sắc văn hóa Việt Nam. Những nội dung còn lại là cơ sở để ông lý giải về bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là tính nhất quán trong mục đích nghiên cứu của Kim Định. Nếu xem xét khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng, tức văn hóa như một chỉnh thể phức hợp những lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, thì có thể thấy toàn bộ các công trình của Kim Định đều có liên quan đến văn hóa Việt Nam.

Như vậy, xét về số lượng sách của Kim Định thì đúng Trần Ngọc Thêm đã nhận xét: “Kim Định là người đầu tiên và cho đến nay là duy nhất viết nhiều sách nhất về văn hóa Việt Nam” [Trần Ngọc Thêm: website].

Với một khối lượng công trình khá lớn đã xuất bản, có thể thấy Kim Định đã lao động miệt mài. Ông cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu cổ sử như đã có lần ông nói: “Ai đã thử đi vào mới biết sự khó khăn của những người tân học (tôi cũng là tân học, vậy xin đừng vì chữ này mà ngộ nhận tôi vơ đũa cả

nắm) khi muốn nghiên cứu về nguồn gốc nước ta. Khó khăn nhất vì suốt đời đi học có được học chữ nào về văn hóa nước nhà, về văn minh Đông phương. Mãi sau này vì thích tự ý đi tìm học mới gặp phải hai cái ụ chắn, một là chữ Nho, hai là tài liệu rất diệu vợi dù có tiền đi nữa đã sắm được đâu. Ba là chung quanh chẳng có một ai mà hỏi được lấy một câu bởi toàn những người cũng đã chẳng được học về văn hóa nước nhà” [Kim Định 1973 (a): trang 89]. Mặc dù còn nhiều vấn đề gây tranh luận về các kết quả nghiên cứu, nhưng dù sao Kim Định cũng là một hiện tượng độc đáo trong giới nghiên cứu văn hóa của thế kỷ XX ở nước ta. Các công trình nghiên cứu mà ông đã xuất bản nói lên một tinh thần say mê học thuật, sự mẫn cán đối với văn hóa dân tộc. Khối lượng thông tin dày đặc trong hàng chục cuốn sách về văn hóa dân tộc của ông đặt ra một thách thức không nhỏ cho người đọc, dù chỉ là để tìm hiểu cách thức mà tư duy của ông đã đi qua.

Tiểu kết chương 1

Mục tiêu của chương 1 là xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho luận văn.

Hai hướng nghiên cứu được thực hiện trong luận văn bao gồm: hướng nghiên cứu về quan điểm tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc; hướng nghiên cứu về những nhận định và kết quả nghiên cứu của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc. Bước đầu xây dựng khung lý thuyết để vận dụng vào việc nghiên cứu các chương, mục của luận văn.

Tập trung vào đối tượng nghiên cứu chính là các công trình nghiên cứu về văn hóa dân tộc của Kim Định nên chương 1 của luận văn làm rõ bối cảnh lịch sử và học thuật nổi bật gắn với cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu của Kim Định, từ đó hướng đến lý giải việc lựa chọn quan điểm tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của Kim Định đối với văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)