Quan điểm liên ngành

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 37 - 42)

CHƯƠNG 2. QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

2.2. Quan điểm tiếp cận của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc

2.2.1. Quan điểm liên ngành

Để có thể tiếp cận liên ngành, nhà nghiên cứu trước hết phải tiếp cận “đa ngành” nhằm nắm bắt và sử dụng những thông tin cập nhật mới nhất trong các lĩnh vực khác nhau. Kim Định dù không nói đến tiếp cận liên ngành nhưng qua các công trình của ông, có thể thấy ông đã đi theo hướng này. Với vốn kiến thức “Tây học”

và “Hán học” khá sâu rộng, ông đã hiểu F. Saussure (ngôn ngữ học), Lévi-Strauss (nhân chủng học), Marcel Granet, Creel, Needham (tất cả trong Hán học), Foucault (triết học), v.v..., trong đó Marcel Granet là nhà Hán học quan trọng nhất đối với Kim Định. Trong công trình La Pensée Chinoise (Tư tưởng Trung Quốc, năm 1934) của Granet, chịu ảnh hưởng của Lévy-Bruhl, Granet cho rằng cung cách suy nghĩ của người Trung Quốc chắc chắn khác với cung cách suy nghĩ của người

phương Tây. Để chứng minh cho vấn đề này, Granet đã cố gắng giải thích chi tiết các khái niệm thể hiện cách thức suy nghĩ của người Trung Quốc, và ở đây ông đã thảo luận nhiều vấn đề mà sau này Kim Định đã tập trung vào, chẳng hạn như khái niệm âm dương và ngũ hành [Dẫn theo Lê Minh Khải (b): website].

Kim Định cũng đọc Claude Lévi-Strauss, người đã đưa ra phương pháp phân tích cấu trúc trong lĩnh vực nhân học trong những năm 1950 và 1960, cho rằng người phương Tây và không phải phương Tây không phải tất cả đều khác nhau.

Một nhà nghiên cứu khác cũng đã ảnh hưởng đến Kim Định là nhà Hán học người Anh Joseph Needham. Vào những năm 1950, Needham xuất bản cuốn “Khoa học và văn minh ở Trung Quốc” - Science and Civilization in China. Ông đã phát hiện ra nhiều điểm tương đồng giữa tư tưởng Trung Quốc và phương Tây. Do đó Needham đã tìm cách cung cấp cho độc giả của mình một cái nhìn tích cực vào nền văn minh Trung Quốc hơn là họ đã nhận thức được.

Một nhà Hán học khác cũng đã làm như vậy là Herrlee Creel, giáo sư Đại học Chicago. Trong những năm đầu thế kỷ XX, các học giả phương Tây tin rằng các giai đoạn sớm nhất của lịch sử Trung Quốc, chẳng hạn như thời nhà Thương, là huyền thoại, nhưng Creel đã giới thiệu các phát hiện khảo cổ học về các giáp cốt văn ở An Dương để ủng hộ cho giá trị lịch sử của giai đoạn đó. Sau đó là Wolfram Eberhard, một nhà Hán học người Đức đã phá vỡ huyền thoại cho rằng về phương diện lịch sử, Trung Quốc là một xã hội đồng nhất bằng cách chứng minh Trung Quốc luôn luôn là một xã hội đa luân lý. Chính điều này đã mở ra cánh cửa cho Kim Định để lập luận rằng luân lý Việt quan trọng hơn so với luân lý Trung Hoa.

Trong các công trình của mình, Kim Định trích dẫn tư liệu từ tất cả các học giả trên. Ông cho rằng: “Tuy không chú ý đến lịch sử do người Tàu và ta viết, nhưng còn do những học giả quốc tế thì có chứ. Sở dĩ như vậy vì nghĩa rằng cái nhìn của họ vừa vô tư, vừa theo phương pháp khoa học hơn các tác giả Tàu và Việt” [Kim Định 1973 (a): trang 91]. Với những nguồn tư liệu trên, Kim Định là một trong

những nhà nghiên cứu đã thoát ra khỏi ảnh hưởng của các tư liệu và tư duy của Trung Hoa, điều mà nhiều người vào thời của ông hay mắc phải. Lê Minh Khải, giáo sư của Đại học Hawaii, cho rằng “trong khi nhiều học giả chỉ đơn giản là

“chọn” thông tin từ các lĩnh vực khác nhau để phù hợp với một ý tưởng (và thường là một ý tưởng dân tộc chủ nghĩa) mà họ đã có sẵn, Kim Định đã xây dựng ý tưởng của mình trên những tư tưởng của các học giả khác. Và điều này khiến ông trở nên thật sự đa ngành” [Lê Minh Khải (a): website]. Đây là điều mà người ta không thấy trong việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam thời kỳ trước năm 1975, ở cả miền Nam và miền Bắc. Phan Thanh Tá trong bài viết “Suy nghĩ về lý thuyết tiếp cận liên ngành trong văn hóa học” ghi nhận Kim Định là “một trong những người đầu tiên ở Việt Nam đi theo hướng tiếp cận liên ngành” khi lý giải các biểu tượng văn hóa Việt cổ [Phạm Thanh Tá: Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa].

Vào thời điểm thập niên 1970, Kim Định nhận xét rằng, trong làng văn hóa quốc tế vào giai đoạn ông sống đã có những phương pháp mới rất đáng chú ý nhưng chưa thấy được áp dụng ít ra cách triệt để vào việc tìm hiểu văn hóa nước nhà. Thế mà với bất cứ nền văn hóa nào thì những phương pháp nọ cũng rọi nhiều tia sáng mới lạ rất đáng chú ý, huống nữa với nền văn hóa Việt Nam có hai điểm khác văn hóa Tây phương: một là nó ưa lối không nói mà nói, gọi là "ý tại ngôn ngoại". Hai là có sự tham dự của dân chúng vào việc hình thành văn hóa, thế mà dân chúng không "viết sách" dài nhưng chỉ nói vắt tắt qua ca dao, qua thể chế, thói tục, lễ lạy, huyền thoại... Vì vậy ông cho rằng “cần một phương pháp chú ý tới tất cả những cái đó”, và đấy là điều ông đã thử làm với thuyết Việt Nho và gọi là “huyền sử”. Trong quan niệm của Kim Định, huyền sử khá gần với cách tiếp cận liên ngành. Theo ông,

“huyền sử là kết tinh bởi những phương pháp của các khoa nhân văn mới như hội học đặt nặng trên thói tục, thể chế, uyên tâm chú ý đến huyền thoại được coi như tiếng nói của tâm thức, cơ cấu chú ý hơn hết đến các con số tiêu biểu, khảo cổ dựa trên các di tích thám quật được”. Nhờ hiểu biết đa ngành, cập nhật được nhiều thông tin từ các nguồn tư liệu mới, tiếp cận các lý thuyết nghiên cứu văn hóa học hiện đại đang thịnh hành ở phương Tây thập niên 1950 – 1960, Kim Định đã xem

xét các vấn đề văn hóa “theo lối toàn thể”, nghĩa là “dùng tất cả khảo cổ, lịch sử, văn hóa, văn chương, truyền kỳ, thần thoại, và nhất là lối nhìn toàn cảnh: đặt nặng trên những điểm tựa có bảo đảm để tìm đọc ra những gì ẩn hiện mông lung và cuối cùng dẫn đến một thứ triết sử, hay là văn hóa sử không là văn học cũng không là văn minh” [Kim Định 1970 (a): trang 27]. Chính vì vậy, khi áp dụng cách tiếp cận liên ngành vào nghiên cứu huyền thoại, Kim Định “gọi là kỹ thuật vì nó được gợi hứng từ những khoa nhân văn cận đại là phân tâm, cơ cấu, nhân chủng, văn hóa cũng như triết học tỷ giảo v.v... Và do có nền tảng khoa học sánh vai được với mấy khoa học nhân văn tân tạo kia, và đem lại cho sự hiểu các huyền thoại một ánh sáng mới có tính chất khoa học, và đó là chỗ mới khác cũ” [Kim Định 1973 (a): trang 44]. Từ nguồn tư liệu cấp 2 và cái nhìn tổng thể đối với đối tượng nghiên cứu, các công trình nghiên cứu văn hóa của Kim Định mang tính liên ngành rõ nét, dù ông chưa một lần đề cập đến khái niệm “liên ngành”.

Tiếp cận liên ngành khi nghiên cứu bản sắc văn hóa Việt Nam, Kim Định xuất phát từ tư duy triết học, chủ yếu là triết lý phương Đông. Với một cách ước định riêng thuật ngữ "triết lý", Kim Định khẳng định: có triết lý phương Tây và triết lý phương Đông ngay từ thời cổ (cổ đại và trung đại). Tư duy triết lý phương Đông mang những đặc điểm của lối tư duy mà Kim Định gọi là “minh triết” với những nét tiêu biểu nhất là: “Lấy cứu cánh con người làm trọng tâm suy nghĩ, lấy sự thực hiện đếnrốt ráo cái tính bán nhiên con người làm mục tiêu (tận kỳ tính)” [Kim Định 1969 (b): trang 3]. Những nhà hiền triết cố gắng thực hiện "không phải ngoài cõi nhân sinh mà ngay trong đời sống, trong lối cư xử, trong cử chỉ" [Kim Định 1969 (b):

trang 2]. Theo Kim Định, phương pháp tư duy của minh triết "là thể nghiệm, trực giác".

Trên căn bản triết lý phương Đông đã nêu, Kim Định xác lập một quan điểm chung cho toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu của mình rằng nền văn hóa Việt Nam có một triết lý riêng, đó là thứ triết lý mà ông gọi là Việt Nho, với cả hai chiều kích:

Nho siêu việt và Nho của người Việt. Trong “Việt lý tố nguyên” ông nêu rõ: “Hai chữ Việt Nho, nghĩa chính là Nho siêu việt mà tôi cũng gọi là an vi và đó là triết

thuyết, nghĩa tùy phụ là Nho của người cổ Việt và nó nằm trong giả thuyết của triết sử”. Như vậy, xuất phát từ góc độ triết học, tiếp đến ông tiếp cận văn hóa Việt Nam từ góc độ lịch sử (mà ông gọi là triết sử hay văn hóa sử). Có điều, trong quan niệm của Kim Định, triết sử không cần phải dựa trên những cứ liệu lịch sử rõ ràng mà nó

“được giới thiệu như một giả thuyết làm việc chứ không phải là triết thuyết...”. Ông gọi cách tiếp cận văn hóa theo hướng cũ là “duy linh sử quan”, còn cách tiếp cận hiện đại là “duy vật sử quan”. Ông chọn lối “tâm linh sử quan”, xuất phát từ quan niệm của Kim Định cho rằng văn hóa Việt Nam mang đặc trưng của loại hình “văn hóa tâm linh”. Vì cho rằng văn hóa Việt Nam dựa trên “tâm linh sử quan”, Kim Định đặt trọng tâm tiếp cận văn hóa dân tộc từ góc độ “huyền thoại” dưới phản chiếu của các “ánh sáng khoa học” mà không đặt nặng chứng cứ khảo cổ. Trong cuốn “Việt lý tố nguyên”, Kim Định viết: “Các cụ xưa chỉ sống Nho giáo, mà ta gọi là duy linh sử quan, còn đám duy tân học chỉ căn cứ trên một số sử kiện khách quan hẹp hòi và ta sẽ gọi là duy vật sử quan thì chúng ta sẽ theo lối tâm linh sử quan đặt nặng trên mối liên hệ văn hóa hơn là liên hệ chính trị hay nhân chủng hay chủng tộc tức là lối làm việc lướt nhẹ trên tang chứng khảo cổ, mà lại đặt nặng trên thần thoại được soi sáng qua ánh sáng khoa học hầu chắt lọc nội dung của nền văn hóa chúng ta trong những bước chập chững sơ thủy” [Kim Định 1970 (a): trang 35].

Nhìn lại lịch sử nghiên cứu văn hóa học của Việt Nam, có thể thấy việc Kim Định sử dụng cách tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu văn hóa học từ những năm 1970 là khá sớm và trước rất nhiều nhà nghiên cứu khác. Về sau này, vào những năm 1990 – 2000 mới có nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam vận dụng phương pháp tiếp cận liên ngành trong văn hóa học. Có thể nhắc đến một số nhà nghiên cứu tiêu biểu như Trần Quốc Vượng với cái nhìn địa-văn hóa, Trần Đình Hượu đi từ văn học, triết học đến văn hóa, hoặc Phạm Đức Dương, Ngô Đức Thịnh từ dân tộc học, Trần Ngọc Thêm từ ngôn ngữ học đến văn hóa học... Trong công trình “Từ văn hóa đến văn hóa học” (2002) Phạm Đức Dương cho rằng phương pháp liên ngành là sản phẩm của tư duy hệ thống hiện đại, là sự liên kết các phương pháp riêng biệt của nhiều ngành khác nhau như là những phương pháp cụ thể dưới sự chỉ đạo của

phương pháp luận mới để khám phá những đặc tính gộp trội của văn hóa. Mặt khác, từcuối thế kỷ XX trong khoa học xã hội mới phát triển một hướng nghiên cứu mới, nghiên cứu văn hóa học. Đi theo hướng này, văn hóa được xem như “cái tổng thể” – điều mà Kim Định đã đề cập từ thập niên 1970.

Cách tiếp cận liên ngành mang lại những phát hiện khá phong phú trong các công trình của Kim Định, dù không phải lúc nào những phát hiện đó cũng đúng. Bởi vì, tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu văn hóa là một khoa học. Do đặc trưng tổng hợp và liên ngành của việc nghiên cứu văn hóa, các nhà nghiên cứu thường tìm cách phát huy mặt mạnh ở cách tiếp cận của từng bộ môn chuyên ngành có liên quan. Khi những cách tiếp cận ấy được tổng hợp lại với nhau trên cơ sở một quan điểm nghiên cứu chung thì hiện tượng văn hóa sẽ được xem xét, lý giải một cách toàn diện và sâu sắc hơn. Vì vậy, tiếp cận liên ngành đòi hỏi việc tiếp cận theo từng khía cạnh chuyên ngành cần đảm bảo tính khoa học. Kim Định, mặc dù tiên phong trong cách tiếp cận liên ngành, nhưng ông lại không đặt nặng chứng cứ khoa học trong từng khía cạnh chuyên ngành. Rõ ràng ông thiếu những tư liệu chính xác để xác lập cơ sở khoa học cho những lập luận của mình khi thừa nhận: "Tất cả những dữ kiện thuộc tiền sử, khảo cổ, nhân chủng học nhắc đến trên đây đều chỉ có một giá trị hoàn toàn tương đối và giả thuyết" [Kim Định 1970 (a): trang 75]. Cho nên dù có sử dụng tư liệu của các nhà nghiên cứu phương Tây, nhưng không phải lúc nào Kim Định cũng buộc mình đi theo những ý tưởng chính xác của họ. Chẳng hạn Eberhard không cho rằng người Việt ở Trung Quốc trước người Hoa, nhưng Kim Định thì đã nêu lên và tìm cách chứng minh cho giả thiết đó [Lê Minh Khải (b):

website]. Như vậy dù tiếp cận liên ngành như thực ra Kim Định huy động hết mọi thứ để phục vụ cho “triết lý” của mình, nhiều khi bất cần nói đúng hay không.

Chính điều này đã dẫn ông đến những “đề quyết” nhiều khi mang tính suy diễn và võ đoán.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)