CHƯƠNG 2. QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC
2.3. Phương pháp nghiên cứu của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc
2.3.1. Phương pháp mô tả - thống kê
Cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khác, Kim Định đã sử dụng phương pháp mô tả trong các công trình của mình. Nguồn tài liệu ông tập hợp chủ yếu là các tư liệu về nghi lễ, phong tục, các câu chuyện thần thoại, tri thức dân gian và cả sách vở kinh điển (như bộ Ngũ Kinh)… Ngoài ra ông còn sử dụng một số tư liệu khảo cổ và tư liệu về văn hóa vật chất.
Trong các tư liệu về văn hóa tinh thần, Kim Định tìm thấy “trong Nho giáo có các yếu tố của Lạc Việt, đó là đạo thờ trời, lễ gia tiên và ngũ hành” [Kim Định 1973 (a): trang 4]. Ông cho rằng đạo thờ trời là của Bách Việt, về sau Tàu mượn và dành cho vua, dân không được thờ. Trong khi đó thì ông dẫn một nghiên cứu của Võ Phiến đăng trên Bách khoa, số 376 tháng 9-12, cho thấy bên ta đến năm 1945 có nơi đến 80% gia đình trong nhà có bàn thờ ông Thiên. Kim Định còn cho rằng Trời mà dân Lạc Việt đã thờ trước kia là “bà trời”, sau này Tàu mới đổi thành “ông trời”, bởi do dân gian Việt Nam từ lâu đã có câu “Ông trăng mà lấy bà trời”!
Tương tự, Kim Định cũng cho rằng lễ gia tiên là của Lạc Việt, Tàu cũng mượn và dành cho quý tộc, dân chúng không được thờ. Dựa trên ý kiến rằng “có người nhận xét là gia đình Tàu không có bàn thờ tổ tiên khác hẳn với Việt Nam nhà nào cũng có”, Kim Định kết luận rằng “như vậy đã rõ nơi xuất phát phải là người Việt
thì người Việt mới thấm nhuần nhiều hơn được như vậy” [Kim Định 1973 (a): trang 5]. Cách lập luận như trên của Kim Định mang tính chất suy diễn rõ rệt, dù đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh lễ gia tiên hay đạo thờ cúng ông bà là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Còn ngũ hành thì ông cho rằng “đến nay các học giả cho là phát xuất tự đông nam” vì vậy phải do Lạc Việt tạo ra! Kim Định gọi đạo thờ trời, lễ gia tiên và ngũ hành là “3 cột cái của Nho”, mà ở đây là Việt Nho chứ không phải Hán Nho.
Vì sao Kim Định đưa ra những quan điểm trên? Ông cho rằng có thể “kiện chứng” trên hai điểm sau: Trước hết là việc Khổng Tử tuyên bố “thuật nhi bất tác”, tức là chỉ thuật là đạo cổ xưa chứ ông không sáng tác và nếu cần xác định đạo cổ ở phương nào thì Khổng Tử bảo là ở phương Nam trong câu “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi” (Trung Dung 10). Kim Định cho rằng vì lý do trên nên “cần phải từ bỏ thói quen coi Khổng Tử như người sáng lập ra Nho giáo. Công của Khổng chỉ làm cho đạo Nho phục hồi sức mạnh mà thôi”
[Kim Định 1973 (a): trang 5]. Hai là, theo Kim Định, “trung tâm văn hóa của Tàu luôn ở Hồ Quảng tức miền của Lạc Việt hoặc thời Khổng Tử là Sơn Đông (Tề, Lỗ) cũng là miền có sự hiện diện lâu đời của Lạc Việt”.
Kim Định còn chú trọng mô tả các tư liệu văn hóa vật chất. Trong các nguồn tư liệu này, Kim Định đặc biệt quan tâm đến trống đồng. Ông dành nhiều thời gian trong cuộc đời để nghiên cứu chiếc trống đồng vì cho rằng tinh hoa văn hóa của người Việt đều dồn tụ vào những hình ảnh trên mặt trống. Ông nhìn thấy cả lịch sử Việt, văn hóa Việt, triết lý Việt trên chiếc trống đó. Theo ông, những hình người có cánh trên mặt trống đồng đại diện cho Mẹ Tiên, còn hình ảnh vòng ngoài vận hành ở tang trống chính là Rồng Cha. Mẹ Tiên và Rồng cha hợp nhau biểu thị đất trời hòa hợp, là thứ minh triết uyên bác xa xưa. Nét dọc tang trống là Trời, nét ngang là mặt trống là Đất. Hai thứ ấy làm nên thực thể gọi là nhạc khí vũ trụ. Vũ trụ thể hiện kích thước bao la của trời với đất. Cuộc hòa âm này chiếu giải lên toàn thân trống, tả lại một xã hội hạnh phúc tưng bừng đang ca múa gồm cả trời (mặt trời), đất (thuyền rồng, các con vật) và cả người.
Từ những hình ảnh trên trống đồng, Kim Định liên tưởng đến đời thực. Ông cho rằng trên các đình làng Việt Nam thể hiện rõ nhất triết lý đó. Ðình là cái nhà có ba tầng kiểu nhà sàn: Nóc có chim đậu chỉ trời, người ở sàn giữa, bên dưới là đất.
Trong đình cũng có 3 tầng như vậy, tức gồm cả tế tự cho trời, hành chính chia ruộng đất, còn người thì vui sống đình đám chơi xuân. Điều đặc biệt, là cả trên trống đồng và đình làng Việt, đều thể hiện vạn vật giao hòa, trời và người là một, chẳng có gì tục với thiêng mà phải riêng rẽ. Cuộc sống đời thường luôn tưng bừng đình đám, chấp nhận mọi sinh thú ở đời.
Kim Định còn mô tả cuộc sống sinh động của người Việt xưa với hàng trăm điệu hò, điệu múa, nào là múa sinh tiền, múa sắc bùa, múa chai, múa trống, múa đèn, múa dậm, múa bông lau... Rồi các trò đua thuyền, kéo chữ, đánh cờ người, rối nước, rối cạn… Đó là những cuộc vui bất tận tỏa ra khắp cả nước. Hơn 50 sắc dân thiểu số với những tín ngưỡng rất khác nhau, mà vẫn sống bên nhau suốt bao nhiêu ngàn năm hạnh phúc. Ông cho rằng đó chính là nét đặc sắc của nền văn minh Lạc Việt, nền văn minh được khắc họa cụ thể trên mặt trống đồng. Mặt trống đồng chính là bộ sử hạnh phúc loài người. Đó có lẽ cũng là khát vọng mà người Việt hướng đến. Chúng tôi nhận thấy, khẳng định ý nghĩa của những biểu tượng văn hóa thể hiện trên trống đồng là điều hợp lý, nhưng từ đó Kim Định đồng nhất với triết Việt rồi cho rằng “Triết lý Việt chính là sự thăng hoa tột cùng của hạnh phúc loài người!” thì ông đã “thấy cây mà không thấy rừng”!
Phương pháp mô tả cho phép nhà nghiên cứu thể hiện các suy nghĩ, cảm nhận của mình. Nói đến văn hóa Việt, Kim Định cảm nhận rằng đó là “một nền văn hóa có tính cách tiêu biểu hơn hết”. Và theo ông, “xưa rầy hễ đã nói đến tiêu biểu là phải kể tới các con số” [Kim Định 1971 (a): trang 67]. Ông nhận xét rằng “việc tiêu biểu bằng số ở Viễn đông có phần vững chắc hơn vì các con số được đặt vào biên cương minh triết, tức là được cơ cấu hóa theo cung ngũ hành” [Kim Định 1971 (a):
trang 69]. Chẳng hạn, những con số cũng đều theo quy ước bí ẩn của văn hóa cổ.
Mặt trời ở giữa mặt trống thay cho trời làm trung tâm lan tỏa sức sống. Mặt trời tỏa ra 14 tia sáng. Rồi đến các vòng ngoài đều chia ra 2 bên chẵn lẻ. Bên chẵn thì trên
nóc nhà có 2 con chim, 6 người, đàn chim 4 cặp. Bên lẻ thì trên nóc nhà có 1 con chim, đoàn người 7, đàn chim 3 cặp. Vòng ngoài cùng chia làm 4 chỉ 4 chiếc hoa quỳ 9 cánh: 4x9=36, cũng có thể chỉ 4 phương. Nhưng mặt trời ở giữa, còn gợi ra suy nghĩ là bông hoa. Hoa quỳ lại có 9 cánh. Số 9 là tiên thiên của huyền sử, dân Lạc Việt lấy số 9 làm quan trọng, nhân với 2 thành 18. 18 chim to, 18 chim nhỏ. Số 18 là huyền số như: 18 ngàn năm Bàn Cổ, 18 đời Hùng Vương, 18 thước cao của ngựa Thánh Gióng...
Kim Định còn dùng phương pháp thống kê để kiểm đếm các yếu tố đặc trưng của văn hóa Việt. Ông thực hiện thao tác “lên số những yếu tố căn bản của Nho rồi cho số điểm”. Sau khi tự “đo chỉ số văn hóa”, ông đưa ra một bảng thống kê về những điểm mà Viêm Việt đạt được như sau:
1. Nhân chủ: được 80% hay là 8 điểm 2. Dân quyền được 70% hay là 7 điểm 3. Bình quyền được 60% hay là 6 điểm
4. Bình quyền nam nữ được 70% hay là 7 điểm 5. Tình lý tương tham được 90% hay là 9 điểm 6. Thái nhất được 80% hay là 8 điểm
7. Lưỡng nghi được 90% hay là 9 điểm 8. Tam tài được 70% hay là 7 điểm 9. Ngũ hành được 80% hay là 8 điểm 10. Cửu lê được 70% hay là 7 điểm
“Tổng số là 72 vo tròn lại là 70” [Kim Định 1973 (a): trang 20]. Ông cho rằng thường tình chỉ cần 50 điểm là đủ đỗ, tức đã đủ lý do để lập ra một giả thuyết, vậy mà ở đây đạt 72 “kể như hạng ưu”, tức “giả thuyết có đủ nền tảng để lên bậc chủ thuyết: rằng trong Nho giáo sơ khai người Lạc Việt đã đóng góp quá bán phần”. Có điều trong bảng thống kê trên Kim Định tính tỷ lệ hoàn toàn theosuy nghĩ chủ quan, dù có nghiêm ngặt như ông thừa nhận, thì tính thuyết phục cũng không thể cao được.
Phương pháp mô tả, thống kê chưa giúp Kim Định đi sâu vào bản chất của văn hóa Việt Nam nhưng đã giúp ông đưa ra được những nhận xét ban đầu về đặc điểm của nền văn hóa này. Đáng tiếc là phương pháp đó chưa phải là thống kê khoa học mà chủ yếu chỉ mượn các con số để nói quan điểm chủ quan của ông. Ngay cả những câu chuyện huyền sử, những câu ca dao… thuộc thời nào, xuất hiện từ bao giờ, có phải do giao lưu văn hóa không, cũng không thấy Kim Định làm rõ. Do vậy, có thể nói, Kim Định mượn thống kê nhưng không thuyết phục.