CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM VÀ NHỮNG NHẬN ĐỊNH
3.1. Về cơ sở hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
3.1.1. Văn minh nông nghiệp
Chịu ảnh hưởng từ cơ cấu luận, trong các công trình của mình, Kim Định nhìn nhận các vấn đề văn hóa theo từng cặp đối lập. Kim Định phân loại các nền văn hóa nói chung theo hai loại hình, theo ông là đối lập, gồm văn hóa nông nghiệp và văn hóa du mục. Trong đó, ông cho rằng văn hóa Trung Hoa thuộc về văn hóa du mục, còn Viêm Việt là tiêu biểu của văn hóa nông nghiệp. Đó là một nền văn hóa lấy Việt Nho làm nền tảng, chứa đựng những giá trị “bản quyền” vô giá của dân tộc Việt Nam mà người Trung Hoa giai đoạn du mục chưa thể có. Nền văn hóa nông nghiệp này gắn liền với thiên nhiên, thời tiết, mùa màng, là sự hợp nhất giữa người và trời (thiên nhân hợp nhất), suy rộng ra là lòng yêu hòa bình, ghét chiến tranh, đặt văn lên trên võ, đặt nhân trị và lễ trị lên trên pháp trị.
Cơ sở của việc phân chia này, theo Kim Định, không phải xuất phát từ nguồn gốc mà căn cứ vào những dấu hiệu và biểu trưng văn hóa. Ông “lấy về huyền sử mà
bàn” để cho rằng “miền Bắc là Hoàng Hà thuộc Hoàng Đế, còn miền Nam thuộc Thần Nông (gồm cả Toại Nhân và Phục Hi)”. Ông cho rằng chỉ cần “dựa vào tên hai nhân vật thần thoại đã đủ để chỉ hai thực thể, hai loại tinh thần một gọi là du mục ưa võ lực, đề cao yếu tố nam, ưa dụng những số chẵn, vật tổ thú. Ngược lại là
Thần Nông đi với nông nghiệp, nam nữ phân quyền nên nữ được nhiều quyền hơn, thong dong hơn bên bắc, lại ưa số lẻ, vật biểu chim…” [Kim Định 1971 (a): trang 102]. Theo suy luận của Kim Định, vì Hoàng Đế ở phương Bắc nên nước Tàu có
văn hóa du mục, còn Thần Nông xuất hiện ở phương Nam nên Viêm Việt có văn hóa nông nghiệp. Như vậy, một lần nữa, Kim Định đã suy luận cơ sở hình thành
văn hóa Viêm Việt dựa trên những tên gọi từ trong thần thoại, mà về mặt khoa học thì không thể kiểm chứng.
Đi tìm minh chứng để khẳng định loại hình văn hóa du mục, Kim Định cho rằng “ấn tích du mục được hiển thị bằng độc tôn người cầm đầu, vì tất cả dựa trên sức mạnh để săn hái, rồi sau để chiếm đồng cỏ. Muốn mạnh thì mọi phần tử phải trọn vẹn phục tùng cấp trên”. Còn đối với văn hóa nông nghiệp, ông cho rằng đặc trưng là “khuynh hướng trọng tài đức”, ngược với lối đề cao thủ lĩnh du mục [Kim Định 1971 (a): trang 114 - 115]. Từ sự phân chia đó, Kim Định suy ra rằng văn hóa nông nghiệp, tức là phía trọng tài đức thì “có sự phong phú và nhất là hợp tình người”, còn ở những xã hội độc tôn thì “triết lý rất nghèo nàn”, “kém về đạo lý, nhất thứ là đạo Nho, là đạo lý lấy nhu thắng cương”. Với những lập luận trên, Kim Định đi đến kết luận “vì thế mà Nho đạo cũng chính là Nhu đạo khó có thể được khởi sáng do những xã hội ưa quyền lực như nhóm Hoa tộc” [Kim Định 1971 (a):
trang 117]. Và dĩ nhiên, ông dành vinh dự đó cho Việt tộc như ông đã nhiều lần đề
cập trong các cuốn sách khác của mình! Như vậy là Kim Định không quan tâm gì đến bối cảnh lịch sử thời nhà Chu và lý tưởng của Khổng Tử về “trị bình” mà chỉ suy ra rằng Nhu là uyển chuyển mà uyển chuyển thì không thể có ở dân du mục!
Mặt khác, ông dựa vào thành phần xã hội để khẳng định tính chất “du mục”
hay “nông nghiệp” của một nền văn hóa. Ông cho rằng “do Tàu có rất nhiều công thương (yếu tố du mục) biểu lộ bằng sự có đông thị dân hơn hẳn Việt Nam, trong khi chỉ Việt Nam mới hoàn toàn nông nghiệp nên tinh thần nông nghiệp sống mạnh bên Việt Nam hơn bên Tàu” [Kim Định 1973 (a): trang 112].
Thế nhưng, làm thế nào để khẳng định khái quát là phương Nam là gốc nông nghiệp, và từ nông nghiệp đưa ra lối sống “hợp tình” và “uyển chuyển”, rồi “trọng tài đức” thì Kim Định không lý giải được. Lịch sử thế giới không chứng minh lý luận đó: phần lớn các nền văn hoá khi xuất hiện đều phối hợp nông nghiệp và du mục (tuy với trình độ khác nhau), chỉ trong một số trường hợp vì hoàn cảnh địa lý khí hậu ta thấy chỉ có nông nghiệp hay chỉ có du mục. Theo Lê Thành Khôi, “đứng về phương diện phương pháp luận, để giảng nghĩa một sự kiện lịch sử xã hội, "gốc"
không quan trọng bằng các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá đương thời.
Gốc là một khái niệm khái quát quá, lờ mờ quá, nhất là một gốc du mục hay nông nghiệp đưa ra nhiều xã hội khác nhau” [Lê Thành Khôi: website].
Một điều đáng nói là ở đây, Kim Định giới hạn rằng “chữ du mục ở đây phải hiểu về đợt cơ cấu, tức là đã có lâu đời và còn để ấn tích lại mặc dầu về sau Hoa tộc không còn ở trong tình trạng du mục nữa” [Kim Định 1971 (a): trang 114]. Như vậy ông muốn nói rằng tính chất du mục là cái gốc xa xưa. Điều này thể hiện quan niệm của Kim Định về bản sắc văn hóa và nguồn gốc của bản sắc văn hóa: tức từ những gì xa xưa, cội nguồn và thường có sắc thái quyết định luận. Mặt khác, nó cho thấy Kim Định có quan điểm siêu hình về sự phát triển của văn hóa, xem nhẹ quy luật biến đổi văn hóa. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng Kim Định không thực quá cực quan và rạch ròi trong chia du mục và nông nghiệp, ông hay nhắc đi nhắc lại rằng đó chỉ là giả thuyết. Ông viết: “Khi đưa ra hai dạng thức du mục và nông nghiệp thì không có ý rằng xã hội Việt Nho là hoàn toàn nông nghiệp mà xã hội La - Hy hoàn toàn du mục, nhưng đó là những tiêu điểm giúp cho dễ phân ra những yếu tố nào là nông nghiệp hay du mục, thời nào thì du mục nổi hơn…” [Kim Định 1972: trang 32-33]. Điều này rất khác với quan niệm của một số nhà nghiên cứu sau này cũng phân chia các nền văn hóa thành hai loại hình cơ bản là văn hóa du mục và văn hóa nông nghiệp, nhưng lại áp dụng cấu trúc loại hình này để phân tích các hiện tượng văn hóa ở nhiều thời đại về sau, quy mọi cái hoặc về “du mục” hoặc “nông nghiệp”, khiến cho việc giải thích nhiều khi khá chênh vênh. Đồng thời đó, có thể thấy việc phân chia du mục và nông nghiệp có độ chênh nhất định vì thế giới có văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp nhưng liệu có văn minh du mục? Mặt khác, nếu càng về phía Bắc và phía Tây du mục thì các đặc điểm của văn hóa Trung Hoa phải được thể hiện rõ hơn đâu hết trong các nền văn hóa xa về phía Bắc và phía Tây.
Việc Kim Định sử dụng cấu trúc luận dựa trên huyền sử đã khiến cho các lập luận của ông nhiều khi đi quá xa sự thật. Ông trung thành với nguyên tắc đã đặt ra:
“Huyền sử phải vượt vòng ngoài là những chi tiết để nhìn được vòng trong là cái toàn thể nó vượt lên trên chi tiết” nên cho rằng “nói Hoa là du mục còn Việt là nông
nghiệp thì không cần căn cứ trên nguồn gốc xem chủng nào đi vào nông nghiệp trước”. Theo ông, điều đó, có hay không cũng chẳng sao, vì quan trọng là nội dung,
“hễ nội dung nào nhiều tính chất nông nghiệp thì cho đó là nông nghiệp” [Kim Định 1973 (a): trang 48]. Trong phần lớn các công trình của mình, Kim Định cho rằng thời cổ đại có một nhóm lớn con người vùng Viễn Đông, một thuật ngữ mà ông thường sử dụng, được ông gọi là "Viêm tộc”. Ông cho rằng thuật ngữ "Viêm" xuất phát từ cái tên Viêm Đế, một tên gọi khác của nhân vật huyền thoại cổ xưa là Thần Nông, một nhân vật gắn liền với sự phát triển nông nghiệp. Sở dĩ Kim Định nhận định như vậy vì ông suy diễn: Viêm là nóng, mà nóng thuộc phương Nam nông nghiệp! Ngoài ra, Kim Định cho rằng các thành viên của Viêm tộc là những người làm nông và họ đã sáng tạo ra một triết lý mà ông gọi là "Việt Nho", tức là Nho giáo Việt đích thực. Nhà nghiên cứu Lê Minh Khải, giáo sư Đại học Hawaii, nhận định: “Cơ sở của triết lý này là các khái niệm như âm dương và ngũ hành, những khái niệm mà Kim Định cho là người Hán, các thành viên của cái mà ông khẳng định là một nhóm du mục di cư vào Trung Quốc sau khi Viêm tộc đã hưng thịnh ở đó bằng nghề nông, sau đó chiếm đoạt và thực hiện một phần của cái mà Kim Định gọi là "Hán Nho" [Lê Minh Khải (c): website].
Như vậy, việc Kim Định khẳng định văn hóa Việt Nam là văn hóa nông nghiệp không chỉ là để xác lập đặc trưng gốc của văn hóa dân tộc, mà tham vọng của ông còn lớn hơn thế rất nhiều. Ông muốn đưa nền văn hóa đó lên hàng đầu, một vị trí cao chót vót với sứ mệnh khởi sáng ra nền văn minh Á Đông. Trong “Triết lý
cái đình”, ông gắn đặc trưng văn minh nông nghiệp với hàng loạt các lễ tiết nông nghiệp, và cho rằng một khi “nền văn minh là nông nghiệp mà nội dung các lễ cũng là nông nghiệp thì ở đâu mừng lễ đó tức đấy là chỉ khởi sáng ra nền văn minh”
[Kim Định 1971 (a): trang 73]. Và dĩ nhiên, trong suy nghĩ của Kim Định, chỉ có
Viêm Việt mới có được những lễ tiết nông nghiệp đó. Kim Định cho rằng các thành viên của Viêm tộc là những người làm nông và họ đã sáng tạo ra một triết lý mà ông gọi là "Việt Nho" nghĩa là “Nho siêu việt” và “Nho giáo của người Việt” theo quan niệm của Kim Định. Theo nhà nghiên cứu Lê Minh Khải, “cơ sở của triết lý này là
các khái niệm như âm dương và ngũ hành, những khái niệm mà Kim Định cho là người Hán, các thành viên của cái mà ông khẳng định là một nhóm du mục di cư vào Trung Quốc sau khi Viêm tộc đã hưng thịnh ở đó bằng nghề nông, sau đó chiếm đoạt và thực hiện một phần của cái mà Kim Định gọi là "Hán Nho"” [Lê Minh Khải (c): website]. Vì vậy ông đặt ra nhiệm vụ cho mình là đi tìm lại và bảo tồn các giá trị của nền văn hóa “Việt Nho”, mà thực chất là một hệ thống triết lý ông đã tạo ra thông qua các công trình của mình. Điều này một lần nữa bộc lộ
những quan điểm cực đoan của Kim Định khi nghiên cứu về đặc trưng văn hóa Việt Nam. Khi chia du mục và nông nghiệp, Kim Định đã không chú ý đến tính đa dạng của văn hóa và quy luật biến đổi văn hóa, giao thoa văn hóa.