CHƯƠNG 2. QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC
2.1. Quan niệm của Kim Định về văn hóa và bản sắc văn hóa
Trước Kim Định, nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất khái niệm về văn hóa, chẳng hạn như khái niệm văn hóa của Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cương” in năm 1938: “Người ta cho rằng văn hóa là chỉ những học thuật tư tưởng của loài người, nhân thể mà xem văn hóa có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy. Học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi văn hóa nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, về chính trị và xã hội, cũng hết thảy các phong tục tập quán lại không phải ở trong phạm vi văn hóa hay sao? Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung các phương tiện sinh hoạt của loài người, cho nên chung quy lại có thể nói rằng văn hóa là sinh hoạt” [Đào Duy Anh: trang 13].
Nhưng khác với Đào Duy Anh vốn nhấn mạnh bản chất của văn hóa là “sinh hoạt”, Kim Định nghiêng về yếu tố tinh thần, ý nghĩa triết lý khi đề cập đến văn hóa: “Phải đi đến lối hiểu chữ văn hóa cao hơn tức hiểu tới đợt triết lý…” [Kim Định 1973 (a): trang 87].
Với Kim Định, khi tìm hiểu văn hóa thì phải hiểu đến các triết lý sâu xa ẩn dưới các hiện tượng văn hóa. Ông cho rằng “sứ mệnh của văn hóa là phải cải hóa bằng cảm hóa. Muốn thế cần có một chủ đạo, một cơ sở tinh thần với những giá trị nền tảng” [Kim Định 1988 (a): trang 127]. Cơ sở tinh thần và những giá trị nền tảng đó là gì? Kim Định xác định đó chính là “minh triết”, tức là “tinh hoa triết lý nhân sinh”. Văn hóa đối với Kim Định là cứu cánh để giải quyết mọi vấn đề. Phải có triết lý mới xây dựng được xã hội, mất triết lý thì mất nước. Phải chăng xuất phát từ quan niệm này nên Kim Định nỗ lực xây dựng một triết lý An Vi? Phải chăng đó chính là tinh thần dân tộc mà Kim Định muốn tìm kiếm trong quá khứ? Kim Định biện minh rằng chủ nghĩa cá nhân của phương Tây đang thách thức tính cộng đồng
của châu Á, và tinh thần dân tộc của Việt Nam đang bị làm tan rã đến tận cùng. Khi quay về quá khứ, Kim Định tìm thấy trong “Nho giáo nguyên thủy” những giá trị mà ông cho là cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Ông khẳng định: “Tôi chủ trương cơ cấu văn hóa nước nhà cùng với Nho giáo nguyên thủy là một. Vì thế mà tôi cũng gọi là Việt Nho” [Kim Định 1970 (a): trang 88].
Kim Định còn cho rằng để hiểu văn hóa, cần phải đặt vấn đề trong hệ thống, tìm ra những mối liên hệ giữa vấn đề với toàn bộ cấu trúc của hệ thống: “Phải nghĩ đến bầu khí văn hóa, nghĩ đến cái triết lý nằm ngầm mà theo tôi nếu tách rời văn học nước nhà ra khỏi Nho giáo thì hiểu sao được cho thấu đáo. Vì hiểu văn hóa thấu triệt là phải nhìn ra mối liên hệ thâm sâu với toàn thể” [Kim Định 1973 (a): trang 87]. Qua cách hiểu này cho thấy Kim Định chịu ảnh hưởng hoặc sẽ vận dụng cơ cấu luận.
Đồng thời ông cũng xác lập một quan niệm về so sánh văn hóa, theo đó không nên “vội kết luận” về sự tương đồng giữa các nền văn hóa khi chỉ dựa trên sự giống nhau về hình thức mà bỏ qua những ý nghĩa nội dung còn chìm khuất bên trong.
Ông phê phán quan niệm “hễ thấy một số từ ngữ chung thì vội kết luận cùng chung văn hóa”. Theo ông, hiểu lối đó không nói là sai thì ít nhất cũng rất nông cạn: đừng nói là 30-40% từ chung nhau, ngay 100% chung nhau cũng chưa chắc là cùng văn hóa.
Từ quan niệm về văn hóa, Kim Định nhìn ra sự vận động của các nền văn hóa.
Theo ông, các nền văn hóa lần lượt xuất hiện, phát triển rồi dừng lại, thoái bộ và nhường chỗ cho nền văn hóa khác: “Mỗi nền văn minh cũng như văn hóa được xuất hiện và chơi một vai trò nhất định xong rồi thì dừng lại hay thoái bộ nhường chỗ cho một lớp người khác sáng tạo ra một nền văn hóa mới. Đó là luật tự nhiên: tre già măng mọc, văn minh nhân loại tiến lên như những đợt sóng: mỗi dân tộc như được trao đuốc văn minh một thời, làm xong nhiệm vụ thì trao sang cho dân tộc khác rồi rút lui…” [Kim Định 1973 (a): trang 68]. Kim Định nhìn nhận sự phát triển văn hóa như một quá trình tiến hóa đơn giản, bắt đầu từ hình thành đến phát triển và
bị một nền văn hóa khác thay thế. Quan niệm này dẫn ông đến những lý giải có tính chủ quan về nguồn gốc và sự phát triển văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Theo Kim Định, nguyên nhân của sự thoái hóa văn hóa chủ yếu đến từ thay đổi về môi trường sống của con người nói chung, của một chủng tộc nói riêng:
“Một căn do tại ngoại gây ra thoái hóa lớn hơn hết là sự một chủng bị đánh bật ra khỏi địa bàn tổ. Vì lúc đó con người dễ mắc vào lỗi lầm trầm trọng là làm hỏng những điều kiện sơ nguyên thuộc dòng sử mệnh của dân mình…” [Kim Định 1973 (a): trang 68]. Yếu tố “quyết định luận địa lý” thể hiện rõ trong quan niệm trên của Kim Định.
Dù vậy, ông cũng thừa nhận vai trò của giao lưu văn hóa, trước hết là về mặt nhân chủng (mà ông gọi là sự “pha máu”) đối với sự tồn tại và phát triển của các dân tộc. Theo ông, “đôi khi một hai chủng tộc kéo dài được thời phát triển thì ta có thể giải nghĩa bằng sự pha máu. Vì sự pha máu này tạo những kích thích mạnh cho đường tiến hóa” [Kim Định 1973 (a): trang 68-69]. Chúng ta thấy vận động và biến đổi là quy luật chung của muôn loài, là phương thức tồn tại của vật chất. Dưới hình thức chung nhất, vận động là sự biến đổi nói chung, là sự tác động qua lại giữa các khách thể vật chất. Con người và văn hóa cũng không nằm ngoài quy luật vận động chung này. Theo Phạm Đức Dương, một trong những nguyên nhân của sự biến đổi văn hóa là do sự giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác. Ở đây có sự gặp gỡ những kiểu lựa chọn khác mình và tất yếu diễn ra sự giao thoa văn hóa dẫn đến những tiếp biến văn hóa với mức độ khác nhau. Chính những quy luật này quy định sự biến đổi văn hóa của các dân tộc trong chiều dài lịch sử mà không xóa đi những đặc trưng, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Do đó một nền văn hóa khép kín, bị biệt lập, tất yếu sẽ dẫn đến sự suy thoái, thậm chí bị tiêu diệt [Phạm Đức Dương:
trang 238]. Kim Định đã nhận ra nguyên nhân của sự biến đổi văn hóa là do giao lưu tiếp biến, nhưng ông có khuynh hướng cho rằng sự tiếp xúc đó sẽ dẫn đến triệt tiêu một trong các nền văn hóa đó hơn là bổ sung, vay mượn, hoặc tác động qua lại lẫn nhau để tạo ra một diện mạo văn hóa mới. Điều này về cơ bản, không đúng với quy luật vận động và phát triển của văn hóa.
2.1.2. Quan niệm của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc
Kim Định là người muốn đi tìm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam theo nghĩa bản sắc là nét đặc trưng khu biệt. Trong cuốn “Triết lý cái đình” ông viết:
“Tôi nổi hứng muốn giải đáp câu hỏi: Việt Nam có một nền văn hóa riêng biệt chăng và nếu có thì khuôn mặt nó ra sao?” [Kim Định 1971 (a): trang 110]. Ông không dùng từ “bản sắc văn hóa” nhưng ý thức rằng nếu có, đó là “nền văn hóa riêng biệt” và có “khuôn mặt” của nó. Nhiệm vụ của ông là đi tìm “khuôn mặt”
riêng biệt đó của văn hóa Việt Nam.
Về bản sắc văn hóa dân tộc, trong cuốn “Hưng Việt” xuất bản tại Mỹ sau năm 1975, Kim Định viết: “Văn hóa dân tộc xuất hiện từ ngày có một tâm hồn vượt chúng nhận thức ra được con đường tiến hóa loài người để đưa ra những đường lối chỉ dẫn cho toàn dân theo, rồi do nhiều người theo lâu đời thì kết thành tiêu biểu, số độ, huyền thoại... Người sau căn cứ vào những số độ, huyền thoại và thói tục ấy mà tìm ra nét đặc trưng và định giá cao thấp của nền văn hóa đó” [Kim Định 1987:
trang 97]. Như vậy, theo Kim Định, nét đặc trưng của một nền văn hóa được biểu lộ qua những truyền thuyết, biểu tượng, con số thành những giá trị tinh thần. Chẳng hạn, ông cho rằng biểu tượng của văn hóa Việt là cái đình hay loa thành… Dù không đưa ra định nghĩa về bản sắc văn hóa nhưng qua các tựa sách của ông như
“Triết lý cái đình”, “Loa thành đồ thuyết”… chúng ta cũng hình dung ra bản sắc văn hóa đối với Kim Định là nét đặc trưng của một nền văn hóa.
Kim Định có lúc nhận ra tính phổ quát và đặc thù trong các đặc trưng của bản sắc văn hóa. Trong cuốn Hưng Việt xuất bản sau 1975, Kim Định lấy ví dụ về “tinh thần công thể” (tính cộng đồng – chú thích của người viết) và tính cá nhân, ông cho rằng “các giá trị này đều hiện diện khắp nơi gây nên nhiều sắc thái do mức độ giao thoa và liều lượng của mỗi yếu tố, nhưng sự khác biệt là do liều lượng”.
Có điều, bản sắc văn hóa đối với Kim Định còn hàm chứa yếu tố “thứ bậc” khi ông đề cập đến việc “định giá cao thấp của nền văn hóa đó” như đã nêu trên. Có lẽ ở đây Kim Định nhầm lẫn giữa hai khái niệm “văn hóa” và “văn minh”. Thông thường, sẽ chỉ có thể so sánh trình độ giữa các nền văn minh với nhau, nhưng không
thể so sánh thứ bậc của các nền văn hóa. Theo Nguyễn Văn Hậu, văn hóa (theo Triết học) là tất cả mọi thứ do con người sáng tạo ra nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của họ. Vì thế, những gì con người sáng tạo ra bằng công cụ sản xuấtvật chất (công nghệ - máy móc) thì thuộc về “văn hoá vật chất”, còn lại những gì con người sáng tạo ra bằng công cụ sản xuất tinh thần (ngôn ngữ - ký hiệu) thì thuộc về “văn hoá tinh thần”. Còn văn minh được hình thành trên mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên (tư liệu sản xuất) dựa trên cơ sở phát triển của một “lực lượng sản xuất” (Con người - Công cụ sản xuất vật chất - Tự nhiên) nhất định. Như vậy, văn minh là trình độ của con người trong việc nhận thức và khám phá ra các“quy luật của tự nhiên” để có thể phát minh và sáng chế ra các “công cụ sản xuất vật chất” (công nghệ - máy móc) nhằm chiếm lĩnh và cải tạo tự nhiên để thoả mãn nhu cầu vật chất của con người. Đồng thời hình thành nên một xã hội công dân với toàn bộ “thiết chế” xã hội hiện đại, để có thể bảo đảm được quyền sống, quyền tự do và quyền dân chủ cho mọi người trong toàn xã hội [Nguyễn Văn Hậu: website].
Quan điểm của Kim Định về bản sắc văn hóa như trên (là đặc trưng và thứ bậc) đã chi phối cách phân tích của ông đối với các truyền thuyết, biểu tượng, con số… của văn hóa Việt trong toàn bộ các công trình của ông.