Phương pháp huyền sử

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 68 - 79)

CHƯƠNG 2. QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

2.3. Phương pháp nghiên cứu của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc

2.3.4. Phương pháp huyền sử

Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Lévi–Strauss, Kim Định giải mã các truyện thần thoại và các hiện tượng văn hóa của Việt Nam dưới ánh sáng của cấu trúc luận nhưng lại vận dụng theo lối “huyền sử”. “Huyền sử” theo ông là một phương pháp

chứa đựng “những yếu tố mới lạ, khác với phương pháp quen dùng tới nay nặng tính chất hàn lâm hoặc duy sử”. Ông cho rằng “quy luật huyền sử có hai: một là mạch lạc nội tại (cohérence interne) hai là sự kiện lịch sử”. Sự kiện lịch sử là vòng ngoài có thể kiểm soát thí dụ cao trào thiên di tự tây bắc tới đông nam của Bách Việt, hoặc những sự kiện khác rõ ràng như thể chế, lễ lạy... Còn vòng trong là mạch lạc nội tại, nó hệ tại những đề quyết có hợp với bầu không khí văn hóa hay chăng”

[Kim Định 1973 (a): trang 38]. Đó là cách để ông “đọc” các thần thoại Việt Nam theo lối cấu trúc luận, với một hệ thống gồm 2 thành tố là “sự kiện lịch sử” và

“mạch lạc nội tại”, tức là cái “biểu tầng” (thể hiện ra bên ngoài) và cái “cơ tầng”

(biểu hiện bên trong) như Phạm Đức Dương đã quan niệm. Với Kim Định, “huyền sử không nhằm xác định như lịch sử: huyền sử nhằm đi xa sâu hơn. Xa hơn tức bên ngoài tầm với của sử liệu, và nhất là sâu hơn vì nó đáp ứng một nhu yếu khác thâm viễn hơn nên cũng cần thiết hơn của con người, mà sử ký không đủ khả năng làm được. Là vì sử ký thuộc hàng ngang: bác vấn (information) nhằm kể lại những biến cố; chỉ có huyền sử mới đi vào hàng dọc vào tâm linh nói đến những khả thể sâu nhất của con người muôn thuở vượt giới hạn thời không” [Kim Định 1971 (a):

trang 33]. Quan niệm “sử mà không sử” của Kim Định cũng giống như quan niệm của nhiều nhà cấu trúc luận khác. Họ cho rằng cấu trúc là một hệ thống đã hoàn thành, nói như J. Pouillon, “là một nét vẽ đã cô đọng”. Trong khi đó, lịch sửluôn luôn là sự tiếp diễn liên tục, một dòng thời gian không tái hồi. Vậy phải chăng cấu trúc đối lập với lịch sử, hay nói cách khác: phải chăng chủ nghĩa cấu trúc quan niệm là không có lịch sử (ít ra cũng là thứ lịch sử như ta thường hiểu)? Về vấn đề này, Trịnh Bá Đĩnh cho rằng: “Đúng như vậy! Lịch sử cũng như con người (chủ thể nhận thức, chứ không phải như một loại), đó là huyền thoại. Hầu hết các nhà cấu trúc luận đều có quan niệm tương tự như vậy” [Trịnh Bá Đĩnh]. Kim Định cũng đồng nhất lịch sử với huyền thoại, mà theo cách gọi của ông là “huyền sử”, cho rằng đó “chính là nền Minh triết của một dân được diễn tả bằng những mảnh vụn lịch sử của dân ấy. Nói mảnh vụn vì nó rải rắc, lu mờ. Vậy phải tìm ở đâu? Thưa cả trong

huyền thoại, cả trong kinh điển tức Tứ thư Ngũ kinh” [Kim Định 1973 (a): trang 98 – 99].

Kim Định đã tìm dẫn chứng câu chuyện “Đế Minh tuần thú Phương Nam lấy tiên trên Ngũ Lĩnh” như “một trang huyền sử nhằm diễn tả nền Minh triết nước ta nằm trong cơ cấu ngũ hành với hai số là 3 trời 2 đất cũng như tam tài và lưỡng nghi” [Kim Định 1971 (a): trang 151]. Tích truyện này nằm trong Lĩnh Nam chích quáiĐại Việt sử ký toàn thư, kể về Đế Minh, hậu duệ đời thứ ba của Thần Long, là người đã đi về phương nam đến vùng Ngũ Lĩnh và lấy một người phụ nữ tên là Vụ Tiên. Trong Cơ cấu Việt Nho, Kim Định đã giải thích tích truyện này dưới lý thuyết của cấu trúc luận, dù không hoàn toàn đúng với tinh thần của cấu trúc luận.

Ông cho rằng các nhân vật là không có thật, nhưng qua đó cũng bộc lộ các nguyên tắc và các nguyên mẫu mà người ta tìm thấy trong cấu trúc của xã hội. Ông phát hiện trong tích truyện này nguyên tắc “di chuyển về phía ánh sáng”, xuất phát từ chữ “minh” (có nghĩa là “ánh sáng” hay “ngời sáng”) trong tên “Đế Minh” khiến liên tưởng đến phương Nam. Ông còn nhìn thấy sự rút lui của những kẻ xâm lược về phương Bắc. Thêm nữa, chữ Ngũ Lĩnh cũng được Kim Định cho là chỉ dấu về sự hiện diện của một nền văn hóa có nền tảng từ Ngũ hành trong Kinh Dịch. Những ý tưởng này hẳn Kim Định đã ngẫm ra từ việc sử dụng một số khái niệm của cấu trúc luận, và từ sự đối lập của các khái niệm để tìm ra mô thức chung. Ở đây Kim Định chú trọng tới sự đối lập giữa khái niệm ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng đại diện cho cái tốt, bóng tối tương ứng với những điều xấu. Sự di chuyển về phương Nam đối lập với sự di chuyển về phương Bắc. Từ những cách “đọc” trên, Kim Định cho rằng ý nghĩa sâu xa trong câu chuyện “Đế Minh tuần thú Phương Nam lấy tiên trên Ngũ Lĩnh” ám chỉ người Việt đã từng sinh sống ở vùng đất phương Bắc, sau đó di cư xuống phía Nam tạo dựng ra nền văn hóa dựa trên nền tảng Ngũ hành. Tuy nhiên về vấn đề này, Lê Minh Khải nhận xét: “Làm thế nào, mà chúng ta biết được Ngũ Lĩnh, bằng cách nào đó lạichỉ định một nền văn hóa dựa trên cơ sở Ngũ hành?

Đó chính là chỗ mà Kim Định rơi vào thế rắc rối…” [Lê Minh Khải (d): website].

Có thể thấy rằng, việc nghiên cứu cấu trúc thần thoại theo cách của Lévi–

Strauss không hoàn toàn là tìm ra các cặp đối lập một cách đơn giản. Việc này không phải theo cách chỉ xem xét một thần thoại nhằm tìm ra cái đối lập và cái trung gian, mà phải nghiên cứu cả một tổ hợp các biến thể thần thoại, so sánh để thấy các tương quan giữa chúng, từ đó mà phát lộ ý nghĩa đích thực: đầu tiên có hai

“đối cực”, nó được thay bằng hai thành phần tương đương và một thành phần trung gian (biến thể thứ nhất), sau đó từ một “đối cực” và một thành phần trung gian lại nảy sinh một biến thể thứ hai là bộ tam phần mới… Cứ thế tiếp tục, ta có những chuỗi biến thể xoay quanh một trục chung là tư tưởng thần thoại đích thực.

Theo Lévis-Strauss, muốn phân tích một huyền thoại ta phải chấp hành nghiêm chỉnh phân tích cơ cấu, nghĩa là: mỗi huyền thoại được phân tích một cách độc lập. Các biến cố phải được diễn tả bằng những câu ngắn chừng nào tốt chừng ấy. Mỗi câu sẽ được ghi lại trên những tấm phiếu (fiches) và được đánh số tương ứng với vị trí trong huyền thoại. Mỗi câu là một thoại tố. Người nghiên cứu phân tích bằng cách làm đi làm lại nhiều lần và theo đúng nguyên tắc tiết kiệm giải thích, kết quả của phân tích phải có tính chất nhất quán để có thể tái tạo lại toàn thể từ một mẩu và có thể suy ra những triển khai trong tương lai căn cứ vào những dữ liệu hiện tại.

Theo Lévis-Strauss, phân tích như vậy sẽ thấy những đơn vị thực sự cấu tạo huyền thoại không phải là những tương quan riêng lẻ mà là những “gói” tương quan vì các đơn vị cấu tạo huyền thoại chỉ có nghĩa dưới hình thức tổ hợp. Những tương quan thuộc cùng “gói” có thể tái hiện cách quãng khi ta nhìn theo chiều ngang bởi vì huyền thoại vốn có một cơ cấu kép, vừa hữu sử vừa phi sử. Huyền thoại luôn luôn kể lại những biến cố đã qua: “trước khi trời đất sinh ra”, “ngày xửa ngày xưa”

hay “đã lâu lắm rồi”… Những biến cố này, dù đã qua, vẫn còn tồn tại và còn đồng thời ảnh hưởng đến dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Theo Lévi-Strauss đây là tính cách hàm hồ nền tảng của huyền thoại.

Cũng vì tính cách hàm hồ và cơ cấu đôi của huyền thoại, nên công việc phân tích huyền thoại cũng đòi hỏi một phương pháp đặc biệt thích nghi. Thế nhưng,

Kim Định đã phân tích cấu trúc huyền thoại bằng cách của ông. Đầu tiên ông cho rằng, bằng cách căn cứ vào nội dung của câu chuyện, có thể xác định thời gian xuất hiện của nó. Ông viện dẫn rằng “trong thời kỳ duy lý người ta cho rằng thần thoại xuất hiện vào lúc con người còn cổ sơ thô lỗ, nhưng đến nay các nhà nghiên cứu đều cho rằng thần thoại xuất hiện vào lúc tâm trạng con người mới thức khỏi trạng thái bất phân và thần thoại là tác động sáng tạo đầu tiên của nó (Déclin 381). Vì thế đó là "một tác động làm bằng cảm xúc và sống thực hơn là suy tư hay là được công thức hóa" (Mythe 11) vì thế ta có thể phân tích nội dung câu truyện đặng ước đoán thời gian xuất hiện của nó” [Kim Định 1971 (a): trang 159]. Ông quan niệm lịch sử nhận thức của nhân loại là con đường gồm 3 chặng: bái vật, ý hệ và tâm linh, rồi cho rằng “có thể đặt thần thoại giữa bái vật và ý hệ vì đó là thời con người rất yếu hèn, hoặc thời ma thuật đã biết ăn trộm chút quyền hành. Còn ở huyền sử thì con người đã ung dung tự tại nên chỉ còn bên dưới một đợt tâm linh tức lúc không cần dùng đến biểu tượng nào nữa”. Từ cách phân chia đó, ông trở lại việc bảo vệ cho những “đề quyết động trời” của mình, khi xác định “Việt Nho đã đi qua thời thần thoại, nhưng đi qua bằng vượt qua, còn ở Tây Phương đi qua bằng gảy bỏ”. Vượt qua thần thoại theo cách hiểu của Kim Định là “bao hàm sự thâu thái tinh hoa của thần thoại”, còn “gảy bỏ là nhị nguyên: chọn một bỏ một: chọn lý trí bỏ thần thoại”

[Kim Định 1971 (a): trang 157]. Và chính trong hướng “không bỏ mà vượt lên trên bằng nhân thoại” đó mà chúng ta quay về khám phá kho tàng huyền sử của nước nhà. Đến đây thì ông đồng nhất huyền sử với nhân thoại: “Tôi gọi huyền sử là nhân thoại”. Theo ông, nhân thoại khác với thần thoại ở vị trí con người. Kim Định cho rằng ở thần thoại vai chính toàn là thần, con người hoặc vắng bóng, hoặc có thì cũng rất tùy phụ, hoặc như Promethee ăn trộm lửa hoặc như Pandore mở xem hộp đựng các tai ương để chúng tràn lan trên mặt đất. Ngược lại nhân thoại thì con người làm chủ: Bàn Cổ làm sấm chớp sông núi, Nữ Oa đội đá vá trời.... So với Promethee thì đã tiến bộ xa vời”. Từ những nhân vật thần thoại trên, Kim Định quả quyết: “Không nên coi đó như những truyện vu vơ bên ngoài văn hóa, nhưng chính là nền móng văn hóa của một dân, nó nói tiên tri về tính chất của nền văn hóa có nó

đến nỗi chỉ cần đọc mấy trang đầu lịch sử đã bấm mạch được tâm can tì phế của nền văn hóa đó” [Kim Định 1971 (a): trang 156].

Kim Định quan niệm khi nghiên cứu huyền sử, về thời gian phải lùi hẳn về buổi sơ khai lúc còn khuyết sử. Về không gian phải nhìn bao trùm cả khối người phương Nam. Hơn nữa, ông cho rằng “càng ngược dòng thời gian càng đi sâu vào huyền sử thì càng phải thóat ra khỏi những điều kiện thời không, vì nó đã rất giàu chất huyền” [Kim Định 1971 (a): trang 127]. Về chủ thể của huyền sử, Kim Định cho rằng bởi “những sự kiện cá biệt đó chìm dần xuống vùng ký ức cộng thông của dân một nước, lâu ngày trút bỏ những hoàn cảnh đặc thù, nên có khả năng biểu thị được những yếu tố tổng quát. Lúc ấy mà nó xuất hiện thì ta có được huyền sử. Vì thế tác giả của huyền sử là dân theo nghĩa rất rộng bao gồm tất cả mọi người trong một nhóm không phân biệt nào về dòng tộc hay học vấn” [Kim Định 1971 (a): trang 154]. Có lẽ việc xác định một tọa độ văn hóa mờ ảo theo kiểu huyền sử như vậy giúp ông dễ dàng đưa ra các ý kiến chủ quan về chủ nhân của Nho giáo cũng như không gian và thời gian mà Nho giáo đã xuất hiện nhằm đi tới khẳng định “Nho giáo là của người Việt”!

Cụ thể, Kim Định xác định không gian văn hóa Việt là “trận tuyến văn hóa bao la, dàn trải ra khắp miền Viễn Đông: bên kia Hoa Hán, bên này Viêm Việt tức là toàn khối Nhung, Man, Di, Địch… với một nền văn hóa phôi thai mang tính chất nông nghiệp mà đại biểu lúc xưa được nhiều học giả công nhận là Việt và cho tới nay cũng còn được là thế” [Kim Định 1973 (a): trang 100-101]. Còn thời gian văn hóa Việt là “4 chặng huyền sử nước Nam: Việt Điểu (Việt Hồng Bàng), Việt Hùng, Việt Ngô, Nam Việt” [Kim Định 1971 (a): trang 123 – 150]. Thời gian văn hóa này được Kim Định xác định là bắt đầu “từ ngày có một tâm hồn vượt chúng” như trên đã đề cập. Cụ thể hơn, ông cho rằng tâm hồn vượt chúng” này xuất hiện “từ thời vô hoài (immemorial time)” và được kết tinh lại trong trang huyền sử của Bàn Cổ được lưu truyền như sau: Hổn mang chi sơ/Vị phạn thiên địa/Bàn Cổ thủ xuất/Thủy phán âm dương” [Kim Định 1987: trang 97]. Chủ thể văn hóa Việt là "Viêm tộc” theo cách gọi của Kim Định để chỉ một nhóm lớn con người vùng Viễn Đông thời cổ đại.

Ông cho rằng "Viêm" xuất phát từ cái tên Viêm Đế là một tên gọi khác của nhân vật huyền thoại cổ xưa, Thần Nông, một nhân vật gắn liền với sự phát triển nông nghiệp. Trong tọa độ văn hóa trên, đôi khi Kim Định mở rộng không gian văn hóa Việt Nam ra rất rộng. Ông cũng không ngần ngại khi cho rằng văn hóa Việt Nam đã từng là một trong những “trung tâm” của văn hóa thế giới. Trong cuốn “Gốc rễ triết Việt”, ông viết: “Văn hóa Việt Nam cho tới nay thường bị coi như cái gì không đáng kể, nhưng nếu nghiên cứu thấu triệt sẽ thấy nó là một trong những trung tâm văn hóa không những cao siêu và thực tiễn của Đông mà còn kiêm luôn cả Thái Bình Dương ăn sang tận Mỹ châu tự Alsaka qua Vancouver xuyên qua Mexico cho tới Peru. Về phía Tây bao Ấn Độ và xem ra cả Sumer rồi từ đó đi vào Ai Cập và châu Âu. Cuối cùng với Tàu hay Khổng giáo thì quá rõ ràng, nhưng không ai ngờ đến liên hệ từ Việt tới Nho đó” [Kim Định 1988 (b): trang 15]. Dường như thuyết trung tâm, một thuyết văn hóa thịnh hành ở phương Tây giữa thế kỷ 20, đã tác động khá rõ đến Kim Định khi ông quan niệm như trên.

Với việc xác định thời gian, không gian và chủ thể văn hóa như trên nên Kim Định nhận định: “Huyền sử không còn một giá trị như sử vì đã nhô đầu lên bình diện tâm linh nên giá trị của nó là nói lên cơ cấu sơ nguyên của một dân tộc. Vì "sơ nguyên" không những theo nghĩa đã xảy ra ở thời buổi xa xưa nhưng nhất là theo nghĩa "vĩnh cửu" luôn luôn hiện diện. Bởi thế chính huyền sử mới làm nên chiều dọc của lịch sử, loại lịch sử mang theo ý nghĩa sâu xa nên thống nhất vì chở theo những yếu tố còn luôn luôn tác hành mà sử gia Mỹ kêu là chức năng sử (fonctiomalisme) tương tự với cái tôi quen gọi là duy sử”. Kim Định cho rằng: “Với duy sử thì người ta chỉ thấy được những biến cố hiện hình ra trong không thời gian, phải với huyền sử người ta mới thấy cái gì phổ biến bàng bạc bên ngoài những biến cố. Vì huyền sử thuộc đợt tiềm thức mà tiềm thức chính là kho tàng của những chân lý phổ biến trường tồn, luôn lặp lại dưới những dạng thức khác” [Kim Định 1971 (a): trang 153]. Chẳng hạn, khi đọc câu "mơ gấu sinh trai mơ rắn sinh gái" (Kinh Thi), Kim Định cho rằng “câu ca dao trên phản chiếu huyền sử của hai miền Bắc Nam”. Từ đó ông nhận định “chứng tỏ có mối liên hệ rất chặt chẽ giữa huyền sử và

chiêm bao cũng như ca dao. Tuy nhiên hiện nay khoa giải nghĩa chiêm bao cũng như phân tâm học còn quá mới chưa đủ sức xác định chiêm bao thứ nào thuộc huyền sử thứ nào không”. Nhưng theo ông “nói chung thì có những chiêm bao thuộc huyền sử nên kết luận được rằng tác giả đợt đầu của huyền sử là dân gian. Và do đấy ta nhận ra huyền sử không những có nền tảng tâm lý rõ rệt mà còn có cả thời sự tính nữa” [Kim Định 1971 (a): trang 155].

Dựa trên những tiềm thức dân gian bộc lộ qua “huyền sử”, Kim Định luận ra những điều mà mọi người đều thấy mới mẻ, táo bạo, kiểu như người Việt đã từng sống trên mảnh đất Trung Hoa ngày nay, đã tạo ra những triết lý Việt Nho tốt đẹp, còn người Trung Hoa sau đó đã đến chiếm giữ mảnh đất đó và “cướp” lấy những tinh hoa của Việt tộc. Và do đó, muốn tìm lại một xã hội tốt đẹp cho ngày nay, cần phải quay trở lại với những giá trị của Việt Nho. Thực ra Kim Định, nói như Bình Nguyên Lộc, bỏ qua hết những yêu cầu cơ bản, chẳng hạn như chứng cứ khảo cổ học, để đi đến kết luận trên.

Thế nhưng, có một số người đã thừa nhận phương pháp huyền sử của Kim Định. Trần Ngọc Linh cho rằng “nhờ có phương pháp huyền sử, các nhà nghiên cứu có thể thực hiện được việc tìm ra nguồn gốc xa xôi đích thực của nền văn hóa Việt Nam. Những kết luận của GS Lương Kim Định về cương vực của nước Việt cổ, về sự đóng góp của Việt tộc vào sự hình thành chữ Nho là những kết luận có tính chất đột phá nhưng thuyết phục chính là nhờ áp dụng phương pháp huyền sử” [Dẫn theo Hà Tùng Long: website].

Tuy nhiên về mặt khoa học, nhiều nhà nghiên cứu không hẳn đồng ý với kết luận của Kim Định. Tạ Chí Đại Trường phân tích: “Phương pháp “huyền sử’ đó không lấy gì làm mới, và căn bản cũng không có điều gì sai sót. Có điều, muốn trở thành tài liệu tìm hiểu quá khứ thì người ta vẫn phải chú trọng đến tính cách thời gian của tài liệu, biện biệt sắp xếp theo sự tuần tự xuất hiện của chúng để ghép vào với nhau. Về khảo cổ học, ông không cần biết đến cách phân loại kiểu thức vật dụng để tính thời gian tương đối của các lớp đất, hay cách tính tuổi tuyệt đối (tuy vẫn là tương đối một chừng mực) bằng phương pháp phóng xạ. Và khi sử dụng đến

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 68 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)