CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM VÀ NHỮNG NHẬN ĐỊNH
3.1. Về cơ sở hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
3.1.2. Vai trò của giao lưu văn hóa
Như nhiều học giả khác sau này, Kim Định thừa nhận sự giao thoa giữacác nền văn hóa là một trong những yếu tố hình thành bản sắc văn hóa một dân tộc. Ông ví von sự giao lưu văn hóa là việc “hai nền văn hóa lồng lên nhau”, như Eberhard nói, là hiện tượng “rất thường” và diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới. Trong cuốn
“Triết lý cái đình”, Kim Định đưa ra dẫn chứng: “Việc hai nền văn hóa lồng lên nhaulà một hiện tượng thông thường trong dĩ vãng như văn hóa Aryen lồng lên văn hóa Dravidien, văn hóa Roma nhóm Indo Europeeme của Romulus hiếu chiến lồng lên văn hóa của nhóm dân Sabin nông nghiệp...” [Kim Định 1971 (a): trang117].
Thế nhưng, trong tư duy của Kim Định, giao thoa văn hóa còn mang ý nghĩa khác, đó không hẳn là sự tiếp biến, bổ sung cho nhau mà là sự hơn thua, cao thấp.
Nói về việc “hai nền văn hóa lồng lên nhau” ở phương Nam, Kim Định cho rằng
“thay vì gươm lồng lên trống thì chính lại là trống lồng lên gươm, bánh giầy trên bánh chưng, tức là văn hóa nông nghiệp vượt trên văn hóa du mục” [Kim Định 1971 (a): trang 117]. Ông đưa ra nhiều dẫn chứng để so sánh sự hơn thua đó. Chẳng hạn, ông cho rằng “vua lấy vợ ở đâu thì đấy kể là có nền văn minh cao hơn”! Theo ông, “vua rợ Hồ lấy được Chiêu Quân thì thỏa mãn hơn vì coi là cao trọng hơn. Vua Chàm lấy được Huyền Trân Công Chúa cũng coi là việc trọng, có đổi đất cũng đáng giá. Sự kiện đó biểu lộ sự hùng mạnh, văn hóa cao hơn” [Kim Định 1971: trang
104]. Một căn cứ khác được ông đưa ra là “đồ đồng xuất hiện ở đâu trước thì đấy cũng là dấu hiệu văn hóa” trong khi “các nhà nghiên cứu cho là đồ đồng xuất hiện ở phương Nam trước và người ta thường lấy trống đồng làm tang vật” [Kim Định 1971 (a): trang 107]. Trong khi đó, nhiều cứ liệu cho thấy đồ đồng có ở nhiều nơi, trong đó ở Trung Quốc đồ đồng có sớm hơn ở Việt Nam. Ngoài ra, “nghề dệt cũng như cao hơn một độ là nghề tằm tang chứng tỏ một bước khá cao của văn minh.
Nếu căn cứ theo dạng tự và huyền thoại thì có thể kết luận do miền Nam” [Kim Định 1971 (a): trang 108]. Chưa dừng lại ở đó, Kim Định còn đặt vấn đề tiếp: “Bắc hay Nam đã tìm ra chữ trước?”. Ông cho rằng nếu kể từ đời Thương trở xuống thì rõ ràng là của Bắc phương. Nhưng trước nữa thì chỉ còn có huyền thoại. Và tuy huyền thoại cho là công của Hoàng đế nhưng huyền thoại còn thêm là do Hoàng đế giao cho Thương Hiệt trông coi. Nhưng cũng theo huyền thoại thì trước đó còn một đợt văn tự manh nha gọi là kết thằng gắn liền với việc sáng tác Kinh Dịch là do Nhân Hoàng thuộc Thục Sơn. Vì thế khởi nguyên chữ viết phải là do phương Nam, không những thế phương Nam còn thêm một đợt nữa là đợt viết chữ theo dấu “chân chim”. Đến đây thì ông quay về với cấu trúc luận để rút ra kết luận: “Chim là vật biểu của Viêm Việt nên chữ theo lốt chân chim có thể giải nghĩa là chữ theo văn hóa cũa những người có vật biểu chim” [Kim Định 1971 (a): trang 109 – 110].
Những suy luận trên đây của Kim Định, nếu suy ngẫm những tiêu chí, tiền đề mà
ông đưa ra để xem xét thì rõ ràng thấy có rất nhiều điều bất ổn ẩn chứa trong đó, chẳng hạn, làm sao chứng minh được những giả thiết kiểu như “vua lấy vợ ở đâu thì
ở đó văn minh cao hơn?”. Rõ ràng, cách lý giải của Kim Định là khá mới mẻ, thú vị
nhưng còn thiếu hẳn tính khoa học và sự thuyết phục.
Hơn thế nữa, Kim Định cho rằng sự giao lưu văn hóa còn dẫn đến sự chiếm lĩnh và thôn tính. Theo ông, tinh thần nông nghiệp đã xuất hiện ở nước Tàu trước tinh thần du mục, mà nông nghiệp là của văn hóa Viêm việt, do đó Nho giáo nguyên thủy là của Viêm Việt (nên ông gọi là Việt Nho), sau đó mới bị người Tàu chiếm lấy. Để có cơ sở cho sự khẳng định trên, ông bắt đầu từ những câu hỏi: “Việt, Hoa ai sáng lập ra Nho giáo, hai tinh thần nông nghiệp và du mục cái nào xuất hiện ở
nước Tàu trước?”, “Điều then chốt hơn cả là ai đã đặt cơ sở trước hết cho nền văn hóa Viễn Đông gọi là Nho giáo: Hán tộc hay Việt tộc?” Theo ông, “Việt ở đây phải được hiểu là đại diện cho khối người mênh mông gọi là Man một bên còn bên kia là
Hoa hay Hán, cả hai ở lúc sơ khai làm nên những trung tâm văn hóa” [Kim Định 1971 (a): trang 97]. Đây là những câu hỏi trở đi trở lại trong nhiều công trình của Kim Định.
Để xác lập nền tảng của “thuyết Việt Nho”, Kim Định cho rằng cần xét xem
“khi hai chủng gặp gỡ thì ai hơn, ai kém: nếu Hoa tộc hơn hẳn Việt tộc thì thuyết Việt Nho thiếu nền, ngược lại là có nền”. Và ông đưa ra tiêu chí để xem xét, đó là
sự vay mượn: “ai vay là kém”; “nếu người Tàu vay mượn Lạc Việt nhiều thì ta có quyền đưa ra thuyết như trên” [Kim Định 1973 (a): trang 1]. Rồi ông tự kiểm đếm:về văn minh, Kim Định cho rằng Tàu học của Việt ở đất Kinh man rất nhiều:
cái nỏ, nhà nóc oằn góc mái cong lên trời, đôi đũa ăn cơm, làm thuyền, cách lợi dụng nước thủy triều để làm ruộng [Kim Định 1973 (a): trang 2-3]. Về văn hóa, Kim Định cho rằng người Tàu mượn của Việt đạo thờ trời, gia tiên, ngũ hành, giọng nói [Kim Định 1973 (a): trang 8]. Tuy nhiên ông đã không lý giải vì sao Tàu mượn của Việt, hay Việt mượn của Tàu những thứ trên, cũng như không chỉ ra được nếu có mượn thì từ lúc nào. Thế nhưng, bằng kiểu “kiểm kê” như trên, Kim Định lại không ngần ngại đưa ra “hai đề quyết động trời”, một là Bách Việt làm chủ trọn vẹn nước Tàu trước người Tàu, hai là chính người Bách Việt đã chủ xướng ra Nho giáo, người Tàu chỉ làm cho hoàn bị cũng như làm sa đọa ra Hán Nho” [Kim Định 1973 (a): trang 1]. Ông cho rằng: “Trong các sắc dân cư ngụ miền Nam nước Tàu thì Việt là sắc dân nắm phần chủ chốt về văn hóa” [Kim Định 1971 (a): trang 100]. Ông khẳng định: “Chúng tôi chủ trương hiện tượng lồng: trống lồng lên gươm tức văn hóa nông nghiệp biểu thị bằng trống đồng lồng lên văn hóa du mục biểu thị bằng gươm, và sự lồng này được coi như đỉnh cao chót vót của văn hóa” [Kim Định 1971 (a): trang 113]. Sự giao lưu tiếp biến văn hóa một cách nhanh chóng, mạnh mẽ được Kim Định xem là dấu hiệu để đánh dấu một nền văn hóa mạnh. Ông viết: “Dân mạn Nam rất dễ dàng đón nhận văn hóa của Hán tộc. Sự đón tiếp tuy giúp cho Hán tộc
bành trướng thế lực rất mau lẹ, nhưng lại không chứng minh rằng Hán tộc đã khởi sáng ra văn hóa, ngược lại là chính những dân đón tiếp và lạ hơn nữa là nhóm nào đón tiếp càng mau lẹ dễ dàng thì càng tỏ ra trước kia đã có công lớn nhất trong việc đặt nền móng văn hóa. Và nhóm đó là nhóm Bách Việt [Kim Định 1971 (a): trang 122].
Trong suy nghĩ của Kim Định, sự hưng vong của các triều đại, các dân tộc là
sự thay thế lẫn nhau của các nền văn hóa, văn minh. Sức mạnh của một nền văn hóa biểu lộ qua khả năng đồng hóa của nó… Khi sự đồng hóa càng êm thắm, càng được đón nhận tự tình thì là văn hóa mạnh nhất, đó là Việt Nho [Kim Định 1973 (a):
trang 40]. Kim Định cho rằng văn hóa chính là sức mạnh để bảo vệ sự độc lập của dân tộc. Ông lấy dẫn chứng từ Paul-Mus trong quyển “Vietnam Sociologie d'une guerre” đại để cho rằng “Việt Nam có một cái bí quyết về sự độc lập”,tại sao các dân Lưỡng Quảng, Quí Châu, Vân Nam gồm cả hàng mấy trăm chi tộc đã bị đồng hóa mà riêng Việt Nam từ bao thế kỷ vẫn lẩn tránh văn minh Tàu, hầu bảo vệ và duy trì nền văn hóa của họ? Cũng như Paul-Mus, Kim Định cho rằng sở dĩ được như vậy là vì “người Việt mang trong mình những yếu tố của một nền văn hóa mạnh”. Và nền tảng của sức mạnh văn hóa đó, theo Kim Định, là Nho giáo, mà ông thường gọi là Việt Nho: “Nho giáo vốn gắn liền với nền văn hóa nước nhà, cho nên bỏ Nho là toàn bộ lâu đài văn hóa Việt Nam sẽ sụp đổ. Lúc đó có vun tưới Việt văn đến đâu cũng chỉ là một trò chơi vụn. Thế nên không thể không nói tới mối liên hệ giữa Nho và Việt” [Kim Định 1973 (a): trang 1].
Từ những phân tích trên, Kim Định đi đến kết luận: “Về văn hóa thì không thể chấp nhận thuyết ta cùng gốc văn hóa với Mã Lai. Họ đã theo văn hóa Ấn Độ (hay gốc Lưỡng Hà cũng thế, đều không còn là Việt Nho) nên họ với ta khác nhau "quá xa như nước với lửa" [Kim Định 1973 (a): trang 86]. Ông lý giải về sự tồn tại của Việt Nam ngày nay: “Riêng về nước Việt Nam xét như là mảnh đất nương thân cuối cùng của tinh thần Viêm tộc đã trải qua một quá trình tranh đấu để cuối cùng dành lại được nền độc lập trên một dải đất nhỏ hầu duy trì những đại diện chính thức cho Viêm tộc cũng như cho Bách Việt, nói khác là đại diện cho nền văn hóa nông
nghiệp khi mới manh nha cũng như giai đoạn Kinh điển tựu thành tức giai đoạn nòng cốt của văn hóa Việt Hoa” [Kim Định 1970 (a): trang 102 – 103].
Về vấn đề này, Kim Định dựa một phần nào vào lý thuyết của một số nhà
nghiên cứu phương Tây đã đưa ra trước đó. Chẳng hạn, học giả người Pháp Edouard Chavannes đầu tiên vào năm 1901 đã đi đến một lý thuyết cho rằng người Việt ở Việt Nam là những người đã di cư từ Trung Quốc về phương Nam. Lý thuyết này sau đó được học giả Leonard Aurousseau làm cho trở nên nổi tiếng hơn nhiều vào năm 1923. Chính lý thuyết này có thể đã là một gợi ý ấn tượng để Kim Định đi tìm các chứng cứ chứng minh, cho dù những chứng cứ này không đủ cơ sở để thuyết phục những học giả cùng thời với ông cũng như nhiều nhà
nghiên cứu về sau này.
Cũng theo logic trên, Kim Định đã nêu ra một vấn đề khác là “tại sao Hán tộc không khởi sáng ra văn hóa mà lại nhờ văn hóa mà thắng lướt các nhóm khác?”.
Ông lý giải rằng: biểu tượng hoà hợp đúc kết hai văn hóa gọi là đúc cửu đỉnh, và cửu đỉnh hay bị chìm xuống sông. Sông là nước, là thủy, mà hành thủy thuộc phương Bắc nên dễ để cho văn hóa du mục (tức bá đạo) tràn ngập thì là làm chìm cửu đỉnh. Ai vớt lên được thì sẽ được thiên mệnh: có nghĩa là quyền bính sẽ thuộc về người nào hoà hợp được sức mạnh phương Bắc với nhân ái phương Nam, cho nhân ái bao trùm sức mạnh, cho trong bao bọc vuông, thì đôi bên bác (Bắc) mẹ (Nam) bằng lòng tức chấp nhận. Chính vì Viêm Việt đã có nhiều dân ở lại miền Bắc nên ảnh hưởng nông nghiệp đã trổi vượt, đem lại cho Hán tộc sự thắng thế ngay trong phạm vi văn hóa” [Kim Định 1971 (a): trang 118]. Trong cuốn “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam”, Kim Định viết: “Một nền văn hóa chỉ tiến mạnh là khi nó chứa đựng nhiều yếu tố phổ biến, tức là hợp cho con người mọi nơi mọi đời”. Đó là
những giá trị có tính nhân bản mà loài người hướng tới, nó phù hợp với con người ở
mọi thời đại. Thế nhưng, tuy thừa nhận cái chung phổ quát, ông lại rơi vào cực đoan khi đề cập đến cái riêng cụ thể. Ông đã đưa văn hóa Việt Nho lên vị trí số một một cách cảm tính: “Trong các nền văn hóa của loài người thì không một nền văn hóa nào giàu chất phổ biến hơn văn hóa Việt Nho, là vì xây trên nhân tính”. Ông dùng
logic này để giải thích vì sao người Trung Hoa lại trở nên lớn mạnh: do Viêm Việt đã xây dựng được một nền văn hóa Việt Nho giàu nhân tính trên đất Trung Hoa, sau đó người Tàu “chiếm chỗ của Viêm Việt” và “do nhóm đó được cư ngụ lại trong bầu không khí nhân văn đó thì sẽ tiến mạnh”. Theo ông nhóm đó chính là người Tàu và những người Viêm Việt bị Tàu đồng hóa [Kim Định 1973 (a): trang 70].
Đến đây thì thấy Kim Định đã hoàn toàn suy diễn và siêu hình khi lý giải về sự hình thành và phát triển của một nền văn hóa cũng như sự giao thoa, tiếp biến giữa các nền văn hóa với nhau. Ông đã bỏ qua tất cả các yếu tố lịch sử, xã hội về sự hình thành các quốc gia, dân tộc và bỏ qua cả những chứng cứ khảo cổ học chỉ để giữ lấy triết thuyết của mình.
Mặt khác, Kim Định đã so sánh hơn thua, lấy dân tộc mình là trung tâm khi nghiên cứu bản sắc văn hóa. Đó là một sai lầm mà nhiều người thường mắc phải khi không nhìn ra mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cái phổ quát và cái đặc thù, giữa cái phổ biến và cái bản sắc. Về vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu sau ông, nhất là những nhà nghiên cứu theo quan điểm Mácxit sau năm 1975 đã tránh được.
Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu là người “có quan điểm tiếp cận phù hợp và quan điểm khách quan khoa học” [Trần Văn Giàu: trang 27] khi luôn nhấn mạnh đến tính phổ quát của văn hóa. Chẳng hạn, trong công trình “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”, Trần Văn Giàu cho rằng “nhân dân nước nào cũng cần cù” [Trần Văn Giàu: trang 243] cũng như “Thương người là một đức tính lớn mà dân tộc nào tự mình cũng có” [Trần Văn Giàu: trang 375], v.v. Tuy nhiên, Trần Văn Giàu vẫn khẳng định có giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam mang dấu ấn riêng, đặc sắc riêng và cái làm nên dấu ấn riêng, đặc sắc riêng đó chính là tổng hòa của nhiều cơ sở, trong đó hoàn cảnh lịch sử đặc thù của dân tộc đóng vai trò quan trọng đặc biệt.