CHƯƠNG 2. QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC
2.2. Quan điểm tiếp cận của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc
2.2.2. Tiếp cận hệ thống – cấu trúc
Trong những năm 1960 – 1970, khi các nhà nghiên cứu ở miền Bắc sử dụng duy vật luận làm nền tảng cho nghiên cứu văn – triết – sử thì Kim Định là một trong
những nhà nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam tiếp cận lý thuyết cấu trúc luận của C.
Lévis–Strauss trong nghiên cứu văn hóa. Trong cuốn “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam”, ông thừa nhận sự ảnh hưởng của lý thuyết cấu trúc (ông gọi là cơ cấu luận) đối với nghiên cứu của mình: “Cơ cấu luận thì mục đích là đi tới tổng hợp, đi tới mấy hằng số... nhờ đó mà tôi dám đưa ra những cặp danh từ nông du, chiêu mục, số hóa số phá v.v...” [Kim Định 1973 (a): trang 91].
Kim Định đã sử dụng phương pháp phân tích cấu trúc để phân loại các nền văn hóa, từ đó đi tìm đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Theo ông, có thể phân các nền văn hóa ra thành “ba loại chính và một loại tùy”. Ba loại chính là tôn giáo, ý hệ, và tâm linh, còn loại tùy là tập hợp cả ba loại trên. Ông cho rằng loại thứ nhất là “văn hóa tôn giáo” như các xã hội cổ xưa hầu hết trải qua nền văn hóa này với thí dụ rõ rệt nhất là Âu châu Trung cổ và các nước thuộc Ấn Độ giáo. Ông cho rằng: “Sở dĩ gọi là văn hóa tôn giáo vì các thể chế trong nền văn hóa này bao giờ cũng y cứ trên những niềm tin. Một nét khác đặc trưng của nền văn hóa này là thần quyền…”. Loại thứ hai theo ông là “văn hóa ý hệ hay là triết học”. Theo đó, ý hệ thường là sự phản ứng lại niềm tin cho là vô lý hay ít ra không thể kiểm chứng, vì vậy người ta lập ra một nền văn hóa chống lại tôn giáo và thường có tính cách vô thần… Ông cho rằng cũng có khi người ta nghĩ đến việc thiết lập một nền tảng dân sự hay là độc lập y cứ trên những cái mọi người có thể kiểm chứng như sự kiện khách quan và lương tri, thí dụ một số lớn văn hóa Âu châu hiện đại… Loại thứ ba là loại “văn hóa tâm linh”. Kim Định quan niệm loại văn hóa này vừa giống triết học vì “căn cứ trên những yếu tố mà lý trí có thể kiểm chứng hay ít ra có khả năng thể nghiệm được”, lại vừa giống tôn giáo vì nó “vận dụng cả tình cảm cả ý chí đến cùng tột gọi là tâm linh nên sâu hơn triết và vì thế giàu khả năng thống nhất con người kiểu tôn giáo”.
Kim Định viết: “Loại này vì giàu yếu tố tâm linh có tính chất siêu việt nên tôi cũng gọi là Minh triết (sagesse) tức là tinh hoa của triết lý nhân sinh. Gọi là triết lý tức là triết học gắn liền với Minh triết nên ăn vào đời sống. Bởi thế cũng gọi là Triết lý nhân sinh để phân biệt với triết học thường chỉ là truyện trường ốc hàn lâm”. Ông cho rằng “đây là loại văn hóa rất cao quý”, và “xin nói ngay rằng Việt Nho đã đạt
được trình độ này”. Loại thứ tư theo Kim Định đó là loại “pha tạp ba loại ảnh hưởng của tôn giáo, ý hệ và công cảm hay lương tri…”. Vì sự pha tạp đó, nên nó chỉ tạm đủ cho đời sống hàng ngang trong xã hội, chứ không thể giải quyết được những vấn đề lớn lao như nguồn gốc vũ trụ, cứu cánh con người, những vấn đề thời gian không gian… Ông cũng cho rằng các nền văn hóa theo kiểu này “thiếu hướng thiếu hồn, chỉ có tính chất chắp vá: chọn một ít luân lý của tôn giáo, với kinh nghiệm thông thường, và một chút lý luận của triết học làm thành văn hóa tạp nham”, mà theo ông đó là nền văn hóa Âu - Mỹ hiện đại [Kim Định 1988 (b): 125- 127].
Kim Định đã tiến hành thao tác phân loại các nền văn hóa. Cách phân loại như trên cho thấy Kim Định muốn xác lập vị trí của nền văn hóa Việt Nam trong hệ thống tổng thể các nền văn hóa nhìn theo cách của ông. Tuy nhiên, cách phân loại này chưa giúp khu biệt được rõ ràng loại hình văn hóa này với loại hình văn hóa khác. Đó là chưa kể loại thứ tư lại là sự pha trộn của ba loại bên trên, càng làm cho việc phân loại càng thêm rối rắm. Kim Định đã rơi vào chủ quan vì ông thiếu tiêu chí rõ ràng khi phân loại các nền văn hóa. Và như vậy, việc xác định văn hóa Việt Nam (chính xác là Việt Nho theo cách gọi của Kim Định) thuộc loại “văn hóa tâm linh” là chưa có cơ sở để xác thực. Và càng khó xác thực hơn khi ông cho rằng “đây là một nền văn hóa có tính cách tiêu biểu hơn hết” [Kim Định 1971 (a): trang 67].
Vì sao Kim Định chọn cơ cấu luận? Trước hết, có lẽ quan niệm của C. Lévi–
Strauss về các xã hội cổ xưa rất phù hợp với quan niệm của Kim Định trong mong muốn hiện tại về một xã hội an vi mà theo ông chỉ có trong thời xa xưa của dân tộc Việt. Theo C. Lévi–Strauss thì không có cái gọi là “tiến bộ lịch sử”, các xã hội hiện đại không hề “văn minh” hơn các xã hội cổ xưa. Ông cho rằng xã hội “bán khai”
hay xã hội hiện đại thì cũng đều được tổ chức nên bởi hoạt động của con người tùy theo hoàn cảnh riêng mà cảm xúc, tư duy trước thế giới, tìm hiểu thế giới. Con người ngày nay và con người của các nền văn minh đã từng sáng tạo ra thần thoại Hy Lạp, Kinh Vệ Đà, Kinh Dịch, Kinh Coran… đều có cùng khả năng và cấu tạo tư duy, chỉ khác nhau về cách tư duy mà thôi. Tất cả đều dựa trên cấu trúc căn bản của
trí tuệ con người. Nói chung chỉ có các nền văn minh khác nhau chứ không có xã hội “văn minh” và xã hội “dã man” cần được khai hóa. Lévi–Strauss cho rằng, lý tưởng của các dân tộc cổ xưa, hoạt động mà chúng nhằm tới là làm sao đạt được trạng thái tĩnh, ổn định, giữ được thế quân bình giữa con người và tự nhiên. Kim Định cũng cho rằng xã hội mà ông đang sống bị hỗn loạn vì trạng thái ổn định, thế quân bình đó đã bị phá vỡ. Vì vậy ông luôn muốn đi tìm kiếm sự an vi trong quá khứ dân tộc như một giải pháp, một cứu cánh cho những bế tắc về tư tưởng và thực tại xã hội đầy mâu thuẫn của miền Nam trước năm 1975.
Mặt khác, cơ cấu luận còn cung cấp những cơ sở cần thiết cho việc nghiên cứu của Kim Định. Theo thuyết cấu trúc thì mỗi sự vật, mỗi yếu tố không tự nó có ý nghĩa, nó chỉ có ý nghĩa khi ở thế tương quan với yếu tố (sự vật, hiện tượng) khác.
Chỉ tương quan giữa các sự vật, các yếu tố mới có giá trị. Nhưng nhà cấu trúc học không bằng lòng với việc nhìn ngắm các tương quan cụ thể, các kiểu tương quan cụ thể mà lần tìm đến các tương quan bề sâu, có tính cơ bản chi phối mọi hiện tượng;
sau nữa, cố gắng thiết lập một đồ hình cho toàn bộ cấu trúc, rồi quy về một công thức có thể tính toán bằng toán học hiện đại [Trịnh Bá Đĩnh]. Kim Định cũng vậy, ông cho rằng: “Cơ cấu là cái thuộc toàn thể. Chính vì thuộc toàn thể nên nó là cái gì chìm rất sâu dưới miền tiềm thức, cần phải lùi xa mới nhận ra. Đồng thời lại phải nhìn rất rộng bao quát được nhiều khoa cùng hướng như phân tâm, cơ cấu luận, siêu ngôn (métalangage) là những khoa cũng cố gắng nhìn xuyên qua đợt ý thức để đặt tầm tiềm thức là địa vực của cái mà Kinh Dịch kêu là Cơ tức cũng chính là cái mà các nhà cơ cấu luận ngày nay đang muốn tìm” [Kim Định 1971 (a): trang 92].
Trong công trình “Cơ cấu Việt Nho”, Kim Định đã giới thiệu lý thuyết cấu trúc luận với người đọc. Ông trích dẫn từ cuốn Nhân học Cấu trúc của Claude Lévi- Strauss, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những luận điểm mà nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure đưa ra đầu thế kỷ XX đối với cấu trúc luận. Theo đó ngôn ngữ phải được nghiên cứu như là nó tồn tại ở một thời điểm (đồng đại) để hiểu được cách thức toàn bộ hệ thống các ký hiệu ngôn ngữ liên quan vận hành, chứ không phải là để xem xét các ký hiệu đơn lẻ đã thay đổi ra sao theo thời gian (lịch
đại) như các nhà ngôn ngữ học đã thực hiện trước thời F. de Saussure [Kim Định 1972].
Quan điểm trên của F. de Saussure ảnh hưởng khá mạnh mẽ tới nhiều nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lịch sử. Trịnh Bá Đĩnh cho rằng: “Đối với các nhà cấu trúc luận (chẳng hạn như Michel Foucault) thì lịch sử chỉ là thứ trật tự gián đoạn, bao gồm các hệ thống khép kín xếp cạnh nhau, không có tiến trình, không có định hướng, do vậy dĩ nhiên là cũng không có cái gọi là phép biện chứng”. Theo Trịnh Bá Đĩnh, cái mà ta thấy là dòng vận động lịch sử chẳng qua chỉ là thứ lược đồ chủ quan của các nhà viết sử. Các sự kiện, biến cố quan hệ với nhau thực ra chỉ là quan hệ trong một hệ thống, ý nghĩa của chúng cũng bị quy chiếu bởi hệ thống. Lịch sử là các “bộ” biến cố, sự kiện tiếp nối nhau, có tính tái hồi, tức đổi chiều được. Thế giới sẽ đi từ chỗ không có con người đến chỗ không có con người, như cách nói của C. Lévi–Strauss, vậy thì tính định hướng hiển nhiên là không rõ ràng. Tìm hiểu lịch sử như vậy phải là tìm hiểu cái cấu trúc chi phối mọi sự kiện, biến cố trong một hệ thống nhất định. Nghiên cứu lịch sử do vậy cũng quy về các nghiên cứu đồng đại [Trịnh Bá Đĩnh].
Điều này khá đúng với trường hợp Kim Định. Trong “Cơ cấu Việt Nho”, trên cơ sở giới thiệu cách tiếp cận đồng đại của F. de Saussure cho nghiên cứu ngôn ngữ, Kim Định lý giải việc có thể áp dụng cách tiếp cận này cho nghiên cứu lịch sử.
Ông chỉ ra sự khác biệt giữa lịch sử đồng đại (mà ông gọi là “sử hàng dọc”) với lịch sử lịch đại (“sử hàng ngang” hay là “chủ nghĩa lịch sử”, “duy sử”). “Duy sử” tập trung vào việc mô tả những thay đổi của lịch sử qua thời gian bằng những dẫn chứng tài liệu. Còn với lịch sử đồng đại, Kim Định giải thích là khác nhau vì “nó hoạt động bằng tiềm thức, không cần phải tự thể hiện bản thân trong một cá nhân và do đó không thể được ghi lại trong thời gian hoặc không gian, nhưng nó vẫn có thể được gọi là lịch sử vì nó là chân thật mặc dù không có thực nghĩa là “thật tuy không thực (vraie mais irréelle).” [Kim Định 1972]. Có lúc ông xem “đó chỉ là huyền sử tức không có thực mà chỉ có thật nghĩa là có như một lý tưởng thiên tiên”
[Kim Định 1973 (a): trang 19]. Kim Định nhìn nhận rằng ý tưởng về một cái gì đó
có thể là “thật tuy không thực” ấy giống như những gì Trang Tử mô tả vũ trụ: “Hữu thực nhi vô hồ xứ giả, vũ dã; Hữu trường nhi vô bản phiểu giả, trụ dã”, dịch ý: “Cái có thực mà không định được nơi chốn thì là vũ (không gian) vậy; Cái lâu dài mà không truy được gốc ngọn thì gọi là trụ (thời gian) đấy” (Trang Tử - Canh Tang Sở). Kim Định liên hệ quan niệm này với lịch sử, ông cho rằng “cái hiện hữu đó” là một tác động hoặc nguyên lý có thể hướng dẫn, hoặc là một lý tưởng có thể hỗ trợ con người, nhưng thực tế là nó “không có nơi chốn” có nghĩa là nó không cần kết tinh hoặc có hình dạng trong một cá nhân cụ thể. Do đó nó là một nguyên mẫu (sơ nguyên tượng) hoặc một mô hình (điển loại) tồn tại trong một loại thiên đường (thiên thai) mà người ta đều mong muốn nó trở nên hiển hiện [Lê Minh Khải (c):
website].
Cũng như với nhiều nhà nghiên cứu khác, cấu trúc luận đã trao cho Kim Định nhiều cách thức để khám phá văn hóa. Tuy nhiên, cấu trúc luận thường bị chỉ trích ở chỗ nó trao quá nhiều quyền lực cho “nhà cấu trúc luận” để xác định ý nghĩa. Kim Định tìm thấy ở cách tiếp cận hệ thống – cấu trúc một không gian rộng rãi để giải mã những biểu tượng văn hóa cổ của dân tộc, từ đó xác định ý nghĩa của các biểu tượng này dựa trên những “quyền lực” mà cấu trúc luận cung cấp. Nhà nghiên cứu Lê Minh Khải nhận xét, “Kim Định đã không tiếp cận nghiên cứu về quá khứ từ một quan điểm trung lập. Ông đã có một chương trình nghị sự rõ ràng”, tức là trước khi tiếp cận đối tượng ông đã có sẵn một hệ thống ý tưởng. Kim Định muốn tạo ra một loại nền tảng đạo đức, tâm linh cho người dân Việt, và ông muốn nền tảng đó là của riêng họ, chứ không phải là một thứ được “nhập khẩu” từ Trung Quốc hoặc phương Tây. Ông tuyên bố rằng “trước khi Trung Quốc là Trung Quốc” thì đã có một nền văn hóa ở đó, và nền văn hóa đó chính là “Việt”. Để chứng minh điều này, ông cần bằng chứng, nhưng đối với các giai đoạn sớm nhất của lịch sử trong khu vực (ví dụ, thời đại của các bậc trị vì huyền thoại như Thần Nông và Hoàng Đế) thì chỉ có rất ít thông tin. Tuy nhiên, theo Lê Minh Khải, “cấu trúc luận đã cung cấp cho Kim Định “bằng chứng” bởi vì nó cho phép ông diễn giải những thông tin
hạn chế để ông xử lý theo những cách thức mới lạ. Và đó chính xác là những gì ông đã làm” [Lê Minh Khải (d): website].
Dù sao, cũng cần thừa nhận Kim Định là một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đầu tiên tiếp xúc và ứng dụng cách tiếp cận hệ thống theo cấu trúc luận của L. Strauss trong nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam. Việc sử dụng các lý thuyết được thừa nhận rộng rãi trong học thuật thế giới để làm nền tảng nghiên cứu những vấn đề cụ thể của văn hóa dân tộc là một thái độ làm việc khoa học của một người nghiên cứu nghiêm túc. Vấn đề này dường như vẫn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng trong giới nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam trước và cả sau Kim Định một thời gian dài. Lý do, theo Đinh Hồng Hải, là nhiều người làm công tác văn hóa ở Việt Nam chưa được tiếp cận một cách đầy đủ các hệ thống lý thuyết của lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn này. Đinh Hồng Hải cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nắm vững và ứng dụng hệ thống lý thuyết trong nghiên cứu văn hóa học khi ông đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ tiếp cận như thế nào với với một đối tượng hết sức rộng lớn, đa dạng và trừu tượng như văn hóa nếu không nắm vững hệ thống lý thuyết?” [Đinh Hồng Hải: website].
Cấu trúc luận chỉ là một trong những lý thuyết của văn hóa học và như đã nói, Kim Định đã tiếp cận khá sớm và kỹ với lý thuyết này. Sau Kim Định khá nhiều năm, tức là từ sau thập niên 1990, lý thuyết cấu trúc của L. Strauss mới bắt đầu được các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam sử dụng. Trong công trình “Từ văn hóa đến văn hóa học” (2002), Phạm Đức Dương viết: “Chúng tôi áp dụng cấu trúc ký hiệu để phân xuất cấu trúc văn hóa theo quan niệm “dĩ bất biến ứng vạn biến” và chia cấu trúc văn hóa thành 2 bậc: cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu. Trong ngôn ngữ học người ta gọi là biểu tầng (superstrat) và cơ tầng (substrat)”. Theo Phạm Đức Dương, “cấu trúc bề mặt bao gồm tất cả các hệ thống ký hiệu văn hóa nằm trên biểu tầng (tức là những biểu hiện văn hóa) được thay đổi liên tục. Ta gọi đó chính là những biến số, là yếu tố động của văn hóa. Cấu trúc chiều sâu là bộ phận chìm khó nhìn thấy nằm dưới cơ tầng (tức là nằm trong tâm thức của con người), là yếu tố tĩnh của văn hóa” [Phạm Đức Dương: trang 214 - 215].
Cả Kim Định và Phạm Đức Dương đều mong muốn đi tìm cái “triết lý nằm ngầm” hay “cấu trúc chiều sâu”, nghĩa là những hệ giá trị văn hóa và đều cho rằng cấu trúc bên dưới đóng vai trò định hướng và điều chỉnh những biến đổi trên bề mặt. Khi vận dụng lý thuyết cấu trúc, Phạm Đức Dương sử dụng phương pháp tiếp cận ký hiệu học để giải mã thế giới biểu tượng. Trong khi đó, Kim Định chủ trương lập ra phương pháp “huyền sử” để nghiên cứu văn hóa. Kim Định cho rằng: “Lập ra huyền sử không phải để thay sử ký ghi nhận sự kiện nhưng để đẩy văn hóa xa hơn và sâu hơn hầu đạt đến những mối liên hệ vô hình. Đó mới là văn hóa. Văn hóa nhằm khai triển chủ đạo sống nên có tính cách bao trùm khác hơn sử học chỉ là một ngành chuyên môn” [Kim Định 1971 (a): trang 34]. Nếu như phương pháp tiếp cận ký hiệu học dựa trên những lý thuyết có sẵn, ổn định, được nhiều nhà nghiên cứu kiểm chứng; thì “huyền sử” là do Kim Định sáng tạo ra, một phương pháp chưa được thừa nhận rộng rãi, do đó nó là một nét độc đáo của riêng Kim Định đồng thời cũng hàm chứa nhiều yếu tố gây tranh luận.