CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM VÀ NHỮNG NHẬN ĐỊNH
3.2. Về đặc trưng, bản sắc
3.2.1. Mềm mại, uyển chuyển, hướng tới thuận hòa
Như đã nói ở trên, Kim Định cho rằng Nho giáo là của người Việt và là một thứ “Nho siêu việt” với những giá trị tinh thần lớn lao: “Nho giáo là báu vật trên hết của tiền nhân giối lại… Hơn thế nữa, trong hiện tình văn hóa nhân loại, chưa có nền văn hóa nào đạt được một cơ cấu vừa sâu xa vừa đầy tính chất uyển chuyển linh động cho bằng đến nỗi tới nay vẫn đủ khả năng đáp ứng được những nhu cầu thời đại” [Kim Định 1973 (a): trang 3]. Với nền tảng như thế, văn hóa Việt Nam có tính
"mềm mại, uyển chuyển" bởi vì theo ông "văn hóa dân tộc vì xây trên kinh Dịch nên phải lấy việc biến hóa làm đầu, luôn vun trồng óc sáng tạo mà vẫn trung thành với bổn gốc" [Kim Định 1973 (a): trang 40].
Sự mềm mại, uyển chuyển trong văn hóa Việt, theo Kim Định, đến từ phần
“tâm tình”. Ông cho rằng: “Lý trí chỉ sản ra được có ý niệm cứng đơ thì làm sao cộng vuông với tròn được… Muốn cộng vuông tròn phải thêm phần tâm tình là cái rất uyển chuyển” [Kim Định 1988 (b): trang 110]. Ông nhìn thấy sự uyển chuyển đó
trong những câu ca dao, chẳng hạn như: “Yêu nhau cau sáu bổ ba/Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười” và cho rằng chỉ có tầng vô thức mới làm như vậy được, còn lý
trí thì không. Quan niệm về “tâm tình” của Kim Định khá gần với tiềm thức, tâm linh. Ông dẫn chứng rằng truyện Lang Liêu đã “bỏ nhẹ phần suy luận để cho tiếng nói tâm linh tràn lên được chỉ thị bằng thần hiện ra ban đêm”, mà ban đêm thì “chỉ
phần tiềm thức” [Kim Định 1988 (b): trang 111]. Và ông cho rằng để nắm bắt được tiếng nói tâm linh đó, “cần phải làm như Kinh Dịch: “Vô tư dã, vô vi dã tịch nhiên bất động cảm nhi toại thông thiên hạ chi cô” (không suy tư, không làm cái gì nhân vi giả tạo, không xáo động thì đột nhiên cảm được sâu xa, thông suốt được các lý
trong trời đất)” [Kim Định 1988 (b): trang 111]. Như vậy Kim Định rất coi nhẹ những nguyên nhân về lịch sử xã hội, truyền thống giáo dục… mà chỉ giả định có minh triết nông nghiệp rồi từ đó suy ra nhiều hệ quả khác. Ở đây Kim Định quan niệm siêu hình về con người, cho con người nơi này tình, người nơi khác là lý có
tính tiền định. Thực ra tình – lý gắn với cách xử lý vấn đề. Theo nghiên cứu xã hội học, các xã hội truyền thống xử lý công việc thiên về tình, trong khi ở xã hội hiện đại công nghiệp thì xử lý công việc thiên về lý; còn ở đây con người cũng có những tình cảm có tính phổ quát, trong đó có lòng yêu thương con người. Tình, trọng tình không là đặc sản của xã hội nông nghiệp.
Chẳng hạn, Kim Định cho rằng vì mềm mại, uyển chuyển, văn hóa Việt thường hướng tới sự thuận hòa. Theo ông, đó là “nền văn hóa xây trên thái hòa, là hòa đất với hòa trời, nói cụ thể thì hòa đời với đạo, hòa siêu nhiên với thiên nhiên”
[Kim Định 1971 (a): trang 34]. Nền văn hóa nông nghiệp Việt Nam gắn liền với thiên nhiên, thời tiết, mùa màng, do đó luôn có sự hợp nhất giữa người và trời (thiên nhân hợp nhất), từ đó suy rộng ra là lòng yêu hòa bình, ghét chiến tranh, đặt văn lên trên võ, đặt nhân trị và lễ trị lên trên pháp trị.
Một trong những biểu tượng của nền văn hóa mềm mại, uyển chuyển này theo Kim Định là “vòng tròn thái hòa” mà ngày nay nhiều nhà nghiên cứu gọi là “vòng tròn thái cực”. Kim Định mô tả: “Chữ S cong lượn hai đầu để chỉ trong âm có chút dương, trong dương có chút âm: tránh mọi tuyệt đối: tuyệt đối âm hay tuyệt đối dương”. Ông liên tưởng “bọc trứng trăm con chia ra hai đoàn con đã được thăng hoa thành hình tròn chia đôi bằng nét cong chữ S” [Kim Định 1988 (b): trang 8].
Kim Định còn cho rằng nét cong là “dấu định tính văn hóa” nên tiền nhân đã hiện thực vào các vật dụng là nhà ở và thuyền, cả hai đều mang nét cong lớn để nhắc nhở
con cháu phải lấy sự hòa dịu làm lối sống ở đời.
Thực ra, sự gán ghép giữa “nét cong chữ S” của hình thể nước Việt với “vòng tròn thái cực” là rất khiên cưỡng. Bởi lẽ ai cũng biết quá trình mở rộng lãnh thổ của Đại Việt xuống đến phương Nam để hình thành dải đất hình chữ S chỉ kết thúc vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Vậy thì tiền nhân lấy gì để liên tưởng đến “vòng tròn thái cực”? Tương tự như vậy, bọc trăm trứng là chuyện huyền thoại chỉ xuất hiện muộn về sau. Cuốn Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, quyển I, ra đời vào thời nhà Trần (thế kỷ XV) kể rằng Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, ấy là Lạc Long Quân, thay cha trị nước. Từ đó mới
có chuyện sinh ra trăm người con rồi chia đôi lên rừng và xuống biển. Trong khi đó, Kim Định liên tưởng việc chia đôi đó đã có trong vòng tròn thái cực. Như vậy Kim Định chủ yếu là tư biện.
Trong mối quan hệ giữa siêu nhiên với thiên nhiên, đời với đạo, Kim Định đề
cao vai trò của con người, mà ông gọi là “nhân chủ”. Theo ông, “nhân chủ là khi xem con người đứng độc lập với trời và đất và tự làm chủ lấy mình, nghĩa là những thế thái sinh động giao liên được căn cứ trên bản tính con người hơn là trên những quy luật phát xuất tự trời hay đất. Và đó là thái độ độc lập căn bản làm nên nhân chủ tính, đưa lại cho con người quy chế vương giả, đường hoàng trong cõi riêng của mình. Nhưng độc lập mà không cô lập vì vẫn giữ liên hệ với trời với đất, bởi vậy gọi là nền nhân bản thái hòa”… “Nhân chủ của Việt Nho đứng trong thế tam tài tức có liên hệ mật thiết với trời cùng đất” [Kim Định 1973 (a): trang 12]. Một trong những biểu hiện chính của tính nhân chủ, theo Kim Định, chính là lễ gia tiên, một phong tục mà người Việt đã phụng sự con người khi sống cũng như lúc chết. Đó là
nét đặc trưng của Lạc Việt. Từ đó ông khẳng định “văn hóa dân tộc Việt cũng là văn hóa nhân tộc, tức văn hóa Việt tộc đã đạt độ phổ biến cao nhất có thể hợp với mọi nơi mọi đời nên vẫn còn giá trị muôn thuở đủ tư cách để trở thành một thứ đạo đức đặc biệt gọi là “Đạo Làm Người” lấy tu thân làm bổn gốc” [Kim Định 1987:
trang 99].
Kim Định còn chứng minh cho sự thuận hòa của văn hóa Việt Nam qua hình ảnh cái đình, xem “cái đình tiêu biểu cho nền văn hóa của Lạc Việt cách cụ thể và sống động nhất, tức nền văn hóa xây trên thái hoà, là hoà đất hoà trời, nói cụ thể thì hoà đời với đạo, hoà siêu nhiên với thiên nhiên” [Kim Định 1971 (a): trang 33]. Mặt khác, cái đình – với tư cách là nơi tập hợp nhiều gia đình - còn là biểu tượng cho sự thuận hòa về mặt xã hội. Theo ông, người Việt đề cao vai trò của cái đình tức nghĩa là có sự tôn trọng về thể chế gia đình. Ông cho rằng sự tôn trọng thể chế gia đình đó
có tính cách như một giải pháp trung hòa giữa hai thái cực: muốn xóa bỏ tự do cá nhân vì lợi ích của công quyền và ngược lại, muốn phớt lờ mọi nghĩa vụ xã hội để đạt được tự do cá nhân. Tôn trọng thể chế gia đình khiến con người sống có tình và
có lý, có quyền lợi và có nghĩa vụ, có trung và có hiếu. Đó chính là sự thuận hòa về mặt cộng đồng, xã hội. Theo ông, sự tôn trọng đó không phải tự nhiên mà có mà bắt nguồn từ triết lý Việt Nho: “Triết lý Việt Nho tìm cách đôn đốc tình gia tộc, nâng lên hàng nền tảng. Nền móng xã hội Việt Nam là gia đình chứ không phải cá nhân như xã hội Tây phương. Do lẽ đó mà không để cho thể chế nào làm sứt mẻ đời sống gia đình” [Kim Định 1971 (a): trang 35].
Để chứng minh cho đặc trưng “tôn trọng thể chế gia đình” của văn hóa Việt, trước hết, ông phân tích “địa vị” của cái đình trong đời sống văn hóa của người Việt. Ông cho rằng “Đình là nơi hội tụ của nhiều gia đình”,“nói cách khác đời sống cái đình cũng một loại với đời sống ở gia đình, nếu ở gia đình có ăn uống thì ở đình cũng có đình đám” [Kim Định 1971 (a): trang 35]. Từ một thiết chế sinh hoạt chung của làng, Kim Định đã suy luận: “Cái đình là chính gạch nối giữa nhà và nước”
[Kim Định 1971 (a): trang 37], xem đó là “nhà đại biểu cho Viêm Việt”. Ông so sánh: Nền văn minh Việt “đặt nền tảng trên gia đình, nhiều gia đình họp thành khu, xóm, ấp và đợt cuối cùng là làng. Văn minh du mục Bắc phương được biểu thị từ trên mà xuống tức tự triều đình xuống đến tỉnh, phủ và đơn vị cuối cùng là huyện hay quận…” Từ đó ông đi đến giả thiết: “Rất có thể chữ đình là nhà đại biểu cho Viêm Việt, còn chữ triều là của Hoa tộc, hai văn minh hòa trộn thành ra triều đình”
[Kim Định 1971 (a): trang 31]. Thế nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác thực văn minh du mục phương Bắc thì “được biểu thị từ trên xuống”, còn văn minh nông nghiệp phương Nam thì ngược lại, đó là điều Kim Định chưa giải thích rõ. Vì vậy việc ghép rồi phân tích triều với đình ở đây rất là… tư biện!
Không dừng lại ở đó, ông nâng địa vị “cái đình” lên một tầng nghĩa cao hơn, khi cho rằng “cái đình có thể coi là đỉnh cao chót vót của nền văn minh Viêm Việt”
đồng thời gắn cho nó một ý nghĩa triết lý, đó là “triết lý lưỡng nhất tính” của cái đình, khác với “triết lý nhị nguyên đạo đời riêng rẽ” [Kim Định 1971 (a): trang 40].
Như vậy, theo suy luận của Kim Định, vì người Việt rất coi trọng cái đình – nơi hội tụ nhiều gia đình – chứng tỏ người Việt rất tôn trọng thể chế gia đình, từ đó cho thấy sự thuận hòa về mặt xã hội.
Thật ra, đình làng là một thiết chế văn hóa – tín ngưỡng tổng hợp khá phổ biến của người Việt, nhưng những sử liệu còn lại đến nay đều không cho thấy đình làng xuất hiện từ thời “Viêm Việt” như Kim Định đã đề cập và cũng không như giả thiết cho rằng “chữ đình là nhà đại biểu cho Viêm Việt”. Theo Hà Văn Tấn, từ “đình”
xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là vào thế kỷ II, thế kỷ III. Ông dẫn chứng, trong “Lục bộ tập kinh” của Khang Tăng Hội có đoạn: “Đêm đến ông lặng lẽ chốn đi. Đi hơn trăm dặm vào nghỉ ở một ngôi đình trống. Người giữ đình hỏi:
“Ông là người nào”. Ông trả lời: “Tôi là người xin nghỉ nhờ”. Hà Văn Tấn cho rằng chi tiết “ngôi đình trống” trong đoạn văn trên cho ta cơ sở khẳng định đó là trạm nghỉ chân dọc đường, còn chi tiết “người giữ đình” cho ta giả thiết đó là ngôi đình là nhà công cộng của làng xã. Như vậy, đình trạm là hiện tượng phổ biến ít nhiều từ thế kỷ thứ II. Cũng theo Hà Văn Tấn, thời nhà Đinh, ở cố đô Hoa Lư đã có dựng đình cho sứ thần nghỉ chân trước khi vào chầu vua. Đến đời Trần, đình với tư cách là trạm nghỉ chân được ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Thượng hoàng xuống chiếu rằng, trong nước ta, phàm chỗ nào có đình trạm đều phải tô tượng phật để thờ.
Trước là tục nước ta, sau là vì nắng mưa nên làm đình để cho người ta đi đường nghỉ chân, trát vách bằng vôi trắng gọi là đình trạm”.
Dưới thời nhà Lê, đình làng đã phát triển. Một sự kiện quan trọng dưới thời Lê Thánh Tông đã được Hồng Đức thiên chính ghi chép lại về việc lập đình như sau:
“Người giàu đã bỏ tiền làm đình hay công đức làm chùa. Thế mà (người sau giữ việc hậu) không biết đền đáp ơn đức, chỉ lừa người lấy của, chẳng bao lâu, tình nhạt lễ bạc, quên cả lời đoan, sinh thói bạc ác hoặc bỏ cả giỗ chạp, không như đời trước, hoặc là làm cỗ bàn không như khoán ước, hoặc năm thì trước năm thì sau, không đúng tháng hoặc trẻ thì lạy lớn thì không, chẳng đồng lòng. Vậy con cháu đặt hậu ở đình hay ở chùa mà thấy kẻ giữ ở hậu có trái lễ thì trình báo với nha môn để thu lại tiền công đức” [Dẫn theo Hà Văn Tấn 2014: trang 56].
Trong khi đó, “cái đình” trong suy nghĩ của Kim Định là không có tính chất xác định về thời gian, nó thuộc về phạm trù “huyền sử” theo quan niệm của ông, nghĩa là phi thời gian và không gian. Vì vậy, nếu so với những cứ liệu chính sử thì
việc xem “cái đình là nhà đại biểu cho Viêm Việt” và lấy đó làm cơ sở đánh giá
người Việt tôn trọng thể chế gia đình thì có thể chưa thật sự thuyết phục. Có thể có
mối liên hệ mật thiết giữa cái nhà (một gia đình) với cái đình (nhiều gia đình), nhưng việc đề cao cái đình không đồng nghĩa với đề cao gia đình. Điều dễ thấy là
trong các xã hội hiện đại về sau này, khi cái đình ngày càng mất dần vai trò trung tâm của làng, người Việt vẫn duy trì truyền thống tôn trọng gia đình vốn có.
Bên cạnh biểu tượng “cái đình”, Kim Định còn dẫn chứng một số phong tục để chứng minh người Việt tôn trọng thể chế gia đình. Ông đưa ra tập tục “tháng giêng ăn tết ở nhà", để cho rằng “đây cũng là nét đặc trưng”. Theo ông, “tết là lễ trọng thể nhất cũng như lâu dài nhất trong năm mà lại không mừng ở đền chùa cũng như không ở công sở mà mừng ngay ở nhà thì điều đó bộc lộ gia đình là nền móng của xã hội, mà không có gì khác thay thế được kể cả tôn giáo và chính quyền” [Kim Định 1971 (a): trang 76]. Ông phân tích thêm: “Ngày mồng một đầu năm là ngày trọng đại hơn cả, cũng là ngày nói lên tính chất gia đình đầy đủ hơn hết vì đấy không còn phải là gia đình nhỏ hẹp nữa nhưng là đại gia đình an, về trước đến các tiên tổ đã qua cũng được thỉnh về để ăn tết cùng với con cháu” [Kim Định 1971 (a):
trang 79]. Kim Định cũng cho rằng một điều biểu lộ tinh thần gia đình khác nữa là
“tục táo quân: ngày 23 tháng Chạp ông táo về trời lập bô về các việc xảy ra trong năm qua có liên hệ đến nước, đến gia đình” [Kim Định 1971 (a): trang 77]. Những dẫn chứng này có phần xác đáng hơn. Qua nhiều thời kỳ lịch sử, đến nay có thể
khẳng định gia đình của người Việt là một tổ chức dựa trên quan hệ nghĩa tình. Đây là nét đặc trưng có lẽ đã được tạo ra ở một dân tộc hình thành từ nền nông nghiệp lúa nước, lại phải trường kỳ chịu cảnh thiếu thốn khó khăn, phải chống chọi với ngoại xâm, thiên tai và thú dữ. Thực ra, trong các nền văn hóa, gia đình là đơn vị đặc biệt; chỉ đến thời hiện đại gia đình mới có nhiều thay đổi và vai trò gia đình không còn như trước. Kim Định đã cực đoan hóa khi xem “coi trọng gia đình” là nét đặc trưng của người Việt.