Phương pháp phân tích cấu trúc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 62 - 68)

CHƯƠNG 2. QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

2.3. Phương pháp nghiên cứu của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc

2.3.3. Phương pháp phân tích cấu trúc

Là người sớm tiếp cận với những trường phái lý thuyết mới trong nghiên cứu văn hóa trên thế giới vào giữa thế kỷ XX, Kim Định nhìn thấy sự thiếu hụt trong việc áp dụng các lý thuyết này tại Việt Nam vào thời kỳ đó. Ông không chỉ mong

muốn dùng ánh sáng của các lý thuyết mới soi rọi vào kho tàng văn hóa Việt Nam mà còn từ các lý thuyết đó, đề xuất phương pháp nghiên cứu mới.

Một trong những mục đích để Kim Định nghiên cứu Việt Nho là “cũng muốn đóng góp cả về phương pháp”, là vì “trong làng văn hóa quốc tế đã có những phương pháp mới rất đáng chú ý mà cho tới nay chưa thấy được áp dụng ít ra cách triệt để vào việc tìm hiểu văn hóa nước nhà. Thế mà với bất cứ nền văn hóa nào thì những phương pháp nọ cũng rọi những tia sáng mới lại rất đáng chú ý” [Kim Định 1973 (a): trang VIII].

“Phương pháp mới” mà ông đề cập đó là phân tích cấu trúc theo cơ cấu luận.

Phương pháp cấu trúc của C. Lévi–Strauss cho rằng, tư duy thần thoại phát triển từ sự nhận thức một số những cặp đối lập và nguyện vọng muốn khắc phục, hóa giải những tương phản này. Những con người ở các dân tộc thời cổ, theo C. Lévi–

Strauss cũng có khả năng tư duy logic, có bộ máy tư duy lôgic của mình và không phải là kém phát triển. Họ nhận xét thế giới trước hết bằng các cặp đối lập mà cơ bản nhất là hai cặp Trời/Đất và Đực/Cái. Khi đọc Lévi–Strauss với những tư duy về cặp tương phản đối lập, Kim Định nhận định “chính Việt Nho mới là cơ cấu”, vì

“cơ cấu là gì nếu không là một cố gắng tổng hợp”. Mà theo ông “tổng hợp đến cùng cực chính là đưa chữ Tương vào cõi học độc khối im lìm của văn hóa cổ điển. Mà đã nói đến Tương thì có những Hạn từ đối đáp, đã đối đáp là có thể vẽ ra đồ thị và số độ... Đó là những nét căn bản cho Nho giáo với câu: “Âm Dương tương thôi”

cũng như đạo Trung dung của Thái hoà”. Ông lý giải tiếp: “Có Tương quan tất phải có hai Hạn từ, và hai Hạn từ đó gọi là Âm Dương, hay Trời Đất, Nam Nữ, Tình Lý… Và đạt Đạo là đạt thế quân bình giữa hai hạn từ đó”. Từ lập luận trên, ông tự nhận rằng “do lẽ đấy mà riêng chúng tôi đã đi theo lối cơ cấu lâu trước khi nghe nói về cơ cấu luận” [Kim Định 1972: trang 2]. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận “cơ cấu xuất hiện như một khoa học mới lạ, bởi vì Lévi–Strauss có nhờ nhiều vào công trình của các khoa mới như ngữ lý học, tâm toán học, uyên tâm và nhân chủng…”. Và lý do ông dùng cơ cấu luận để phân tích Việt Nho là vì “cơ cấu Việt Nho đã bị Hán Nho vùi dập: Âm Dương Ngũ hành bị hiểu cách tai dị, phù pháp, còn Tam tài thì

không ai nhận ra ý sâu xa của nó”. Vì vậy với cách nhìn của cơ cấu luận hiện đại, ông có thể “khai quật” những gì bị vùi dập “để nó chiếu ra những tia sáng thực mới lạ” và “cách này giúp phần lớn vào việc minh nhiên hóa những khả năng tàng ẩn trong cơ cấu Việt Nho”.

Kim Định trước hết chú ý đến cặp phạm trù Âm Dương, vì ông cho rằng đây

“là nền tảng của chữ Tương nên cũng là nét căn bản của cơ cấu, đầy sức tổng hợp”.

Theo Kim Định, chữ Tương được Khổng Tử gọi là “hợp nội ngoại chi đạo”: Ngoại là ý thức, Nội là tiềm thức; Ngoại là lý trí, Nội là tình thâm; Ngoại là sự kiện biến cố của lý trí, Nội là sơ nguyên tượng của huyền sử. Kim Định nhận xét “đó là biện chứng mà Lévi–Strauss gọi là lưỡng hành và ông cho là nền tảng nhất và hiệu nghiệm vì đặt căn cứ ngay trên những vật khả giác” như tả hữu, trên dưới, nam nữ, sáng tối... Trên nền tảng đó, Kim Định nhận ra Kinh Dịch đã triển khai “biện chứng hàng hai một cách huy hoàng” giữa: Càn và Khôn; vòng sinh và vòng thành, với những công thức như: “tại Thiên thành Tượng", “tại Địa thành Hình". Cứ như thế, khi áp dụng vào xã hội học thì Kim Định thấy rằng “Tượng là những tác động kiểu mẫu để thể hiện những nguyên lý hướng đạo, còn Hình là những cá nhân được giả thiết hiện thực những tác động lý tưởng kia”.

Như vậy, Kim Định vận dụng quan điểm của Lévi-Strauss cho rằng nhị nguyên luận tồn tại ở mọi nền văn hóa. Giả thuyết này của L. Strauss dựa trên cảm quan về thực tế của nhân loại khá giống nhau ở việc thừa nhận sự tồn tại chia đôi đối lập đực – cái, trên – dưới, âm – dương. Kim Định biết về điều này nhưng ông lờ đi để tiếp tục ngụy biện về tư duy âm – dương là tư duy độc đáo của người Việt!

Cũng trong cơ cấu luận, Lévi-Strauss cho rằng từ tư duy cặp đối lập, người các dân tộc thời cổ đã tìm ra yếu tố trung gian xen vào giữa, yếu tố có sứ mạng hoà giải để tạo nên sự cân bằng. Nhiều lễ nghi, tập tục, thần thoại được tạo ra là để cụ tượng hóa yếu tố trung gian này. Bằng cách này, Lévi-Strauss đã cắt nghĩa được một loạt những biểu tượng thần thoại, chẳng hạn chiếc giày luôn mang lại hạnh phúc trong các truyện cổ. Theo C. Lévi–Strauss, y phục (giày, quần áo…) luôn là trung gian giữa tự nhiên (hoang dã) và văn hóa (tốt lành). Chúng vừa là văn hóa nghệ thuật

vừa là công cụ giải thích thế giới, vừa có chức năng nghệ thuật vừa có chức năng tôn giáo – triết học [Trịnh Bá Đĩnh]. Trong các công trình của mình, Kim Định cũng đi tìm các yếu tố trung gian để cắt nghĩa các hiện tượng văn hóa. Trong cơ cấu Tam tài (Thiên – Địa – Nhân), Nhân được Kim Định xem là yếu tố trung gian.

Nhưng nó không chỉ có sứ mạng đem lại sự cân bằng mà Kim Định còn cho rằng Nhân có một vị trí cao hơn cả. Nhân là “nét nối cả hai từ Thiên Địa với tình người,quyền người gọi là Nhân chủ, tức con người vẫn là chủ trong Tam tài theo nghĩa không để cho Thiên hay Địa đàn áp”.Ông dẫn ra thí dụ cụ thể là Nhân “không để cho lòng nô lệ cho tôn giáo (Thiên) hay kinh tế (Địa), nhưng cố đem lại cho con người một nền triết lý nhân chủ đầy hoạt lực không nô lệ bái vật hay ý hệ, nhưng vượt lên đến Tâm linh là căn để của con người”. Đến đây thì Kim Định đã khác với cách lý giải của cơ cấu luận: yếu tố trung gian đã vượt lên để chi phối cặp đối lập còn lại. Ông muốn đi đến kết luận rằng “Việt Nho đã thiết lập được nền nhân chủ sớm hơn đâu hết và đã gây nên một lối hành xử an nhiên hòa hợp không lép vế mà cũng không kiêu thái”. Ông dẫn câu ca dao: “Bắc thang lên hỏi ông Trời/ Bắt bà Nguyệt lão đánh mười cẳng tay” mà luận rằng “tuy vẫn nhận Trời làm vua, Đất làm vua và như vậy tuy đầy lòng kính Trời Đất nhưng vẫn giữ được cung kỷ tự trọng, không đến nỗi quá khúm núm”. Ông cho rằng được như thế là nhờ “con người có địa vị trên cấp tối hậu là Tam tài”. Rất dễ thấy tính tư biện ở đây, đặc biệt là Kim Định đồng nhất một số câu ca dao với nhận thức của cả một dân tộc. Điều này có thể bắt gặp ở một số nghiên cứu văn hóa ở miền Nam trước năm 1975, trong đó có công trình của Nguyễn Đăng Thục. Trong Tư tưởng Việt Nam - tư tưởng triết học bình dân, Nguyễn Đăng Thục đã chỉ ra những tư tưởng triết học bình dân của người Việt được thể hiện từ các vật thể như trống đồng, mộ cổ… đến những sinh hoạt tinh thần như hội hè, đình đám và tục ngữ phong dao. Ông cho rằng quan điểm đồng nhất người - vật đã được thể hiện trên trống đồng với hình ảnh con chim Lạc Hồng nửa người nửa vật, trong thần thoại Con rồng cháu tiên, hay trong những câu hát, những câu ca dao như: “Một đàn cò trắng bay tung/Bên nam bên nữ ta cùng hát lên...”. Tuy nhiên, khác với Kim Định cho rằng đó là sản phẩm của Việt tộc,

Nguyễn Đăng Thục cho rằng vũ trụ quan âm-dương vàvạn vật đồng nhất thể” của Lão - Trang đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm về vũ trụ, về thế giới của người Việt [Nguyễn Đăng Thục: trang10 – 81].

Trở lại với Kim Định, từ địa vị của Nhân trong Tam tài, Kim Định mở rộng ra trong Ngũ hành. Ông cho rằng “Ngũ hành tối quan trọng vì nó nói lên tầm hoạt động bao la của con người. Khi không đạt Ngũ hành con người chỉ có thể làm việc hạn hẹp, còn với Ngũ hành thì không đâu không có mặt”. Và theo ông, bước cuối cùng để thi hành triệt để đạo Ngũ hành là Cửu trù, mà “Cửu trù là hồng phạm tức là mô thức lớn lao bao trùm khắp hết không gảy ra cái chi bên ngoài”. Theo cách hiểu của Kim Định, Cửu trù có tính hệ thống sâu sắc. Do đó để hiểu được một vấn đề nào đó phải đặt nó trong Cửu trù để “hiểu thấu triệt: cả triệt Thượng lẫn triệt Hạ”.

Ông quan niệm “triệt Thượng là đạt tới nguồn suối Uyên nguyên”, thí dụ như Tam tài vừa nói trên. “Triệt Hạ là lần xuống tận thể chế xã hội”. Từ nguyên lý này, ông lý giải một ví dụ: có lễ gia tiên là vì “cuối cùng là thuyết Tam tài tức là con Người cũng là vua là hoàng như Thiên hay Địa nên cũng đáng tôn thờ”. Bằng những phân tích trên, Kim Định kết luận rằng “Việt Nho mang trong mình đầy đủ những đức tính của cơ cấu như thế Quân Bình giữa Âm Dương, thứ lớp như trong Ngũ hành, và đi tới cùng cực như trong Hồng phạm” [Kim Định 1972: trang 40-52].

Từ đâu mà Kim Định đi tới những nhận định trên? Theo Kim Định, “cơ cấu văn hoá là bộ số huyền niệm”, cơ cấu tức là cái khuôn tiên thiên dùng để diễn tả những ý tưởng chính. Đó là những biểu đồ, lược đồ, biểu tượng như tròn vuông, kinh vĩ... Có tất cả 9 số nhưng ông cho rằng trong đó quan trọng hơn cả là 1, 2, 3, 5, 9. Kim Định tìm thấy ý nghĩa văn hóa của các con số này. Chẳng hạn, về số 1, thoạt tiên Kim Định cho rằng đó là vòng tròn gắn với âm dương và gọi là vòng thái nhất, cũng được gọi là “nhất nguyên lưỡng cực”, bao quát của đạo cả âm và dương, “cả trời cả đất cùng với người làm nên nhất thể”. Tiếp đó ông liên tưởng: “Có lẽ đây là chỗ phải nói đến mái nhà cong và thuyền cong mũi của Lạc Việt thì chắc là do ảnh hưởng này”. Tại sao vòng thái nhất lại được ông liên tưởng đến mái nhà cong thì thật khó đoán định? Chưa hết, ngay sau đó, ông tiếp tục khẳng định, “vì mái cong là

của Lạc Việt nên tôi cho vòng thái nhất là của Lạc Việt đến 80%”. Tương tự, về số 2, Kim Định cho rằng đây là nền tảng của âm dương, rồi liên tưởng đến “tôn giáo phong nhiêu” (tức phồn thực – chú thích của người viết) là nét đặc trưng của Viêm Việt nên số 2 là thuộc Việt đến 90%. Về số 3 (tam tài), Kim Định cho rằng đó là hệ quả của hai nét trước, làm nền móng cho nhân bản, cũng gọi là nhân chủ. Số 3 tượng trưng cho tam tài, và cũng thuộc Lạc Việt đến 80%. Đến số 5 (số ngũ), Kim Định khẳng định rõ rệt đây là “con số nổi của Đông Nam, của văn minh mẹ”, rất được quan trọng hóa ở vùng Lạc Việt vì “ngự ở trong trung cung của ngũ hành” và do đó là cốt lõi trong Lạc Thư. Theo Kim Định, ta có thể “gặp lu bù số 5 ở phía Nam hơn phía Bắc”: ngũ kinh, ngũ khê, ngũ hồ, ngũ cốc, ngũ âm... tất cả đều xuất phát tự ngũ hành. Theo ông, Lạc Thư chính là điển chương của Lạc Việt và số 5 thuộc Lạc Việt đến 80%. Cuối cùng là số 9 (số cửu), Kim Định cho rằng số này đã được Lạc Việt chú ý đặc biệt bằng hệ thống hóa: như tự Tam Miêu nên ngũ hành rồi cửu Lê và tự nhân lên thành 81 chi hội của Si Vưu (9x9) thì đó là dấu rõ của việc hệ thống hóa mấy số trên” [Kim Định 1973 (a): trang 14-19]. Như vậy là Kim Định đã mượn cấu trúc luận để suy diễn từ các con số. Theo Levis–Strauss, những gì chúng ta quan sát được trong các xã hội trên khắp thế giới là khác nhau, nhưng nếu nhìn bên dưới những mặt nổi đó và hiểu được “cấu trúc” của những ý tưởng cho biết mọi người đã làm gì, thì ta sẽ thấy có những điểm chung. Khi Kim Định tìm hiểu cấu trúc luận vào thập niên 1960, ông tìm thấy những ý nghĩa mà cấu trúc bên dưới của

“âm – dương”, “ngũ hành”… mà trước đó một số nhà nghiên cứu phương Tây như Granet chứng minh đó không chỉ khái niệm số, mà là “dấu hiệu” cho các cấu hình của xã hội. Có điều hơn thế, Kim Định cảm thấy rằng tất cả những điều đó đều là

“Việt” và ông tìm cách chứng minh như trên. Kim Định đã không thật sự xem xét vấn đề từ góc độ tính hệ thống mà chủ yếu chỉ diễn giải chủ quan từ các con số.

Rất nhiều sự kiện, hiện tượng văn hóa được Kim Định sử dụng cơ cấu luận để chứng minh là thuộc về Việt tộc. Chẳng hạn, trong “Triết lý cái đình” ông cho rằng ngày Tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5 là của Việt tộc, vì trò vui đua thuyền của Tết này có hai chỉ dấu: “một là mỗi thuyền gồm 50 người, con số 5 vừa nói lên ngày

mồng 5 tháng 5 mà đồng thời cũng nói đến “50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển”; thứ hai là dùng cồng để đánh hiệu đua thuyền, cồng đi với bà nên dấu chỉ thuộc Viêm Việt” [Kim Định 1971 (a): trang 82]. Mặt khác ông còn cho rằng trong dịp tết này, “ý tưởng cầu mưa để đặng mùa màng phong đăng luôn được đi kèm lễ, nên ta vẫn có thể nhìn ra được gốc gác của nó thuộc nông nghiệp và từ phương Nam xuất phát” [Kim Định 1971 (a): trang 83].

Sau khi chỉ ra những yếu tố căn bản của cơ cấu Việt Nho, Kim Định cho rằng nét đặc trưng của cơ cấu Việt Nho “đó là sự bình quân giữa hai yếu tố căn bản tạo thành cơ cấu”. Đồng thời ông cho rằng “sự quân bình này rất cao độ vì nó hiện thực mãi ở đợt Thiên Địa gọi là Thời Không hay Vũ Trụ” [Kim Định 1972: trang 50]. Theo Kim Định, một trong những thứ tạo ra sự quân bình đó là “Nhạc”: “Bất ư Ý. Bất ư Từ. Bất ư Lý. Nhưng Thành ư Nhạc”. Kim Định cũng xem quan niệm này của ông có sự tương đồng với Lévis–Strauss: “Một trong những lý do khiến chúng tôi chú ý tới Lévis–Strauss là vì ông cũng biết quan tâm tới Nhạc, coi “Nhạc như mầu nhiệm tối hậu cho các khoa học về con người, một mầu nhiệm mà các khoa nhân văn đều vấp phải, nhưng chính nó là kẻ giữ chìa khóa mở vào mọi tiến bộ”.

Mặc dù tiếp thu phương pháp phân tích cấu trúc của Lévis–Strauss, nhưng không hoàn toàn rập khuôn các nhà cấu trúc luận, Kim Định tạo dựng một cách thức phân tích theo ý muốn chủ quan của ông nhằm đạt tới mục đích minh họa cho các triết thuyết mà ông chủ xướng. Ông cho rằng: “Vì có sự khác biệt cả về đối tượng lẫn phương pháp nên tất nhiên Việt Nho đưa ra một lối nhìn khác xưa cùng với những đề quyết nhiều khi động trời khiến một số học giả bỡ ngỡ”. Những “đề quyết động trời” đó là “Thuyết Việt Nho” với hai vấn đề lớn: “Một là người Lạc Việt làm chủ nước Tàu trước, hai là người Lạc Việt đã góp công vào việc hình thành Nho giáo sơ khởi” mà ông gọi là Việt Nho [Kim Định 1973 (a): trang 92].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 62 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)