Tiếp cận huyền thoại

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 49 - 55)

CHƯƠNG 2. QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA KIM ĐỊNH VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

2.2. Quan điểm tiếp cận của Kim Định về bản sắc văn hóa dân tộc

2.2.3. Tiếp cận huyền thoại

Huyền thoại đã trở thành mối quan tâm lớn của nhiều nhà nghiên cứu vào giữa thế kỷ XX ở phương Tây. Kim Định cũng đã bắt kịp với trào lưu đó. Ông tìm hiểu hầu hết các trường phái lý thuyết, các công trình của các nhà nghiên cứu về huyền thoại và nhận ra giá trị của huyền thoại: “Theo tôi huyền thoại có chứa những giá trị văn hóa, xã hội, mỹ thuật… Triết học (Gusdorf), nhân chủng học (Levis-Strauss), xã hội học (Gurt Vich), nhất là phân tâm (Freud và nhất là Jung), tất cả đều khám phá trở lại giá trị của thần thoại, đến nỗi có thể nói bầu khí văn hóa thế kỷ trước là Logos (duy lý) thì thế kỷ này là Muthos (huyền thoại)” [Kim Định 1973 (a): trang 89]. Kim Định cho rằng hiện tại người châu Âu nhận ra thần thoại chính là "bảo tàng viện những giá trị nền tảng", nên nó là “liều thuốc chữa chứng bệnh quá trừu tượng vì thần thoại là lối tư tưởng nhập thể chưa bị tách rời khỏi sự vật: lời nói còn bám sát sự vật. Vì thế mà trong dĩ vãng những dân hùng cường đều phải có thần thoại” [Kim Định 1971: trang 158]. Kim Định tìm thấy trong các công trình của 4 tác giả trên những chỗ dựa có thể giúp ông đi tìm “minh triết” mà ông mong muốn

nhìn thấy từ quá khứ. Mặt khác, huyền thoại cũng có vẻ giúp ông thỏa mãn được lòng tự ái dân tộc khi ông cho rằng “những dân hùng cường đều phải có thần thoại”

với hàm ý ngược lại: những dân có thần thoại thì đều là dân hùng cường!

Mục đích nghiên cứu huyền thoại cũng khá rõ: ông muốn dùng những huyền thoại xa xưa của dân tộc Việt để đánh thức những cảm thức sở thuộc và những giá trị tâm linh của một thời cổ xưa trong tâm trí tầng lớp thanh niên đương thời. Kim Định nói: “Tôi chỉ nói bầu khí văn hóa và để xác định tôi đưa ra 4 môn với 4 tác giả lớn. Trong đó không có sử mà chỉ có triết học, nhân chủng học, xã hội học, phân tâm. Đó là một nhận xét rất cần thiết cho sinh viên nước nhà để chống lại sự coi khinh huyền thoại do thế hệ duy sử để lại mà một trong các hậu quả là chối bỏ nước Văn Lang với Hùng Vương…” [Kim Định 1973 (a): trang 89].

Mặc dù đưa ra 4 tác giả lớn trong nghiên cứu về huyền thoại, nhưng Kim Định không theo lối nghiên cứu của họ vì ông cho rằng phong trào "phục hưng" thần thoại của châu Âu "mới là sự nghiên cứu về, tức một trí thức suông”. Vì vậy ông mới chủ trương con đường “huyền sử”. Rất nhiều lần trong các công trình của mình, Kim Định lặp lại khái niệm “huyền sử” – một thuật ngữ do ông tạo ra và phát triển.

Khái niệm “huyền sử” lần đầu tiên được ông đề cập đến trong cuốn “Việt lý tố nguyên”, sau đó được lặp đi lặp lại trong các cuốn “Triết lý cái đình”, “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam”, và cả những cuốn sách viết sau 1975 ở nước ngoài như “Nguồn gốc triết Việt”. Ông định nghĩa: "Huyền sử là nền minh triết của một dân được trình bày bằng những mảnh vụn lịch sử của dân ấy”. Ông giải thích: “Chữ mảnh vụn có nghĩa là những sự kiện lịch sử được nhắc tới không theo điều kiện thời không như lịch sử. Lịch sử nói về những biến cố, còn huyền sử nói về lý tưởng trường tồn xuyên qua các đời, nên không mấy cần đến thời điểm không điểm” [Kim Định 1973 (a): trang 36]. Đối với Kim Định, huyền sử không có không gian, thời gian rõ ràng như lịch sử: “Chữ Huyền nói lên tính chất u linh, còn Sử đi với huyền là một thứ rất mông lung với những niên kỷ co giãn như cao su kiểu 18 đời Hùng Vương, với những bờ cõi chập chờn trồi sụt và rộng mênh mông của các nước Xích Quỷ, Văn lang...[Kim Định 1970 (a): trang 26]. Ông phân biệt giữa lịch sử và huyền sử: “Lịch

sử thông tin tức. Huyền sử không nhằm thông tin mà nhằm nói lên cái dạng thức văn hóa, nói lên cái ý tưởng dẫn đạo, những nguyên lý uyên nguyên…”. Bởi vì huyền sử nói bằng những mảnh vụn của lịch sử, nên thoạt nhìn có vẻ sử, nhưng kỳ thực theo ông “đó chỉ là phương tiện bày tỏ”, vì vậy không nên xem xét chúng theo phương thức sử ký tức theo phạm trù thời gian - không gian thực; cũng không nên tìm hiểu chúng được lấy tự sách nào, có phải chính thống không, hay đã bị bẻ quặt… “mà chỉ nên coi chúng như là ẩn dụ, nên điều quan trọng là nói lên ý tưởng của tác giả dùng nó” [Kim Định 1988 (a): trang 173]. Theo Kim Định, có xem xét như thế mới đúng tôn chỉ của huyền sử, và “lúc ấy sẽ thấy triết Việt Nho thực sự đặc biệt” – cái đích của con đường huyền sử mà ông muốn dẫn độc giả đi đến.

Kim Định không có ý định viết sử bằng huyền thoại như ông từng nói: “So sánh xem có chỗ nào tôi nói viết sử bằng huyền thoại đâu”, mà ngược lại ông dùng huyền thoại để minh họa cho triết thuyết mà ông cố tìm trong lịch sử, thông qua các

“sơ nguyên tượng”: “Giá trị không nằm trong sử mà trong huyền sử: tức trong sự minh họa triết thuyết của tác giả” [Kim Định 1973 (a): trang 42]. Nhiều lần ông khẳng định: “Về huyền thì không phải là sử mà là lý tưởng được diễn tả bằng các sơ-nguyên-tượng, nên gọi là huyền thoại. Huyền thoại có hai thứ là thần thoại (thần làm chủ) và nhân thoại (người làm chủ). Đúng hơn sơ-nguyên-tượng làm chủ”. Từ đó ông đi đến việc cho phép sử dụng tư liệu theo cách của mình: “Huyền sử được dùng những tài liệu mà sử ký không dùng được, thí dụ: Lĩnh nam chích quái, Việt điện u linh, Liệt tử, Nam hoa chân kinh...” [Kim Định 1973 (a): trang 97].

Một khi đã đưa ra lý thuyết mới, Kim Định tìm kiếm những cơ sở để chứng minh cách tiếp cận “huyền sử” của mình là có tính khoa học. Ông viết: “Cho tới nay các sử gia kiêng dùng thần thoại vì cho là thiếu nền tảng khoa học, nhưng huyền sử cho rằng có một phương pháp biến huyền thoại thành tiền đường của khoa học, đó là sự dùng cổ tục học, định chế, ẩn dụ v..v… để “đọc ra” nội dung của truyền kỳ và huyền thoại” [Kim Định 1971 (a): trang 91]. Ông giải thích thêm: “Vì chúng tôi dùng lối huyền sử thì tất nhiên phải dùng đến huyền thoại, tuy nhiên lại dùng theo một lối riêng gọi là huyền sử. Huyền sử khác lịch sử ở chỗ có dùng huyền thoại

nhưng lại đáng tên sử vì được giải nghĩa dưới ánh sáng của định chế, phong tục, cổ tục… là những yếu tố có tính chất lịch sử”. Với Kim Định, đây là cách tiếp cận

“không những hợp với khoa học hiện đại (uyên tâm, cơ cấu, triết học đều dùng thần thoại), nhưng còn là một yếu tố cần thiết trong việc đi tìm về nguồn gốc nước ta”.

Ông nhấn mạnh đến vai trò của huyền thoại: “Bỏ huyền thoại chúng ta hầu như không còn gì để làm tiêu điểm dò đường” [Kim Định 1971 (a): trang 89].

Kim Định thường nhắc đến cách tiếp cận "duy sử" của phương Tây và ông cho rằng các học giả ở châu Á đã chấp nhận cách tiếp cận này nhưng đã đưa nó đi quá xa, một hiện tượng mà ông cho là "nhiệt tâm của người mới nhập đạo". Vì vậy có những người ở phương Đông đang nói về khoa học duy sử của phương Tây quá nhiều, và rồi ở một cực khác, Kim Định lưu ý, có những học giả cũ tin tưởng một cách mù quáng vào những gì được viết trên các văn bản cổ. Với huyền sử, ông

“muốn mở ra một đường hướng dàn hoà hai phe tân cựu: nó muốn duy trì hồn thơ mộng của các cụ xưa, đồng thời áp dụng đúng mức phương pháp khoa học của thời nay.... [Kim Định 1970 (a): trang 26]. Hơn thế nữa, Kim Định từ chối các nỗ lực vào thời đó ở phương Tây để nghiên cứu các huyền thoại, bởi vì ông đề cao huyền sử “là một sự đi về với cả tâm hồn để sống lại những đức tính tiềm ẩn trong đó để được cảm hóa theo (nên gọi là văn hóa theo nghĩa uyên nguyên)” [Kim Định 1970 (a): trang 27]. Ông giải thích: “Sở dĩ huyền sử có tham vọng to hơn là vì có một đặc điểm của nền văn hóa Viễn Đông", đó là "Viễn Đông chú trọng nhiều nhất đến văn hóa một cái gì mông lung cần nhiều đến thần thoại, truyền kỳ" [Kim Định 1970 (a):

trang 28].

Đến đây, có thể thấy ý tưởng chủ yếu là Kim Định nhận ra cách phương Tây nhìn nhận quá khứ khác với cách hiểu mặc định lâu dài ở phương Đông. Vì vậy ông đề xuất một cách hiểu khác, một cách hiểu theo lối nhị nguyên – một kiểu tư duy đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ tư duy của Kim Định. Cách đánh giá quá khứ này, theo Kim Định, là dùng logic hay "khoa học" để nghiên cứu lịch sử và bỏ qua những thông tin không thể kiểm chứng. Đó đích thực là những gì ông đã làm trong phần lớn các công trình của mình khi nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đối với Kim Định, huyền sử vì vậy có ý nghĩa "cứu tinh" cho tinh thần dân tộc Việt Nam “trước khi nó bị phá huỷ hoàn toàn” bởi văn hóa phương Tây. Cái cách để làm điều này là sử dụng khoa học của phương Tây theo một cách ý nghĩa hơn so với người phương Đông đã làm, nhưng để kết hợp nó với sự huyền ảo phi Tây phương, hồn thơ của Việt Nam để khám phá ưu điểm của tinh thần đoàn kết dân tộc chìm sâu trong quá khứ xa xôi. Ý tưởng này có cái gì đó mơ mộng về văn hóa Việt Nam khá phù hợp với những gì nhiều người mong muốn... Tuy nhiên, Kim Định đồng thời cũng biện hộ cho việc sử dụng các yếu tố phi khoa học của ông trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam bằng cách chỉ ra rằng nhiều học giả xuất sắc của phương Tây đang nghiên cứu các huyền thoại, bản năng và vô thức, từ Nietzsche đến Freud hay Lévi-Strauss. Tuy nhiên, có thể thấy đây là lập luận chưa thuyết phục vì khoa học luôn đòi hỏi chứng lý.

Việc thao tác hóa khái niệm là việc có ý nghĩa rất lớn trong một công trình nghiên cứu. Kim Định đã làm được điều đó với khái niệm “huyền sử”, làm cơ sở cho việc triển khai các ý tưởng về sau của ông. Mặt khác, ông cũng ý thức rất rõ những giới hạn của mình trong việc nghiên cứu nên rất nhiều lần ông lặp lại đó chỉ là những “giả thuyết làm việc”: “Tôi không hề tuyệt đối hóa ý kiến của tôi mà chỉ trình bày như giả thuyết làm việc cốt mở đường cho các bàn luận tìm kiếm” [Kim Định 1970 (a): trang 427]. Thận trọng hơn, ông nói thêm: “Còn trong sách luôn luôn có những chữ "rất có thể" để chỉ giả thuyết cũng như sự chờ mong "những đóng góp của các khoa địa chất, dân tộc học, thổ tục học và ngôn ngữ học" [Kim Định 1970 (a): trang 74].... Bởi vì theo ông “đã tìm cái mới là phải đặt giả thuyết làm việc để hướng dẫn sự tìm kiếm. Sau này nếu không loại bỏ thì giả thuyết trở thành một chủ thuyết, tức là mở rộng thêm chân trời mới, còn nếu bị bác bỏ thì cũng còn lại được một số khám phá. Đó là nhiệm vụ của đại học” [Kim Định 1973 (a):

trang 90].

Tuy nhiên ông cũng rất tự tin về những khám phá của mình khi cho rằng giả thuyết có chiếm nhiều lắm cũng mới chừng 10% trong công trình chung của mình [Kim Định 1973 (a): trang 90] và việc “sử dụng sai khoa học thì chỉ là lỗi lầm, mà

lỗi lầm thì tôi chưa thấy ai thoát khỏi trong việc tìm về nguồn gốc của bất cứ dân nào” [Kim Định 1973 (a): trang 84]. Có thể thấy, viết như vậy là viết về người khác, còn Kim Định tự biện hộ cho mình thì không ổn, lẽ nào theo kiểu “tôi nghiên cứu tôi chấp nhận sai lầm vì ai cũng có sai lầm”!

Trong lịch sử nghiên cứu văn hóa học của thế giới, có thể nhận thấy những nhà nhân học - văn hóa như B. Tylor, L. Strauss… có thế mạnh đặc biệt trong việc nghiên cứu "những quá khứ đã mất". Từ những bằng cứ dân tộc học của những dân tộc bán khai, man dã, họ đã đưa ra những lý thuyết của mình (có thể là tiến hóa luận, có thể là tương đối luận, có thể là địa lý – nhân văn luận hay chủ nghĩa đặc thù lịch sử…) để tái dựng những mô hình văn hóa – xã hội của một xã hội nào đấy, ở một thời kỳ lịch sử nào đấy. Bùi Quang Thắng cho rằng: “Mọi cách lý giải, mọi mô hình đều mang tính giả thuyết chứ không phải là một sự khẳng định, nhưng nếu không có những giả thuyết như thế, con người sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu, bằng cách nào để tái dựng quá khứ của mình” [Bùi Quang Thắng: trang 345]. Kim Định có lẽ cũng đúng trong trường hợp này, khi ông sử dụng những lý thuyết nhân học, phân tâm học… hiện đại trong tiếp cận huyền thoại để đưa ra những mô hình có tính giả thuyết nhằm tái dựng quá khứ cổ xưa của dân tộc Việt. Chưa kể đến chuyện đúng, sai của các giả thuyết đó, nhưng việc mạnh dạn sử dụng các lý thuyết mới để soi sáng các huyền thoại cổ xưa và quen thuộc của người Việt mà Kim Định đã làm đã đem lại những luồng khí mới và những góc nhìn độc đáo về các biểu tượng văn hóa của người Việt. Đó là một trong những đóng góp quan trọng của Kim Định về cách tiếp cận và nghiên cứu văn hóa học, điều mà các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cùng thời với ông chưa có được. Vào thời kỳ 1954 - 1975 ở miền Bắc và từ sau 1975 đến mãi đến gần đây trong cả nước, phần lớn các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn sử dụng định hướng quen thuộc là nghiên cứu huyền thoại nhằm mục đích phát hiện ra các giá trị lịch sử – xã hội của huyền thoại Việt Nam vốn phù hợp với xu hướng lịch sử hóa của di sản huyền thoại dân tộc. Điều này không sai nhưng theo Chu Xuân Diên, “lại dễ làm lãng quên giá trị nhân văn vốn gắn liền với bản chất của huyền thoại”. Chu Xuân Diên cho rằng: “Huyền thoại Việt Nam không

chỉ khắc họa bản sắc dân tộc Việt Nam, mà còn khắc hoạ nhiều triết lý nhân bản mang ý nghĩa phổ quát”. Điều mà Chu Xuân Diên đề nghị với các nhà nghiên cứu gần đây: “Mở rộng việc nghiên cứu huyền thoại Việt Nam sang những vấn đề tư tưởng có tính chất nhân bản – phổ quát ấy thông qua việc ứng dụng các phạm trù thi pháp huyền thoại như các phạm trù hỗn mang và trật tự, nguyên mẫu và sự lặp lại, sự quay vòng tuần hoàn, tự nhiên và văn hóa, sống và chết v.v” [Chu Xuân Diên:

website] đã được Kim Định thực hiện từ những năm 1960 – 1970.

Tuy nhiên, không hoàn toàn lặp lại các nhà nghiên cứu phương Tây, Kim Định tự đi tìm con đường riêng của mình – con đường mà ông đặt tên là “huyền sử” - nên có không ít những vấn đề gây tranh luận.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc ở miền nam trước năm 1975 (trường hợp các công trình của kim định) (Trang 49 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)