CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ DIỆN MẠO VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV – XVII VÀ VỀ THỂ LOẠI PHÚ
1.2 Diện mạo thể phú trong văn học Việt Nam thế kỷ XV -XVII
1.2.3 Quá trình phát triển của thể phú trong văn học Việt Nam thế kỷ XV đến thế kỷ
Phú chữ Hán Việt Nam có lịch sử gần bảy thế kỷ, bắt đầu từ thời Lý cho đến tận thời Nguyễn (thế kỷ XIX) mà không hề có sự gián đoạn. Theo Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, bài phú chữ Hán cổ nhất còn truyền lại là bài Bạch Vân chiếu xuân hải phú (Mây trắng dọi biển xuân) của Khương Công Phụ (780 - 805). Như vậy phú xuất hiện ở nước ta vào thời Bắc thuộc. Lê Quý Đôn đã không tiếc lời ca ngợi “Thiên cổ chi tuyệt xướng” này: “Bài phú Bạch vân chiếu xuân hải của Khương Công Phụ văn chương đẹp đẽ”. Điều này cho thấy rằng, ngay thời Bắc thuộc, thể phú được văn nhân nước ta luyện tập khá thành thạo và bằng chứng chính là sự xuất hiện của Bạch vân chiếu xuân hải phú của Khương Công Phụ. Đây chính là nền tảng cơ bản và hết sức vững chắc cho sự phát triển của thể loại này trên văn đàn nước ta những năm về sau. Tuy nhiên, thời kỳ xuất hiện rõ nét và bắt đầu thịnh hành của phú chữ Hán phải kể đến là dưới thời Trần vào thế kỷ XIII. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương đã hết lời khen ngợi phú đời Trần: “Đời Trần có nhiều bài phú lạ kỳ, hùng vĩ, trôi chảy, tốt đẹp, bố cục và cách điệu thì gần được như lối phú của đời Tống”. Trong Quần hiền phú tập của Hoàng Sằn Phu, các bài phú đời Trần hiện nay còn lưu giữ được hai bài: Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đỉnh Chi và Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu. Tổng số phú đời Trần – Hồ được thu vào Quần hiền phú tập là 13 bài của 11 tác giả (2 bài khuyết danh) và đó cũng là toàn bộ phú chữ Hán đời Trần Hồ còn lại. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, mục
Thiên chương cũng khẳng định: “Văn thể phú về triều nhà Trần… nay chỉ còn sót lại được mười ba bài chép trong Quần hiền phú tập mà thôi”.
Nhưng thời kỳ hưng thịnh nhất của phú chữ Hán là thời Lê sơ – thế kỷ XV. Đây là thời kỳ đạt kỷ lục cả về số lượng lẫn chất lượng và hơn thế là có sự tập trung cao độ về mặt đề tài và chủ đề. Nhiều kiện tướng về phú xuất hiện như Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân (41 bài phú) trong Quần hiền phú tập, có bài đại phú quy mô nhất như Lam Sơn Lương Thủy phú của Lê Thánh Tông (gần 2200 chữ). Chủ đề các bài phú rất thống nhất: ngợi ca nhà vua, ngợi ca địa linh nhân kiệt, ngợi ca chế độ phong kiến tập quyền cao độ.
Sự phong phú của phú chữ Hán thời kỳ này tập hợp từ nhiều nguyên nhân.
Trước hết là đội ngũ sáng tác, những tác giả chính là những trí thức lớn, có tài văn chương được Lê Lợi quy tụ ngay từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Về phương diện thể tài: đất nước vừa được hòa bình sau gần hai mươi năm bị giày xéo dưới ách thống trị của quân Minh bạo tàn, chính vì thế phú rất thích hợp để truy tụng, tụng ca và hơn thế trong lúc đó có rất nhiều đối tượng để tụng ca: chủ tướng Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn, bộ tham mưu nghĩa quân, nhân dân cả nước… Từ giữa thời Lê sơ đến cuối thời Lê sơ phú chữ Hán có sự chuyển đổi đề tài từ việc dùng những địa danh gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc để ca ngợi cuộc kháng chiến chống Minh sang lấy đề tài từ trong sử sách Trung Quốc, trừ tác phẩm Lam Sơn Lương Thủy phú của Lê Thánh Tông.
Sáng tác văn học thời kỳ này bị chi phối không những nội dung sáng tác mà còn ở cả thể loại. Văn học nửa đầu thế kỷ là văn học truy tụng, truy niệm cuộc kháng chiến. Chính vì thế, thể loại thích hợp chính là thơ và phú, đặc biệt là phú.
Văn học nửa đầu thế kỷ XV gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Thắng lợi của cuộc kháng chiến thần kỳ chống Minh đã mở ra thời đại phục hưng lần thứ hai cho dân tộc. Chính vì thế nó có tác động đến tất cả mọi mặt của cuộc sống, nhất là lĩnh vực văn học. Các tác phẩm thời kỳ này đều tập trung vào chủ đề chính là truy tụng, truy niệm cuộc kháng chiến thần kỳ đó, ca tụng lòng yêu nước, ca tụng Lê Lợi, còn thơ văn nửa sau thế kỷ XV thì thiên về thù tạc, ca tụng chính quyền của giai cấp phong kiến, nhất là ca tụng tài đức Lê Thánh Tông.
Trong lịch sử sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trang sử vàng của dân tộc đã ghi dấu không biết bao nhiêu mốc son đánh dấu những chặng đường vang dội chiến công. Nhưng trong suốt thời phong kiến, có thể nói rằng chưa có mốc lịch sử nào được khắc họa và điểm tô bằng nhiều tác phẩm văn học như thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ngoài Bình Ngô đại cáo, áng thiên cổ hùng văn, có sức trường tồn vĩnh cửu trong lịch sử văn học nước nhà, trong sách Quần hiền phú tập còn ghi lại được nhiều bài phú phản ánh khí thế, phẩm chất của dân tộc ta trong cuộc chiến vĩ đại chống quân Minh.
Ngay sau khi quân Minh vừa rút khỏi nước ta, nhiều nhà thơ đã dựng lại quang cảnh hào hùng của cuộc chiến đấu trong khí thế hân hoan ngất trời của người chiến thắng. Hầu hết các nhà thơ, nhà văn này đều là người trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn… Họ được sống trong không khí hào hùng, gắn bó mật thiết, được chứng kiến những chiến công oanh liệt của nghĩa quân. Với tài năng văn chương xuất chúng cùng ngọn lửa của lòng tự hào dân tộc đang rừng rực cháy của con người trong kháng chiến đã thôi thúc các nhà thơ tìm đến thể phú. Đây là một thể tài có nhiều ưu thế hơn thể thơ trữ tình truyền thống trong việc bao quát những đề tài rộng lớn, chứa đựng những sự kiện có tầm quan trọng trong lịch sử và mang ý nghĩa toàn dân.
Sang đến các thời Lê - Mạc (thế kỷ XVI -XVII), Lê mạt (thế kỷ XVIII), nhất là thời Nguyễn (thế kỷ XIX) phú chữ Hán có sự thụt lùi so với các thế kỷ trước đó. Đây là thời kỳ chế độ phong kiến nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, thối nát, mục ruỗng. Các thế lực phong kiến đua nhau tranh quyền đoạt lực đã gây nên những cuộc nội chiến liên miên kéo dài suốt mấy thế kỷ. Triều đình thời bấy giờ không còn thịnh vượng như trước kia, những “vua sáng tôi hiền” của thời đại Hồng Đức không còn nữa mà chỉ thấy toàn “hôn quân bạo chúa” như Lê Tương Dực, Lê Uy Mục. Thi cử, văn chương không còn được chú trọng, tình trạng đất nước bị chia cắt Nam triều Bắc triều, Đàng Trong Đàng Ngoài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và số lượng các sáng tác văn học trong đó có thể phú. Nếu trước kia, chế độ phong kiến nước ta vào thời đại cực thịnh, nhất là sau khi đất nước giành được độc lập nhờ vào thắng lợi oanh liệt của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của chủ tướng Lê Lợi cùng lực
lượng nghĩa quân hùng mạnh, phú là thể loại thích hợp nhất để các sĩ phu bày tỏ niềm tự hào, ca tụng bậc minh quân đại trí đại dũng thì sang đến thế kỷ XVI, đất nước loạn ly, triều đình thối nát, dường như lúc này phú không còn “đất dụng võ” như ở thế kỷ trước. Tuy chất lượng, số lượng các tác phẩm phú có giảm so với thế kỷ trước đó theo tình hình biến đổi của xã hội, của văn học nhưng sĩ phu đương thời vẫn biết đến phú một phần vì nguyên nhân cử tử. Phú ở giai đoạn này đã có sự thay đổi lớn về nội dung, chủ đề.
Tại vùng Chí Linh - Hải Dương tương truyền có hai cha con Dương Tồn Dương Phổ sáng tác phú rất hay, tài tình đến mức có cả ngạn ngữ lưu truyền:
“Dịu dàng như phú Dương Tồn”. “Sách Công dư tiệp ký còn chép lại tên một số bài phú tương truyền là của cha con họ như: Cao tổ kiếm phú, Ngoạ long phú, Áp tử từ kê mẫu phú, Phu tử văn thiều phú, Thu thanh phú”. Bên cạnh đó còn phải nhắc đến những tác giả như Bùi Vịnh với Đế đô hình thắng phú, hay Tần quan văn kê phú của Lương Hữu Khánh, Nguyễn Bá Lân với Dịch đình thừa xa phú…
Nhắc đến phú thời kỳ này, không thể không nhắc đến Nguyễn Đăng. Tài nghệ sáng tác phú của ông đạt đến trình độ điêu luyện, đặc biệt là ở luật phú. Những sáng tác của ông xoay quanh rất nhiều đề tài và ông có biệt tài sử dụng thể bát vận để sáng tác. Sáng tác của ông còn truyền đến ngày nay chính là Phi Lai tự phú – tác phẩm được xem như một tuyệt tác bất hủ vào thời kỳ này. Tài làm phú của ông được dân gian lưu truyền bằng câu nói rất đỗi mộc mạc, chân tình nhưng hàm chứa trong ấy sự kính trọng tài năng làm phú tuyệt bút của ông “Phú ông Tỏi hỏi làm chi” (Nguyễn Đăng người làng Tỏi). Nội dung của sáng tác phú thời kỳ này vẫn mang tính chất răn giới, tán tụng.
Bước sang thế kỷ XVII, với sự biến đổi sâu sắc về mặt chính trị xã hội, kinh tế (xã hội rối ren, trật tự kỷ cương điên đảo) kéo theo sự thay đổi, biến chuyển của nền văn học nước nhà. Văn chương thời kỳ này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi cơn xoáy lốc của sự thay đổi, biến động của thời cuộc. Theo đó, phú chữ Hán giờ đây không còn được trọng dụng và thậm chí còn bị xem là loại văn
“Điêu trùng tiểu kỹ”, không còn mang ý nghĩa thiết thực đối với xã hội hiện thời.
Tuy nhiên, xuất phát từ nền khoa cử Nho học vì thế sự tồn tại, hiện diện, vai trò của phú chỉ còn phát huy trong những kỳ thi. Vì là một thể loại đã có sự phát
triển cực đỉnh, đã từng được xem là thước đo của sự thi thố tài năng văn chương, tài hoa văn chương, cũng chính nhờ phú mà họ đã được vinh danh, rạng rỡ tên tuổi, bước lên “đỉnh cao khoa cử” nên các bậc lão thành, những cây bút lớn trên văn đàn vẫn còn ít nhiều sự gắn bó với thể loại này. Tuy nhiên, nội dung của các sáng tác phú đã có sự thay đổi lớn, nếu trước kia ngòi bút của các văn nhân tập trung vào sự tán tụng vương triều…với những mỹ từ chồng chất, những “văn hay điển lạ” …thì giờ đây những sáng tác phú lại mang sắc màu của nhân sinh xã hội, thể hiện sâu sắc những vấn đề của xã hội, bày tỏ tâm tư tình cảm một cách mạnh mẽ với ngôn từ giản dị nhưng cũng không kém phần cuốn hút, mang đến cho người đọc một cảm hứng mới.
Tiêu biểu cho phú thời kỳ này chính là các sáng tác của văn phái họ Ngô ở Tả Thanh Oai: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Hoàng…
Nếu ở thế kỷ XV, đặc biệt là nửa đầu thế kỷ, phú chữ Hán phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng kể thì phú chữ Nôm vẫn chưa có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang trên văn đàn. Tuy nhiên, bước sang thời Lê - Mạt (thế kỷ XVI –XVII) phú Nôm đã có những bước tiến nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng. Phú Nôm giai đoạn này không những được gọt dũa, trau chuốt về ngôn từ mà còn mang nội dung hết sức phong phú. Có thể kể đến những tác phẩm như:
Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh, Đại Đồng phong cảnh phú, Tịch cư ninh thể phú của Nguyễn Hãng, Ngã ba Hạc phú của Nguyễn Bá Lân…
Tuy vẫn mang tính chất quy phạm với những ước lệ tượng trưng của văn chương trung đại nhưng ở phú Nôm đã xuất hiện sự phá cách với bút pháp trào lộng, tả thực. Điều này đã mang đến một luồng gió mới cho thể loại phú – một thể loại được xem là văn chương bác học, văn chương cung đình. Với phú Nôm, các tác giả sử dụng ngay chính tiếng nói của dân tộc để sáng tác, vì vậy nó hết sức gần gũi với nhân dân và dễ dàng trong việc tỏ bày những tâm tư tình cảm chân thật và sâu kín. Đúng như lời nhận định của Trần Đình Sử: “Đáng chú ý là phú từ một thể loại văn chương bác học cao siêu đã tục hóa thành phú Nôm – “Nôm na mách qué” gần gũi và trở thành một thể loại bình dân với hàng loạt tác phẩm khuyết danh. Đây là bước phát triển độc đáo, nó chứng tỏ phú Nôm là thể loại rất được ưa chuộng.” [44, tr. 233]. Chính vì thế, phú Nôm đã nhanh chóng được quần
chúng nhân dân đón nhận và dần chiếm được vị thế quan trọng trên văn đàn dân tộc. Đây chính là bước phát triển quan trọng và đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của phú Nôm nói riêng và văn học quốc âm nói chung trong nền văn học Việt Nam những thế kỷ tiếp theo.
Tiểu kết
Qua việc tìm hiểu tổng quan về diện mạo văn học Việt Nam thế kỷ XV – XVII và thể loại phú chúng tôi nhận thấy rằng giai đoạn thế kỷ XV đến thế kỷ XVII là một chặng đường quan trọng trong quá trình phát triển của văn học thời kỳ trung đại. Thể phú chữ Hán trong giai đoạn này có sự phát triển liên tục không bị ngắt quãng và đạt đến cực thịnh vào nửa đầu thế kỷ XV với chùm phú về núi Chí Linh của các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du cùng nhiều bài phú mang cảm hứng tụng ca cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chủ tướng Lê Lợi.
Sang đến thế kỷ XVI – XVII, tình hình chính trị nội bộ của nước nhà tuy có rối ren nhưng nền văn học vẫn đạt được nhiều thành tựu rực rỡ ở cả văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Văn học dân gian giai đoạn này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những sáng tác văn học viết, tạo nên một diện mạo mới mẻ cho thi đàn dân tộc. Nếu ở giai đoạn trước văn học thiên về cảm hứng ngợi ca thì sang thế kỷ XVI – XVII chuyển dần sang khuynh hướng phê phán hiện thực xã hội phong kiến. Phú chữ Hán giai đoạn này không được trọng dụng như ở thế kỷ trước nữa mà được xem là loại văn “điêu trùng tiểu kỹ” và thay vào đấy là sự phát triển vượt bậc của phú chữ Nôm. Phú chữ Nôm đã mang vào một luồng gió mới cho nền văn học dân tộc. Với những thành tựu đạt được, phú chữ Nôm đã ngày càng khẳng định được tiếng nói của một dân tộc độc lập, có chủ quyền và đặt nền tảng cho sự phát triển quan trọng của văn học quốc âm trên văn đàn.
Như vậy có thể thấy sự phát triển của thể phú chữ Hán trong giai đoạn văn học thế kỷ XV đến thế kỷ XVII đã có lúc đạt đến cực thịnh (ở thế kỷ XV) và rồi sau đó trở nên “thất sủng” dần vào thế kỷ XVI – XVII. Tuy nhiên, vì chế độ phong kiến vẫn duy trì nền khoa cử Nho học, chính vì thế, phú chữ Hán vẫn được xuất hiện trong các kỳ thi và các bậc đại bút vẫn sử dụng thể loại này để sáng tác.
Nhờ thế, phú chữ Hán thế kỷ XV đến thế kỷ XVII vẫn đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của văn học dân tộc và đây có thể xem là kho tàng ngôn ngữ văn học cổ đáng để quan tâm nghiên cứu.