Tụng ca chiến công oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn và tài đức của vị chủ tướng Lê Lợi

Một phần của tài liệu Thi pháp thể loại phú chữ hán trong văn học việt nam thế kỷ xv đến thế kỷ xvii (Trang 29 - 45)

CHƯƠNG 2: THI PHÁP THỂ LOẠI PHÚ CHỮ HÁN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV ĐẾN THẾ KỶ XVII NHÌN TỪ CẢM HỨNG NỘI DUNG

2.1.1 Tụng ca chiến công oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn và tài đức của vị chủ tướng Lê Lợi

Lấy cảm hứng từ những địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như Lam Sơn, Xương Giang, Lương Thủy, Chí Linh sơn,… Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du cùng những văn sĩ đương thời đã có không ít những sáng tác ngợi ca võ công giữ nước của vua Lê Lợi cũng như những chiến công oanh liệt của nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với khí thế thật hào hùng, mang âm hưởng tụng ca đậm nét.

Phú Trung Quốc có chức năng nổi trội là ca tụng tài đức của thiên tử và sự phồn vinh thịnh vượng của đất nước. Với hình thức tao nhã, ngôn từ lộng lẫy khoa trương, hình tượng phi thường, thể phú hết sức phù hợp để tụng ca. Khi đi vào Việt Nam, do sự tương đồng loại hình giữa xã hội Việt Nam và xã hội Trung Quốc nên chức năng này được bảo lưu một cách toàn diện. Theo nhà nghiên cứu Phạm Tuấn Vũ: Phú chữ Hán Việt Nam ca tụng công lao, đạo đức của những anh hùng dân tộc trong đó có nhiều vị là những nhân vật ưu tú trong giai cấp phong kiến. Những con người đó luôn có sự gắn bó máu thịt với giang sơn Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, bởi vậy tụng ca họ cũng chính là tụng ca chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Có thể nói nội dung sâu đậm nhất và có giá trị nhất chính là ở chỗ này” [62, tr. 57-58]. Đây chính là nội dung có giá trị nhân văn nhất cúa phú nước ta. Chính điểm này đã làm cho phú chữ Hán Việt Nam có một bước tiến vượt lên so với phú Trung Quốc. Bởi lẽ phú Trung Quốc chỉ thiên về

ca ngợi võ công, ca ngợi thanh thế của Thiên tử với những cuộc nam chinh bắc phạt, nhằm mang lại sự sở hữu vĩ đại và sự hưởng lạc cho đế vương mà thôi, không nhằm hướng vào lo cho sự an nguy của dân chúng trong nước.

Những bài phú chữ Hán ở thế kỷ XV nói riêng và cả thời kỳ văn học trung đại nói chung mang tính chất tụng ca mạnh mẽ. Nhất là các chủ đề về tụng ca võ công của dân tộc chiếm số lượng lớn và tạo được hào hứng sáng tác cho các tác giả. Ngay ở thế kỷ XV, các bài phú được biết đến ở đây đều là những bài xoay quanh chủ đề ấy như Chí Linh sơn phú (Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du), Lam Sơn Phú, Nghĩa kỳ phú, Tẩy binh vũ phú (Nguyễn Mộng Tuân), Thọ vực phú, Xương Giang phú (Lý Tử Tấn), Xuân đài phú (Nguyễn Trực)… Âm hưởng anh hùng ca thấm đẫm trong những bài phú của chặng đường ấy, nhất là vào nửa đầu thế kỷ XV. Sự tụng ca khiến cho những bài phú thêm hay, có ý nghĩa hơn, đồng thời thể hiện được tinh thần dân tộc, tinh thần nhân văn nhân bản truyền thống trong nền văn hóa Đại Việt.

Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam gắn liền với sự ca tụng. Chính vì thế thể loại phú được sử dụng ở đây là vô cùng phù hợp. Sự phù hợp ở đây nhờ vào những ưu thế vượt trội mà phú có được như dung lượng ngôn từ lớn. Cho nên phú có thể tái hiện lại cuộc sống hiện thực với một phạm vi rộng lớn. Điều này được thể hiện rất rõ nét và đặc sắc qua những bài phú ở thời Lê Sơ, đặc biệt là những bài phú viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như chùm bốn bài phú viết về núi Chí Linh của các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du. Ngoài ra còn có hàng loạt các bài thơ, phú khác cũng ca ngợi Lê Lợi, ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu gian khổ cho đến khi toàn thắng: Xương Giang phú, Nghĩa kỳ phú, Tẩy binh vũ phú… Các tác giả hầu hết là những người trực tiếp tham gia vào cuộc khởi nghĩa ấy, với tài năng văn chương xuất chúng cùng với sự tác động của hoàn cảnh lịch sử: cuộc kháng chiến thần kỳ chống Minh kết thúc thắng lợi vang dội, đã hào hứng viết nên những bài phú ca tụng cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Đồng thời sự ca tụng ấy gắn liền với sự ca tụng nhân nghĩa, đức sáng của chủ tướng Lê Lợi nhất là trong lúc quân thù đã đầu hàng:

Ư hách thánh hoàng đức đồng cao hề, Linh sơn nga nguy hưng vương chi cơ hề,

Ngật lập vạn thế tráng Nam duy hề, Ư hách thánh công vĩnh bất trụy hề.

(Chí Linh sơn phú – Trình Thuấn Du) [53, tr. 236]

(Vua ta đức lớn tuyệt vời;

Tiếng vang muôn dặm đời đời tỏa xa.

Đây Linh Sơn chừ nguy nga một cõi;

Làm nền móng chừ chống chỏi trời Nam.

Vua ta công lớn vô vàn;

Công to hơn núi tiếng vang muôn đời!)

(Phú núi Chí Linh – Trình Thuấn Du) Bằng cách so sánh những cuộc tranh hùng giữa các tập đoàn phong kiến trong lịch sử Trung Quốc để nói lên niềm tự hào và tự tôn dân tộc, các tác giả qua việc so sánh hình ảnh núi Chí Linh với các núi Cối Kê, Mang Đãng để từ đó ca ngợi sự nghiệp, tấm lòng nhân ái, bao dung, chính nghĩa của người anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Thị Cối Kê nhi hưng Việt chủ, Mang Kệ chi khải Bái Công.

Dữ tư sơn thành ngã hoàng diệt Ngô chi chí;

Thế tuy dị nhi phù đồng.

(Chí Linh sơn phú – Nguyễn Mộng Tuân) [53, tr.

207]

(So với: Cối Kê dấy quân Câu Tiễn; Mang Đãng mở nghiệp Bái Công

Thì quả núi này: thành được cái chí vua ta diệt giặc; Thời dẫu thác mà việc vẫn đồng…)

(Phú núi Chí Linh – Nguyễn Mộng Tuân)

Tuy nhiên, nếu Nguyễn Mộng Tuân chỉ dừng lại việc so sánh một cách thuần túy giản đơn như thế thì Nguyễn Trãi và Trình Thuấn Du lại đi sâu thêm một bước nữa để nâng tầm vóc của Lê Lợi lên đỉnh cao mới chói lọi hơn. Với cách so sánh hết sức khéo léo theo từng góc độ, Nguyễn Trãi đã thành công trong việc đề cao được sự nghiệp của ta ngang hàng với sự nghiệp của Hán Cao Tổ chứ

không tầm thường theo kiểu phục thù của Câu Tiễn Việt Vương xưa kia. Bởi đó chính là sự cao cả trong mục đích chiến đấu của quân ta. Trong Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi viết:

Tuy nhiên, Hán Cao Tổ chi qui mô hoành viễn, chính tự ngô Hoàng kim nhật chi thịnh. Câu Tiễn đặc thủ kỳ phục thù chi chí nhi dĩ, khởi túc dĩ nghĩ nghị kỳ vạn nhất tai?

(Chí Linh sơn phú – Nguyễn Trãi) [53, tr. 162]

(Tuy nhiên, quy mô rộng lớn của Hán Cao Tổ chính giống như nền thịnh trị của vua ta ngày nay. Còn như cái chí hẹp hòi của Câu Tiễn chỉ cốt để phục thù mà thôi há đủ đem so sánh bình luận trong muôn một được ru? ...)

(Phú núi Chí Linh – Nguyễn Trãi)

Như thế nếu so sánh về tính chất hoành tráng của cuộc tiến công thì cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của ta ngang hàng với cuộc bao vây Ngô Vương ở đài Cô Tô của Việt Vương Câu Tiễn. Còn nếu lấy “quy mô to lớn” hay nói một cách khác là mục đích cao cả tức mục đích giải phóng hoàn toàn đất nước làm tiêu chuẩn so sánh thì sự nghiệp cứu nước của ta phải xếp ngang hàng với sự nghiệp của Hán Cao Tổ và vượt lên trên so với mục đích phục thù của Câu Tiễn.

Sự nghiệp của dân tộc Đại Việt ta đặt ngang hàng với Hán Cao Tổ là chưa đủ, cả hai tác giả Trình Thuấn Du và Nguyễn Trãi tiếp tục tiến thêm một bước nữa: dùng “nhân nghĩa” để so sánh. Chính bước tiến này làm nên giá trị không gì sánh nổi của sự nghiệp chống Minh cứu nước của Lam Sơn động chủ Lê Lợi. Từ đó, tầm vóc của cuộc kháng chiến của ta đã vượt qua sự nghiệp của Hán Cao Tổ mà ngang hàng với công dựng nước của Nhị Đế và Tam Hoàng là hai thời đạt đến mức tuyệt vời chỉ có trong truyền thuyết Trung Quốc mà thôi:

Chí nhược thần vũ bất sát, đại đức hiếu sinh. Niệm quốc gia trường cửu chi kế, phóng thập vạn khất hàng chi binh. Tu lưỡng quốc chi hòa hảo, tức vạn thế chi chiến tranh. Toàn quốc vi thượng, duy đồ tập ninh.

Thị tắc ngã Hoàng chi thịnh đức, hựu khởi Cao Tổ đồng nhật chi câu ngữ, tương dữ nhị Đế, tam Vương nhi tịnh xưng giả dã.

(Chí Linh sơn phú – Nguyễn Trãi) [53, tr. 162]

(Đến như thần võ không giết;

Đức lớn hiếu sinh.

Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước;

Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh.

Sửa hòa hiếu cho hai nước;

Tắt muôn đời chiến tranh;

Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh.

Như thế thịnh đức của vua ta há Hán Cao có thể sánh được;

Mà phải cùng khen với Nhị Đế Tam Hoàng kia.)

(Phú núi Chí Linh – Nguyễn Trãi)

Trình Thuấn Du cũng có những ý thơ tương tự dưới hình thức diễn đạt khác:

Đồ kiến tư sơn chị thượng dữ Cối Kê, Mang Kệ tuy đồng, nhi bất tri ngã hoàng chi đức dữ Câu Tiễn, Cao Tổ bất dị.

Bỉ nhị quân giả, thính “Thiên dữ” bất thủ chi ngôn nhi cam kỳ tàn nhẫn.

Dụng “dưỡng hổ di hoạn” chi sách, nhi chí ư bất nghĩa.

Hạt nhược phù ngã hoàng, lượng đồng thiên địa, Đại đức hiếu sinh, tâm Đường Ngu chi tâm dĩ vi tâm, Thần Vũ bất sát, chí Thang Vũ chi chí dĩ vi chí.

(Chí Linh sơn phú – Trần Thuấn Du) [53, tr.

236]

(Chỉ thấy núi này so với Cối Kê, Mang Đãng có điểm tương đồng;

Mà chưa biết đức vua ta so với Việt Vương, Cao Tổ có điều biệt lệ!

Hai vị vua kia:

Vin vào cầu trời: “Trời cũng không nhận”, nên chủ trương đối xử hung tàn!

Dựa vào lẽ “Nuôi hổ thêm lo” mà có điều vong ân bội nghĩa!

Đâu được như vua ta;

Lượng lớn như trời bể.

Đức lớn thương dân, lấy lòng Thuấn, Nghiêu làm lòng;

Thần Vũ không giết, lấy chí Thang, Vũ làm chí…)

(Phú núi Chí Linh – Trình Thuấn Du)

Với ngòi bút khéo léo, cả Nguyễn Trãi và Trình Thuấn Du đã có những điểm nổi bật, độc đáo trong sự so sánh. Nếu sự so sánh của tác giả cùng thời chỉ dừng lại ở mặt hình thức thì cả hai ông đã đi sâu đến tận cùng bản chất của đối tượng được so sánh. Từ đó chỉ ra được khía cạnh, phương diện vô nhân đạo của những cuộc tranh hùng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Đây là một điểm mấu chốt quan trọng mà không phải ai cũng phát hiện được.

Trong các bài phú viết về núi Chí Linh, các tác giả thường so sánh võ công của nước ta so sánh với võ công của Trung Hoa để từ đó không chỉ bày tỏ lòng tự hào mà còn thể hiện sự ưu việt về trí tuệ cũng như sự sáng ngời của đức sáng chính nghĩa. Không chỉ ở trong bốn bài phú viết về núi Chí Linh mà ngày trong các tác phẩm như Nghĩa kỳ phú cũng có sự so sánh núi Chí Linh với Cối Kê, Mang Đãng nơi đế vương phương Bắc dựng nghiệp. Không dừng lại ở đó, các tác giả còn tiếp tục so sánh rằng Hợp Phì, Xích Bích, Cối Kê, Mang Đãng không sánh được với sông núi của ta, vương nghiệp các đời Hán Đường không sánh kịp với sự nghiệp của Lê Thái Tổ. Đỉnh cao của sự tôn xưng thể hiện trong bài Lam Sơn Lương thủy phú của Lê Thánh Tông:

Phủ Thái Bạch chi Kim Tinh;

Siêu Đại Tông chi Nhật Quán.

Vu Giáp bất khả mâu;

Mạn Đình hà túc toán.

Tử Cái vị chi nhi dư đài;

Kỳ Tiêu vị chi nhi thục thoán.

(Lam Sơn Lương Thủy phú – Lê Thánh Tông) [14, tr. 487]

(Cúi xem Thái Bạch Kim Tinh;

Cao vượt Đại Tông, Nhật Quán.

Vu Giáp chẳng sánh tày;

Mạn Đình còn thua chán!

Tử Cái chỉ đáng làm tôi đòi;

Kỳ Tiêu ngó thấy đành lủi sớm.)

(Bài phú về núi Lam sông Lương – Lê Thánh Tông) Không dừng lại ở đó, Lê Lợi còn được đem so sánh với những bậc đế vương huyền thoại, chưa có ai sánh bằng trong cảm thức người Trung Hoa cũng như Việt Nam: vua Nghiêu, vua Thuấn:

Hiệp Hạ Thương chi lục xúc;

Uẩn Nghiêu Thuấn chi chiêu dung!

(Lam Sơn Lương Thủy phú – Lê Thánh Tông) [14, tr. 487]

(Hạ Thương đem so vẫn còn kém;

Nghiêu Thuấn rạng rỡ đo gương chung.)

(Bài phú về núi Lam sông Lương – Lê Thánh Tông) Núi Chí Linh hùng vĩ là một phần của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, theo quan niệm đất có thành gì thì cũng chính do con người, chính vì thế nhiều nhân sĩ như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân ca ngợi Chí Linh không phải để ca ngợi cảnh trí nơi đó mà chính là để ca ngợi con người làm chủ cảnh trí đó. Tụng ca chiến công vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính là ngợi ca công đức của chủ tướng Lê Lợi, cùng toàn bộ nghĩa quân Lam Sơn.

Với những ngôn từ mỹ lệ, hình ảnh của chủ tướng Lê Lợi luôn gắn liền với hình ảnh núi Chí Linh. Nói về núi, ca ngợi núi nhưng thực chất chính là ca ngợi vị chủ tướng Lê Lợi tài ba, ca ngợi người anh hùng dân tộc. Những bài phú viết về núi Chí Linh của các tác giả đều gắn liền với nhà vua, ca ngợi nhà vua cùng nghĩa quân Lam Sơn. Mỗi người một ý thơ, kết cấu, tư tưởng nhưng tất cả đều chung cảm hứng ca ngợi ấy với ý nghĩa “đất thiêng người tài”. Nếu không có Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì núi Chí Linh liệu có được biết đến, vang danh và đi vào thơ ca sừng sững như những tượng đài lịch sử được chăng!

Nói đến đất thiêng chính là để đề cao người giỏi. Người giỏi là yếu tố quyết định nhưng người giỏi mà có sức mạnh quyết định cũng bởi vì có đức. Đức lớn ấy theo Nguyễn Trãi là “giữ vẹn nước là hơn, lo dân yên là trọng”, theo Lý Tử Tấn là:

Công nhân đức đại, Địa dĩ nhân linh.

Cố quốc bất tại sơn khê chi hiểm, Bảo dân bất tại bách vạn chi binh.

Lượng thượng thiên chi quyến hựu, Phỉ nhân mưu chi cảm tranh.

(Xương Giang phú – Lý Tử Tấn) [7, tr. 650]

(Đức có cao, công mới lớn.

Người có hùng, đất mới linh.

Giữ nước không cốt ở thế hiểm, Giữ dân không cốt ở hùng binh.

Lòng trời mà đã giúp, Sức người đâu dám tranh.

(Xương Giang phú - Lý Tử Tấn)

Do đó đề cao tinh thần nhân đạo, đức sáng nhân nghĩa của vua ta được các nhà thơ chú ý đi sâu khai thác bằng những hình ảnh có sức rung động sâu xa.

Thái độ khoan dung đối với kẻ thù của vua Lê khi chúng đã hạ vũ khí “thả cho về mười vạn tù binh” và mong muốn có được hòa hiếu cho cả muôn dân ở cả hai nước sống trong hòa bình. Điều này trong Lam Sơn thực lục cũng đề cập khá rõ.

Khi quân ta giành được chiến thắng, nhà nhà, người người từ lâu căm phẫn giặc Minh vì đã bị chúng giết hại thân bằng quyến thuộc quá nhiều liền cùng nhau cố xin vua giết chúng để an ủi những linh hồn oan uổng, để hả mối giận của trời đất.

Vua đã gọi hết các tướng sĩ và nhân dân lại mà bảo rằng: Phục thù báo oán, đó là thường tình của người ta. Không thích giết người, đó là bản tâm của kẻ nhân giả. Và người ta đã hàng mà lại giết, thì đó là việc không lành mạnh. Để hả mối giận một sớm mà muôn đời mang tiếng giết hàng binh thì sao để sống ức vạn người mà hết mối chiến tranh cho hậu thế. Nói xong vua liền hạ lệnh cấp ngựa,

thuyền, lương thực cho quân Minh trở về nước. Hành động sáng suốt bắt nguồn từ tấm lòng nhân nghĩa của Lê Lợi đã chấm dứt được mối can qua, mang lại nền hòa bình lâu dài cho dân tộc, mở ra một thời kỳ hưng thịnh chưa từng có trong lịch sử dân tộc trong suốt thời kỳ phong kiến.

Tinh thần nhân đạo ấy của Lê Lợi còn thể hiện một cách sâu sắc hơn, vẹn toàn hơn từ tấm lòng chung thủy sắt son, trước sau như một, tuy giành được thắng lợi, sống trong cảnh sung sướng huy hoàng nhưng vẫn không quên những ngày tháng vất vả khi xưa. Nhớ lại để càng thêm trân trọng, thêm yêu quý, thấy được giá trị của cuộc sống hiện tại và để tỏ lòng biết ơn đến những con người đã hy sinh cho cuộc sống yên bình ấy. Đây là phẩm chất đẹp đẽ từ bao đời của dân tộc Việt ta. Phẩm chất ấy đã được thể hiện ở người anh hùng dân tộc Lê Lợi qua những câu phú hết sức cảm động của những nhà thơ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân:

Đổ tư sơn chi nga nga hề, niệm tích nhật chi gian khổ;

Phủ vương nghiệp chi du cơ hề, hà nhật năng vương.

Nguyện kỷ thịnh đức dĩ lặc trinh để hề, vĩnh thùy bất hủ;

Cắng thiên cổ dữ vạn cổ hề, đồng thiên hạ nhi trường cửu.

(Chí Linh sơn phú – Nguyễn Trãi) [53, tr. 162]

(Nhìn núi này cao vòi vọi chừ, nhớ xưa gian khổ;

Gây dựng nên nghiệp vương chừ, quên lãng sao đang!

Xin ghi thịnh đức vào đá chừ, lưu truyền bất hủ;

Mãi nghìn đời, vạn đời chừ, cùng trời đất miên trường…) (Phú núi Chí Linh – Nguyễn Trãi)

Nguyễn Mộng Tuân không diễn tả cảm xúc một cách trực tiếp như Nguyễn Trãi mà thông qua hình ảnh phú mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc:

Sùng cao ký cực hề, gian nan bất vương;

Bát châu tại tiền hề, do niệm hầu lương.

Cửu trùng thâm xá hề, thượng tưởng phong sương.

(Chí Linh sơn phú – Nguyễn Mộng Tuân) [53, tr.

207]

Ngôi cao đã tột mà gian nan nỗi trước nào khuây.

Tám món ăn quý còn nhớ gói lương khô bấy chầy;

Một phần của tài liệu Thi pháp thể loại phú chữ hán trong văn học việt nam thế kỷ xv đến thế kỷ xvii (Trang 29 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)