CHƯƠNG 2: THI PHÁP THỂ LOẠI PHÚ CHỮ HÁN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV ĐẾN THẾ KỶ XVII NHÌN TỪ CẢM HỨNG NỘI DUNG
2.2 Cảm hứng ngôn chí trữ tình
2.2.2 Bày tỏ quan niệm về lẽ “xuất xử” của kẻ sĩ
Vào thời đầu Lê, cụ thể là sau khi giành chiến thắng oanh liệt trong cuộc chiến tranh với quân Minh, đất nước được độc lập, chủ quyền quốc gia được xác lập, cả nước mừng vui trong không khí chiến thắng, cùng hát vang khúc khải hoàn ca mừng thắng trận. Hòa chung niềm vui, khí thế phấn khởi ấy, các văn sĩ không ngừng sáng tác những bài phú ca tụng đức Thánh tổ Lê Lợi với lòng ngợi ca, xúc động sâu sắc. Đất nước đã giành được độc lập, sứ mệnh cấp bách lúc này là tập trung toàn lực để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Nếu trong thời chiến, toàn bộ nhân tài vật lực phục vụ cho công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm thì nay trong thời bình cả dân tộc phải cùng nhau dựng xây đất nước và dốc sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Chính vì lẽ ấy, Lê Lợi đã ban Chiếu cầu hiền tài đồng thời mở các khoa thi như Minh kinh, Hoành từ để kêu gọi, tuyển chọn hiền tài tham gia cùng triều đình củng cố và xây dựng đất nước.
Chiếu cầu hiền tài của Lê Thái Tổ ban xuống đã làm nức lòng không ít những nhân sĩ. Họ phấn khởi, hăm hở vì được trọng dụng, vì được sống dưới thời đại minh quân biết nhìn xa trông rộng, biết “chiêu hiền đãi sĩ”. Nhưng cũng có số một ít người vẫn tỏ ra bàng quan với thời cuộc, với việc xây dựng đất nước như Lý Tử Cấu, Vũ Mộng Nguyên. Trong lòng họ vẫn băn khoăn, trăn trở về lẽ
“xuất” “xử”, vì họ có lý lẽ, lòng tự trọng riêng của mình. Tuy nhiên, sự dùng dằng của những người này gặp không ít những sự phản bác, không đồng tình của các nho sĩ tiến bộ đương thời. Nguyễn Phu Tiên đã dùng đề tài Mỹ ngọc đãi giá làm phú để bày tỏ sự phản đối, phê phán thái độ “gàn dở”, không chịu thức thời đối với những người như Lý Tử Cấu đồng thời bày tỏ quan điểm về lẽ “xuất ”
“xử” thật sâu sắc, đầy thuyết phục.
“Ngọc quý” theo Nguyễn Phu Tiên chính là “của báu vô giá của vua chúa”, là “đức tốt muôn đời”. Tuy nhiên, không phải lúc nào bậc bề trên cũng nhìn ra được giá trị ấy của viên ngọc, thậm chí còn không biết đấy chính là “ngọc quý”
nên không ít người như Biện Hòa đã bị rước họa bị chặt cả hai chân vì dâng
“ngọc quý” không đúng thời điểm, không đúng vị minh quân:
Biện Hòa nước Sở nín hơi, không dám khóc vì ngọc “Kinh phác”
Tương Như nước Triệu rụt tay, không dám dâng khối ngọc “Liên thành”.
(Mỹ ngọc đãi giá phú – Nguyễn Phu Tiên) [34, tr.
350]
Nguyễn Phu Tiên mượn chuyện đức Khổng Tử mong muốn mang “ngọc quý” nghĩa là tài đức của mình ra lo đời. Khổng Tử đi hết nơi này đến nơi khác, cầu mong được đem tài năng, đức độ của mình ra giúp đời nhưng tiếc thay thời cuộc lúc ấy đảo điên, kẻ hiền tài không được trọng dụng. Ông đi đến đâu cũng gặp những điều xui rủi như khi ông chu du qua đất Khuông thì bị xua đuổi, sang đất Trần lại bị vây, phải nhịn đói đến bảy ngày. Thậm chí ông còn bị người ta đến chặt cây khi đang ngồi dưới gốc cây giảng bài cho học trò ở nước Tống, rồi ở nước Vệ ông cũng bị đuổi đến nỗi không kịp thổi cơm ăn… Những tưởng rằng
“ngọc quý” sẽ luôn được trọng dụng nhưng tiếc thay ông đã lầm:
Thiết tưởng ngọc quý đời này;
Luôn luôn mỹ hiền sáng chói.
Ý niệm phò Đông Chu nhạt mờ;
Giấc mộng thấy Chu Công tàn lụi!
Buồn suông than phượng: trò tuồng!
Lo hão thương dân: đồ rối!
Trú ngụ man di, vượt qua bể rộng, ngán cho đạo lớn không được thi hành;
Mắc nạn Khương, vướng ách Trần, buồn cho cuộc sống chẳng còn mấy nỗi.
(Mỹ ngọc đãi giá phú – Nguyễn Phu Tiên) [34, tr.
350]
Hành trình chu du, mong đem “ngọc quý” tài năng của mình ra giúp đời của Khổng Tử lại gặp phải những điều trái quấy, khó khăn. Nhưng qua đó, ta cũng thấy rằng ông quả thật là một con người rất có tâm, gặp bao trắc trở như thế mà lòng vẫn canh cánh nỗi lo cho đời, vẫn mong muốn giúp ích cho đời nhưng buồn một nỗi đời không trọng dụng ông:
Lo đời: sau trước vạn tình;
Ước ao: vẫn chưa trọn mối.
(Mỹ ngọc đãi giá phú – Nguyễn Phu Tiên) [34, tr.
350]
Ông chán nản trở về quê hương để mở trường dạy học, để dạy đệ tử không chỉ trau dồi về học vấn mà còn rèn dũa, rèn luyện cả nhân nghĩa, đạo đức để trở thành những viên ngọc sáng không tì vết, trở thành những người xuất chúng.
Nhưng tiếc thay “loại vua hẹp hòi dốt nát” không nhìn thấy được đấy chính là
“ngọc quý” và không trọng dụng tài đức của hiền tài. Chính vì thế câu nói “Được giá thì nên” của Khổng Tử trả lời câu hỏi của Tử Công “Ngọc lành bán chăng”
ngụ ý chính là có khả năng thì nên ra giúp vua giúp nước nhưng hãy đợi đến khi gặp đúng vị minh quân, có thể nhìn ra giá trị của “ngọc quý” chính là tài đức của hiền tài thì sẽ sẵn sàng cống hiến hết tài năng của bản thân để phục vụ cho đất nước.
Đoạn kết của bài phú, Nguyễn Phu Tiên đi vào ngay vấn đề thời sự cấp thiết của đất nước chính là sự hưởng ứng Chiếu cầu hiền tài mà vua ban xuống.
Đất nước ta đã sạch bóng quân thù, lúc này Lê Lợi, người đại diện chân chính của dân tộc, vị minh quân biết trọng dụng hiền tài đã đứng ra “Cầu “Phó duyệt”
ra giúp nước/ Chờ “Lã Vọng” ra phò đời”, chính vì thế, việc các nhân sĩ mang tài đức ra giúp dân giúp nước là điều rất đáng hoan nghênh. Trong Mỹ ngọc đãi giá phú Nguyễn Phu Tiên ví ngọc quý chính là tài năng của nhân sĩ. Ông cho rằng nếu có tài năng thật sự thì nên mang ra giúp vua giúp nước, như thế mới là người thức thời. Đồng thời tác giả ngụ ý cũng phê phán những người theo chủ nghĩa
“độc thiện kỳ thân” chỉ chăm chăm lo cho tròn bản thân mình mà tỏ thái độ thờ ơ với vận mệnh của dân tộc, hơn thế còn gàn dở không chịu “đem ngọc bán rao”.
Đức Khổng Tử xưa kia, phải đi hết nước này sang nước khác để mong được tìm
thấy minh quân, được trọng dụng để mang tài đức ra giúp đời nhưng không được.
Giờ đây, đất nước ta dưới sự kêu gọi tha thiết cầu hiền sĩ của bậc chí tôn, nhân tài được vua hết sức trọng dụng, khẩn cầu ra giúp nước giúp dân thì sao lại còn không hưởng ứng.
Nguyễn Phu Tiên thể hiện mình là một người thức thời và kêu gọi những nhân sĩ khác nếu thật sự có tài cán thì nên tiến đến thềm rồng mà “dâng ngọc quý” và chính sự chân thành, nhiệt huyết của những người tài đức vẹn toàn sẽ mang đến sự thịnh vượng cho toàn dân tộc, làm cho nhân dân biết “liêm, sỉ lễ, nghĩa”. Đó mới thật sự là vẻ đẹp toàn mỹ của ngọc lành.
Phương chi vua ta giờ đây:
Lên nối ngôi báu;
Kêu gọi hiền tài .
Luôn cất tiếng ngọc truyền xuống;
Lại ban gấm vóc đến mời.
Cầu “Phó Duyệt” ra giúp nước;
Chờ “Lã Vọng” ra phò đời.
Ngọc quý người dâng khắp chốn;
Điềm lành thấm đượm muôn nơi.
Trước thềm rồng, cúi mình dâng ngọc quý;
Dâng ngọc quý, dâng cả tấm lòng người.
Nào ngọc “Hồ Liễu” nơi tôn miếu lóng lánh;
Nào “Khuê Chương” nơi cung thất sáng ngời.
Để vua ta, Thuấn, Nghiêu cùng hạng;
Để đời ta, Thành, Khang cùng thời.
Khiến cho toàn dân ta biết liêm sỉ, quý lễ nghĩa;
Đó chính là vẻ đẹp của ngọc lành sáng soi vậy.
(Mỹ ngọc đãi giá phú – Nguyễn Phu Tiên) [34, tr.
350]
Cùng chung quan điểm với Nguyễn Phu Tiên, Nguyễn Thiên Túng trong tác phẩm Kê minh phú vừa thể hiện thái độ tích cực cùng vương triều mới tạo lập xây dựng cuộc sống mới, thời đại mới, vừa bày tỏ thái độ phê phán những nhân
sĩ lừng khừng, không chịu hưởng ứng Chiếu cầu hiền tài của Lê Lợi ban xuống.
Dùng hình tượng gà gáy sáng, mở đầu bài phú, tác giả ngợi ca sự đúng giờ, siêng năng của con gà. Hằng ngày, cứ đúng vào lúc “Đỉnh non Tây tờ mờ chừ thỏ bạc/
Ngọn dâu trời lấp ló chừ ác vàng” là tiếng gà lại vang lên, thức mọi người dậy, bắt đầu một ngày mới. Tiếng gà cứ gáy hoài, nhưng không hề tạp nhạp mà có tiết mục, chương khúc rõ ràng, có tiếng mau, tiếng khoan, thúc giục mọi người nhanh chóng “tỉnh giấc Bồng Lai” để trở lại công việc hằng ngày của mình: người làm quan thì đội mão, đeo đai để chuẩn bị vào cung dự buổi chầu sớm, khách lữ hành thì lên ngựa tiếp tục cuộc hành trình, còn thư sinh thì tiếp tục việc học tập luyện bút để đợi đến ngày thi thố tài năng…, ai ai cũng có công việc riêng. Dù là việc nước hay việc nhà đều phải chăm chỉ làm và ý thức được trách nhiệm của mình:
Duệ cư nạp lí tấn hầu yết ư chu môn;
Thương bội nga quan ống xu triều hồ kim khuyết.
Vi tử vi phụ, hàm quán sấu dĩ túc khách;
Sự quý sự thân, cộng suất thì nhi cung chức.
Chiếm tất quang động ư Đổng duy;
Cầm tảo lan phiên hồ giang bút.
Bản kiều mao điếm, tần thôi khách nghịch chinh yên;
Tú thát hương khuê, tăng cảm nhân tình tích biệt.
Tiến ngự giả bất ngộ ư nhăng thanh.
Cần gia giả tương ngữ dĩ vãng dặc.
Thành minh triết chi niệm tư;
Thứ bất lưu ư dâm thắc.
(Kê minh phú – Nguyễn Thiên Túng) [7, tr.
704]
(Vội vã đến triều đình, kẻ xỏ giày, mặc áo;
Chuẩn bị vào cung cấm, người đội mão, đeo đai.
Kẻ làm vợ, làm con, phải rửa tay, súc miệng cho thêm bề nghiêm túc;
Thờ bậc quý, đấng thân, phải kính dâng đầy đủ cho đúng lúc kịp thời.
Màn Đổng sáng trưng học vấn;
Bút Giang thấm đượm văn tài.
Nơi cầu ván, quán tranh, như thúc giục khách lữ hành lên ngựa;
Chốn buồng hương, màn gấm như nhắc nhở bạn luyến ái chia tay;
Việc nước hằng ngày, không được nghe nhầm tiếng nhặng;
Việc nhà chăm chỉ, bảo nhau săn bắn hôm mai.
Mong cho rõ ràng mực thước;
Chớ đừng mê hoặc đơn sai.)
(Phú gà gáy sáng - Nguyễn Thiên Túng) Để làm nổi bật tinh thần trách nhiệm, sự cần mẫn trong công việc, Nguyễn Thiên Túng đã nêu những gương sáng lấy từ sử sách Trung Hoa như: vua Thuấn say sưa làm việc thiện, hay vua Vũ nhà Hạ thì rất siêng năng, ông tiếc từng giờ từng phút giây đi qua, còn Chu Công thì cứ mong trời sáng nhanh để kịp làm việc, Khổng Tử đêm nằm không yên vì trăn trở nỗi lo cho đời…. Đối lập với những tấm gương sáng ấy, Nguyễn Thiên Túng chê trách những kẻ chỉ biết nịnh hót, lười biếng còn thua cả “giống chim”, không nhớ đến lời dạy của thánh hiền, thật “đáng bĩu môi”.
Kết thúc bài phú, tác giả ca ngợi đất nước đã được thanh bình, đức vua là bậc minh quân hết lòng vì dân vì nước và muôn dân được sống trong cảnh thái bình thịnh trị :
Phương kim:
Thánh trị chiêu minh;
Tứ hải túc thanh.
Lai nghi suất vũ;
Thương tế Ngu đình.
Phi tiềm động thực;
Hàm toại kì sinh;
Tại vi vô hiên hạc lương đề chi tiếu;
Tử dân hữu khứ thú huấn trĩ chi danh.
Cẩu phệ kê minh đạt hồ tứ cảnh;
Cửu ca thất đức bá vụ tung thanh.
Tỉ ốc nhi khả phong chi tục;
Lư hạ tuyệt bất bình chi minh.
(Kê minh phú – Nguyễn Thiên Túng) [7, tr.
704]
(Giờ đây:
Đèn trời chiếu sáng;
Bốn bể thanh bình.
Kẻ chầu người cống.
Tấp nập triều đình.
Bay nhảy động tĩnh;
Thỏa chí bình sinh.
Trị vì không bị chê: để hạc che lọng, để cốc ngồi giường.
Thương dân, lại được tiếng khen đuổi thú dữ, khéo nuôi chim lành.
Chó sủa, gà gáy sáng vang lừng bốn cõi;
Chim ca bảy đức lan khắp thị thành.
Liền vách mà mọi nhà đều có phong tục tốt đẹp.”)
(Phú gà gáy sáng - Nguyễn Thiên Túng)
Và tác giả kêu gọi Nho sĩ hay tham gia, hưởng ứng Chiếu cầu hiền tài của nhà vua ban xuống để hàn gắn mau chóng vết thương của chiến tranh, ra sức xây dựng đất nước, đưa đất nước lên đỉnh cao của sự phồn thịnh. Kẻ sĩ không nên “ăn không ngồi rồi”, nói chuyện linh tinh theo kiểu suy nghĩ của thời đại cũ mà phải biết nhìn nhận vào thực tế và có thái độ tích cực trước thời cuộc:
Sĩ bất tư thế cố đương khiển đằng chấn tấn dĩ hiệu;
Ung giai chi phượng lại hựu hạ luận cổ nhân chi tao phách.
Đồ đăng cao tác phú;
Dĩ ngụ kì tình dã tai!
(Kê minh phú – Nguyễn Thiên Túng) [7, tr.
704]
(Kẻ sĩ thời này, phải bay nhảy như phượng hoàng gáy lớn;
Hơi đâu bàn tán kiểu cũ những lời bã nhã linh tinh nữa?
Hãy lên chỗ cao mà viết bài phú tỏ rõ tâm tình ra vậy.)
(Phú gà gáy sáng - Nguyễn Thiên Túng)
Dường như có sự đi ngược với thái độ thức thời, có ý thức hưởng ứng Chiếu cầu hiền tài để cùng vương triều mới tạo lập xây dựng cuộc sống mới, xây dựng đất nước phồn vinh của những người như Nguyễn Phu Tiên, Nguyễn Thiên Túng, tác giả Lý Tử Cấu cũng có nỗi lòng riêng của mình khi ông tỏ thái độ “bất nhập thế” trước vương triều mới của Lê Thánh Tổ. Sự băn khoăn trước lẽ “xuất”
“xử” của ông được thể hiện trong tác phẩm Tam ích hiên phú cũng rất sâu sắc và không kém phần chân thành.
Lý Tử Cấu đỗ Tiến sĩ cùng khoa với Nguyễn Trãi, Vũ Mộng Nguyên…
Ông vốn là một người không trọng danh lợi, không thích đua chen nơi chốn quan trường, mà chỉ thích sống cuộc đời thong dong cùng bầu rượu túi thơ, phiêu du cùng gió trăng. Trong bài thơ Thuật chí ông nói rõ:
Bất lâm, bất thị, bất công hầu, Bất học Tô Tần chỉ tệ cầu.
Phong nguyệt trường cung thi xã hứng, Giang sơn chính tác túy hương du.
Bình sinh vị cải Tang quân nghiễn, Đáo xứ liêu vi Vương Xán lâu.
Túng sử thế nhân đa tốn đạp, Dã ưng vô nộ đáo hư châu.
(Thuật chí – Lý Tử Cấu) [53, tr. 262]
(Chẳng rừng, chẳng chợ, chẳng khanh công, Chẳng học Tô Tần, áo rách bong.
Thi hứng gió trăng ngâm chẳng cạn, Rượu say, sông núi dạo khôn cùng.
Tang quân nghiên cũ không thay đổi, Vương Xán “lầu cao” luống nhớ trông.
Giả phỏng người đời nhiều quở trách,
Cầm bằng không giận, chiếc thuyền không.)
(Thuật chí – Lý Tử Cấu)
Và để làm rõ hơn thái độ về lẽ “xuất xử” của mình, không ra với triều đình mới, về thái độ bất hưởng ứng Chiếu cầu hiền tài của vua Lê Thái Tổ, Tam ích hiên phú của Lý Tử Cấu như một lời trần tình, tỏ bày nội tâm thật chân tình và cũng đầy lý lẽ sắc sảo. Với tài bút của một vị hiền tài đỗ Thái học sinh đời Trần, bài phú với dung lượng khá dài, văn bút điêu luyện, kết cấu theo lối chủ khách vấn đáp. Tác giả tự xưng mình là “Quý Khê tử ” (là chủ nhân) và cố công đi tìm cho được ba người bạn quý (là khách) và mời về nhà đàm đạo, cuộc đối thoại diễn ra giữa đêm thu gió mát trăng thanh dưới mái hiên nhà. Mở đầu bài phú, tác giả thể hiện ước mong được kết thân lâu dài với những người mang chí lớn thoát tục:
Quý Khê tử;
Đốc chí tiền tu lược thì bối, Vụ cầu tuyệt tục chi chí sĩ, Dĩ định cửu yếu chi giao;
(Tam ích hiên phú - Lý Tử Cấu) [53, tr. 262]
(Quý Khê tử này:
Quyết vươn mình cho hơn đời, Tìm chí sĩ ở người khác tục Đặng tính cuộc kết thân lâu dài.)
(Phú hiên ba người bạn quý – Lý Tử Cấu)
Ngay những câu mở đầu, Lý Tử Cấu đã ngụ ý thể hiện ý chí thoát tục của mình. Tiếp theo là quá trình tìm kiếm ba người bạn quý ấy và mời bạn về nhà để cùng nhau đàm đạo dưới hiên nhà. Người bạn đầu tiên mà ông tìm được đúng như ông mong ước “Vụ cầu tuyệt tục chi chí sĩ” (Tìm chí sĩ ở người khác tục), qua dáng vẻ tác giả miêu tả đã toát lên sự “tuyệt tục” ấy:
Kiến hữu thanh nhiễm đại phu giả, Sương truyết chi tư giao đấu chi trạng;
Trâu bì lựu vũ hề tứ thập vi,
Đại sắc tham thiên hề bách dư trượng.