Bày tỏ quan niệm về tư tưởng nhân nghĩa

Một phần của tài liệu Thi pháp thể loại phú chữ hán trong văn học việt nam thế kỷ xv đến thế kỷ xvii (Trang 63 - 69)

CHƯƠNG 2: THI PHÁP THỂ LOẠI PHÚ CHỮ HÁN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV ĐẾN THẾ KỶ XVII NHÌN TỪ CẢM HỨNG NỘI DUNG

2.2 Cảm hứng ngôn chí trữ tình

2.2.1 Bày tỏ quan niệm về tư tưởng nhân nghĩa

Nhân nghĩa là một khái niệm của Nho giáo và khi vào Việt Nam nó được kế thừa và tiếp thu nhưng ý nghĩa của nó được mở rộng ra, nâng lên một tầm cao mới. Yêu nước và nhân đạo được xem là tư tưởng truyền thống tự bao đời của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo đã được dân tộc ta tiếp nhận và biến đổi phù hợp với hai tư tưởng trên.

Trước hết nhân nghĩa được xem là cái gốc của người lãnh đạo bởi nó chính là sức mạnh để bảo vệ nền hòa bình quốc gia dân tộc. Lịch sử giữ nước của dân tộc ta từ ngàn năm luôn gắn liền với những cuộc đấu tranh chính nghĩa đánh đuổi quân thù xâm lược, chính vì thế, tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với yêu nước. Yêu nước ở đây lại gắn liền với thương dân, thương người bởi nhờ có sức mạnh của toàn dân mới giúp đánh tan được kẻ thù xâm lược, mới bảo vệ được chủ quyền

của đất nước. Chính vì thế, tư tưởng nhân nghĩa Việt Nam ta trước hết chính là yêu nước, thương dân, thương người, nói cách khác giữa nước và dân là mối quan hệ hết sức khắng khít. Nhắc đến nước tức là nhắc đến dân, nước mất thì dân bị lầm than, cứu nước phải cứu dân:

Ngã Thái Tổ:

Hữu chúng nhất lữ;

Hữu điền nhất thành.

Mẫn tư dân chi đồ thán;

Chẩn bất hốt chi thánh tình.

Nãi thuận thiên ý;

Nãi tập nghĩa binh.

Giới ngã tướng sĩ;

Chỉnh ngã lục quân.

Dĩ biên tồ lữ;

Dĩ vệ sinh dân.

(Xương Giang phú – Lý Tử Tấn) [7, tr. 650]

(Đức Thái Tổ Quân có một toán;

Đất có một thành.

Thấy dân cực khổ;

Động mối thương tình.

Bèn theo lòng trời;

Bèn họp nghĩa binh.

Sắp quân kén tướng;

Đánh giặc để cứu dân.)

(Phú trận Xương Giang – Lý Tử Tấn)

Vì dân mới dấy binh nổi dậy đánh giặc là một hành vi mang tinh thần nhân đạo cao cả bởi thương dân nên mới cứu dân và cũng chính là cứu cả một dân tộc.Việc khởi binh động tướng đánh giặc của Lê Lợi xuất phát từ lòng thương

dân sâu sắc. Ngài thấu hiểu được dân lành đang phải oằn mình chịu đựng bao nỗi thống khổ; dân tộc rên xiết, đớn đau dưới vó ngựa giày xéo của quân xâm lược.

Chính vì thế mà ngài đã “quyết đổi đời cho tốt đẹp”, mang lại yên vui cho dân tộc. Mọi việc làm, chính sách đều xuất phát từ tư tưởng vì dân, thương dân.

Chính điều này đã nâng tầm tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc Đại Việt lên một tầm cao mới, mang giá trị to lớn, vượt tầm thời đại.

Đến khi đã đánh tan được quân thù, giành được hòa bình cho dân tộc, vua ta luôn giữ vững và lấy lòng nhân ấy để trị vì thiên hạ. Chính vì thế mà muôn dân được sống trong cảnh ấm no, đất nước an bình thịnh trị:

Thì đương khai thái;

Khí ứng dương hòa.

Noãn nhập cung đình, cam vũ nhuận trường sinh chi thảo;

Xuân quy ngự uyển, nhân phong khai bất lão chi hoa.

(Thọ vực phú – Lý Tử Tấn) [7, tr. 666]

(Thời đương thịnh trị;

Khí hậu thuận hòa.

Ấm tới sân vua, mưa “ngọt” rưới thuốc “sống lâu” lên cây cỏ;

Xuân về vườn ngự, gió “nhân” điểm sắc “không già” cho lá hoa.) (Phú cõi thọ - Lý Tử Tấn)

Lý Tử Tấn là một nhân sĩ uyên bác, ông đã có nhiều đóng góp có giá trị không chỉ về mặt chính sự cho triều đình đương thời, mà ở lĩnh vực văn chương cũng có không ít thành tựu. Với kiến thức uyên bác của một bậc khai quốc công thần, được vua tín nhiệm giao cho ông phụ trách việc dạy vua và các hoàng tử, Chuyết Am Lý Tử Tấn đã có những lý luận rất sắc bén về lòng “nhân”:

Nhân đạo chí đại, vô phương vô ngân.

Phím ứng khúc đương;

Thục tri thiết dĩ.

Nhậm đạo trọng viễn;

Thục năng cung thân.

Thù bất tri nhân chi ư nhân;

Vô vật bất hữu, vô thì bất nhiên.

Đại nhi quân thần, phụ tử chi đạo;

Hà mạc phi nhân nghĩa chi dụng;

Tiều nhi động tĩnh vân vi chi tế;

Hà mạc phi nhân nghĩa chi tuyên.

Lễ nhạc chính hình, phi nhân bất lập;

Đôn hóa mệnh lệnh, phi nhân bất truyền.

(Quảng cư phú – Lý Tử Tấn) [7, tr.

659]

(Nhân thì rất lớn, lớn không bến bờ.

Mở thì rộng, uốn thì cong, ai có tài vẫn hợp;

Tầm dù xa, việc dù nặng, kẻ khéo tay vẫn vừa.

Ai không biết lòng nhân, vốn cần cho cuộc sống;

Vật gì lại đáng bỏ, thời cơ nào lại lơ là?

Lớn là đạo vua tôi, cha con, không đâu nhân nghĩa không đụng đến.

Nhỏ là việc gần xa, động tĩnh, không đâu nhân nghĩa không nêu ra.

Lễ nhạc, hình chính không nhân nghĩa không đứng vững.

Giáo hóa, mệnh lệnh không nhân nghĩa không truyền xa.)

(Phú ở nơi thoáng rộng – Lý Tử Tấn) Lý Tử Tấn đã cho thấy được tầm quan trọng của nhân mà ông viết cụ thể ra chính là nhân nghĩa. Mọi lãnh vực phải lấy nhân nghĩa làm gốc vì theo ông đó chính là lẽ phải cần phải giác ngộ. Chính nhân nghĩa sẽ giúp bậc đại trượng phu không đánh mất mình trong bất kỳ hoàn cảnh gian nguy nào:

Thành hữu ngộ ư thử lí;

Tất tư tư nhi miễn yên.

Điên bái tất ư thị nhi phất li;

Tháo thứ tất ư thị nhi chu tuyền.

(Quảng cư phú – Lý Tử Tấn) [7, tr.

659]

(Có giác ngộ về lẽ phải;

Mới kiên trì vững bước qua.

Gặp đảo điên không lạc hướng;

Khi bối rối không mất đà.)

(Phú ở nơi thoáng rộng – Lý Tử Tấn) Bậc chí tôn chính nhờ “lấy nhân” làm gốc từ lúc dựng nước cho đến việc

“trị dân” cho nên không những đánh tan được kẻ thù xâm lược mà còn mang yên vui đến cho muôn dân, đất nước an bình. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” này đã trở thành đường lối chiến lược giữ nước mang đậm tính dân tộc của Đại Việt ta:

Phương kim thánh hoàng:

Dĩ nhân lập quốc;

Dĩ nhân soái dân.

Nhân đồng nhất thị, nhi vạn vật các đắc kì sở;

Cung hành nhân chính, nhi thiên hạ giai quy ư nhân.

Tắc kì hữu tứ hải vi nhất gia, Nhi hi hi hồ Đường Ngu chi thịnh.

Đào cửu hữu vi nhất tục;

Nhi hồn hồn Tam đại chi thuần.

(Quảng cư phú – Lý Tử Tấn) [7, tr.

659]

(Thánh thượng ta nay:

Lấy nhân dựng nước;

Lấy nhân trị dân.

Coi muôn người như một, nên muôn vật có nơi có chốn;

Tự mình làm gương tốt, thì thiên hạ có nghĩa có nhân.

Bốn bể một nhà, vui thuở Đường Ngu thịnh trị;

Chín châu một mối, sống đời Tam đại đượm nhuần.)

(Phú ở nơi thoáng rộng – Lý Tử Tấn) Lý Tử Tấn quan niệm rằng khi ta dùng “nhân” làm phương châm, đường lối để trị vì thiên hạ thì sẽ được muôn dân yêu mến, người người nơi nơi được hưởng ấm no, vương triều mãi vững bền, thịnh trị.

Tư tưởng nhân nghĩa không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước, thương dân mà còn gắn liền với tinh thần nhân đạo cao cả. Khi nghĩa quân Lam Sơn toàn thắng, Lê Lợi không những không giết hại lũ tàn quân mà còn tha bổng và cấp ngựa,

thuyền, lương thực cho chúng về nước. Việc làm này thật đáng quý biết bao. Tư tưởng nhân nghĩa mang đậm tinh thần nhân đạo, lòng thương người của dân tộc Đại Việt đã định hướng cho đường lối chính trị của vua ta nhằm mang lại nền hòa bình muôn thuở:

Chí nhược thần vũ bất sát, đại đức hiếu sinh. Niệm quốc gia trường cửu chi kế, phóng thập vạn khất hàng chi binh. Tu lưỡng quốc chi hòa hảo, tức vạn thế chi chiến tranh. Toàn quốc vi thượng, duy đồ tập ninh.

(Chí Linh sơn phú – Nguyễn Trãi) [53, tr. 162]

(Đến như:

Thần võ chẳng giết;

Đức lớn hiếu sinh.

Nghĩ đến kế lâu dài đất nước;

Thả cho về mười vạn tù binh.

Nối hai nước tình hòa hiếu;

Tắt muôn đời lửa chiến tranh;

Đất nước vẹn toàn là thượng sách;

Cố sao cho dân được an ninh.)

(Phú núi Chí Linh – Nguyễn Trãi)

Hay:

Phóng thập vạn chi hùng khấu;

Kiến bất thế chi phong công.

Nhân phong tiên lộ, nghĩa khí ma không.

(Nghĩa kỳ phú – Nguyễn Mộng Tuân) [53, tr. 202]

(Mười vạn tù binh tha bổng;

Muôn đời sự nghiệp oai phong.

Tiếng nhân dậy khắp;

Nghĩa khí vang lừng.)

(Phú cờ nghĩa – Nguyễn Mộng Tuân)

Tư tưởng nhân đạo cao cả, đạo đức lớn lao của Lê Lợi đại diện cho cả dân tộc Việt Nam. Đây chính là nền tảng cơ bản để hình thành nên đường lối thân dân, dựa vào dân hết sức sáng suốt của các bậc minh quân sau này. Có dân là có sức mạnh, dựa vào sức mạnh của dân chính là sức mạnh bền vững để giữ yên bờ cõi nước nhà. Phải chăng đây cũng chính là một trong những đạo dùng binh của dân tộc Việt Nam ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Một phần của tài liệu Thi pháp thể loại phú chữ hán trong văn học việt nam thế kỷ xv đến thế kỷ xvii (Trang 63 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)