Tụng ca non sông cẩm tú Đại Việt

Một phần của tài liệu Thi pháp thể loại phú chữ hán trong văn học việt nam thế kỷ xv đến thế kỷ xvii (Trang 53 - 63)

CHƯƠNG 2: THI PHÁP THỂ LOẠI PHÚ CHỮ HÁN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV ĐẾN THẾ KỶ XVII NHÌN TỪ CẢM HỨNG NỘI DUNG

2.1.3 Tụng ca non sông cẩm tú Đại Việt

Tụng ca sự thịnh vượng của đất nước, vẻ tươi đẹp rạng ngời của giang sơn xã tắc là điều không thể thiếu trong thơ ca ở bất cứ thời đại nào. Đặc biệt trong văn học trung đại, mảng đề tài này càng được các nhà thơ nhà văn đi sâu khai thác. Điều này có thể được lý giải, bởi tình yêu quê hương đất nước luôn là chủ đề chính trong các sáng tác văn chương bao đời nay. Hơn nữa, giang sơn Việt Nam gắn liền với những cuộc xâm lăng của giặc ngoại xâm, lịch sử giữ nước của dân tộc gắn liền với những trang sử hào hùng, gắn liền với máu xương của các anh hùng. Hơn nữa, có những tác gia là người trực tiếp tham gia vào những cuộc chiến đấu chính nghĩa ấy để giành độc lập tự do cho nước nhà, quyết giữ từng tấc

đất của dân tộc, nên tình yêu quê hương lại càng sâu sắc hơn bao giờ hết. Tụng ca non sông cẩm tú cũng chính là cách để họ bày tỏ được tình yêu nước, yêu dân và mong muốn non sông mãi tươi đẹp, đất nước mãi thịnh vượng.

Ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước được thể hiện hầu hết trong những sáng tác thơ văn, tuy nhiên với thể phú có thể nói là thể tài khá thành công trong việc lột tả được tất cả vẻ đẹp ấy. Với đặc trưng vượt trội của thể tài: dung lượng lớn cùng hệ thống những mỹ từ hoa lệ, hình tượng phi thường đã góp phần to lớn trong việc khắc họa bức tranh tuyệt đẹp non nước hữu tình của đất mẹ Đại Việt. Non sông gấm vóc được hiện ra thật sinh động đầy màu sắc qua những từ ngữ miêu tả thật sinh động và giàu chất tạo hình. Vẻ đẹp ấy gắn với máu xương của bao anh hùng đã ngã xuống để mang lại nền độc lập cho đất nước. Chính vì thế, vẻ đẹp ấy không chỉ là vẻ đẹp của non nước hữu tình mà hơn thế chính là vẻ đẹp của hồn thiêng sông núi Đại Việt.

Với cảm hứng được gợi lên từ những địa danh gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng danh, núi Chí Linh đã trở thành tượng đài bất hủ đi vào thi ca thật đẹp và hùng tráng. Địa thế hiểm trở, khuất khúc, núi Chí Linh đã bốn lần che chở cho Lê Lợi và toàn nghĩa quân Lam Sơn thoát khỏi “nanh vuốt” của địch trong gang tấc để bảo toàn lực lượng. Lê Lợi đã biết tận dụng thế mạnh ấy để “Náu hình tích vào Linh sơn”, chờ cơ hội gậy dựng nghiệp lớn. Chính vì thế sau khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, văn học thế kỷ XV đặc biệt là chặng đường nửa đầu thế kỷ, các tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du… đã dành khá nhiều giấy mực để ca ngợi ngọn núi này. Ca ngợi núi Chí Linh trước hết là ca ngợi vùng đất “địa linh nhân kiệt” nơi đây. Yếu tố địa linh của vùng núi này thể hiện rõ nhất qua địa hình địa thế hết sức hiểm trở:

Uyển chiên bàng bạc, cố bất khả đắc nhi trạng hề;

Tưởng địa bí nhi thiên kiên.

Lậu Hoa Lư chi bức chá hề;

Phi Vũ Lâm chi oanh hoàn.

Tuyệt đắng thiên tầm hề, tráng kim thang chi hiểm;

Tiếu bích bán không hề, đương bách nhị cửa quan, Phong kiệt bệ kích hề, thụ ủng chàng phan.

(Chí Linh sơn phú – Nguyễn Mộng Tuân) [53, tr. 207]

(Một dải quanh co bao bọc, không thể hình trạng; Thật cũng trời dành mà đất giấu bí hiểm muôn vàn.

Không như động Hoa Lư nơi chật hẹp; Khó cho đội Vũ Lâm đủ chỗ bày dàn.

Nghìn trượng đá cao kể cũng kim thang chốn hiểm; Lưng trời vách đứng, xem tày bách nhị cửa quan.

Núi bày ngọn giáo; Cây dựng cờ phan.)

(Phú núi Chí Linh - Nguyễn Mộng Tuân)

Qua những câu phú miêu tả của Nguyễn Mộng Tuân, núi Chí Linh hiện lên là một ngọn núi hết sức hùng vĩ với hình dạng không thể nào có thể xác định được “không thể hình trạng”, có diện tích khá lớn “không như động Hoa Lư nơi chật hẹp”. Địa hình địa thế của Chí Linh cũng vô cùng phức tạp “một dải quanh co bao bọc”, cùng với đó là những núi đá cao, dựng đứng đầy hiểm nguy. Đây chính là một chốn “kim thang” mà nghĩa quân Lam sơn có thể ẩn náu an toàn, tránh được sự truy kích của quân địch, có thể an tâm củng cố lực lượng, địch không thể phục kích để đánh được ta chỉ có thế cô lập về mặt kinh tế mà thôi.

Đây là cách nhìn của một nhà quân sự, một nhà chiến lược biết nhìn xa trông rộng. Dưới ngòi bút của ông, núi Chí Linh hiện lên với tầm vóc hoành tráng, hình thế hiểm trở của một vị trí có giá trị chiến lược: “Nghìn trượng đá cao kể cũng kim thang chốn hiểm. Lưng trời vách đứng, xem tày bách nhị cửa quan”.

Lý Tử Tấn với góc nhìn không chỉ của một nhà quân sự mà còn là một thi sĩ cũng có những vần phú khá sinh động, cụ thể khi khắc họa hình dáng của vùng núi “địa linh nhân kiệt” này:

Tù tư tủng Hán;

Thụy khí tranh tiêu.

Chúng nhận liệt bình hề lệ dĩ;

Quần phong tháp ngọc hề thiều nghiêu.

Cổ giốc bài vệ, súc súc hồ vân đồn chi vạn kị;

Trâm khuê ủng tòng, tế tế hồ tinh củng chi bách liêu.

Thái vụ ái lâm sủy chi tràng tiết;

Minh tuyền hưởng liêu lượng chi anh thiều.

(Chí Linh sơn phú – Lý Tử Tấn) [7, tr. 640]

(Vẻ núi huy hoàng tranh Ngân Hán;

Thế núi lẫm liệt ngạo mây cao.

Vách núi dăng dăng như bình phong san sát;

Chỏm núi lởm chởm như tháp ngọc cheo leo.

Mây núi ùn ùn theo tiếng trống mõ vang, như muôn vàn lính kỵ;

Sao ngân lấp lánh lẫn bóng trâm cài hốt đeo, tựa trăm quan vào chầu.

Rực rỡ áng mây như cờ quạt;

Inh ỏi suối nước tựa nhạc thiều.)

(Phú núi Chí Linh – Lý Tử Tấn)

Không đi sâu vào tả hình thế núi Chí Linh như Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du trong bài Phú núi Chí Linh đã khẳng định rằng đây chính là vùng địa linh” với sự “hun đúc” của “tú khí”, với những “sản linh dị chi kỳ tường” (“có điềm lạ khác thường”)

Đô nhất sơn chi đột ngột, kiển trấn áp chi Nam phương.

Chung uất thông chi tú khí, sản linh dị chi kỳ tường.

(Chí Linh sơn phú – Trình Thuấn Du) [53, tr. 236]

(Trái núi ngất trời một cõi;

Oai hùng rợp cả bốn phương.

Có khí thiêng hun đúc;

Có điềm lạ khác thường)

(Phú núi Chí Linh – Trình Thuấn Du)

Tuy nhiên, yếu tố hiểm trở của hình thế núi Chí Linh sẽ vô dụng nếu không có yếu tố “thời”. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc tạo nên tính địa linh. Bởi nếu không có yếu tố “thời” thì vùng địa linh với những ưu thế hữu dụng bao nhiêu cũng sẽ trở nên vô dụng. Như thế, nếu không ở gặp đúng thời thế vào lúc nổ ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do chủ tướng Lê Lợi lãnh đạo đánh quân xâm lược nhà Minh bạo tàn thì ai biết đến, ai cần dùng đến tính chất hiểm trở của núi Chí Linh. Khi gặp “thời” tất sẽ hữu dụng, do đó sẽ được “nhân”

dùng đến. Đây chính là sự kết hợp nhuần nhị giữa ba yếu tố Thiên Địa Nhân.

Vùng đất được gọi là địa linh nhân kiệt nhất thiết phải có sự kết hợp giữa ba yếu tố trên. Đây là một chỉnh thể thống nhất không thể nào phân tách. Đồng thời giữa chúng có mối quan hệ biện chứng, tương quan với nhau. Nói một cách khác, trong phép dùng binh ta hiểu đó chính là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu có

“địa lợi”, “nhân hòa” mà không gặp đúng thời vận thì cũng không mang lại kết quả gì, ngược lại nếu nắm bắt được thời cuộc, có được “địa lợi”, nhưng lòng dân không theo thì cũng khó dung thân, chứ nói gì đến việc mong thành nghiệp lớn.

Còn nếu vừa có được thế đất lợi hại, lại thuận ý trời, lòng dân thì cơ hội thành công là vô cùng lớn. Ba yếu tố đó kết hợp nhuần nhị với nhau sẽ giúp người hào kiệt nhanh chóng tạo thành vương nghiệp.

Sự kết hợp giữa “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã tạo cho núi Chí Linh trở thành vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Hào kiệt bốn phương đã tụ họp về nơi đây, dưới ngọn cờ chính nghĩa do chủ tướng Lê Lợi lãnh đạo để cùng nhau mưu dựng cơ đồ rửa thù cho nước, giành lại độc lập chủ quyền cho dân tộc. Với ngòi bút mang đậm âm hưởng ngợi ca, các nhà thơ đã thể hiện thật cô đọng tính chất

“địa linh nhân kiệt” của vùng núi này. Chính điều đó góp phần không nhỏ trong việc đưa cuộc khởi nghĩa nhanh chóng đến ngày toàn thắng và cũng nhờ đó uy danh của Linh Sơn được vang danh mãi muôn đời:

Chí Linh chi sơn hề nguy hồ cao tai;

Long bàn hổ cứ hề địa tích thiên khai.

Điện vương nghiệp ư ức tải hề;

Tác cự bình ư tương lai.

Liên diên miên cắng bất tri kỉ thiên lí hề;

Thiều nghiêu đột ngột, vĩnh vi tây Việt chi thọ vực dữ xuân đài.

(Chí Linh sơn phú – Lý Tử Tấn) [7, tr. 642]

(Chí Linh cao ngất tuyệt vời;

Rồng chầu hổ phục đất trời khai thông.

Đài xuân đắp cao muôn trùng;

Nền tảng nghiệp đế, bình phong nước nhà.

Miền Tây muôn thuở nguy nga;

Đây là “cõi thọ”, đây là “đài xuân”!)

(Phú núi Chí Linh – Lý Tử Tấn)

Nói đến vùng đất địa linh nhân kiệt, song song với việc đề cập núi Chí Linh không thể không nhắc đến vùng đất Lam Sơn. Lam Sơn chính là quê hương Lê Lợi, nơi ghi dấu việc chọn đất định cư, lập nghiệp của các vị tiên tổ đức vua Lê Lợi. Nội dung Vĩnh Lăng thần đạo bia ký (bia Vĩnh Lăng) còn ghi lại rằng:

“Vua họ Lê, húy là Lợi, tằng tổ của vua là Hối, người phủ Thanh Hóa. Một ngày kia đi chơi Lam Sơn thấy có đàn chim bay lượn dưới chân núi Lam như vẻ đông người tụ họp, cho rằng chỗ này là chỗ đất tốt, liền dời nhà đến ở đấy, được vài năm thì thành sản nghiệp. Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều. Việc dựng nước mở đất thực gây nền từ đây. Từ bây giờ làm chủ một miền”. Trải qua đời cụ Tằng tổ Lê Hối đến Hiển tổ Lê Đinh và Tuyên tổ Lê Khoáng “nối nghiệp nhà” làm Phụ đạo (như chức Tù trưởng) thì sinh ra đức vua Lê Lợi.

Ngày nay, Lam Sơn thuộc huyện Cổ Lôi, nằm về phía tả ngạn sông Chu, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 50km, phía dưới Bái Thượng 3km. Phía tây Lam Sơn giáp miền thượng du Thanh Hóa với rừng núi trùng điệp, đầu nguồn các con sông Mã, sông Chu, nay là vùng Thường Xuân, Ngọc Lạc, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa. Lam Sơn có dòng sông Chu chảy qua. Sông Chu tiếp nước nhiều sông nhỏ đổ vào như sông Cao từ tây Lang Chánh tới, sông Đại từ nam Trường Xuân lại và sông Âm có nguồn từ Quan Hóa chảy vào. Từ Lam Sơn chảy xuống, sông Chu chảy qua các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, đến ngã ba Bông nhập vào cùng với sông Mã xuôi ra biển. Từ Lam Sơn có thể ngược dòng lên tận Thường Xuân, Lang Chánh, Nghệ An hoặc sang Lào. Cũng từ Lam Sơn xuôi dòng đến các huyện Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Hoằng Hóa rồi về miền biển giàu có, đông đúc cư dân. Với địa hình địa thế vô cùng thuận lợi như thế, Lam Sơn chính là đất địa linh. Khi quân Minh xâm lược nước ta, Lê Lợi đã nuôi chí lớn, dựng cờ khởi nghĩa ngay trên quê hương mình. Nghĩa quân đóng ở đây có thể tỏa xuống miền đồng bằng, có thể rút lên miền Tây, dựa vào thế núi Pù Rinh (Chí Linh) để bảo toàn lực lượng.

Nếu ở căn cứ địa Linh Sơn, Lê Lợi cùng nghĩa quân được che chở bởi sự hùng vĩ, hiểm trở của núi để tránh khỏi nanh vuốt kẻ thù thì ở căn cứ Lam Sơn,

ngay chốn đồng bằng này, quân địch cũng không thể nào bắt được Lê Lợi. Sức mạnh của quần chúng nhân dân như bức tường thành vĩ đại đã che chở, giúp sức đắc lực cho nghĩa quân Lam Sơn, cho người anh hùng Lê Lợi. Sự tích vị sư già tên Bạch Thạch Sơn đến từ Ai Lao, đã chỉ cho Lê Lợi mảnh đất phát nghiệp đế vương, cùng bao nhiêu huyền thoại khác đã phần nào minh chứng cho sự linh thiêng của Lam Sơn, nơi hồn thiêng sông nước hội tụ, hào kiệt bốn biển dồn về.

Mảnh đất Lam Sơn giàu truyền thống lịch sử cũng là quê hương của biết bao hào kiệt và nghĩa sĩ cùng tham gia vào khởi nghĩa Lam Sơn. Để ca ngợi ngọn núi “địa linh nhân kiệt” này, Nguyễn Mộng Tuân đã viết khá nhiều bài phú ca ngợi Lam Sơn như: Phú Lam Sơn, Lam Sơn giai khí phú… với những câu văn hết sức hùng hồn, truyền cho người đọc cảm nhận được phần nào “linh khí” để tạo nhân kiệt nơi địa linh này:

Thiên trụ ngật hề đình đình;

Trấn ngao cực hề bất kinh.

Quan kỳ:

Phát dục vạn vật;

Tuấn cực vu thiên.

Bác hậu phối hồ khôn đức, Chí kiện thể hồ càn nguyên.

Vân lôi khởi nhi vũ tứ hải;

Lân phong xuất nhi thụy trung nguyên.

Hạ phong Ngũ nhạc;

Thượng ứng Vi viên.

Như Tử Thần cư sở nhi lâm chúng tinh;

Như Thượng Đế lý tôn nhi triều quần tiên.

Huyền cơ thần tạo;

Đại trí thiên tuyền.

Phổ bác uyên tuyền nhi thủy quy đại hải;

Quang huy phát việt nhi ngọc uẩn Lam Điền.

(Lam Sơn phú – Nguyễn Mộng Tuân) [53, tr. 198]

(Cột trời cao ngất đứng sừng sững;

Chân ngao chống đỡ chẳng rung rinh.

Hãy xem: Phát sinh muôn vật;

Cao ngất tầng trên.

Hùng vĩ nhờ trời phú tính;

Vững chắc được đất xây nền.

Sấm mây dậy, mưa nhuần bốn biển;

Gió lan ra điềm ứng trung nguyên.

Dưới liệt hàng Ngũ nhạc;

Trên ứng với Bắc thần.

Như Tử vi yên vị giữa muôn trùng tinh tú;

Như Thượng đế ngự triều có đông đủ thần tiên.

Mây thần huyền diệu;

Vẻ thánh nhuần nhiên.

Bàng bạc suối khe, nước về biển cả;

Rõ ràng khắp chốn, ngọc kết Lam Điền.)

(Phú Lam Sơn – Nguyễn Mộng Tuân)

Trong thần thoại cổ phương Đông “chân ngao” là chân rùa lớn dùng để chống trời cao lên. Từ thuở đất trời còn là cõi hỗn mang, tối tăm chưa có sự phân biệt đâu là trời, đâu là đất thì “cột trời”, “chân ngao” có tác dụng chống bầu trời lên cao, phân biệt chia tách trời đất. Từ đó vạn vật mới bắt đầu sinh sôi, nảy nở, sự sống mới bắt đầu xuất hiện. Lam Sơn được Nguyễn Mộng Tuân ví như cột chống trời, là vùng đất “phát dục vạn vật” (“phát sinh muôn vật”) với địa thế

“cao ngất” “hùng vĩ”. Vùng đất Lam Sơn đã được “trời phú tính” ban sẵn để trở thành vùng đất tổ của muôn núi, nơi trung tâm để linh khí đất trời hội tụ. Với những câu văn hết sức mỹ lệ cùng với sự so sánh “Như Tử Thần cư sở nhi lâm chúng tinh;/Như Thượng Đế lý tôn nhi triều quần tiên.” (“Như Tử vi yên vị giữa muôn trùng tinh tú/ Như Thượng đế ngự triều có đông đủ thần tiên”), Nguyễn Mộng Tuân đã thật sự thành công trong việc thể hiện tính chất địa linh của vùng

núi Lam Sơn này. Yếu tố đất thiêng người hùng của Lam Sơn được thể hiện càng rõ trong bài ca ở cuối bài phú:

Tụng viết:

Kỳ sơn hưng Chu, khải thế bát bách.

Duy thử Lam Sơn triệu cơ vương tích.

Ư Chu hữu quang, bốc quá kỳ lịch.

Đại đắc dân chí, ti bất khả du.

Vị cực sùng tôn, tử thân cửu châu.

Nan tạc hình dung, vĩnh dương vương hưu.

(Lam Sơn phú – Nguyễn Mộng Tuân) [53,tr.

198]

(Vậy có lời ca rằng:

Nghiệp Chu dấy tự Kỳ sơn;

Tám trăm năm đó, công ơn sáng ngời.

Lam Sơn đất hiểm tự trời;

Vua ta dựng nghiệp khắp nơi về chầu.

Núi cao hình sắc muôn mầu;

Đức cao lồng lộng chín châu đượm nhuần!)

(Phú Lam Sơn – Nguyễn Mộng Tuân)

Không chỉ những nhân sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà vào nửa sau thế kỷ XV, Lê Thánh Tông cũng có những vần phú ca ngợi Lam Sơn đầy xúc cảm trong bài Lam Sơn Lương Thủy phú rất nổi tiếng:

Hương thuyên ty duân hề tiễn thụ dương!

Phần lưu hi diệm hề phi vũ thường!

Tinh ly vân đậu, hạc chử loan tường hề sơn thế kỳ!

Sơn thế kỷ hề thiên vạn;

Mê hàn thố ư kim khu.

Ế tường dương ư lê đán.

Cam mộc phương hoa;

Phấn hành kiều cán.

Một phần của tài liệu Thi pháp thể loại phú chữ hán trong văn học việt nam thế kỷ xv đến thế kỷ xvii (Trang 53 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)