CHƯƠNG 2: THI PHÁP THỂ LOẠI PHÚ CHỮ HÁN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV ĐẾN THẾ KỶ XVII NHÌN TỪ CẢM HỨNG NỘI DUNG
2.2 Cảm hứng ngôn chí trữ tình
2.2.3 Bày tỏ hoài bão, tiết tháo của kẻ sĩ
Bên cạnh luận đề về lẽ “xuất xử” “hành tàng” của kẻ sĩ thì luận đề về hoài bão, tiết tháo của kẻ sĩ cũng là một trong những vấn đề được các nhân sĩ đương thời quan tâm. Họ làm thơ, viết phú để bày tỏ, gửi gắm nỗi lòng của mình về đạo
đức của kẻ sĩ, về hoài bão mà bậc đại trượng phu phải “có danh gì với núi sông”
hay chí ít là việc giữ vững khí tiết trong sạch của bậc quân tử. Bằng nhiều hình tượng khác nhau, mỗi nhân sĩ một cách nhưng đều qua đó hướng đến mục đích thể hiện được hoài bão, tiết tháo cao đẹp của kẻ sĩ.
Lý Tử Tấn trong bài Quảng cư phú (Phú ở nơi thoáng rộng), ngay từ đoạn đầu bài phú, ông đã bày tỏ khí phách, tiết tháo hơn người của bậc đại trượng phu:
Hữu trượng đại phu:
Tiềm tâm ư khắc kỉ phục lễ chi địa;
Du thần ư nhân dục tịnh tận chi thiên.
Kí vô ưu dĩ vô cụ;
Diệc vô đảng vĩ vô thiên.
Uy vũ truật hề bất năng khuất;
Phú quý dụ hề bất năng thiên.
(Quảng cư phú – Lý Tử Tấn) [7, tr.
659]
(Có kẻ đại trượng phu:
Cố lấy lễ nghĩa để sửa mình tận gốc;
Mong gột sạch hết dục vọng như thần tiên.
Không lo lắng, sợ sệt;
Không đảng phái, không lệch thiên.
Uy vũ đe dọa chừ, không thể khuất;
Giàu sang cám dỗ chừ, không thể nghiêng)
(Phú ở nơi thoáng rộng – Lý Tử Tấn) Việc dùng lễ nghĩa để sửa mình tận gốc, giữ tâm mình ngay thẳng, không khiếp sợ trước bất kỳ điều gì của bậc đại trượng phu mà Lý Tử Tấn nói đến chính là để hướng đến hoài bão cao cả: đem sức vóc ra giúp dân giúp nước:
Đại thể dĩ lập hề, đại đạo dĩ hành.
(Quảng cư phú – Lý Tử Tấn) [7, tr.
659]
(Có chí lớn ắt phải “lập”
Mà đạo lớn ắt phải “hành”)
(Phú ở nơi thoáng rộng – Lý Tử Tấn) Đây quả thật là tư tưởng “nhập thế” rất tích cực của tác giả nói riêng và số đông lớp nhân sĩ đương thời. Lý Tử Tấn cho rằng kẻ đại trượng phu mang danh đứng trong trời đất, muốn đem mình ra phò vua giúp nước thì trước hết phải có sự học tập, rèn luyện, tu chí để trở thành con người tiết tháo chính trực, không tham danh vọng thấp hèn. Có như thế thì mới có thể mang chí lớn ra để “lập” và đem đạo ra để “hành”, đem lại ích lợi cho dân cho nước. Căn rễ của việc rèn luyện đó phải lấy từ chính đức nhân, phải lấy nhân nghĩa làm gốc, bởi tất thảy mọi điều trên thế gian đều liên quan đến nhân nghĩa. Bậc đại trượng phu có lòng nhân nghĩa, lễ nghĩa sẽ trở nên thông suốt, tấm lòng cởi mở, thoáng rộng. Trước bất kỳ cám dỗ, sóng gió nào của cuộc sống, nếu lấy nhân nghĩa làm gốc sẽ không bị lu mờ mà đánh mất bản thân, đánh mất tiết tháo thanh sạch của kẻ sĩ. Nhân nghĩa như ngọn lửa sáng soi cho kẻ sĩ tránh những sai lầm, lạc hướng có thể gặp phải trong cuộc đời, trong chốn quan trường lắm thị phi. Và quan trọng hơn nữa, bậc đại trượng phu biết dùng đức nhân và tấm lòng bao dung rộng lượng để thấu thị mọi việc sẽ trở thành một bậc thánh hiền bởi lời nói giờ đây sánh cùng ánh nhật nguyệt sáng bừng:
Kì tất chí thánh hiền chi khổn áo;
Hề nhật nguyệt chí yên nhi túc ngôn.
Thi vị thiên hạ chi trượng phu;
Nhi phi khu khu tiểu lượng chi sở đắc đồng niên dã.
(Quảng cư phú – Lý Tử Tấn) [7, tr.
659]
(Như muốn trở thành bậc thánh hiền thâm thúy;
Hẳn lời nói phải như ánh nhật nguyệt sáng lòa.
Ấy chính là kẻ trượng phu trong thiên hạ;
Đâu có thể lấy cái lượng hẹp hòi mà cùng lứa so đo vậy.)
(Phú ở nơi thoáng rộng – Lý Tử Tấn) Không nói trực diện như Lý Tử Tấn, Đặng Tuyên viết văn chương tả cảnh ngụ tình, mượn sự vật để nói lên nỗi lòng của mình. Trong Tùng bách hậu điêu phú tác giả chọn hình ảnh cây tùng trong bộ “tuế hàn tam tửu” gồm “đại phu
tùng”, “quân tử trúc”, “ngự sử mai” để nói về tiết tháo, phẩm chất của kẻ sĩ.
Không phải tự dưng mà cây tùng, cây bách được tôn xưng là “đại phu tùng”, điều này được lý giải bởi chính tính chất cứng rắn, thẳng thắn của cây tùng. Đứng giữa mùa đông giá rét, khi mà mọi loại cây đều phải co mình, rụng lá vì không chịu nổi sự khắc nghiệt của cái lạnh mùa đông thì tùng bách vẫn xanh tươi, vẫn hiên ngang thẳng đứng “Kiên cương tiêu trực, can vân hán dĩ bằng lăng,/ Đỉnh bạt cô cao, xanh tằng tiêu nhi thanh thúy” (Chọc Ngân Hà, chon von ngạo nghễ./
Đội tầng không, chót vót xanh tươi.). Và càng trải qua những gió phong sương thì lạ thay tùng bách lại càng thêm rắn chắc:
Uất bỉ tùng bách Chúng mộc chi tổng Lăng lăng trực cán Lẫm lẫm cao phong
Ngạo sương tuyết dĩ dụ tráng Đỉnh tuế liêu nhi di hùng
Thử thánh nhân sở dĩ thủ dụ quân tử chi đức Tạo sự biến nhi ích kiến kỳ trung dã
(Tùng bách hậu điêu phú – Đặng Tuyên)
(Xanh um tùng bách;
Loài gỗ đầu dòng.
Nguy nga thẳng đứng;
Lẫm liệt oai phong.
Trải tuyết sương càng cứng rắn;
Chịu giá rét thêm hùng.
Nên thánh nhân ví với đức người quân tử;
Bởi càng gặp tai biến lại càng kiên trung.)
(Phú tùng bách rụng sau – Đặng Tuyên) [35, tr. 266]
Tác giả cho rằng chính những khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết mới chính là cơ hội để khẳng định được sự “ưu việt” của tùng bách so với các loài cây khác.
Bởi nếu tiết trời ấm áp, muôn vật đều tốt tươi thì đâu thể nào thấy được “cái quý”
của tùng bách. Chỉ khi vào mùa đông giá rét, khi mọi cây cỏ đều xác xơ, vạn vật như tiêu điều trước ba tháng khắc nghiệt của mùa đông thì mới thấy được vẻ cứng rắn, tươi tốt, hiên ngang, ngạo nghễ đáng nể phục của tùng bách:
Bỉ kì:
Xuân hạ chi giao, Minh mị tiễn nghiên.
Vạn vật vinh mâu.
Thục biện ngu hiền.
Hà hữu tỳ chi khả chi?
Hà hữu mỹ chi khả ngôn?
Cập kỳ:
Tuế mộ thiên hàn, vạn vật điêu tàn.
Nhiên hậu:
Biểu tùng bách chi tháo, Hữu bỉ thử chi quan.
(Tùng bách hậu điêu phú – Đặng Tuyên)
(Kìa xem:
Từ xuân sang hạ;
Cảnh vật hữu tình.
Muôn loài tươi tốt;
Hiền, ngu khó rành.
Tỷ vết khó vạch;
Ưu điểm khó bình.
Kịp khi:
Cuối năm rét đậm;
Muôn vật điên liên.
Cần thấu rõ: Tùng bách chất rắn;
Để suy ra: ai cứng, ai hèn?)
(Phú tùng bách rụng sau – Đặng Tuyên) [35, tr. 266]
Chính những đặc tính quý báu như thế mà tùng bách xứng đáng được dùng để ví với phẩm chất, tiết tháo của người quân tử, của kẻ sĩ. Khí tiết của người quân tử, của kẻ sĩ mang danh đứng trong trời đất không chỉ có tài mà còn phải có tâm, có ý chí kiên cường, bản lĩnh cứng cỏi. Trong bất kỳ hoàn cảnh gian khó nào kẻ sĩ, bậc đại trượng phu cũng phải giữ vững tính khẳng khái, trung thực, tâm trong sạch, không lung lay trước những tham danh, lợi lộc. Đó mới chính là bậc quân tử có tiết tháo, giống như cây tùng cây bách trải qua mùa đông giá rét nhưng vẫn tràn đầy sức sống, lá vẫn xanh và hoa vẫn nở. Bậc đại trượng phu nếu không trải qua những khó khăn, sóng gió, không được thử lửa với những gian nguy thì khó có thể chứng tỏ được cho thiên hạ rõ bản lĩnh của mình. Chỉ khi gặp thời vận đảo điên mới có thể thấy được khí tiết của người quân tử nổi bật như ánh hào quang giữa những kẻ hèn hạ, bất tài. Nếu những kẻ bất tài, tiểu nhân tìm cách lẩn tránh, trốn thoát, lo cho bản thân mình thì người quân tử, bậc đại trượng phu vẫn hiên ngang trước mọi giông bão, nguyện mang hết tài năng, sức vóc của mình để lo cho nước cho dân:
Tùng bách rụng sau, thì tiếng tăm mới dậy khắp.
Quân tử khốn cùng, thì đại nghĩa mới vang rền.
(Tùng bách hậu điêu phú – Đặng Tuyên) [35, tr. 266]
Mượn hình ảnh cây tùng cây bách, Đặng Tuyên kín đáo gởi gắm nỗi lòng của mình. Tuy ông sinh ra muộn, khi mà đất nước đã hòa bình thịnh trị nhưng ông vẫn giữ vững tiết tháo, phẩm chất của kẻ sĩ, của bậc đại trượng phu, tích cực mang tài đức ra giúp nước để thực hiện hoài bão được cống hiến, được mang thân ra xây dựng đất nước ngày thêm thịnh vượng:
Trứ hậu điêu chi tùng bách;
Lậu bồ liễu chi tiên tàn.
Thỉ dư tâm dĩ vô thế;
Vô hữu toại phu lăng vân chi chí yên.
(Tùng bách hậu điêu phú – Đặng Tuyên)
(Tùng bách rụng sau đáng phục;
Bồ liễu tàn trước đáng cười.
Ta thà giữ lòng không đổi;
Ngõ hầu: thỏa chí tung mây.)
(Phú tùng bách rụng sau – Đặng Tuyên) [35, tr. 266]
Cùng với nội dung ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tụng ca đức Thánh tổ Lê Lợi, luận đề bày tỏ tiết tháo, phẩm chất, hoài bão của kẻ sĩ cũng là một nội dung khá hay trong văn học giai đoạn thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Đây là một trong những điểm sáng về nội dung của văn học giai đoạn này. Bậc đại trượng phu có khí tiết, có nhân, trí, dũng phải tích cực đem tài năng ra giúp nước, tạo lập công danh sự nghiệp to lớn, thỏa chí vùng vẫy nơi biển lớn. Lý Tử Tấn, Đặng Tuyên cùng nhiều nhân sĩ đương thời đã làm không ít bài thơ, phú để thể hiện chí khí, hoài bão của mình trước thời đại mới, triều đình mới. Mỗi người một cách bày tỏ nhưng tựu trung lại, ai ai cũng mong muốn đem tài năng ra để cùng nhà vua dựng xây đất nước ngày thêm phồn thịnh. Đây cũng chính là sự thể hiện lòng yêu nước mang tinh thần “nhập thế” tích cực của bậc đại trượng phu chính trực đầy khí tiết, quyết tâm xây dựng cuộc đời vì nước vì dân.
Tiểu kết
Cảm hứng ngôn chí trữ tình và cảm hứng tụng ca là hai cảm hứng chính trong nội dung phản ánh từ thể loại phú chữ Hán trong văn học Việt Nam thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Thế kỷ XV với âm vang hào hùng của cuộc kháng chiến chống Minh giành thắng lợi, chính vì thế cảm hứng tụng ca nổi bật lên với sự ca tụng những chiến công hiển hách của nghĩa quân Lam Sơn cùng vị chủ tướng tài ba của mình. Sự thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn đã mở ra kỷ nguyên độc lập, thịnh vượng cho đất nước, chính vì thế, trong khí thế của âm hưởng tụng ca hừng hực, các nhân sĩ còn hướng ngòi bút ca tụng sự thịnh vượng của vương triều Lê sợ, cũng như những cảnh đẹp của non sông Đại Việt. Sang đến thế kỷ XVI – XVII, bên cạnh cảm hứng tụng ca, cảm hứng ngôn chí trữ tình cũng được các văn nhân đương thời hết sức hứng thú. Họ làm phú để bày tỏ chí khí, hoài bão, quan niệm về lẽ xuất xử của bản thân mình. Mỗi người một phong cách, nhưng tựu trung lại đó chính là sự thể hiện cho lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự hào dân tộc mạnh mẽ.
Cảm hứng tụng ca và cảm hứng ngôn chí trữ tình đã mang đến cho phú chữ Hán giai đoạn này sự phong phú về phương diện nội dung và làm nền tảng quan trọng cho những khuynh hướng sáng tác vào những thế kỷ sau.