Tụng ca sự hưng thịnh của vương triều Lê Sơ

Một phần của tài liệu Thi pháp thể loại phú chữ hán trong văn học việt nam thế kỷ xv đến thế kỷ xvii (Trang 45 - 53)

CHƯƠNG 2: THI PHÁP THỂ LOẠI PHÚ CHỮ HÁN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV ĐẾN THẾ KỶ XVII NHÌN TỪ CẢM HỨNG NỘI DUNG

2.1.2 Tụng ca sự hưng thịnh của vương triều Lê Sơ

Sau khi đã đánh tan được bước chân xâm lăng của giặc Minh, đất nước hòa bình thịnh trị, các văn thần tập trung bút lực ngợi ca hết lời sự hưng thịnh của vương triều dưới sự lãnh đạo của đức Thánh thượng Lê Lợi. Tụng ca non sông cẩm tú, đất nước thanh bình, bản triều thịnh trị là một trong những cảm hứng chủ đạo của văn chương thời kỳ này, đậm nét nhất là nửa sau thế kỷ XV, cụ thể là vào thời Lê sơ. Trong mạch cảm hứng ấy, Lý Tử Tấn với Phú cõi thọ đã đem đến làn gió tươi mát, trong trẻo trong những vần thơ vô cùng xúc động mang âm hưởng tự hào và biết ơn khi nói đến cảnh sắc đất nước tươi đẹp, mưa thuận gió hòa, muôn dân được sống an vui có được sau những võ công oanh liệt trong cuộc chiến hào hùng đánh đuổi quân Minh xâm lăng:

Thánh nhân ngự cực;

Thọ vực hoằng khai.

Dân hưởng thái hòa chi phúc;

Vật vô tì lệ chi tai.

Vũ dương thì nhược hề, tuế đa thử đồ;

Binh cách bất thí hề, tái tuyệt bộn ai.

Thiều thiều hề dao dao hề, quýnh bất tri kì kỉ thiên vạn lí;

Hi hi hề hạo hạo hề, nhược giai hữu ư thọ vực xuân đài.

(Thọ vực phú – Lý Tử Tấn) [7, tr. 666]

Ngôi cao lồng lộng;

Cõi thọ sáng bừng.

Người người được bình yên hạnh phúc;

Vật không dịch bệnh tai ương.

Mưa nắng thuận hòa chừ, nhiều năm được mùa gấp bội;

Binh đạo xếp nghỉ chừ, biên ải phẳng lặng vô ngần.

Bao la chừ, thăm thẳm chừ, chốn chốn, êm đềm trăm nghìn vạn dặm;

Vui vẻ chừ, thoải mái chừ, người người khuôn vào cõi thọ đài xuân.

(Phú cõi thọ - Lý Tử Tấn)

Cuộc sống “hi hi” “hạo hạo”(“vui vẻ”, “thoải mái”) trong vương triều thịnh trị ấy tưởng như chỉ có ở những nơi thần tiên ảo diệu hay chỉ tồn tại trong thời hồng hoang cổ xưa nào đó. Ấy vậy mà nó thực sự hiện hữu, không còn nghi ngờ, mơ hồ gì nữa.

Vị vi thần tiên chi đô da?

Tắc phi Lãng Uyển, Bồng Hồ chi cảnh giới;

Vị vi Hồng Mông chi thế da?

Hựu phi Li Liên, Lật Lục dữ Vô Hoài.

(Thọ vực phú – Lý Tử Tấn) [7, tr. 666 ] (Đây có phải nơi đô hội thần tiên chăng?

Không, không phải cảnh nơi Bồng Hồ, Lăng Uyển Nay là cuộc sống hồng hoang, cổ đại chăng?

Cũng không phải dân Vô Loài, Lật Lục, Ly Liên.)

(Phú cõi thọ - Lý Tử Tấn)

Tác giả đã bày ra trước mắt người đọc một bức tranh tuyệt đẹp về một đất nước thanh bình, thịnh trị với mưa thuận gió hòa, muôn dân được sống trong cảnh ấm no, an vui:

Thì đương khai thái;

Khí ứng dương hòa.

Noãn nhập cung đình, cam vũ nhuận trường sinh chi thảo;

Xuân quy ngự uyển, nhân phong khai bất lão chi hoa.

Tục hoàn thái cổ;

Dân hưởng hanh hỉ.

Hạc phát kê bì;

Hoan ngu thánh hóa.

Hoàng đồng tổng giác;

Cù hạng âu ca.

Đãng đãng hồ, bình bình hồ, ung hi chi thế;

Bân bân hồ, úc úc hồ, lễ nghĩa chi gia.

(Thọ vực phú – Lý Tử Tấn) [7, tr. 666]

Thời đương thịnh trị;

Khí hậu thuận hòa;

Ấm tới sân vua, mưa “ngọt” rưới thuốc “sống lâu” lên cây cỏ;

Xuân về vườn ngự, gió “nhân” điểm sắc “không già” cho lá hoa.

Phong tục chất phác;

Cuộc sống đậm đà.

Người già tóc bạc, vui vầy phúc đức;

Trẻ thơ để chỏm khắp nẻo vui ca.

Lồng lộng thay, man mác thay, cảnh đời tươi đẹp;

Văn vẻ thay, hòa hợp thay, nền nếp cửa nhà.

(Phú cõi thọ - Lý Tử Tấn)

Và nhân sĩ cũng bày tỏ niềm kỳ vọng về một vương triều thịnh trị đời đời được tạo dựng sau những võ công oanh liệt của dân tộc:

Y dư thánh tổ, thiên tích thần vũ hề.

Tứ chinh phất đình, đại thác cương vũ hề.

Dân điềm vật hi, phong thuần trị cổ hề.

Thánh tử thần tôn, đại tác dân chủ hề, Tư dân vạn niên, thụ thiên chi hựu hề.

(Thọ vực phú – Lý Tử Tấn) [7, tr. 666]

(Thánh Tổ ta hùng thay Đức oai Thần Vũ chừ, Bốn lần dẹp loạn, Cõi bờ mở rộng chừ;

Dân thịnh, vật yên, Phong tục thuần cổ chừ, Con thánh, cháu thần,

Nối dõi làm chúa chừ;

Thịnh trị đời đời, Lòng trời phù hộ chừ.)

(Phú cõi thọ - Lý Tử Tấn)

Tiếp bút cho cảm hứng ngợi ca đất nước thịnh vượng, non sông rạng màu cẩm tú ấy, Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực với bài phú thi Hội Xuân đài phú đã góp một bản nhạc tươi vui trong dàn hòa ca ca tụng cuộc sống yên ấm, an vui của toàn dân dưới sự trị vì của đức Thánh thượng anh minh. Với văn bút khoa trương, khỏe khoắn, cùng tài bút khôn khéo, Lưỡng quốc Trạng Nguyên đã nâng tầm “đài xuân” của dân tộc Đại Việt lên cao một bậc, trên cả “đài xuân” của những thời vua được xem là huyền thoại, một đi không trở lại trong sử sách Trung Hoa. Mở đầu tác phẩm tác giả khen ngợi “đài xuân” ở các thời Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu Thuấn, Vũ, Thang nhưng kết cuộc gặp phải vận suy đã khiến cho “Đài xuân” ấy đổ nát, người đời sau cười chê. Còn ở đất nước ta, Đức Cao Hoàng lấy lòng nhân trị vì thiên hạ, chính vì thế Ngài đã “Bồi trúc hồ bất đài chi đài;/ Huân chưng hồ bất xuân chi xuân”, mà ở đó muôn dân được sống an vui, giàu có, mùa màng bội thu, đất nước thịnh trị với phong tục thuần khiết và được lưu danh muôn đời:

Ô biến thì ung, phủ hạo hạo hi hi chi tục;

Đào thành tự vựng, thi sinh sinh hóa hóa chi nhân.

Bồi trúc hồ bất đài chi đài;

Huân chưng hồ bất xuân chi xuân.

Đại đình kì thế;, Cát Thiên kì dân.

Ngọc chúc lạn hề tứ thì;

Cảnh tinh xán hề tam thần.

Khai thái bình chi phi nghiệp;

Dĩ thùy dụ ư hậu nhân.

Cổ huân phong dĩ đồ trị;

Nghinh hóa nhật chi thư trường.

Cố hoàng đồ ư ức tải;

Khai thọ vực ư bát hoang.

Hưu trưng ngũ khí;

Tường ứng tam quang.

Vạn dân phú thứ;

Ngũ cốc phong nhương.

(Xuân đài phú – Nguyễn Trực) [7, tr.

738]

(Xây dựng cuộc đời vui, phong tục thuần khiết;

Tạo nên cảnh mới, đạo đức quang minh.

Bồi đắp một “tòa đài”, không phải tòa đài bằng mắt thấy;

Hun đúc một “mùa xuân”, không phải mùa xuân thường tình.

Sống đời Đại Đình, bốn mùa sáng trưng đuốc ngọc;

Làm dân Cát Thiên, ba sao chói rọi điềm lành.

Mở nghiệp thái bình to lớn;

Đời sau mãi mãi lưu danh.

Muôn thuở nghiệp nhà vững chắc;

Bốn phương cõi thọ huy hoàng.

Điềm lành rạng vẻ;

Sao tốt sáng choang;

Dân cư giàu có;

Được bội mùa màng.)

(Đài xuân phú – Nguyễn Trực) Bài phú vừa mang âm hướng tụng ca đậm nét vừa thấm đẫm tinh thần tự hào dân tộc. Đây quả thật là điều đáng quý vô cùng!

Sau lần trở về thăm Lam Sơn, bái yến lăng tẩm tổ tiên, bậc đại trí vương Lê Thánh Tông sáng tác bài đại phú Lam Sơn Lương Thủy phú với độ dài hơn 300 câu, trong đó ông đã dành không ít công sức để tụng ca đất nước tươi đẹp mà đức Thái tổ đã dày công tạo dựng sau cuộc võ công oanh liệt năm nao. Với văn bút khoa trương diễm lệ cùng cảm xúc tự hào xen lẫn bồi hồi xúc động khi nhớ lại ơn

sâu của Đức Thái Tổ, bức tranh về non sông tươi đẹp được hiện ra thật sắc nét và sống động.

Khôi hoàng cương hề xiển đế hoành.

Điện các tranh vanh, tư sáng nghiệp chi thanh danh.

Giao nguyên dĩ lý, hoài tiên vương chi tang tử;

Phụ lão hề kỳ di, viên lăng hề mật nhĩ.

Thổ sảng khải dĩ cao du hề, Nhân thuần hồn nhi anh vĩ.

Trường ba mạn hoạn dĩ nam lưu hề.

Tiêu lĩnh thôi ngôi nhi bắc trĩ.

Sơn xuyên lân tuần nhi quật khởi hề trung ương.

(Lam Sơn Lương Thủy phú – Lê Thánh Tông) [14 , tr. 487]

(Mở mang nghiệp đế chừ rạng thánh minh!

Cung điện chênh vênh chừ ơn sáng nghiệp.

Lừng oai danh!

Ruộng đồng rộng rãi, đây chốn tiên vương nơi quê cũ.

Bô lão chừ sống lâu; Vườn, lăng chừ gần gũi Đất cao ráo mà phì nhiêu chừ.

Người thuần hậu mà anh vĩ.

Sông dài thăm thẳm chảy về nam chừ.

Núi chắn mặt bắc, cao vòi vọi;

Non sông hộ vệ mà vào chầu chừ.

Lăng tẩm tổ tiên hình quật khởi.)

(Bài phú về núi Lam sông Lương – Lê Thánh Tông) Cảm hứng tụng ca non sông đất nước ấy còn được thể hiện qua việc miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của vùng núi Lam Sơn – nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn oanh liệt xưa kia và con sông Lương Giang ở Thanh Hóa. Bằng sự tự hào cùng vốn kiến thức uyên bác, Lê Thánh Tông đã miêu tả, tụng ca vẻ hùng tráng của vùng núi Lam Sơn và sông Lương Giang hết sức tỉ mỉ và sinh động. Dưới ngòi bút tài hoa của tác giả, Lam Sơn hiện ra không chỉ là một vùng núi tuyệt mỹ mà còn vô cùng hiểm trở:

Lam Sơn hề liêu nhiêu trường;

Hoài Thiên Mục ư ngảm ngạc;

Ỷ Thụ Mệnh nhi đằng nhương.

Đấu nậu ấu tiện, Nghiễm nhĩ đao thương.

Tam nham bỉ trĩ, uất lũy, phương nhương.

Hàm nha bố hoạch, đàn man thăng dương.

Hương thuyên ty duân hề tiễn thụ dương!

Phần lưu hi diệm hề phi vũ thường!

Tinh ly vân đậu, hạc chử loan tường hề sơn thế kỳ!

Sơn thế kỳ hề thiên vạn;

Mê hàn thố ư kim khu.

Ế tường dương ư kim khu.

(Lam Sơn Lương Thủy phú – Lê Thánh Tông) [14, tr. 487]

Núi Lam quanh quanh bao dặm trường.

Ôm núi Thiên Mục cao ngất nghểu.

Tựa núi Thụ Mệnh dường cố vươn;

Ngọn thấp chầu vào dáng khúm núm, Ngọn cao tủa như dáo gươm.

Trập trùng thoai thoải.

Nhấp nhô tỏa lan.

Hiểm trở bát ngát.

Thênh thang chập chờn.

Lêu đêu kho đụn;

Chon von vách tường.

Cỏ thơm như tơ chừ cành cao vươn;

Núi tỏa hơi lam chừ múa nghê thường.

Sao dời mây họp,

Hạc múa loan vờn chừ, thế núi kỳ;

Thế núi kỳ chừ muôn vạn trạng.

Lạc thỏ lạnh chừ ở kim khu;

Che ác vàng chừ khi tảng sáng.

(Bài phú về núi Lam sông Lương – Lê Thánh Tông) Tài bút sắc sảo cùng những mỹ từ hoa lệ, Lê Thánh Tông đã vẽ nên một bức họa núi Lam Sơn tuyệt đẹp. Không chỉ mang vẻ đẹp linh thiêng, huyền bí, hiểm trở; mà núi Lam Sơn còn ẩn chứa vẻ đẹp hết sức kiêu sa đài các. Con sông Lương Giang dưới ngòi bút của ông cũng hiện ra thật đẹp và hùng vĩ:

Hãn hãn Lương Giang, xung dung tịnh bão.

Lung kinh thủy ư thiên nham;

Khoát tòng vu ư vạn hác.

Hỗn tông lưu hề phượng hồng, Biểu thần tư hề hạc bộc.

Thường phù nhạn ư di đà, Dật giơi lân ư sàm tước.

Hùng ba phí nhi bắc kiểu tương đào.

Dũng lại huyên nhi hiệp kinh điệp dược.

Phong nô tuấn thoan, uông oanh tiền khước, Băng hãng quyệt niết, hồng lan ỷ giốc.

Xúc ngạn chi tiễn cận lôi.

Hỡi thiên chi lưu viễn bạc.

Sạ ấp sạ đôi, như quyết như tạc.

Vân dật toàn hoàn, uyên huyền toát huếch…

(Lam Sơn Lương Thủy phú – Lê Thánh Tông) [14, tr. 487]

(Bát ngát Lương Giang;

Dòng trong nước mát.

Tóm mọi nguồn từ ngàn non.

Thu nước đục từ muôn thác,

Họp dòng nước lớn chừ mênh mông, Gom nhánh nhỏ chừ dào dạt.

Cá tung tăng chừ trong lạch con;

Le lượn lờ chừ trên bãi cát.

Sông dữ đổ mà núi Bắc bị mòn,

Xoáy nước tuôn mà thần linh nhảy nhót.

Mênh mông dập dờn, Gió to nước xiết.

Loang loáng tỏa lan, Sóng dồi lớp lớp.

Như tên bắn bờ, tiếng ầm vang;

Tự xoáy chuyển trời, dòng bát ngát.

Chợt hạ chợt dềnh như đẽo như tạc.

Sóng cả rào rào, dòng to ào ạt.

Uốn khúc lững lờ Quanh co xoáy tít…)

(Bài phú về núi Lam sông Lương – Lê Thánh Tông) Qua những câu phú đầy xúc cảm nhưng cũng không kém phần hào sảng ấy, nhà vua bày tỏ lòng nhớ ơn đến công đức sáng nghiệp của tổ tiên thời Lam Sơn khởi nghĩa và thể hiện quyết tâm giữ vững công nghiệp ấy. Tựu trung lại, qua những bài phú viết về núi tổ Chí Linh hay những về “đài xuân”, “cõi thọ”…

mượn việc tụng ca non sông tươi đẹp, đất nước thanh bình thịnh trị, các tác giả bày tỏ lòng yêu nước sâu sắc cùng lòng tự hào dân tộc hết sức ý vị. Đồng thời đó cũng là một cách để giáo dục cho các thế hệ sau biết quý trọng cuộc sống hòa bình đang có. Bằng những áng văn hay, những hình tượng hùng vĩ, to lớn để ca ngợi vẻ đẹp linh thiêng, các tác giả đã bày tỏ lòng yêu nước một cách kín đáo, ý vị nhưng cũng không kém phần mãnh liệt, hào hùng.

Một phần của tài liệu Thi pháp thể loại phú chữ hán trong văn học việt nam thế kỷ xv đến thế kỷ xvii (Trang 45 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)