CHƯƠNG 2: THI PHÁP THỂ LOẠI PHÚ CHỮ HÁN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV ĐẾN THẾ KỶ XVII NHÌN TỪ CẢM HỨNG NỘI DUNG
3.4.1 Nguồn gốc phát xuất
Những hình ảnh được dùng trong phú chữ Hán giai đoạn thế kỷ XV đến thế kỷ XVII thường được các văn sĩ lựa chọn với các tiêu chí phổ biến, khái quát, hình tượng, biểu cảm và đa dạng tương tự như thi pháp dụng điển trong văn học trung đại. Những hình ảnh tùy theo chủ đề và thiên hướng biểu đạt của tác giả mà phát xuất từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Qua khảo sát các văn bản phú chữ Hán, chúng tôi đã khái quát nguồn gốc phát xuất của thi pháp xây dựng hình ảnh ở hai bình diện: từ kho tàng văn tự, văn hóa cổ và từ hiện thực cuộc sống
Trường hình ảnh lấy từ kho tàng văn tự, văn hóa cổ nhằm đáp ứng đặc tính ước lệ tượng trưng trong yêu cầu biểu đạt và biểu cảm của thể phú. Các văn sĩ sáng tác phú thường mượn hình ảnh lấy từ các nguồn thư tịch cổ Trung Quốc (như Kinh, Sử, Tử, Tập) hoặc từ thơ ca hoặc từ văn học cổ hoặc từ văn học dân gian; trong đó, nhiều hình ảnh được lấy từ Kinh bộ gồm Kinh thư, Kinh Xuân
Thu, Luận Ngữ; từ Sử bộ gồm Sử ký, Hán thư, hậu Hán thư, Tam quốc chí, Tấn thi,...; từ Tử bộ gồm Nho gia, Đạo gia, Binh gia, Pháp gia, Phật gia,...; từ Tập bộ gồm các sách thơ văn, phê bình thơ văn, từ khúc. Ngoài ra, các tác giả còn xây dựng hình ảnh từ nguồn văn hóa văn học dân tộc như từ các nhân vật lịch sử, các tác phẩm văn chương cổ, các sự kiện lịch sử dân tộc mang tính chất trọng đại...
Nhìn chung, những hình ảnh có nguồn gốc từ văn hóa – văn học Việt được vận dụng không phổ biến và không đạt hiểu quả cao như các hình ảnh có nguồn gốc từ Trung Hoa.
Trong bài Lam Sơn phú của Nguyễn Mộng Tuân, chúng ta đã được chiêm ngưỡng những hình ảnh núi sông hùng vĩ và linh thiêng qua mấy câu phú hào hùng:
Thiên trụ ngật hề đình đình;
Trấn ngao cực hề bất kinh.
Vượng khí đằng ư Tây Việt;
Anh phong chấn ư Bắc minh.
Hà đồ hiện nhi long mã xuất;
Lạc thư giáng nhi thần quy trình.
Thử vi thiên hạ quan hà chi tông chủ;
Nhi Lam Sơn chi sở dĩ đắc thanh dã.
(Lam Sơn phú – Nguyễn Mộng Tuân) [53, tr.198]
(Cột trời cao ngất đứng sừng sững;
Chân ngao chống đỡ chẳng rung rinh.
Đất Việt bốc lên khí vượng;
Bể Bắc được đón gió lành.
Hà đồ nổi mà ngựa rồng in bóng;
Lạc thư giáng nên rùa thần hiện hình.
Dây núi tổ đầu mối của thiên hạ;
Bởi thế làm Lam Sơn mới lừng danh?)
(Phú Lam Sơn - Nguyễn Mộng Tuân)
Câu phú mở ra một không gian thiên nhiên rộng lớn, một cõi trời mênh mông bao la với cảnh sắc lập tức làm choáng ngợp lòng người. Những hình ảnh
“cột trời”, “chân ngao”, “Hà đồ”, Lạc thư” mà tác giả sử dung mang đậm chất ước lệ tượng trưng. Đây là toàn bộ những hình ảnh phát xuất từ cảm hứng về tinh hoa văn hóa lịch sử Á Đông. Hình ảnh “cột trời”, “chân ngao” được lấy từ câu chuyện thần thoại cổ phương Đông về cây cột trụ trời dựng trên chân rùa – cây cột làm nhiệm vụ phân tách giữa trời và đất, giữ cho đất trời làm hai cõi riêng biệt song tồn vững chãi. Hình ảnh “Hà đồ”, “Lạc thư” được lấy từ thần thoại Bách Việt: ngựa thần sông Hoàng dâng sơ đồ cho Phục Hy và rùa thần sông Lạc dâng sơ đồ cho Hạ Vũ. Nếu như “cột trời”, “chân ngao” là biểu tượng ẩn dụ cho sự hùng tráng, kỳ vĩ của cảnh sắc Lam Sơn thì “hà đồ”, “lạc thư” lại chính là biểu tượng để ngợi ca, tán tụng vị anh hùng Lê Lợi như những đấng minh quân Phục Hy, Hạ Vũ. Việc sử dụng những hình ảnh có nguồn gốc từ văn tịch cổ, văn hóa cổ vừa thể hiện sự uyên bác, trí tuệ của tác giả, vừa có tác dụng giúp cho bài phú tăng thêm tính uyên nhã, cổ kính, giàu tính ước lệ, tượng trưng. Hiệu ứng so sánh và dụng ý biểu đạt của chủ thể sáng tạo dường như thêm phần tinh tế, câu phú vì thế mà vừa trở nên bóng bẩy hoa mĩ, vừa đầy sức gợi tả và gợi cảm.
Những hình ảnh lấy từ hiện thực cuộc sống lại ít phong phú hơn trường hình ảnh lấy từ kho tàng văn tự, văn hóa cổ. Chúng thường là những hình ảnh mang tính chất sơ nguyên, được lọc chọn qua lăng kính của nhà văn nhằm biểu đạt dụng ý của tác giả. Việc lựa chọn và xây dựng hình ảnh trong thể phú là dựa vào nguyên tắc biểu đặt riêng của người sáng tạo nghệ thuật. Để đảm bảo những đặc tính cần thiết, điển cố phải thông qua những từ, ngữ, câu đó mà hàm chứa toàn bộ nội dung lẫn ý nghĩa sâu sắc mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình. Các hình ảnh được lựa chọn thường là những hình ảnh ấn tượng, đập vào mắt bởi sự lớn lao kì vĩ hay vẻ đẹp tiên bồng thoát tục. Chúng mang tính chất đặc sắc, tiêu biểu, độc đáo, có khả năng truyền cảm hứng cho người đọc, khiến họ có thể liên tưởng, tưởng tượng, và lĩnh hội ngay dụng ý mà tác giả muốn gửi gắm. Trường hình ảnh dù được lấy từ thực tế cuộc sống nhưng cũng luôn được tô điểm, trau chuốt, gắn cho chúng tính hình tượng và biểu cảm cao với mục đích đạt được hiệu quả mạnh mẽ trong diễn đạt.
Nói đến thi pháp xây dựng hình ảnh phải kể đến bậc thầy Nguyễn Trãi, có thể lấy ví dụ với đoạn phú sau:
Ngã chi quân thanh nhật dị ích chấn, tặc chi bôn mệnh nhật dĩ ích bì. Thị Kiều chi băng đê hội nghị, Tốt Động chi kính phong tồi uy.
Trần Hiệp, Lý Lượng chi thâm khanh trụy hổ, Vương Thông, Mã Kỳ chi phí đỉnh ngư nhi.
(Chí Linh sơn phú – Nguyễn Trãi) [53, tr.162]
(Thế mạnh quân ta ngày thêm lừng lẫy;
Sức tàn quân giặc ngày thêm rã rời.
Trận Ninh Kiều kiến trôi đê vỡ;
Trận Tốt Động cây mục gió dồi.
Trần Hiệp, Lý Lượng như cọp sa hố thẳm;
Vương Thông, Mã Kỳ như cá nằm vạc sôi.)
(Phú núi Chí Linh – Nguyễn Trãi) Để ca ngợi thế trận vẻ vang của quân dân ta, Nguyễn Trãi đã phác họa nên bức tranh đầy hình ảnh sinh động với những địa điểm nổi tiếng quen thuộc mà đâu đâu cũng đang sục sôi khí thế chiến đấu và chiến thắng. Trong tương quan với hào khí của dân tộc là sự thảm bại của kẻ thù. Bằng lối so sánh ví von hết sức đời thường và giàu sức biểu đạt, Nguyễn Trãi đã mượn hình ảnh của tổ kiến bị vỡ toang trong lúc bờ đê sạt làm tràn nước lũ, hay hình ảnh của những cành cây khô yếu ớt tứ tán trong cơn gió to để mô tả sự tan rã, tháo chạy trong cơn hoảng loạn của quân giặc. Đối với những tên tướng giặc bất tài hèn nhát, nhà thơ lại so sánh chúng với “hùm sa hầm sâu”, “cá ném vạc sôi” – những con vật đang trong cơn hiểm nguy cận kề cái chết – để thể hiện sự quẫn bách đến tột cùng. Những hình ảnh mà Nguyễn Trãi dùng để gợi tả, so sánh đều là những hình ảnh thân thuộc, dễ hình dung, dễ ấn tượng bởi bản thân chúng đều phát xuất từ cuộc sống thường nhật, ai cũng có thể hiểu, ai cũng có thể mường tượng ra. Có lẽ vì thế mà hình ảnh thơ thêm giàu sức gợi tả và gợi cảm, giúp cho dựng ý nghệ thuật của tác giả được thể hiện một cách dung dị mà đầy hiệu quả.
Việc nghiên cứu nguồn gốc phát xuất của hình ảnh trong phú chữ Hán giúp cho người tiếp nhận có cái nhìn sáng rõ hơn về quá trình sáng tạo nghệ thuật
của người cầm bút, phương thức xây dựng hình tượng nghệ thuật và hiệu quả thẩm mĩ mà chúng mang lại. Đối với các hình ảnh được lấy từ trong kho tàng văn tự, văn hóa cổ, tác giả vừa đồng thời thể hiện được tri thức, sự hiểu biết của bản thân, vừa đồng thời mang đến cho bài phú chữ Hán sự uyên bác cao nhã trong hành văn và dụng điển. Đối với các hình ảnh được lấy từ thực tế cuộc sống, tác giả phô bày sự tinh tế nhạy cảm của mình trước biến động của thời cuộc, trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người, đồng thời cũng dễ dàng gửi gắm cảm xúc cá nhân, nâng cao tính biểu tượng, biểu đạt và biểu cảm cho thể phú.