CHƯƠNG 2: THI PHÁP THỂ LOẠI PHÚ CHỮ HÁN TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV ĐẾN THẾ KỶ XVII NHÌN TỪ CẢM HỨNG NỘI DUNG
3.4.2 Tính chất biểu trưng
Trong văn chương trung đại nói chung và trong thể loại phú nói riêng, hình ảnh trong tác phẩm không chỉ giúp tác giả chuyển tải được nội dung mà còn mang giúp mang đến những ý nghĩa biểu trưng.
Tính chất biểu trưng của hình ảnh trong tác phẩm phú được thể hiện qua việc tác giả mượn những hình ảnh cụ thể của đời sống để biểu đạt những nội dung mang ý nghĩa thâm thúy hơn. Lý Tử Tấn mượn hình ảnh “Quảng cư”, “Cõi thọ” để ngụ ý tụng ca về một vương triều thịnh vượng dưới triều đại của vua Lê Thái Tổ.
Nãi hữu:
Quy mô giản dị, Cơ thành thản bình.
Phỉ đống phỉ lương, nhi thái hư bất túc dĩ dụ kì khoan đại;
Phỉ song phỉ dũ nhi nhật nguyệt bất túc dĩ tịnh kì cao minh.
Bất giai bất bệ;
Vô phủ vô thành.
Duy trí duy tín kì lan kì doanh;
Duy lễ duy nghĩa, kì môn kì đình.
Vạn chung chi phú, bất năng tăng kì tráng lệ;
Thiên thặng chi quý, bất năng cung kì kinh doanh.
(Quảng cư phú – Lý Tử Tấn) [7, tr.659]
(Nếu vậy thì nơi đó:
Phẳng phiu nền tảng;
Giản dị mô hình.
Tuy không cột, không rường, nhưng trời đất kia khó sánh tầm rộng lớn;
Tuy không cửa, không lối, nhưng nhật nguyệt kia khôn so vẻ quang minh.
Không thềm, không bậc;
Không phủ, không thành.
Chỉ trí, chỉ tín;
Thành liếp, thành ngăn.
Chỉ lễ, chỉ nghĩa;
Thành cửa, thành sân.
Giàu đến muôn chung khó hơn phần tráng lệ;
Oai đến nghìn xe, chẳng bì sức tung hoành.)
(Phú ở nơi thoáng rộng – Lý Tử Tấn) Nội dung đặc thù của phú trong thời kỳ này, nhất là vào thế kỷ XV mang cảm hứng tụng ca rõ nét, chính vì thế, tính biểu trưng của hình ảnh cũng không nằm ngoài nội dung này. Điều này hoàn toàn có thể lý giải được bởi đây chính là giai đoạn phát triển vô cùng thịnh vượng của nước Đại Việt sau chiến thắng vang dội chống quân Minh xâm lược. Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của dân tộc không ngừng được cải tiến và đạt được nhiều thành tựu to lớn, sánh vai với các nước trong khu vực. Có thể nói rằng, đây là thời kỳ thịnh vượng nhất trong chế độ phong kiến của dân tộc ta, nhân dân được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc dưới đức trị của bậc minh quân.
Hình ảnh mang tính biểu trưng được các tác giả đương thời vận dụng rất điêu luyện. Không chỉ mang đến những giá trị về mặt nội dung mà ở phương diện nghệ thuật, những hình ảnh ấy còn khiến cho bài phú dễ đi vào lòng người và mang giá trị răn dạy một cách kín đáo, đầy ý vị, sâu sắc. Song song với cảm hứng tụng ca, các sĩ phu đương thời cũng không quên nhắc nhở kẻ sĩ nên “phò nghiêng đỡ lệch”, đem tài cán của mình ra để giúp vua giúp nước. Sử dụng hình ảnh “kê minh”, Nguyễn Thiên Tích muốn hướng đến nhắn nhủ những kẻ sĩ, đại
trượng phu nên tích cực ra phò vua giúp nước, không nên chỉ khư khư nghĩ đến bản thân mình:
Sĩ bất tư thế cố đương kiển đằng chấn tấn dĩ hiệu;
Ung giai chi phượng lai hựu hạ luận cổ nhân chi tao phách.
Đồ đăng cao tác phú;
Dĩ ngụ kì tình dã tai!
(Kê minh phú – Nguyễn Thiên Tích) [7, tr.704]
(Kẻ sĩ thời này, phải bay nhảy như phượng hoàng gáy lớn;
Hơi đâu bàn tán kiểu cũ những lời bã nhã linh tinh nữa?
Hãy lên chỗ cao mà viết bài phú tỏ rõ tâm tình ra vậy.)
(Phú gà gáy sáng - Nguyễn Thiên Tích) Nguyễn Phu Tiên cũng không băn khoăn với nỗi niềm mong muốn những nhân sĩ có tài cán thật sự “ngọc lành” thì nên “giúp nước”, “phò đời” để vương triều ngày một thịnh vượng, toàn dân tộc được sống cảnh thái bình, thịnh trị, đấy mới là phải đạo, mới chính là sự cao quý của người quân tử:
Mỏi mặt biết ai thợ khéo mà chờ;
Lại biết ai có ngọc lành mà đợi mãi?
…
Ngọc quí người dâng khắp chốn;
Điềm lành thấm đượm muôn nơi.
Trước thềm rồng, cúi mình dâng ngọc quý;
Dâng ngọc quý, dâng cả tấm lòng người.
Nào ngọc “Hồ Liễu” nơi tôn miếu lóng lánh;, Nào ngọc “Khuê Chương” nơi cung thất sáng ngời.
Để vua ta, Thuấn, Nghiêu cùng hạng;
Để đời ta, Thành, Khang cùng thời.
Khiến cho toàn dân ta biết liêm sỉ, quý lễ nghĩa;
Đó chính là vẻ đẹp của ngọ lành sáng soi vậy.
(Phú Ngọc lành đợi giá – Nguyễn Phu Tiên) [34, tr. 350]
Không chỉ khuyên răn mà còn gửi gắm, ký thác tâm tình của kẻ sĩ cũng là một nội dung quan trọng mà tính biểu trưng của hình ảnh hướng đến. Với hình ảnh chiếc gương phương chư, cây tùng cây bách, Đặng Tuyên đã bày tỏ, ngợi ca tiết tháo, tấm lòng trong sạch của người quân tử một cách thật tinh tế:
Dĩ phương chư chi thủy nhi vi khiết;
Thục nhược trừng ngôi chi tâm?
Dĩ Dương toại chi hỏa nhi vi minh;
Thục nhược chuyên ngô chi tinh?
Tinh thần thanh minh hề;
Hà giả hồ toại chi quang?
Chí khí trừng triệt hề;
Hà dụng hồ chư chi thanh?
Thị tư “Phương chư” dữ “Dương toại”, đặc trợ kỳ ngoại nhĩ;
Nhi bác nhã quân tử, bất tất tuẫn ngoại nhi háo danh?
(Phương chư phú – Đặng Tuyên) (Lóng nước ở gương Phương chư mà cho là sạch;
Thì sao bằng “lóng sạch” chính ở tâm của mình?
Châm lửa ở kính Dương toại mà cho là sáng;
Thì sao bằng “châm sáng” chính ở tinh của mình?
Tinh thần anh minh chừ;
Thì cần gì phải dựa vào kính Dương toại để nhen tí lửa lập lòe?
Chí khí thanh cao chừ.
Thì cần gì phải nhờ đến gương Phương chư để hứng tí nước lung linh?
Bởi vì:
Gương Phương chư và kính Dương toại;
Chỉ góp tí chút phô trương bề ngoài.
Còn:
Những bậc cao thượng và bác học;
Bất tất phải dựa dẫm bởi tham danh.)
(Gương phương chư – Đặng Tuyên) [35, tr. 265]
Hay:
Niệm dư sinh chi ký vãn;
Ngưỡng thánh giáo nhi trường thán.
Ấp dư ba ư Thù Tứ;
Tịch dư ấm ư hạnh đàn.
Chấn Tể Dư chi hủ mộc;
Chiết quế chi ư nhất phan.
Trứ hậu điêu chỉ tùng bách;
Lậu bồ liễu chi tiên tàn.
Thỉ dư tâm dĩ vô thế;
Vô hữu toại phu lăng vân chi chí yên.
(Tùng bách hậu điêu phú – Đặng Tuyên)
(Nghĩ như ta sinh ra muộn;
Ngẫm đạo thánh, mà than dài!
Thù, Tứ tới lui vỗ sóng;
Hạnh đàn nghiệp ấm dùi mài.
Gỗ mục Tề Dư gắng chống đỡ;
Vin cành nguyệt quế cũng như ai.
Tùng bách rụng sau đáng phục;
Bồ liễu tàn trước đáng cười.
Ta thà giữ lòng không đổi;
Ngõ hầu: thỏa chí tung mây…
(Phú tùng bách rụng sau – Đặng Tuyên) [35, tr.266]
Tâm trạng bất đắc chí, nghĩ mình sinh ra lỡ thời, không muốn sống cuộc sống ganh đua, nịnh nọt để hưởng bổng lộc, chỉ muốn sống một cuộc đời nhàn tản để giữ trọn khí tiết cao quý của kẻ sĩ cũng là một trong những nội dung mà các văn sĩ đương thời muốn gởi gắm. Mượn hình ảnh gương phương chư cũng như tùng bách, Đặng Tuyên đã nói lên được nỗi lòng của mình, bày tỏ được tiết tháo thanh cao, trong sạch của kẻ sĩ, một bậc đại trượng phu. Ông thà sống cuộc đời như cây tùng cây bách chứ không chịu luồn cúi trước những ô trọc của xã hội
để hưởng lợi lộc. Ông có niềm tin mãnh liệt rằng qua bao nhiêu phong ba bão táp, sóng gió của cuộc đời, thì tài năng cũng như tiết tháo của kẻ sĩ mãi hiên ngang cùng đất trời, không bao giờ lụi tàn. Việc này có thể xuất phát từ việc ông không được triều đình trọng dụng nên mới có tâm trạng bất đắc chí như vậy Tuy nhiên, điều đáng quý nơi Đăng Tuyên chính vẫn chính là tấm lòng thanh sạch, không đua chen theo danh lợi xa hoa.
Như thế có thể thấy rằng, những hình ảnh mang tính biểu trưng trong phú chữ Hán đã mang đến những ý nghĩa thật sâu sắc, giúp tác giả gởi gắm tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của mình một cách ý vị và kín đáo. Với đặc trưng điển nhã, bác học của thể loại “văn chương quý tộc”, tính biểu trưng của hình ảnh cũng góp phần tô điểm thêm vẻ mỹ lệ cho tác phẩm phú và thể hiện được tài năng, phong cách của tác giả.