CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC
1.3. Các cơ sở để xây dựng chiến lược của một vùng
1.3.4. Kinh nghiệm của một số vùng trên thế giới và trong nước
1.3.4.1. Mô hình trên thế giới
Mô hình đặc khu kinh tế:
Đặc khu kinh tế (tên gọi khác là Khu kinh tế tự do, khu gia công, khu chế xuất, thung lũng công nghệ, khu vườn công nghệ…).
Khái niệm: Đặc khu kinh tế là một khu vực được phân định ranh giới địa lý rõ ràng và được bảo đảm về mặt an ninh; có cơ chế quản lý và hành chính riêng biệt; là khu vực được hưởng các ưu đãi vượt trội về thuế, hải quan và có các đặc quyền cụ thể (FIAS, 2008; Dohrman, 2008; WB, 2010; Thomas, 2011).
Các tiêu chí: (1)-Vị trí địa lý, chính trị thuận lợi cho giao thương quốc tế: gần các trung tâm kinh tế, dịch vụ, văn hóa phát triển - Đây là chỗ dựa cho bước khởi đầu phát triển của các khu này. (2)-Đặt trong quy hoạch phát triển liên hoàn của quốc gia: nằm trong vùng động lực của Vùng và khu vực; là
một cực tăng trưởng quốc gia bên cạnh một thị trường lớn và một nền kinh tế phát triển nhanh để nó có thể tận dụng được lợi thế phát triển của thế giới bên ngoài, của cả vùng và có thể lan tỏa ảnh hưởng. (3)-Thể chế kinh tế và hành chính hiện đại: phải tạo ra được sự vượt trội và hiện đại về thể chế so với các quốc gia khác. (4)-Cơ sở hạ tầng hiện đại: cần có sân bay, cảng biển, liên lạc viễn thông,…hiện đại; chi phí vận chuyển thấp tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư. (5)-Nguồn nhân lực chất lượng cao: Phải tạo ra “những mảnh đất lành” với nghĩa là những khu kinh tế có cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, đủ sức hấp dẫn quốc tế là hết sức cần thiết.
Phạm vi và quy mô: Có ranh giới xác định, có thể bao gồm nhiều khu vực khác nhau trong Khu kinh tế đặc biệt: (1) Khu cảng biển quốc tế; (2) Khu sân bay quốc tế; (3) Khu thương mại; (4) Khu thuế quan; (5) Khu biên giới;
(6) Khu ngân hàng; (7) Khu bảo hiểm; (8) Khu doanh nghiệp tự do và khu hải quan; (9) Khu gia công, chế xuất; (10) Khu ngoại quan; (11) Khu tạm nhập, tái xuất; (12) Khu công nghiệp; (13) Khu đô thị du lịch; (14) Khu thương mại miễn thuế; (15) Khu phát triển kỹ thuật và thông tin.
Định hướng phát triển: Trên cơ sở phân tích, đánh giá 30 năm phát triển của các đặc khu kinh tế trên thế giới, FIAS (2008) đưa ra những hướng dẫn để phát triển thành công các đặc khu kinh tế: (1) Xây dựng một khung thể chế, pháp luật, quy định phù hợp đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi và có những quy định đầy đủ, đòi hỏi những cơ chế hành chính rộng hơn các quy định chung của chính phủ. (2) Đảm bảo rằng các quy định đối với đặc khu kinh tế là linh hoạt, cho phép nhiều hoạt động sản xuất cũng như thương mại. Nếu như có sự giám sát tốt thì không cần thiết phải tách riêng các khu tự do thương mại (như trường hợp Malaysia và Thái Lan). (3) Phát triển các đặc khu kinh tế do tư nhân đầu tư nhiều hơn các đặc khu kinh tế chính phủ. (4) Cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong đặc khu kinh tế cũng như những
doanh nghiệp được cấp phép theo cơ chế khác được hoạt động trong cùng địa bàn. Việc xây dựng các khu vực tách biệt chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong đặc khu kinh tế không phải là lựa chọn hoàn toàn đúng nhưng có thể chấp nhận được (như trường hợp Philippines và Thái Lan).
Thể chế và phương thức quản lý: (1) Có luật đặc thù điều chỉnh hoạt động của đặc khu kinh tế. (2) Trao đầy đủ quyền tự chủ cho cơ quan quản lý đặc khu kinh tế, đặc biệt là tự chủ trong việc quyết định biên chế, ngân sách, chi tiêu và hoạch định chính sách. (3) Có một cơ quan quản lý độc lập gồm có đại diện của các bộ ngành chủ chốt của chính phủ và đại diện cho khu vực tư nhân được quyền báo cáo lên cấp cao nhất của chính phủ. (4) Cho phép thành lập bộ phận một cửa được ủy quyền của chính phủ và có trụ sở tại các khu vực chính.
Kinh nghiệm thành công và thất bại:
Kinh nghiệm 3 thập kỷ phát triển đặc khu kinh tế cũng cho thấy sự thất bại hay thành công của một đặc khu kinh tế gắn liền với các yếu tố như:
Chính sách và các khung ưu đãi, vị trí của các khu và cách thức quản lý đặc khu kinh tế. Thực tế ở một số nước cũng cho thấy rằng việc sử dụng những gói ưu đãi vượt trội để bù lại những bất lợi (ví dụ như vị trí không thuận lợi hay cơ sở vật chất nghèo nàn) là không hiệu quả do thực tế trong những năm gần đây hầu hết các đặc khu kinh tế ở các nước đều có xu hướng đưa ra những ưu đãi đầu tư vượt trội.
Nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến sự thành công, thất bại của các đặc khu kinh tế.
Thành công:
-Vị trí địa lý, chính trị thuận lợi cho giao thương quốc tế.
-Đặt trong quy hoạch phát triển liên hoàn của quốc gia.
-Có thể chế kinh tế và hành chính hiện đại.
-Cơ sở hạ tầng hiện đại.
-Nguồn nhân lực chất lượng cao.
-Mạnh dạn thử nghiệm, không quá cầu toàn, vừa thực hiện, vừa hoàn chỉnh thể chế, không chờ đầy đủ cơ sở pháp lý mới thực hiện.
-Mạnh dạn trao quyền cho cấp dưới; có hệ thống cơ chế, chính sách đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực thuế, tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản.
Thất bại:
-Các chính sách và đặc quyền trong các đặc khu kinh tế rất bị hạn chế.
-Chính phủ không chủ động trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua việc xây dựng những cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các đặc khu kinh tế và thường chờ đợi (trong vô vọng) tìm kiếm các công ty tài chính đầu tư hệ thống điện, nước, viễn thông bên trong đặc khu kinh tế.
-Các công ty cũng phải đối mặt với các quy định và thủ tục quan liêu, phức tạp, chi phí rất cao cho cơ sở hạ tầng (như giao thông, điện, nước) và quy định hạn chế về lao động.