CHƯƠNG 3 XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
3.3. Các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược
3.3.4. Nhiệm vụ và giải pháp về phát triển bền vững
Sự bền vững của môi trường trên Vân Đồn là yếu tố then chốt đối với nền kinh tế của quần đảo này. Du lịch, động cơ kinh tế của đảo, cũng như nông nghiệp, ngư nghiệp, cung cấp nước và hoạt động giải trí, tất cả đều kết nối phức tạp với sự bền vững của môi trường trên đảo.
Trước kia, để đáp ứng với những vấn đề môi trường, người ta dùng đến
chính sách, chương trình và những định chế nhằm ra sức chia nhỏ những vấn đề đó ra và chỉ nêu lên từng vấn đề một. Ngày nay, chúng ta nhận thức rằng vấn đề môi trường không thể được hành xử một cách riêng lẻ, mà phải được nêu lên bằng một cách nào để chắc chắn mọi người hiểu đó là một phần trong tổng thể của toàn bộ mọi qui hoạch và mọi quyết định đưa ra. Chiến lược là điều cần thiết để bảo đảm cho một phương pháp toàn diện tiến tới bền vững môi trường, và cũng là cách thức để những cân nhắc về môi trường được thấm nhuần vào công tác qui hoạch và đưa ra quyết định của chính quyền cũng như của tất cả các tổ chức dân sự.
Tác giả đề xuất rằng Vân Đồn cần phải triển khai một “Chiến lược Phát triển Bền vững” (SSD) nhằm mang lại một cơ chế hầu như đạt được sự thống nhất giữa các qui hoạch và các chương trình của nhà nước trong mối tương quan với môi trường. Chiến lược này cũng sẽ mang lại cho chủ đầu tư và các công ty kỹ thuật vận hành tại địa phương một khung sườn để họ dựa theo đó mà bố trí các chương trình và dự án của họ, và cũng nhờ đó họ thiết lập được một cơ sở để cải tiến sự phối hợp các chương trình về môi trường. Chiến lược Phát triển Bền vững nhắm vào các mục tiêu:
(1) Thấm nhuần quan niệm bền vững môi trường vào tất cả những qui trình đưa ra quyết định của chính quyền (nhất là về qui trình đưa ra các quyết định về phát triển); (2) Thiết lập một khuôn khổ chính sách, luật pháp và định chế để quản lý môi trường trên đảo theo đường lối hội nhập; (3) Thực hiện các dự án môi trường nhằm nhấn mạnh đến các vấn đề ưu tiên.
Chiến lược Phát triển Bền vững cần có ba cấp độ. Chiến lược Phát triển Bền vững dành cho Vân Đồn nên:
(1) Phác thảo tầm nhìn, đề ra nguyên tắc và tiêu chí thực hiện. Phác thảo này sẽ được dùng như bản hướng dẫn để đạt đến bền vững trong dài hạn (20 đến 25 năm); (2) Lập ra chương trình, qui trình và định chế để đưa vào kế
hoạch quản lý môi trường trung hạn; (3) Định rõ những vấn đề ưu tiên của kế hoạch và định chi tiết cho các hoạt động, mức độ thực hiện, thời hạn thực hiện, trách nhiệm, và chi phí để thực hiện những việc trên.
3.3.5.Nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ; bảo vệ môi trường:
Về phát trỉên khoa học và ứng dụng công nghệ: (1) Xác định khoa học và công nghệ là động lực chính để phát triển các ngành sản xuất của Khu; Trọng tâm là phát triển cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; trước hết, phục vụ phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến hải sản chất lượng cao, công nghiệp phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, vận tải. Có cơ chế hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu Vân Đồn và sản phẩm của Vân Đồn, hình thành một số ngành, sản phẩm, doanh nghiệp công nghệ cao. (2) Tập trung nguồn lực đề đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ làm động lực đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, trước mắt trong những năm đầu tập trung đầu tư cho khoa học ứng dụng phục vụ phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp, kinh tế biển, kinh tế rừng. (3) Khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp. Có chế tài bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong Khu hàng năm phải dành tối thiểu 5% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ nghiên cứu và phát triển trực tiếp phục vụ cho các nhu cầu về phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ của chính doanh nghiệp. (4) Chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn từ Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu. Các dự án, công trình đầu tư vào Khu phải có công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất thế giới – công nghệ xanh. (5) Tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài phát triển khoa học công nghệ tại Vân Đồn. (6) Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ. Có cơ chế hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao chất
lượng sản phẩm, hình thành một số ngành, sản phẩm, doanh nghiệp công nghệ cao. (7) Xây dựng chính sách khuyến khích và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ về công tác tại Vân Đồn; thực hiện chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ khoa học và công nghệ, chuyên gia đầu ngành và cán bộ khoa học và công nghệ trẻ, tài năng. (8) Đối với những lĩnh vực phát triển chính của Khu, các ngành khoa học mới phù hợp với Vân Đồn được áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn ngân sách để thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài.
Về bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững: (1) Xác định “Tăng trưởng xanh” là giá trị cốt lõi của Vân Đồn, thí điểm xây dựng và triển khai chiến lược tăng trưởng xanh cấp địa phương bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và hỗ trợ ODA. (2) Hoàn thành các quy hoạch: Bảo vệ môi trường tổng thể và Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Lập và triển khai dự án tổng thể xử lý môi trường Vân Đồn. Xây dựng và triển khai dự án đầu tư xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn. Xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt để khuyến khích đối với các dự án sử dụng công nghệ xanh, tiết kiệm và thân thiện với môi trường. (3) Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới;
quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên các đảo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển kinh tế. Xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng cường năng lực ứng phó sự cố môi trường đặc biệt sự cố tràn dầu. Nghiên cứu đảm bảo nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. (4) Bảo tồn và phát huy các giá trị biển và hải đảo hiện có, nhất là Vườn Quốc gia Bái Tử Long. (5) Quản lý chặt chẽ các nguồn chất thải (nước thải, chất thải rắn) trên đảo và biển. Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi bền vững. Xây dựng hệ thống chính sách pháp luật quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với các đảo và trên biển. (6) Phát triển đô thị bền vững (đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình
xanh, xanh hoá cảnh quan...). Thực hiện phân loại rác tại nguồn, xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến; Đối với khu đô thị cao cấp hoặc khu đô thị quốc tế thí điểm triển khai hệ thống thu gom đồng bộ bằng đường ống (Áp dụng mô hình thu gom rác thải tại khu đô thị quốc tế Incheon- Hàn Quốc).
3.3.6.Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển văn hoá và đảm bảo an sinh xã hội, rút ngắn chênh lệch giàu nghèo:
(1) Tập trung xây dựng, phát triển văn hoá gắn với phát triển du lịch thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đảm bảo vừa thu được lợi nhuận kinh tế từ du lịch vừa giữ gìn được bản sắc văn hoá bản địa và giảm bớt gánh nặng môi trường.
(2) Xây dựng các sản phẩm văn hoá đạt yêu cầu phục vụ thị trường du lịch, có sự liên kết chặt chẽ và hợp lý giữa các vùng nhằm xây dựng những sản phẩm mới, không trùng lặp, tạo được điểm nhấn ấn tượng với khách du lịch.
(3) Đầu tư phát triển các thiết chế văn hoá tại địa bàn Vân Đồn ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội và đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân để tạo nguồn lực phục vụ phát triển. Quản lý, bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, danh thắng trên địa bàn. Xây dựng văn hoá ứng xử, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong các tầng lớp nhân dân.
(4) Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Có giải pháp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ lao động sản xuất trong khu vực.
(5) Tạo môi trường, cơ chế hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề; gắn kết chặt chẽ mô hình sản xuất với định hướng và đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ
tìm việc làm, hỗ trợ vốn để tạo việc làm cho người dân, nhất là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động đang sinh sống tại Vân Đồn. Ngân sách tỉnh bố trí đủ nguồn lực để đáp ứng yêu cầu mục tiêu của an sinh xã hội; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá huy động mọi nguồn lực trong nước và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm đảm bảo an sinh xã hội của nước ngoài.
(6) Xây dựng đề án, kế hoạch để xoá đói, giảm nghèo bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo sang hỗ trợ vùng nghèo, xã nghèo, gắn với chuyển dịch cơ sở sản xuất, có giải pháp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ lao động sản xuất khu vực nông thôn, biển đảo và xây dựng cơ chế để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bằng chính bàn tay, khối óc của họ;
phấn đấu đến năm 2020, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo xuống dưới mức bình quân chung của tỉnh. Đảm bảo mọi người dân được hưởng phúc lợi về y tế với các chỉ tiêu đề ra. Có kế hoạch phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Có giải pháp tăng dân số cơ học phục vụ phát triển kinh tế.
3.3.7.Nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại:
(1) Xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
(2) Tổ chức thế trận, sắp xếp và bố trí lực lượng vũ trang phù hợp với yêu cầu phát triển mới, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, biên giới và biển đảo. Xây dựng cơ chế huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh. Xây dựng các tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang của Khu trong sạch, vững mạnh.
(3) Chú trọng việc quy hoạch xây dựng tuyến phòng thủ các đảo gần bờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc; sẵn sàng xử lý
các tình huống phức tạp từ cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đầu tư công nghệ trên một số lĩnh vực vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ nhu cầu bảo đảm quốc phòng.
Tiếp tục đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại bảo đảm hoạt động của lực lượng vũ trang để thực hiện các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế của địa phương.
(4) Xây dựng lực lượng công an, quân đội chính quy tinh nhuệ, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra và giải quyết tốt các vấn đề đột xuất, bất ngờ. Tiếp tục củng cố, xây dựng các tổ chức đảng thật sự vững mạnh, đủ khả năng lãnh đạo có hiệu quả các mặt công tác công an, an ninh, quân đội. Thành lập một số đồn công an ở Vân Đồn để đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở những địa bàn này.
(5) Xây dựng các giải pháp hiệu quả đảm bảo quản lý, cấp phép chặt chẽ nhưng thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu, phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế và xây dựng đơn vị.
(6) Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc trấn áp, truy quét các loại tội phạm, nhất là các hoạt động móc nối, lôi kéo hình thành các tổ chức phản động, gián điệp; Ngăn chặn có hiệu quả các mối đe doạ an ninh trong các lĩnh vực phi truyền thống; cùng các loại tội phạm về trật tự an toàn xã hội hoạt động theo ổ, nhóm, liên tuyến, liên tỉnh... giữ vững an ninh, nhất là vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng biển đảo, khu vực nông thôn. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, hạn chế khiếu kiện đông người, không để hình thành “điểm nóng” về chính trị và trật tự an toàn xã hội.
(7) Phát huy các thành tựu của tỉnh Quảng Ninh về hoạt động đối ngoại trong những năm vừa qua tiếp tục chủ động quảng bá về Vân Đồn, phát triển
mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển với các đặc khu kinh tế trên thế giới; triển khai hợp tác chiến lược, kết hợp để hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư với một số địa phương của các nước Đông Bắc Á, Mỹ, EU... trong năm 2013 xây dựng chương trình hợp tác với Đặc khu kinh tế tự do Incheon(Hàn Quốc).
3.3.8.Nhiệm vụ và giải pháp huy động nguồn lực đầu tư:
(1) Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển dự kiến đến năm 2020
Trong những năm gần đây Vân Đồn được sự quan tâm của Trung ương và của Tỉnh trong phân bổ tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đến hết năm 2012, Vân Đồn đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 22 dự án hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư được duyệt 4.586 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện 639 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hạ tầng khu kinh tế 437 tỷ đồng;
ngân sách địa phương 202 tỷ đồng.
Nhằm tạo cho Vân Đồn bước phát triển nhanh, bền vững từ nay đến năm 2020 và trở thành động lực lan toả tới các địa phương khác, yêu cầu vốn đầu tư phát triển là rất lớn để có được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đến năm 2020 khoảng 14 – 21,9%/năm và đạt được các tiêu chí đề ra theo định hướng phát triển, dự kiến khái toán vốn đầu tư cho Khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn đầu ước tính khoảng 9,8 tỷ USD, bình quân 1,2 tỷ USD/năm (tương đương 206.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách 2,1 tỷ USD, chiếm 21,4%;
nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng 7,7 tỷ USD, chiếm 79,6%), tập trung ưu tiên đầu tư 26 công trình theo định hướng tại Quyết định số 1296/2007/QĐ- TTg ngày 19/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Giải pháp huy động nguồn lực tài chính
Để có được nguồn vốn này Quảng Ninh đề xuất với Trung ương cho cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ bên ngoài thì khả năng huy động vốn đầu tư đề ra cho giai đoạn này là có cơ sở thực hiện và có tính khả thi.
(2.1) Đối với các nguồn vốn ngân sách:
Trung ương tạo điều kiện tối đa trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các công trình trọng điểm, động lực từ nguồn thu ngân sách Trung ương, nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn ODA. Ngân sách Trung ương đảm bảo 100% vốn đối ứng đối với các dự án ODA.
Đối với Khu kinh tế được hưởng cơ chế hạch toán độc lập, toàn bộ số thu ngân sách phát sinh của Khu được để lại ( Sau năm 2020 có tính toán nộp một phần về Ngân sách địa phương). Bổ sung có mục tiêu cho tỉnh thực hiện các dự án hạ tầng động lực của Vân Đồn tương đương 100% thuế xuất khẩu than, 15% thuế xuất nhập khẩu của tỉnh, 30% số thu thuế từ ngành than.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh được tạm ứng trước vốn kế hoạch của năm liền kề trong 3 năm theo tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng sử dụng vốn ngân sách. Việc tạm ứng trước không quá 50% vốn kế hoạch hàng năm liền kề bố trí cho từng dự án.
Cho phép thực hiện các dự án, công trình động lực bằng phương án PPP, BOT.
(2.2) Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách:
Được huy động trong nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình và vay vốn nước ngoài để đầu tư hạ tầng theo cơ chế Chính phủ vay cho địa phương vay lại với tổng mức dư nợ đến 100%
tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách tỉnh. Được huy động đầu tư theo hình thức PPP, thực hiện các giải pháp tài chính hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư, bù một phần chênh lệch giữa chi phí và giá dịch vụ.
Được thành lập công ty đầu tư – tài chính nhà nước để huy động vốn và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Khu như Thành phố Hồ Chí Minh.
Được ưu tiên về vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.