CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP CHO GIÁO VIÊN Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC PHỔ THÔNG HIỆN NAY
1.2. Một số khái niệm cơ bản của đề tài
1.2.1. Giáo viên và giáo viên Trung học cơ sở 1.2.1.1. Giáo viên
Căn cứ Theo Điều 66 của Luật giáo dục 2019, có định nghĩa như sau: “Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.”.[34]
Như vậy, giáo viên là những có trình độ cử nhân trở lên thuộc các ngành đào tạo sư phạm có đầy đủ phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm phù hợp với môi trường giáo dục công lập.
1.2.1.2. Giáo viên trung học cơ sở
Từ định nghĩa về giáo viên nêu trên, ta có thể hiểu giáo viên THCS là giáo viên tham gia hoạt động dạy học trong trường THCS, trường phổ thông nhiều cấp, trong đó có cấp THCS. Theo Thông tư số 16/2017/TT-BGD của Bộ GD&ĐT năm 2017 về Khung vị trí việc làm trong trường THCS có đưa ra khái niệm “vị trí việc làm giáo viên THCS” . Đó là “những người gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp”
trong trường THCS.
Như vậy, giáo viên THCS là những người có trình độ cử nhân trở lên thuộc các ngành đào tạo giáo viên, đã và đang tham gia giảng dạy ở các cơ sở giáo dục bậc THCS có đầy đủ phẩm chất năng lực thực hiện công tác dạy học.
1.2.2. Bồi dưỡng giáo viên, hoạt động bồi dưỡng giáo viên
Bồi dưỡng là một khái niệm được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt [33] thì: “Bồi dưỡng là làm cho tăng thêm năng lực phẩm chất”.
Còn theo Từ điển Giáo dục học [22] thì “bồi dưỡng (nghĩa hẹp) là trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng nhằm mục đích nâng cao và hoàn thiện năng lực hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể”.
Theo thông tư 20/2018/TT-BGDĐT thì: “Bồi dưỡng là quá trình hình thành nhân cách và những phẩm chất riêng biệt của nhân cách theo định hướng mục đích đã
chọn” [6].
Theo UNESCO (1998) trong công trình Techer’s and teaching in changing Worrld [52] khái niệm “Bồi dưỡng, với ý nghĩa nâng cao nghề nghiệp, quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp”.
Từ các cách tiếp cận trên, có thể hiểu bồi dưỡng là quá trình bổ sung, cập nhật kiến thức và kỹ năng còn thiếu, và phát triển kỹ năng mới gắn liền với công việc đang đảm nhiệm để tăng cường năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho con người về một lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp nào đó. Mục đích bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực để người lao động có cơ hội củng cố, mở mang hoặc nâng cao hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo chuyên môn nghiệp vụ có sẵn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc đang làm.
1.2.2.1. Bồi dưỡng giáo viên
Theo tác giả Phạm Minh Hạc, Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI [20], bồi dưỡng giáo viên (BDGV) nhằm chỉ việc nâng cao, hoàn thiện trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho các giáo viên đang dạy học. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình, sau một thời gian phát triển khoa học, kỹ thuật và tri thức của con người, những kiến thức, kỹ năng mà người giáo viên nhận được trước đây trong nhà trường đã trở nên lạc hậu. Vì vậy, mỗi giáo viên cần cập nhật thêm những tri thức mới về các lĩnh vực nghề nghiệp của mình nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho ĐNGV đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp “trồng người”
Tác giả Nguyễn Minh Đường thì quan niệm bồi dưỡng là quá trình cập nhật kiến thức và kỹ năng còn thiếu hoặc đã lạc hậu trong một cấp học, bậc học và thường được xác nhận bằng một chứng chỉ [17]. Bồi dưỡng là quá trình bổ sung kiến thức, kỹ năng (nội dung liên quan đến nghề nghiệp) để nâng cao trình độ trong một lĩnh vực hoạt động chuyên môn nhất định giúp khách thể bồi dưỡng có cơ hội củng cố, mở mang, nâng cao kiến thức và nhờ đó nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động nghề nghiệp của mình. BDGV liên quan đến những vấn đề sau:
1) Khi kiến thức và kỹ năng của người giáo viên nhận được khi được đào tạo trong nhà trường đã trở nên lạc hậu trước sự phát triển của tri thức;
2) Nhu cầu của nhà trường hoặc của giáo viên trong việc nâng cao năng lực giáo viên nhằm đáp ứng chất lượng giáo dục của nhà trường;
3) Yêu cầu của xã hội đối với giáo viên trong việc đạt được một chuẩn nghề nghiệp nhất định. Chuẩn nghề nghiệp không cố định, được nâng lên theo thời gian nên việc bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp là quá trình liên tục;
4) Chủ trương và kế hoạch thay đổi mục tiêu đào tạo, chương trình, nội dung giáo dục và sách giáo khoa (SGK);
5) Bồi dưỡng giáo viên theo mục tiêu của những dự án, đề án nhất định,
Khi nói về vấn đề bồi dưỡng, cần phân biệt giữa các khái niệm: bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Bồi dưỡng ĐNGV là hoạt động từ chủ thể bên ngoài tác động lên cá nhân, làm tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất người được bồi dưỡng.
Tự bồi dưỡng (TBD) là hoạt động của chủ thể, không chịu sự tác động trực tiếp từ bên ngoài, tự mình tiến hành các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp nhằm đạt được chất lượng và hiệu quả cao hơn trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Đó có thể là yêu cầu của xã hội đối với giáo viên . TBD có thể xuất phát từ nhận thức, đạo đức nghề nghiệp. Nhà trường cần tạo điều kiện phát triển, nâng cao năng lực cho giáo viên cả bằng hình thức bồi dưỡng và TBD, coi TBD là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá giáo viên .
Như vậy, BDGV nhằm bổ sung, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên một cách thường xuyên để giúp họ cập nhật, trang bị thêm và trang bị mới những kiến thức, kĩ năng và thái độ, có thêm những năng lực, phẩm chất thích ứng và đáp ứng nhiệm vụ giáo dục trước những yêu cầu đổi mới thường xuyên được đặt ra.
1.2.2.2. Hoạt động bồi dưỡng giáo viên
Hoạt động BDGV là quá trình tổ chức cho giáo viên cập nhật, bổ sung các tri thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm để nâng cao kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo trong quá trình dạy học. BDGV có hai hình thức: bồi dưỡng và TBD. Trong đó bồi dưỡng là hoạt động do các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở đào tạo tác động đến giáo viên nhằm mục đích nâng cao năng lực dạy học của người giáo viên với những mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức thực hiện được cụ thể hóa cũng như các cách thức kiểm tra đánh giá để xác định mức độ hiệu quả của quá trình bồi dưỡng. TBD là giáo viên tự tổ chức và thực hiện các hoạt động bằng nỗ lực của chính bản thân với mục đích nâng cao năng lực dạy học với những mục tiêu, nội dung , phương pháp, hình thức phù hợp với bản thân nhằm cập nhật, bổ sung các tri thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm để nâng cao kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo trong quá trình dạy học.
1.2.3. Năng lực và năng lực nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở 1.2.3.1. Năng lực
Thông qua khảo cứu các tài liệu có liên quan đến luận văn tác giả đã tổng hợp một số khái niệm về năng lực như sau:
Theo Từ điển Tiếng Việt năm 1996: “Năng lực là phẩm chất tâm lý, sinh lí tạo ra cho con người khả năng hoàn thành một loạt hoạt động nào đó với chất lượng cao hay năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó” [33]. Mỗi người có một năng lực riêng bắt nguồn từ tâm, sinh lí và
quá trình rèn luyện, học tập mà tạo nên thể hiện qua kết quả hoạt động thể lực, trí lực và nghề nghiệp của mỗi cá nhân.
Theo Từ điển Tâm lý học của Vũ Dũng năm 2008: “Năng lực là tập hợp các tính chất hay phẩm chất của tâm lý cá nhân, đóng vai trò là điều kiện bên trong, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt một dạng hoạt động nhất định” [10]. Năng lực là gắn liền với những đặc điểm riêng và khả năng của mỗi người. Điều kiện bên trong được hiểu gồm tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm, động cơ và ý chí của mỗi cá nhân.
Tác giả Phạm Thị Minh Hạnh cho rằng “Năng lực là tập hợp các tính chất hay phẩm chất cá nhân, đóng vai trò là điều kiện bên trong, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt một dạng hoạt động nhất định. Người có năng lực là người đạt hiệu suất và chất lượng hoạt động cao trong các hoàn cảnh khách quan và chủ quan như nhau” [21].
Phân loại năng lực theo cấu trúc 2 loại của OECD bao gồm năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Năng lực chung là năng lực cơ bản, thiết yếu con người có thể sống và làm việc bình thường trong xã hội. Năng lực chuyên biệt là năng lực trong một lĩnh vực cụ thể nào đó có tính chuyên môn, năng khiếu [51].
Từ những nhận xét và phân tích trên có thể coi năng lực là tổng thể những phẩm chất tâm lí, sinh lí, tri thức, kỹ năng, thái độ và kinh nghiệm của một cá nhân có khả năng hoàn thành một hoạt động với chất lượng cao.
1.2.4.2. Năng lực nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở
Như vậy, nói đến NLNN của giáo viên THCS là nói đến những thuộc tính tâm, sinh lí của con người đối với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra, đó là nghề dạy học.
NLNN của người giáo viên THCS được cấu thành bởi 3 yếu tố chính: kiến thức chuyên môn, kỹ năng dạy học/giáo dục và thái độ đối với nghề nghiệp của mình.
Người giáo viên THCS trước hết là nhà giáo dục, có tác động tích cực đến học sinh thông qua nhân cách của mình. NLNN của mỗi giáo viên chính là năng lực sư phạm, bao gồm năng lực dạy học và năng lực giáo dục và những năng lực khác. Đó là sự hòa trộn của nhiều yếu tố về phẩm chất đạo đức, tri thức khoa học, kỹ năng dạy học, giáo dục, khả năng học tập, nghiên cứu, thái độ với việc dạy và học… để phát triển nghề nghiệp đáp ứng đổi mới ngày càng cao của dạy học, giáo dục trong trường THCS.
Thước đo về năng lực nghề nghiệp, hay “định lượng hóa” năng lực nghề nghiệp bằng chuẩn nghề nghiệp. Trước bối cảnh đổi mới giáo dục đòi hỏi người giáo viên THCS phải có thêm những năng lực mới để thực hiện dạy học, giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học.
Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018, của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó Thông tư quy định 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí đánh giá.
Làm căn cứ để giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực;
xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, các tiêu chuẩn như sau:
Các tiêu chuẩn được cụ thể hóa bởi các tiêu chí như: Phẩm chấ đạo đức; Phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Năng lực sử dụng ngoại ngữ[6].
Với cách tiếp cận trên, NLNN của giáo viên THCS là tổng thể những phẩm chất tâm lí, sinh lí, tri thức, kỹ năng, thái độ và kinh nghiệm của một giáo viên có khả năng hoàn thành nhiệm vụ dạy học, giáo dục trong trường THCS.
1.2.4. Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trung học cơ sở
Quản lý hoạt động bồi dưỡng NLNN cho giáo viên THCS là hệ thống các tác động hướng đích của chủ thể quản lý các cấp (từ Bộ GDĐT, Sở GDĐT, phòng GDĐT và người CBQL, tổ chuyên môn của từng nhà trường) tới đối tượng quản lý (người giáo viên) trong hoạt động bồi dưỡng NLNN cho giáo viên; là quá trình vận dụng kh o l o nội dung, phương pháp quản lí được thể hiện ở kĩ năng quản lí của người quản lí để tiến hành thực hiện các chức năng quản lý theo một quá trình nhất định, tác động lên giáo viên, làm thay đổi và bổ sung kiến thức, kỹ năng, thái độ để nâng cao NLNN cho ĐNGV THCS. nhằm giúp người giáo viên nâng cao và phát triển năng lực dạy học, đáp ứng tốt yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp, của nhà trường, của xã hội và thời đại.
Như vậy, quản lý hoạt động bồi dưỡng NLNN cho ĐNGV THCS là quá trình quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên đáp ứng được chuẩn đã ban hành.