Dân số với môi trường

Một phần của tài liệu Dân số và phát triển kinh tế xã hội tỉnh long an (Trang 109 - 112)

2.4. Thực trạng tác động của dân số với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An

2.4.5. Dân số với môi trường

Cùng với sự gia tăng quy mô dân số, môi trường tỉnh Long An cũng đang chịu tác động nặng nề từ quá trình sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nước từ các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Bảo Định, Rạch Cát...là nguồn nước chính cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng dân cư tỉnh nhà. Dân số tăng đã gây sức ép rất lớn lên nhu cầu sử dụng nước cũng như chất lượng nguồn nước. Nhìn chung, nước sông trên địa bàn tỉnh do là nơi tiếp nhận các nguồn chất thải trong công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ven sông hiện đã và đang bị ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng chỉ còn ở mức trung bình.

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng đã và đang đe dọa nghiêm trọng môi trường nước. Các ngành đúc gang, nấu nhôm, luyện thép... gây ô nhiễm môi trường nước nặng nhất đang tập trung nhiều tại hai huyện Bến Lức và Đức Hòa. Theo ước tính của Viện Môi trường và Tài Nguyên, các nhà máy công nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng ngày thải vào môi trường nước khoảng 190.408 m3 chất thải. Lượng chất ô nhiễm từ các nhà máy chủ yếu thải vào Sông Vàm Cỏ Đông - vốn là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho nông nghiệp và sinh hoạt. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ nước thải chưa xử lý ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm nước ngầm ở các khu vực gần khu công nghiệp và khu dân cư. Đặc biệt tại các nơi gần với các bãi rác sinh hoạt, nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm do rò rỉ nước từ các bãi rác này.

Vốn có nhiều cùng trũng thấp, dân số đông và tăng lên, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao đã làm giảm hoặc biến mất hệ thống thoát nước tự nhiên, trong khi cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng kịp thời, điều này làm tình trạng ngập úng nhiều nơi ở Long An ngày càng trầm trọng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tại các thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom khoảng 570 - 590 tấn/ngày. Hầu hết các chất thải này chưa được phân loại tại nguồn và chưa đồng bộ trong khâu thu gom, quản lí cũng như xử lí. Lượng rác sinh hoạt có thể được xử lý tại nhà máy Tâm Sinh Nghĩa hoặc các nhà máy ở TP.HCM (khu liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh; Công ty CP Vietstar) hay đốt tại các lò đốt rác của huyện hoặc vẫn để lộ thiên tùy theo từng địa phương khác nhau. Rác của TP. Tân An, huyện Tân Trụ, Tân Thạnh, Châu Thành, Thạnh Hóa và một phần huyện Bến Lức, Đức

Hòa, Thủ Thừa được xử lí tại nhà máy Tâm Sinh Nghĩa khoảng 250 - 260 tấn/ngày.

Khoảng 100 - 110 tấn rác/ngày của huyện Đức Hòa được xử lí tại công ty Vietstar - huyện Củ Chi, TP.HCM. Các huyện Cần Đước, Cần Giuộc và một phần huyện Bến Lức rác sẽ được xử lí tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM với khoảng 130 tấn mỗi ngày. Huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường rác sẽ được đốt tại các lò trong huyện. Còn các huyện Vĩnh Hưng, Đức Huệ vẫn chưa xử lí mà đổ tại bãi rác lộ thiên. Riêng các vùng nông thôn, dân cư thưa thớt, hiện nay việc thu gom rác vẫn chưa thực hiện được, các hộ gia đình phải tự xử lí rác tại chỗ cũng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Với tổng diện tích 449.494 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm phần lớn. Năm 2018, khoảng 258.895 ha đất (79,84%) diện tích toàn tỉnh là đất nông nghiệp. Trong đó phần lớn được trồng lúa và hoa màu. Ngày nay, việc sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thuốc diệt cỏ...đã và đang gây ô nhiễm dẫn tới tài nguyên đất bị suy thoái. Qua thời gian, điều này sẽ tác động ngược trở lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn khi mà diện tích đất bị suy thoái ngày càng lớn.

Để giải quyết những vấn đề về môi trường, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như:

+ Quan trắc định kỳ nước tại các sông chính để theo dõi, đánh giá chất lượng nước. Ngoài ra tỉnh cũng đầu tư 3 trạm quan trắc nước mặt tự động, dữ liệu tại các trạm quan trắc này sẽ được truyền trực tuyến về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để theo dõi và lưu giữ.

+ Ngoài đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát và hạ tầng kỹ thuật môi trường, các dự án có công nghệ hiện đại, ít tiêu hao năng lượng và ít phát thải các chất ô nhiễm cũng được tỉnh ưu tiên tiếp nhận.

+ Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước sinh hoạt tại các đô thị để hạn chế nước sinh hoạt chưa qua xử lí thải ra các sông, làm giảm ô nhiễm môi trường nước sông.

+ Đầu tư nâng cấp, xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt tại các huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Cần Đước và Cần Giuộc...

+ Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phân loại rác tại nguồn cũng như ý thức bảo vệ môi trường.

Tiểu kết chương 2

vậy, thông qua tìm hiểu thực trạng mối quan hệ giữa dân số và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An, ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa dân số và kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước hết, khi kinh tế phát triển, đặc biệt là sự phát triển của các khu công nghiệp đã góp phần quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động không nhỏ của tỉnh, đồng thời cũng là lực hút đối với lao động từ các tỉnh khác đến sinh sống và làm việc tại Long An. Điều này làm thay đổi không nhỏ quy mô và cơ cấu dân số tỉnh nhà. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng dân số, quy mô GDP tăng làm tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện cuộc sống của cư dân.

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã làm thay đổi phân bố dân cư trong từng huyện cũng như giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Dân cư từ các khu vực nông thôn sẽ di chuyển và tập trung đông đúc tại các khu vực có khu công nghiệp, hoặc các thị trấn, thị xã, trung tâm huyện. Hoặc cũng có thể di chuyển từ các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa sang các huyện tập trung nhiều khu công nghiệp trong tỉnh như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc...

Sự tiến bộ về mặt y tế đã nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa, khám và chữa bệnh cũng như kế hoạch hóa gia đình. Điều này giúp tỉnh nhà điều chỉnh tốc độ tăng dân số, tăng tuổi thọ trung bình, giảm tỉ lệ tử vong của trẻ em, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dân số. Ngoài ra, hoạt động giáo dục được quan tâm đầu tư cũng làm tăng chất lượng của đội ngũ lao động cung cấp cho các hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó dân số cũng đang gây sức ép nặng nề lên môi trường, y tế, giáo dục cũng như vấn đề việc làm. Dân số tăng cùng với quá trình đô thị hóa đã làm môi trường nước, không khí cũng như đất đai bị suy thoái nặng nề. Sự gia tăng dân số mỗi năm đòi hỏi một số lượng việc làm lớn để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Những điều này đòi hỏi tỉnh nhà phải có kế hoạch phát triển bền vững để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống dân cư.

Một phần của tài liệu Dân số và phát triển kinh tế xã hội tỉnh long an (Trang 109 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)