CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NGẮN HẠN
1.2. Các khái niệm chính của đề tài
1.2.1. Quản lý, quản lý giáo dục, quản lý nhà trường
Theo ngôn ngữ Hán Việt, công tác “quản lý” là thực hiện hai quá trình liên hệ chặt chẽ với nhau: “quản” và “lý”. Quá trình “quản” gồm sự coi sóc, giữ gìn, duy trì hệ thống ở trạng thái “ổn định”; quá trình “lý” gồm việc sửa sang, sắp xếp, đổi mới đưa hệ thống vào thế “phát triển”. Nếu người quản lý chỉ lo việc “quản” tức là chỉ lo việc coi sóc, giữ gìn thì tổ chức dễ trì trệ; tuy nhiên nếu chỉ quan tâm đến việc “lý”, tức là chỉ lo việc sắp xếp, tổ chức, đổi mới mà không đặt trên nền tảng của sự ổn định, thì hệ thống sẽ phát triển không bền vững.
Tư tưởng và quan điểm “quản lý” đã có từ cách đây hơn 2500 năm nhưng cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vấn đề quản lý theo khoa học mới xuất hiện.
Fredrich Winslow Taylor là người khởi xướng với cuốn sách “Các nguyên tắc quản lý theo khoa học”. Theo ông, người quản lý phải là nhà tư tưởng, nhà lên kế hoạch chỉ đạo tổ chức công việc.
Theo Fayel: "Quản lý là một hoạt động mà mọi tổ chức (gia đình, doanh nghiệp, chính phủ) đều có, nó gồm 5 yếu tố tạo thành là: kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, điều chỉnh và kiểm soát. Quản lý chính là thực hiện kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo điều chỉnh và kiểm soát ấy”.
Theo Hard Koont: "Quản lý là xây dựng và duy trì một môi trường tốt giúp con người hoàn thành một cách hiệu quả mục tiêu đã định".[23]
Theo Warren Bennis, một chuyên gia nổi tiếng về nghệ thuật lãnh đạo đã từng nói rằng: “Quản lý là một cuộc thử nghiệm gắt gao trong cuộc đời mỗi cá nhân, và điều đó sẽ mài giũa họ trở thành các nhà lãnh đạo”.
Theo Mariparker Follit (1868 – 1933), nhà khoa học chính trị, nhà triết học Mỹ thì: “Quản lý là một nghệ thuật khiến công việc được thực hiện thông qua người khác”.
Trong cuốn “Khoa học Tổ chức và Quản lý”, tác giả Đặng Quốc Bảo quan niệm:
“Quản lý là một quá trình lập kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra những nỗ lực của các thành viên trong một tổ chức và sử dụng các nguồn lực của tổ chức để đạt được những mục tiêu cụ thể”.
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang “Quản lý là tác động có mục đích, có kế hoạch của các chủ thể quản lý đến khách thể quản lý nhằm thực hiện các mục tiêu dự kiến”[9, tr 11].
Theo tác giả Nguyễn Thị Mỹ Lộc và Nguyễn Quốc Chí “Quản lý là tác động có định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lý (người quản lý) đến khách thể quản lý (người bị quản lý) trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục
đích của tổ chức” [3,tr 31].
Theo tác giả Nguyễn Minh Đạo cho rằng: “Quản lý là sự tác động có tổ chức, định hướng của chủ thể quản lý lên khách thể quản lý về mặt chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế,…bằng một hệ thống các luật lệ, các chính sách, các nguyên tắc, các phương pháp và biện pháp cụ thể nhằm tạo ra môi trường và điều kiện cho sự phát triển của đối tượng” [4, tr.7].
Theo tác giả Lê Quang Sơn: “Quản lý là sự tác động liên tục có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lý (người quản lý, tổ chức quản lý) lên khách thể quản lý về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,…bằng một hệ thống các luật lệ, các chính sách, các nguyên tắc, các phương pháp và các biện pháp cụ thể nhằm làm cho tổ chức vận hành đạt tới mục tiêu quản lý” [11, tr.2].
Từ các định nghĩa được nhìn nhận từ nhiều góc độ, chúng ta thấy rằng tất cả các tác giả đều thống nhất về cốt lõi của khái niệm quản lý, đó là trả lời câu hỏi; Ai quản lý? (Chủ thể quản lý); Quản lý ai? Quản lý cái gì? (Khách thể quản lý); Quản lý như thế nào? (Phương thức quản lý); Quản lý bằng cái gì? (Công cụ quản lý); quản lý để làm gì? (Mục tiêu quản lý). Từ đó chúng ta có thể đưa ra định nghĩa:
Quản lý là sự tác động liên tục có tổ chức, có định hướng, có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý để chỉ huy, điều khiển, liên kết các yếu tố tham gia vào hoạt động thành một chỉnh thể thống nhất, điều hoà hoạt động của các khâu một cách hợp quy luật nhằm đạt đến mục tiêu xác định trong điều kiện biến động của môi trường.
1.2.1.2. Quản lý giáo dục
Quản lý giáo dục là một khoa học quản lý chuyên ngành, cũng giống như khái niệm quản lý, khái niệm quản lý giáo dục cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Khái niệm giáo dục trong phạm vi quản lý một hệ thống giáo dục nói chung mà hạt nhân của hệ thống đó là các cơ sở trường học được các nhà nghiên cứu quan niệm như sau:
Theo tác giả M.I.Kondacov: “Quản lí giáo dục là tập hợp những biện pháp kế hoạch hóa, nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của cơ quan trong hệ thống giáo dục để tiếp tục phát triển, mở rộng hệ thống cả về số lượng cũng như chất lượng”.
Theo Okumbe, quản lý giáo dục là một quá trình thu thập và phân bổ nguồn lực để đạt được các mục tiêu giáo dục được xác định trước.
Theo P.V.Khuđôminxky (nhà lý luận Xô Viết): Quản lý giáo dục là tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và có mục đích của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến các khâu của hệ thống (từ Bộ đến trường) nhằm mục đích bảo đảm việc giáo dục Cộng sản chủ nghĩa cho thế hệ trẻ, bảo đảm sự phát triển toàn diện và hài hoà của họ.
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: “Quản lý giáo dục thực chất là tác động đến nhà trường, làm cho nó tổ chức tối ưu được quá trình dạy học, giáo dục thể chất theo đường lối nguyên lý giáo dục của Đảng, quán triệt được những tính chất trường THPT
xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bằng cách đó tiến tới mục tiêu dự kiến tiến lên trạng thái chất lượng mới về chất” [9,tr.68]
Theo tác giả Phạm Minh Hạc: “Quản lý giáo dục là hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý (hệ thống giáo dục) nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối và nguyên tắc giáo dục của Đảng thực hiện được những tính chất của nhà trường XHCN Việt Nam, mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học – giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ giáo dục tới mục tiêu dự kiến tiến lên trạng thái mới về chất”. [7,tr.89]
Theo tác giả Đặng Quốc Bảo khái quát “Quản lý giáo dục theo nghĩa tổng quát là hoạt động điều hành phối hợp của các lực lượng xã hội nhằm thúc đẩy mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu xã hội” [1, tr 31].
Theo tác giả Trần Kiểm quan niệm quản lý giáo dục được chia thành 2 cấp độ là:
Quản lý vĩ mô (quản lý nhà nước về giáo dục) và quản lý vi mô (quản lý nhà trường) trong giáo dục [8]:
Đối với cấp độ vĩ mô, QLGD “Là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể quản lý đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ cấp cao nhất đến các cơ sở giáo dục là nhà trường) nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu của xã hội”
Đối với cấp độ vi mô, quản lý giáo dục “Là quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường bao gồm hệ thống những tác động có hướng đích của hiệu trưởng đến các hoạt động giáo dục, đến con người (giáo viên, cán bộ nhân viên và học sinh), đến các nguồn lực (cơ sở vật chất, tài chính, thông tin, v.v…), đến ảnh hưởng ngoài nhà trường một cách hợp quy luật ( quy luật quản lý, quy luật giáo dục, quy luật tâm lý, quy luật kinh tế, quy luật xã hội, v.v…) nhằm đạt mục tiêu giáo dục.
Quản lý giáo dục vừa có những đặc điểm chung của quản lý vừa có những đặc điểm của riêng lĩnh vực quản lý giáo dục:
+ Các đặc điểm chung của quản lý:
- Quản lý chia thành chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý.
- Quản lý liên quan đến việc trao đổi thông tin và đều có mối liên hệ ngược.
- Quản lý có khả năng thích nghi (luôn biến đổi).
- Quản lý vừa là khoa học, vừa là một nghề, vừa là một nghệ thuật.
- Quản lý gắn với quyền lực, lợi ích và danh tiếng.
+ Đặc điểm đặc thù của quản lý giáo dục.
- Quản lý giáo dục gắn liền với việc điều hành quá trình giáo dục đào tạo con người, đặc biệt là lao động sư phạm của các nhà giáo.
- Quản lý giáo dục được gắn liền với quyền lực nhà nước trong việc điều hành, điều chỉnh các hoạt động giáo dục, thông qua việc xây dựng, ban hành và chấp hành các văn bản như luật, điều lệ và các qui định, qui chế chuyên môn sư phạm
- Sản phẩm của giáo dục có tính đặc thù là hình thành và phát triển nhân cách cho người học, nên quản lý giáo dục phải chú ý phòng ngừa, ngăn chặn những sai sót trong công việc tạo ra sản phẩm, cũng như không được phép tạo ra “phế phẩm” trong giáo dục.
- Quản lý giáo dục gắn liền với phát triển quan điểm quần chúng, xã hội.
- Quản lý giáo dục là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc.
Như vậy, quản lý giáo dục chính là quá trình tác động có định hướng của nhà quản lý trong việc vận dụng nguyên lý, phương pháp chung nhất của kế hoạch nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Những tác động này có tính khoa học đến nhà trường làm cho nhà trường tổ chức một cách khoa học, có kế hoạch trong việc dạy và học theo mục tiêu đào tạo chung.
Hiểu một cách cụ thể là:
- Quản lý giáo dục là hệ thống tác động có kế hoạch, có ý tưởng, có mục đích của chủ thể quản lý đến đối tượng bị quản lý.
- Quản lý giáo dục là sự tác động lên tập thể giáo viên, học sinh và các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, nhằm huy động họ cùng phối hợp, tác động tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường để đạt mục đích đã định.
Quản lý giáo dục là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích có kế hoạch, có hệ thống hợp qui luật) của chủ thể quản lý đến tất cả các phần tử của hệ thống giáo dục (từ cấp cao nhất đến các cơ sở là nhà trường) nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ có nhân cách đáp ứng yêu cầu của xã hội đối với ngành giáo dục.
Từ những quan điểm trên, ta thấy, bản chất của hoạt động QLGD là quản lý hệ thống giáo dục, là sự tác động có mục đích, có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý theo các quy luật khách quan nhằm đưa hoạt động sư phạm của hệ thống giáo dục đạt tới kết quả mong muốn.
1.2.1.3. Quản lý nhà trường
Trường học là đơn vị cơ sở nằm trong hệ thống giáo dục, thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội, đào tạo các công dân cho tương lai.
Trường học với tư cách là một tổ chức cơ sở giáo dục vừa mang tính giáo dục vừa mang tính xã hội, là cơ sở nền tảng của hệ thống giáo dục. Như vậy “Quản lý nhà trường” chính là bộ phận của “Quản lý giáo dục”. Nội hàm của khái niệm quản lý nhà trường được nhiều tác giả trong và ngoài nước diễn tả theo nhiều góc độ khác nhau.
Hình 1.1. Mô hình về khái niệm quản lý nhà trường
Tác giả M.I.Kondacov đã khái quát, “Không đòi hỏi một định nghĩa hoàn chỉnh, chúng ta hiểu Quản lý nhà trường (công việc nhà trường là một hệ thống xã hội- sư phạm chuyên biệt). Hệ thống này đòi hỏi những tác động có ý thức, có kế hoạch và hướng đích của chủ thể QL đến tất cả các mặt của đời sống nhà trường, nhằm đảm bảo sự vận hành tối ưu về các mặt xã hội- kinh tế, tổ chức- sư phạm của quá trình dạy- học và GD thế hệ đang lớn lên”.
Trong thực tiễn Việt Nam, tác giả Phạm Minh Hạc đã xác định: “Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và từng học sinh” [7, tr 71].
Theo tác giả Thái Duy Tuyên: “Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục - đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và từng học sinh”. [15]
Theo tác giả Nguyễn Minh Đạo: “Quản lý nhà trường phổ thông là quản lý dạy và học, tức là làm sao đưa hoạt động đó từ trạng thái này sang trạng thái khác, để dần tới mục tiêu giáo dục”. [5]
Tác giả Nguyễn Ngọc Quang, cho rằng “Quản lý giáo dục (và nói riêng quản lý trường học) là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp qui luật của chủ thể quản lý (hệ giáo dục) nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện các tính chất của nhà trường… mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học - giáo dục thế hệ trẻ, đưa hệ giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất”[ 9, tr.31].
“Quản lý nhà trường là những hoạt động của chủ thể quản lý nhà trường (hiệu trưởng) đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường”, hoặc “Quản lý nhà trường (một cơ sở giáo
dục) là những tác động tự giác (có ý thức có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống và hợp qui luật) của chủ thể quản lý nhà trường (hiệu trưởng) đến khách thể quản lý (giảng viên, giáo viên, nhân viên và người học,….) nhằm đưa các hoạt động giáo dục và dạy học của nhà trường đạt tới mục tiêu giáo dục” [9, tr.35].
Như vậy, Quản lý nhà trường chính là QL giáo dục nhưng trong một phạm vi xác định của một đơn vị giáo dục nền tảng, đó là nhà trường. QL nhà trường về cơ bản khác với QL các lĩnh vực khác. Những tác động của chủ thể QL là những tác động của công tác tổ chức sư phạm đến đối tượng QL nhằm giải quyết nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Đó là hệ thống tác động có phương hướng, có mục đích, có mối quan hệ qua lại lẫn nhau.