CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NGẮN HẠN
1.4. Quản lý hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn
1.4.1. Quản lý công tác xác định nhu cầu bồi dưỡng ngắn hạn
Quản lý công tác xác định nhu cầu bồi dưỡng ngắn hạn được xem là một khâu quan trọng có vai trò tác động trực tiếp đến việc ra quyết định tổ chức, lựa chọn, thiết
kế, xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng thích ứng với người học và đón đầu được xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Để việc xác định nhu cầu bồi dưỡng đạt hiệu quả cao, trong công tác quản lý cần thực hiện được những nội dung sau:
- Tổ chức công tác truyền thông quảng bá.
- Đảm bảo kế hoạch khai thác xử lý thông tin và đánh giá nhu cầu người học được thực hiện đúng mục đích, đúng quy định.
- Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc tổ chức khai thác và xử lý thông tin nhu cầu người học diễn ra đúng kế hoạch đề ra.
- Thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm cho công tác khai thác và xử lý thông tin nhu cầu người học để giúp hệ thống quản lý thông tin ngày càng khoa học và hiệu quả hơn.
- Phối hợp với các đơn vị tổ chức, cộng đồng xã hội trong việc triển khai công tác khai thác và xử lý thông tin nhu cầu người học nhằm đảm bảo các thông tin số liệu thu được có độ tin cậy cao làm cơ sở cho việc ra quyết định tiếp theo.
1.4.2. Quản lý công tác tuyển sinh bồi dưỡng ngắn hạn
Trong những năm gần đây, nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đã có nhiều chương trình và hoạt động bồi dưỡng để đáp ứng mục tiêu trên. Chính vì vậy, việc xác định được nhu cầu cho đến công tác thực hiện các nội dung về công tác tuyển sinh các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cần được quan tâm, đổi mới để nâng cao được hiệu quả của các chương trình BDNH ở các cơ sở bồi dưỡng.
Trong đó, công tác tổ chức hoạt động BDNH phụ thuộc vào số lượng người học đăng ký ở đầu vào. Nguyên tắc quản lý công tác tuyển sinh các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn chính là đảm bảo tiết kiệm kinh phí, nhưng hiệu quả cao và đúng quy định.
Mặc dù công tác tuyển sinh cho các chương trình BDNH là xét tuyển nhưng chất lượng đầu vào cũng là một yếu tố tác động đến nội dung, phương pháp và hình thức bồi dưỡng. Trên cơ sở các hồ sơ xét tuyển của người học, cơ sở bồi dưỡng sẽ phân theo các chương trình bồi dưỡng đúng và lựa chọn hình thức phù hợp với người học nhằm đạt hiệu quả dạy học cao nhất.
Quản lý công tác tuyển sinh các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn là đảm bảo công tác kiểm tra, sàng lọc, chọn lựa, quyết định chất lượng và số lượng đầu vào người học theo quy định. Nội dung quản lý tuyển sinh các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn:
- Kiểm tra các điều kiện đảm bảo công tác tuyển sinh theo đúng quy định.
- Lập kế hoạch tuyển sinh.
- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch tuyển sinh.
- Kiểm tra đánh giá kế hoạch tuyển sinh.
1.4.3. Quản lý chương trình bồi dưỡng ngắn hạn
Chương trình bồi dưỡng thực chất là một bản kế hoạch giáo dục phản ánh các mục tiêu giáo dục mà nhà trường theo đuổi, nó cho biết nội dung cũng như phương pháp dạy học cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra (White, 1995). Quản lý chương trình
bồi dưỡng ngắn hạn bao gồm các nội dung:
Quản lý mục tiêu bồi dưỡng của các CTNH nhằm đảm bảo mục tiêu bồi dưỡng được xây dựng phù hợp với mục tiêu chung của giáo dục, sứ mạng tầm nhìn của nhà trường và khả năng thích ứng cao vào thực tiễn của chương trình. Việc xây dựng mục tiêu bồi dưỡng chỉ được thực hiện sau khi đã có kết quả của bước khảo sát, phân tích nhu cầu thực tiễn. Mục tiêu bồi dưỡng các CTNH phải được thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh, đánh giá một cách toàn diện để tìm ra mặt mạnh, mặt yếu nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng.
Quản lý nội dung và chương trình bồi dưỡng: Quản lý nội dung và chương trình bồi dưỡng ngắn hạn phải được thực hiện dựa trên chức năng, nhiệm vụ và tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng đối với hoạt động BDNH. Quản lý các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn phải hướng đến mục tiêu đảm bảo các chương trình được thiết kế là thiết thực giúp người học có năng lực thực hiện được các công việc cụ thể, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Để thực hiện hiệu quả về quản lý nội dung và chương trình bồi dưỡng, cần quan tâm thực hiện các nội dung:
+ Lãnh đạo, quản lý cần quan niệm đầy đủ hơn về nội dung quản lý này và cần bố trí các cán bộ có năng lực phụ trách theo dõi và triển khai.
+ Qui trình xây dựng chương trình bồi dưỡng phải có sự tham gia của toàn bộ lực lượng trong nhà trường (giảng viên, cán bộ quản lý) và ngoài nhà trường (người sử dụng lao động, đại diện của các tổ chức, các nhà nghiên cứu, truyền thông).
+ Việc thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh chương trình phải đảm bảo tín thường xuyên, liên tục.
1.4.4. Quản lý đội ngũ tham gia hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn
Quản lý đội ngũ tham gia hoạt động BDNH chính là quản lý toàn bộ lực lượng nhân sự tại cơ sở giáo dục cùng tham gia vào hoạt động BDNH: giảng viên, cán bộ quản lý, chuyên viên, nhân viên… Quản lý về đội ngũ trong hoạt động bồi dưỡng chính là một khâu quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng hoạt động BDNH. Chất lượng bồi dưỡng phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giảng viên, vì họ là những người trực tiếp truyền thụ kiến thức cho người học, đồng thời tham gia vào quá trình biên soạn nội dung chương trình.
Các biện pháp để thực hiện tốt công tác quản lý đội ngũ trong hoạt động BDNH:
- Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ trong đó lưu ý đến các tiêu chuẩn về chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng và có kế hoạch đánh giá thường xuyên về trình độ chuyên môn của đội ngũ.
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất về khối lượng công việc và tài chính để đội ngũ cán bộ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
- Có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ giảng viên.
- Quan tâm đến công tác thu hút đội ngũ có học hàm, học vị tham gia giảng dạy cho nhà trường.
1.4.5. Quản lý CSVC và TBDH phục vụ hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn
Một trong những nội dung cơ bản trong hoạt động quản lý BDNH là đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động bồi dưỡng. Quản lý tốt cơ sở vật chất và trang thiết bị sẽ tác động mạnh mẽ đến chất lượng dạy học.
Để triển khai nội dung này, lãnh đạo, quản lý cần kịp thời nắm được thực trạng và nhu cầu đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất một cách thực sự, để từ đó dự kiến, đề xuất và tổ chức triển khai có hiệu quả các trang thiết bị, cơ sở vật chất sau khi được phê duyệt. Các biện pháp quản lý cụ thể đối với cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục:
- Đảm bảo cơ sở vật chất đủ các điều kiện phục vụ hoạt động giáo dục
- Quản lý sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; Tập trung rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục.
- Kiểm tra và giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức quản lý sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất.
1.4.6. Quản lý hoạt động giảng dạy các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn Quản lý hoạt động giảng dạy trong các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn là quản lý một quá trình sư phạm đặc biệt. Thực chất đây là quá trình quản lý các hoạt động của người dạy, người học trong việc thực hiện kế hoạch, chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo nhằm đạt mục tiêu chung của giáo dục - đào tạo. Hay nói cách khác, đây là tác động của nhà quản lý lên đội ngũ giảng viên qua việc thực hiện các chức năng quản lý lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra điều chỉnh nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vốn có, tạo động lực đẩy mạnh hoạt động dạy học nhằm đạt được mục tiêu của chương trình bồi dưỡng.
Hoạt động giảng dạy các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn có những nét đặc thù
riêng. Bởi các chương trình bồi dưỡng được thiết kế linh hoạt, mềm dẻo, đáp ứng nhu cầu của người học là cần gì học nấy, học cái gì để vận dụng làm được ngay nên hoạt động giảng dạy phải trọng tâm, cơ bản và có độ phân hóa, hướng “mở” theo định hướng năng lực. Vì vậy, để quản lý hoạt động giảng dạy của giảng viên có hiệu quả, nhà quản lý cần phải xây dựng một hệ thống công cụ kiểm tra đánh giá cụ thể, khoa học để đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng và tạo thương hiệu, uy tín của nhà trường.
Ngoài ra, phương pháp giảng dạy cũng là một trong những yếu tố then chốt nhất trong hoạt động BDNH. Vì vậy, việc quản lý đổi mới phương pháp học tập đóng một vai trò then chốt nhằm thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá của giảng viên. Trên cơ sở những kinh nghiệm, tri thức vốn có của người học, giảng viên có nhiệm vụ hướng dẫn, hệ thống hóa tri thức một cách khoa
học, rèn luyện kỹ năng thực hành nghề nghiệp thành thạo đáp ứng nhu cầu cá nhân, nhu cầu xã hội.
Các biện pháp quản lý cụ thể, đó là:
- Quản lý việc phân công lao động cho giảng viên: đảm bảo sự phân công đúng người, đúng việc.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giảng viên-người học thực hiện kế hoạch giảng dạy và học tập.
- Quản lý việc chuẩn bị bài lên lớp, giờ lên lớp của giảng viên: với nội dung chương trình được thiết kế mềm dẻo, đối tượng học tập có trình độ và mục đích học tập khác nhau, thời gian dạy-học linh hoạt do đó hoạt động quản lý việc chuẩn bị bài lên lớp, giờ lên lớp là một khâu quan trọng quyết định chất lượng dạy học.
- Thường xuyên chỉ đạo tổ chức các hoạt động chuyên môn hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ giảng dạy cho giảng viên.
- Xây dựng hệ thống công cụ kiểm tra đánh giá theo quy định của kiểm định chất lượng.
1.4.7. Quản lý công tác phối hợp bồi dưỡng tại các cơ sở liên kết đào tạo
Các cơ sở liên kết đào tạo được xem như là “chi nhánh” của các cơ sở giáo dục trong nền giáo dục kinh tế thị trường hiện nay. Nhu cầu bồi dưỡng phát triển từ các cơ sở liên kết đào tạo này.
Quản lí công tác phối hợp bồi dưỡng tại các cơ sở liên kết đào tạo là một khâu tất yếu trong hoạt động BDNH. Các yếu tố cần thiết trong công tác phối hợp bồi dưỡng tại các cơ sở liên kết đào tạo là:
- Tổ chức liên kết đào tạo, bồi dưỡng trên tinh thần hợp tác, đôi bên cùng phát triển.
- Thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin trong quá trình liên kết bồi dưỡng.
- Tiếp cận và hình thành mối quan hệ với các cơ sở mới ở các địa bàn mới.
1.4.8. Quản lý công tác kiểm tra đánh giá hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn Công tác kiểm tra - đánh giá trong hoạt động BDNH có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình quản lý hoạt động giáo dục của nhà trường. Nó giúp cho các lực lượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng có nguồn thông tin liên hệ ngược để mỗi người có thể tự điều chỉnh hoạt động của mình nhằm đạt hiệu quả giáo dục ngày một cao hơn.
Nội dung quản lý công tác kiểm tra - đánh giá trong hoạt động BDNH bao gồm:
kiểm tra - đánh giá đầu vào, kiểm tra - đánh giá quá trình bồi dưỡng và kiểm tra đánh giá đầu ra hướng tới nâng cao chất lượng bồi dưỡng, là địa chỉ tin cậy cho người học tìm đến với Nhà trường. Trong đó, mục tiêu, nội dung kiểm tra - đánh giá phải được thực hiện theo quy định về chuẩn đầu ra được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hình thức kiểm tra - đánh giá được tổ chức một cách đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc thù từng chương trình bồi dưỡng ngắn hạn. Đội ngũ giảng viên thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng về các tiêu chí, công cụ, hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá khoa
học, hiệu quả đo lường chính xác kết quả của người học. Ngoài ra, công tác kiểm tra - đánh giá đảm bảo đúng quy chế, kế hoạch đã đề ra và thường xuyên được định kỳ tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh.
Các biện pháp quản lý công tác kiểm tra đánh giá cụ thể của hoạt động BDNH:
- Tổ chức thiết kế tiêu chí và bộ công cụ đánh giá hoạt động dạy học dựa trên chuẩn đầu ra của mỗi chương trình.
- Triển khai thống nhất sử dụng các tiêu chí và công cụ được xác định theo quy định.
- Đảm bảo công tác kiểm tra đánh giá được thực hiện một cách khoa học, công bằng, trung thực.
- Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra đánh giá theo đúng kế hoạch đã đề ra.
- Tổ chức tập huấn cho giảng viên về nội dung, phương pháp và các hình thức đánh giá theo hướng đổi mới giáo dục.
- Mời đơn vị sử dụng lao động tham gia vào hoạt động kiểm tra đánh giá chuẩn đầu ra của học viên.
- Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác kiểm tra đánh giá sẽ là cơ sở để điều chỉnh các hình thức dạy học cho phù hợp.
Tiểu kết chương 1
Nội dung chương I đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các chương trình ngắn hạn. Trong phần này, đã tổng quan hoạt động BDNH của một số nước trên thế giới và trong nước. Đề tài cũng nêu ra những khái niệm cơ bản về quản lý, chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, quản lý hoạt động BDNH. Từ đó cho thấy vai trò, mục tiêu của hoạt động BDNH đòi hỏi phải được quản lý một cách đầy đủ và có hệ thống, thể hiện khoa học sáng tạo trong công tác quản lý của các cấp quản lý và sự phát huy tích cực nội lực bên trong của các cơ sở bồi dưỡng. Cụ thể các nội dung đó là: Quản lý công tác xác định nhu cầu bồi dưỡng ngắn hạn; Quản lý công tác tuyển sinh bồi dưỡng ngắn hạn; Quản lý chương trình bồi dưỡng ngắn hạn; Quản lý đội ngũ tham gia hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn; Quản lý CSVC và thiết bị dạy học phục vụ hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn; Quản lý hoạt động giảng dạy; Quản lý công tác phối hợp bồi dưỡng tại các cơ sở liên kết đào tạo và Quản lý công tác kiểm tra đánh giá hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn.
Như vậy, chương này đã trình bày một khung lý luận cơ bản về quản lý hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn và làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá thực tiễn này ở Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN ở chương sau.
CHƯƠNG 2