CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ TÁC ĐỘNG CỦA THU NHẬP NGOÀI LÃI ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
2.1. Tổng quan về hiệu quả hoạt động của ngân hàng
Farrell (1957) cho rằng hiệu quả thể hiện mối tương quan giữa các biến số đầu ra thu được so với các biến số đầu vào đã được sử dụng để tạo ra những đầu ra đó. Trong tất cả các lĩnh vực kinh tế trong nước hay trên thế giới đều luôn đề cập và đặt hiệu quả lên hàng đầu. Khi nói đến hiệu quả thì hiệu quả là một phạm trù được sử dụng rất rộng, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn ở lĩnh vực kỹ thuật, xã hội. Đề cập đến hiệu quả, cần phải phân biệt được hiệu quả với kết quả. Hiệu quả là một tỷ số thể hiện sự so sánh kết quả đầu ra với yếu tố nguồn lực đầu vào. Kết quả đầu ra thường biểu hiện bằng doanh thu, lợi nhuận. Yếu tố đầu vào là những nguồn lực như lao động, chi phí, tài sản và nguồn vốn.
Theo Nguyễn Khắc Minh (2004), “Hiệu quả - efficiency” trong kinh tế là “mối tương quan giữa đầu vào các yếu tố khan hiếm với đầu ra hàng hoá và dịch vụ” và “khái niệm hiệu quả được dùng để xem xét các tài nguyên được các thị trường phân phối tốt như thế nào”. Hiệu quả biểu hiện mối quan hệ tương quan giữa kết quả thu được và toàn bộ chi phí bỏ ra để có kết quả đó, phản ánh hoạt động kinh tế đó có chất lượng hay không, độ chênh lệch dương giữa hai đại lượng này càng lớn thì hiệu quả càng cao (Ngô Đình Giao, 1997).
Theo Antonio, Ludger và Vito (2006) thì “Hiệu quả là phép so sánh giữa đầu vào và đầu ra hay giữa lợi nhuận và chi phí. Với cùng đầu vào cho trước, hoạt động nào tạo ra đầu ra lớn hơn sẽ là hoạt động hiệu quả hơn”. Vì vậy, đo lường hiệu quả của các NHTM thì mục tiêu của họ là tối đa hoá lợi nhuận với mức độ rủi ro là thấp nhất có thể, đó là những NHTM hoạt động kinh doanh với hiệu quả cao. HQHĐ của NHTM còn có thể được hiểu là khả năng biến đổi các đầu vào thành các đầu ra hay khả năng sinh lời hoặc giảm thiểu chi phí để tăng khả năng cạnh tranh với các định chế tài chính khác (Lý
thuyết hệ thống). Một cách diễn đạt khác Berger và Mester (1997) phát biểu rằng HQHĐ của các NHTM thể hiện ở mối quan hệ giữa doanh thu và chi phí sử dụng các nguồn lực hay chính là khả năng biến các nguồn lực đầu vào thành các đầu ra tốt nhất trong hoạt động kinh doanh.
Từ những dẫn chứng nêu trên, chúng ta có thể hiểu về HQHĐ của NHTM theo 3 hướng như sau: Thứ nhất là, tối thiểu hóa chi phí, tức là sử dụng ít nhất các yếu tố đầu vào như vốn, cơ sở vật chất, lao động… để tạo ra đầu ra như trước; thứ hai là, giữ nguyên đầu vào nhưng tạo ra lượng đầu ra nhiều hơn; thứ ba là, sử dụng nhiều yếu tố đầu vào hơn nhưng lượng đầu ra được tạo ra tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng đầu vào.
Trong phạm vi bài viết này, Các NHTM được coi là hoạt động hiệu quả nếu nó đạt đến mức tối đa về kết quả đầu ra trong điều kiện sử dụng tối ưu các yếu tố đầu vào cho trước.
2.1.2. Cách thức đo lường
Về cách thức đo lường thì theo Berger và Humphrey (1997), Heffernan và Fu (2008), thường sử dụng hai phương pháp chính để phân tích HQHĐ của NHTM là:
phương pháp sử dụng các chỉ số tài chính và phương pháp phân tích hiệu quả biên.
2.1.2.1. Phương pháp sử dụng các chỉ số tài chính
Chỉ số tài chính của doanh nghiệp là những con số được tính toán bằng tỉ lệ của một số liệu tài chính hoặc kinh doanh này so với một số liệu khác. Các chỉ số tài chính là công cụ được sử dụng phổ biến nhất trong đánh giá, phân tích và phản ánh HQHĐ kinh doanh của các NHTM.
Mỗi chỉ số tài chính cho biết mối quan hệ giữa hai biến số tài chính khác qua đó cho phép phân tích và so sánh giữa các chi nhánh, các ngân hàng và phân tích xu hướng biến động của các biến số này theo thời gian. Có nhiều loại chỉ số tài chính được sử dụng để đánh giá các khía cạnh hoạt động khác nhau của một ngân hàng. Các chỉ số tài chính này bao gồm các tỷ số phản ánh khả năng sinh lợi, các tỷ số phản ánh HQHĐ kinh doanh và các tỷ số phản ánh rủi ro tài chính của một ngân hàng.
Nhóm chỉ số phản ánh khả năng sinh lời: Ở nhóm chỉ số khả năng sinh lời thì có
chỉ số sinh lời so với doanh thu và chỉ số sinh lời so với vốn. Chỉ số sinh lời so với doanh thu phản ánh một đồng doanh thu của ngân hàng kiếm về được thì lợi nhuận chiếm bao nhiêu phần trăm, phần trăm đối lập ngược lại có thể suy luận đó là chi phí. Vậy ngân hàng có quản lý tốt về các khoản chi phí để có được phần lợi nhuận tăng lên qua các kỳ
kinh doanh trong doanh thu ngân hàng hay không thể hiện thông qua chỉ số sinh lời so với doanh thu tăng lên. Còn tỷ số sinh lời so với vốn, phản ánh một đồng vốn bỏ ra có được bao nhiêu đồng lợi nhuận, nói cụ thể hơn chỉ số này đo lường giữa thu nhập hoặc lợi nhuận thu về được so với số vốn bỏ ra, tùy thuộc và quan điểm so sánh mà nó so sánh với chi phí sử dụng vốn hoặc mức sinh lời kỳ vọng của người có vốn,… để đánh giá tính hiệu quả của một đồng vốn kinh doanh. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến suất sinh lời trên vốn.
Theo thông lệ quốc tế, hiệu quả sinh lời thường được phản ánh thông qua các chỉ số tài chính sau: lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận ròng trên tổng vốn chủ sở hữu (ROE), thu lãi biên ròng (NIM), thu ngoài lãi biên ròng (NOM), thu nhập hoạt động biên (TNHĐB), hệ số thu nhập trên cổ phiếu (EPS).
Nhóm các chỉ tiêu phản ánh HQHĐ kinh doanh: Với chiến lược tối đa hóa lợi
nhuận là mục tiêu hàng đầu của bất kỳ một doanh nghiệp kinh doanh nào và các NHTM cũng không ngoại lệ. Các NHTM thường nâng cao HQHĐ kinh doanh của mình bằng cách giảm chi phí hoạt động, tăng năng suất lao động trên cơ sở tự động hóa và nâng cao trình độ nhân viên. Bởi vậy, các thước đo phản ánh tính hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng và năng suất lao động của nhân viên gồm các chỉ tiêu sau: Tổng chi phí hoạt động so với tổng thu từ hoạt động, Năng suất lao động (Thu nhập hoạt động so với Số nhân viên làm việc đầy đủ thời gian), Tổng thu hoạt động so với tổng tài sản bình quân.
Nhóm chỉ tiêu phản ánh rủi ro tài chính: Đi đôi với lợi nhuận thì rủi ro là điều
không thể tránh khỏi trong hoạt động kinh doanh của các NHTM. Các nhà quản trị trong NHTM, ngoài việc quan tâm đến việc nâng cao giá trị cổ phiếu và đẩy mạnh khả năng sinh lời, thông thường trong hoạt động của mình họ còn thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ những rủi ro mà họ phải đối mặt như là: rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro phá sản và rủi ro thu nhập.
Từ trước đến nay, các chỉ số tài chính vẫn được sử dụng khá phổ biến trong phân tích hoạt động kinh doanh của các NHTM vì chúng khá đơn giản và tương đối dễ hiểu.
Tuy nhiên, chính mức độ đơn giản của nó có thể trở thành vấn đề khá phức tạp nếu các nhà quản lý cố gắng đưa ra một bức tranh tổng thể khi kết hợp nhiều mặt, nhiều khía cạnh hoạt động khác nhau của ngân hàng dựa trên phân tích các tỷ số tài chính. Nhưng chúng ta thấy rằng, mỗi tỷ số chỉ cho biết hay đánh giá mỗi quan hệ tỷ lệ giữa hai biến
số cụ thể ở một khía cạnh đơn, không có một tỷ số nào cho chúng ta các kết luận tổng quát về tình trạng của một ngân hàng. Chính vì lẽ đó, khi đánh giá tổng quan thực trạng của một ngân hàng cần phải xem xét một loạt các chỉ số. Việc xem xét đồng thời hoặc việc tổng hợp các kết quả phân tích từ các tỷ số khác nhau có thể đưa đến nguy cơ nhầm lẫn trong việc đánh giá hoạt động của các ngân hàng vì các chỉ số này chỉ là những chỉ số phân tích đơn.
Để khắc phục các nhược điểm trong phân tích của các chỉ số tài chính, gần đây các nhà kinh tế đã ứng dụng phương pháp phân tích hiệu quả biên để đánh giá HQHĐ kinh doanh của các ngân hàng, đây là một phương pháp mới và hiện đại nó giúp chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh tổng thể trong hoạt động của các ngân hàng.
2.1.2.2. Phương pháp phân tích hiệu quả biên
Phương pháp tiếp cận cấu trúc trong việc đánh giá HQHĐ kinh doanh của ngân hàng được sử dụng phổ biến hiện nay trên thế giới bên cạnh cách tiếp cận theo các chỉ số tài chính. Có thể được chia làm hai nhóm thực hiện phương pháp tiếp cận cấu trúc đó là cách tiếp cận tham số và cách tiếp cận phi tham số.
Khi thực hiện cách tiếp cận tham số đòi hỏi phải chỉ định một dạng hàm cụ thể đối với đường biên hiệu quả, và có chỉ định của phân phối phi hiệu quả hoặc sai số ngẫu nhiên. Tuy nhiên, nếu việc chỉ định dạng hàm sai thì kết quả tính toán sẽ ảnh hưởng ngược chiều đến các chỉ số hiệu quả. Các hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tài chính ngân hàng khá phức tạp cùng với các nguồn lực của yếu tố đầu vào – đầu ra đa dạng từ nhiều nguồn nên cách tiếp cận tham số thường được ít sử dụng trong việc đánh giá HQHĐ của NHTM.
Cách tiếp cận phi tham số không đòi hỏi các ràng buộc về hình dáng của đường biên thực hiện tốt nhất, cũng như không đòi hỏi các ràng buộc về phân phối của các nhân tố phi hiệu quả trong số liệu như cách tiếp cận tham số, trừ ràng buộc các chỉ số hiệu quả phải nằm giữa 0 và 1, và giả sử không có sai số ngẫu nhiên hoặc sai số phép đo trong số liệu. Với tiếp cận không dựa trên giả định cố định, phân tích bao dữ liệu (DEA - Data Envelopment Analysis) nổi bật như một công cụ đánh giá hiệu quả được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong quản lý hoạt động của các ngân hàng thương mại hiện đại (Grigorian, 2002). Được Farrel (1957) đề xuất và sau đó được Charnes, Cooper và Rhodes (1978); Banker, Charnes và Cooper (1984) cùng các nhà nghiên cứu khác mở rộng, DEA là phương pháp đánh giá hiệu suất kinh tế của các tổ chức hoặc các đơn
vị ra quyết định (DMU). Phương pháp này dựa trên ý tưởng rằng, bằng cách ước lượng đường biên sản xuất của một đơn vị dựa trên tập hợp các biến đầu vào cụ thể, có thể xác định hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào đó thông qua tỷ lệ giữa kết quả đạt được so với khả năng sản xuất lý thuyết.
Phương pháp Phân tích Bao Dữ liệu (DEA) là một công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả tương đối giữa các đơn vị trong một hệ thống đa dạng. Theo DEA, đơn vị hoạt động hiệu quả nhất được gán chỉ số hiệu quả bằng 1, còn các đơn vị kém hiệu quả hơn được đánh giá thông qua việc so sánh với biên hiệu quả, nơi mà hiệu suất của chúng được chiếu lên. Điều này cho phép xác định các benchmark hoặc chuẩn mực từ các đơn vị hiệu quả, giúp những đơn vị không hiệu quả có thể đo lường và so sánh hiệu suất của mình. Phương pháp này cung cấp dữ liệu giá trị cho các nhà quản lý, bằng cách nêu bật hiệu suất hiện tại của đơn vị so với các đơn vị khác trong cùng hệ thống, từ đó hỗ trợ trong việc xác định các khu vực cần được cải thiện và đặt ra mục tiêu phát triển cụ thể cho các đơn vị kém hiệu quả.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, hai phiên bản của Phân tích Bao Dữ liệu (DEA) thường được áp dụng bao gồm mô hình với hiệu quả không biến đổi theo quy mô (CRS - Constant Returns to Scale) và mô hình với hiệu quả biến đổi theo quy mô (VRS - Variable Returns to Scale). Mô hình DEA dưới hình thức VRS được tinh chỉnh để phản ánh cả hiệu quả tăng theo quy mô (IRS - Increase Returns to Scale) và hiệu quả giảm theo quy mô (DRS - Decrease Returns to Scale). DEA tiết lộ rằng sự không hiệu quả có thể xuất phát từ hai khía cạnh: sự không hiệu quả về quy mô và sự không hiệu quả về kỹ thuật. Các chỉ số đo lường từ phân tích DEA bao gồm hiệu quả kỹ thuật tổng thể (HQKT), hiệu quả kỹ thuật thuần (HQKKT), và hiệu quả quy mô (HQQM).