Các lý thuyết liên quan

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả hoạt động của các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam (Trang 34 - 39)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ TÁC ĐỘNG CỦA THU NHẬP NGOÀI LÃI ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

2.5. Các lý thuyết liên quan

Khi đề cập đến lý thuyết về sức mạnh thị trường thì có hai hướng tiếp cận chính liên quan đến lý thuyết sức mạnh thị trường, gồm lý thuyết cấu trúc – hành vi – hiệu quả (structure – conduct – performance (SCP)) và lý thuyết sức mạnh thị trường tương đối

(relative market power (RMP))(Chorareas, Garza‐Garcia, and Girardone, 2011). Hướng tiếp cận thứ nhất được giới thiệu lần đầu bởi Chamberlin (1933) đó là Lý thuyết SCP và sau này được phát triển bởi Bain (1951). Hàm ý của Lý thuyết SCP cho rằng việc tập trung quá mức của các doanh nghiệp (ngân hàng) làm gia tăng sức mạnh độc quyền, do có sự khuyến khích về hợp tác giữa các ngân hàng lớn trên thị trường và điều đó làm giảm sự cạnh tranh (Chortareas & ctg., 2011). Còn đối với nghiên cứu của Van Hoose (2010) cho rằng, vì mức độ cạnh tranh thấp, nên các ngân hàng có khả năng tập trung càng cao sẽ càng có nhiều khả năng thao túng thị trường bằng cách áp đặt lãi suất huy động thấp và lãi suất cho vay cao. Hướng tiếp cận thứ hai đó là lý thuyết RMP, Lý thuyết này lại cho thấy các doanh nghiệp có thị phần lớn và sản phẩm khác biệt sẽ hoạt động hiệu quả và có thể kiếm được lợi nhuận nhiều hơn (Chortareas & ctg., 2011). Theo các nghiên cứu của Barney (1991,2002), một trong các chiến lược vượt qua cạnh tranh là đa dạng hoá, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng sức mạnh thị trường để có thể tiếp cận các Tập đoàn. Bằng cách tham gia vào các thị trường khác thông qua đa dạng hóa, các doanh nghiệp có thể đạt được sức mạnh cạnh tranh trên thị trường không phải vì vị trí cụ thể của họ trên thị trường đó mà vì vị trí của họ trên các thị trường khác.

Nghiên cứu của Palich và cộng sự (2000) cho rằng các công ty có sức mạnh thị trường có thể dễ dàng kiểm soát giá thị trường bằng cách đưa ra chiết khấu, trợ cấp chéo và thực hành mua bán qua lại như những công cụ để ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh tiềm năng gia nhập ngành. Bằng cách này, các công ty có thể vượt qua cạnh tranh do đó kiếm được lợi nhuận cao hơn lợi nhuận trung bình của thị trường.

Như vậy, từ các dẫn chứng trên cho thấy với lý thuyết sức mạnh thị trường, doanh nghiệp (ngân hàng) có thị phần lớn, thực hiện đa dạng hoá thì hiệu quả hoạt động sẽ gia tăng, từ đó gia tăng lợi nhuận của Ngân hàng.

2.5.2. Lý thuyết về nguồn lực (Resource-based View)

Khi đề cập đên lý thuyết về nguồn lực thì lý thuyết này cho rằng nguồn lực doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp trong việc duy trì được lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Nếu một doanh nghiệp được trang bị các nguồn lực phù hợp nhất và tốt nhất với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó sẽ đạt được hiệu quả hoạt động tốt. Và theo đó, lợi thế cạnh tranh liên quan đến sự phát triển và khai thác các nguồn lực cốt lõi, các nguồn lực bên trong của doanh nghiệp cũng sẽ được khai thác một cách tối đa.

Nghiên cứu của Barney (1991) cho rằng một nguồn lực có tiềm năng tạo ra lợi thế cạnh tranh phải đáp ứng một số tiêu chí bao gồm giá trị, độ hiếm, khả năng bắt chước và tổ chức. Trước tiên đối với tiêu chí giá trị, các nguồn lực có giá trị nếu chúng có thể giúp tăng giá trị của dịch vụ hoặc sản phẩm được cung cấp cho khách hàng hoặc những người khác phụ thuộc vào doanh nghiệp, và điều này có thể được cải thiện bằng cách tăng sự khác biệt hoặc giảm chi phí sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị của dịch vụ. Tiếp đến, nói về tiêu chí hiếm, nó có liên quan đến số lượng đối thủ cạnh tranh sở hữu một nguồn tài nguyên quý giá. Nếu các doanh nghiệp có cùng nguồn lực hoặc khả năng, điều này có thể dẫn đến tính cạnh tranh ngang bằng. Đối với tiêu chí khả năng bắt chước, để duy trì lợi thế cạnh tranh, các nguồn lực cần có yếu tố khó bắt chước hoặc thay thế, nếu không, các đối thủ khác có thể bắt đầu thu hẹp khoảng cách bằng cách kiếm được các nguồn lực tương tự. Và cuối cùng là tiêu chí tổ chức, các nguồn lực sẽ không mang lại lợi thế cạnh tranh nếu việc tổ chức, hệ thống và các quy trình của nó không được thiết kế để khai thác tối đa nguồn lực đó.

Yếu tố nguồn lực được chia làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất là nhóm nguồn lực hữu hình bao gồm các tài sản hữu hình như tòa nhà văn phòng, đại ốc, nhà xưởng, nguyên vật liệu, hàng tồn kho, nhân sự, tài chính; và nhóm thứ hai là nhóm nguồn lực vô hình như thương hiệu, uy tín, văn hóa doanh nghiệp, quan hệ đối tác, quan hệ với khách hàng, kinh nghiệm tích lũy, kinh nghiệm thị trường, khả năng sáng tạo, khả năng nghiên cứu và học hỏi… Đối với loại hình doanh nghiệp là ngân hàng, đặc thù kinh doanh tiền tệ trong nền kinh tế, thì nguồn lực tài chính được coi là thước đo sức mạnh của ngân hàng tại một thời điểm nhất định. Các kết quả nghiên cứu của Baral (2005);

Phan Thị Hằng Nga (2013) đều cho rằng nguồn lực tài chính có tác động đến thu nhập của Ngân hàng. Có nghĩa là, khi ngân hàng có một nguồn lực tài chính mạnh sẽ tạo ra giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh thông qua việc đa dạng hoá trong nguồn lực phân bổ vào hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng.

Trong ngân hàng thì quy mô hoạt động và nguồn vốn của ngân hàng chính là nguồn lực tài chính trong ngân hàng. Về yếu tố quy mô hoạt động thể hiện thông qua cơ cấu và chất lượng tài sản sẽ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng. Chất lượng tài sản là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá thông qua các chỉ tiêu cụ thể như chất lượng quản lý, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời và triển vọng bền vững của một ngân hàng. Yếu tố nguồn lực vốn chủ sở hữu được coi là cơ sở tạo niềm tin cho khách hàng,

thể hiện khả năng tài chính, năng lực hoạt động của một ngân hàng. Nhóm chỉ tiêu như khả năng huy động vốn, khả năng mở rộng tín dụng, dịch vụ, khả năng đầu tư tài chính, trang bị công nghệ đánh giá nguồn lực về vốn chủ sở hữu ảnh hưởng tới quy mô hoạt động của NHTM (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2015).

2.5.3. Lý thuyết về đa dạng hoá thu nhập

Có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và đưa ra những lý thuyết về đa dạng hóa thu nhập như theo nghiên cứu của Lin (2010) hay nghiên cứu của Obinne et al. (2012) cung ứng lý thuyết về đa dạng hóa địa lý, đa dạng hóa quốc tế. Nghiên cứu của Gambacorta et al. (2014), Kiweu (2012) cung cấp lý thuyết về đa dạng hóa thu nhập.

Hay nghiên cứu của Chriatiansen và Pace (1994) đã đưa ra lý thuyết về đa dạng hóa sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc hoạt động. Theo Berger và cộng sự (2010), Goetze và cộng sự (2013) đưa ra lý thuyết về đa dạng hóa tiền gửi, đa dạng hóa tài sản và đa dạng hóa vào các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Đối với Liang và Rhoades (1991) lập luận rằng các ngân hàng có thể đa dạng hóa bằng cách đầu tư vào chứng khoán tài chính, tham gia vào các quỹ của Fed và các chứng khoán khác bên cạnh việc cho vay. Mặc dù Ebrahim và Hasan (2008) gọi đây là đa dạng hóa sản phẩm, nhưng nó có liên quan chặt chẽ đến đa dạng hóa thu nhập được chỉ ra bởi Kiweu (2012).

Theo Ebrahim và Hasan (2008) định nghĩa về đa dạng hóa thu nhập là sự mở rộng sang các dịch vụ tài chính mang lại thu nhập mới ngoài các dịch vụ trung gian truyền thống. Một quan điểm khác, đa dạng hóa thu nhập liên quan đến việc kết hợp hoặc tạo thu nhập từ các hoạt động tạo thu nhập riêng biệt (Baele và cộng sự, 2006;

Kiweu, 2012; Gambarcorta và cộng sự, 2014). Dù là theo quan điểm nào đi chăng nữa thì về cơ bản, đa dạng hóa thu nhập đề cập đến việc bên cạnh các nguồn thu nhập lãi từ các hoạt động trung gian truyền thống còn mở rộng sang tìm kiếm thu nhập phi lã từ các hoạt động sáng tạo và đó cũng chính là nhận định mà trong nghiên cứu của Stiroh (2002);

Kiweu (2012); Elyasian và Wang (2012); Calmes và Theoret (2013) đưa ra. Nghiên cứu của Stiroh và Rumble (2006); Tabak và cộng sự (2011) đã dùng chỉ số Herfindahl- Hirschman (HHI) để đo lường sự đa dạng hóa thu nhập, giải thích cho các biến thể trong việc phân chia thu nhập hoạt động ròng thành thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi.

Đo lường sự đa dạng hóa thu nhập khi sử dụng HHI theo công thức sau:

HHI = ( (NON/NI )2 + ((NET/NI)2 ) (1)

Với HHI là mức độ đa dạng hóa thu nhập của ngân hàng nghiên cứu ;NON: Thu nhập thuần ngoài lãi; NET: Thu nhập lãi thuần; NI: Thu nhập hoạt động ròng.

Trong đó:

Thu nhập lãi thuần (NET) = Thu nhập từ lãi – Chi phí lãi Thu nhập thuần ngoài lãi (NON) = Thu nhập ngoài lãi – Chi phí ngoài lãi Thu nhập hoạt động ròng (NI) = NON + NET.

Theo Horizontal Merger Guidelines, ban hành bởi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, các cơ quan quản lý cạnh tranh thường phân loại các thị trường theo cơ sở như sau: (i) HHI<1,000 nghĩa là thị trường không mang tính tập trung; (ii) 1,000≤HHI≤1,800: thị trường tập trung ở mức độ vừa phải; (iii) HHI>1,800:

thị trường tập trung ở mức độ cao. Như vậy, chỉ số HHI càng cao, nghĩa là mức đa dạng hoá thu nhập càng thấp và ngược lại.

2.5.4. Lý thuyết chi phí đại diện (Agency Theory)

Lý thuyết đại diện (Agency Theory) được giới thiệu bởi Jensen và Meckling (1976), đề cập đến mối quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể (đại diện) và chủ sở hữu (người ủy quyền), nơi mà đại diện được giao phó quyền quản lý tài sản hoặc quyền lực quyết định cho người ủy quyền. Trong lĩnh vực ngân hàng, lý thuyết này hàm ý rằng có sự không đồng nhất thông tin và mục tiêu giữa quản lý ngân hàng (đại diện) và cổ đông (người ủy quyền), có thể dẫn đến vấn đề chọn lọc ngược và rủi ro đạo đức.

Trong bối cảnh nghiên cứu về thu nhập ngoài lãi của ngân hàng, lý thuyết đại diện lý giải cho việc quản lý ngân hàng có thể tập trung vào việc mở rộng các hoạt động không dựa trên lãi suất như dịch vụ tư vấn, quản lý tài sản, và các dịch vụ phí để tăng cường thu nhập ngoài lãi. Mục tiêu là giảm thiểu rủi ro và tăng độ ổn định tài chính cho ngân hàng, nhưng đồng thời, điều này cũng có thể tạo ra rủi ro mới liên quan đến việc đánh giá và quản lý các loại dịch vụ này, cũng như làm tăng chi phí giám sát cho cổ đông.

Jensen và Meckling (1976) cũng nhấn mạnh rằng cơ cấu hợp đồng và cơ chế khuyến khích phù hợp có thể giúp giảm thiểu xung đột lợi ích và tạo động lực cho quản lý ngân hàng hành động theo hướng đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi ích cho cổ đông.

Trong trường hợp của thu nhập ngoài lãi, điều này có thể bao gồm việc thiết lập các chỉ tiêu hiệu suất rõ ràng và liên kết phần thưởng của quản lý với hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong việc tạo ra thu nhập ngoài lãi một cách bền vững.

2.5.5. Lý thuyết phát tín hiệu (Signaling Theory)

Lý thuyết phát tín hiệu (Signaling Theory), được Spence (1973) phát triển, đề cập đến cách thức các bên trong một giao dịch cung cấp thông tin về bản thân hoặc sản phẩm của mình để giảm bớt sự không chắc chắn và tạo lập niềm tin giữa các bên. Theo lý thuyết này, bên có thông tin (người gửi tín hiệu) sẽ tìm cách chứng minh giá trị hoặc chất lượng thông qua các tín hiệu mà bên kia (người nhận tín hiệu) có thể quan sát.

Trong môi trường có thông tin không đồng đều, việc phát tín hiệu trở nên cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả của giao dịch.

Trong lĩnh vực ngân hàng, lý thuyết phát tín hiệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng do tính chất phức tạp và rủi ro của hoạt động tài chính. Các ngân hàng thương mại thường sử dụng tín hiệu về sức khỏe tài chính, chất lượng quản lý, và mức độ rủi ro của sản phẩm tài chính để thuyết phục khách hàng và nhà đầu tư. Ví dụ, báo cáo tài chính, xếp hạng tín dụng, và lịch sử thanh toán đều là các tín hiệu mà ngân hàng gửi ra nhằm chứng minh sự ổn định và đáng tin cậy của mình.

Trong bối cảnh nghiên cứu về thu nhập ngoài lãi của ngân hàng, lý thuyết phát tín hiệu lý giải cho việc ngân hàng không chỉ tập trung vào việc tăng cường thu nhập từ lãi suất truyền thống mà còn phát triển các dịch vụ và sản phẩm mới như quản lý tài sản, tư vấn đầu tư, và các dịch vụ phi tài chính khác. Sự đa dạng này không chỉ giúp cải thiện dòng thu nhập mà còn phát đi tín hiệu về sự đổi mới và khả năng thích ứng với thị trường của ngân hàng, từ đó thu hút khách hàng và nhà đầu tư. Qua đó, thu nhập ngoài lãi trở thành một phương tiện quan trọng để ngân hàng thể hiện sự cam kết với việc cung cấp giá trị gia tăng cho khách hàng và cải thiện vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả hoạt động của các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(305 trang)