Thu nhập ngoài lãi

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả hoạt động của các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam (Trang 27 - 32)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ TÁC ĐỘNG CỦA THU NHẬP NGOÀI LÃI ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

2.3. Thu nhập ngoài lãi

Có rất nhiều quan điểm đề cập đến thu nhập ngoài lãi, một cách khái quát thì nguồn thu ngoài lãi bao gồm các khoản thu từ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, vàng bạc, đá quí, kinh doanh chứng khoán và các hoạt động dịch vụ khác. Tác giả Stiroh (2002) cho rằng TNNL bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, được chia thành bốn thành phần chính - thu nhập ủy thác, phí dịch vụ, doanh số giao dịch, lệ phí và các khoản thu nhập khác. Trong nghiên cứu của Huang và Chen (2006) chỉ ra rằng các nguồn chính của các khoản TNNL đó là thu nhập từ hoạt động phi tín dụng và thu nhập từ phí. Trong nghiên cứu của Hoàng Ngọc Tiến và Võ Thị Hiền vào năm 2010, họ đã chỉ ra rằng thu nhập phi lãi của các ngân hàng thương mại (NHTM) chủ yếu đến từ sự chênh lệch giữa thu nhập từ việc cung cấp các dịch vụ không liên quan đến tín dụng và chi phí liên quan đến việc cung cấp những dịch vụ và thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư này.

Mức tăng của thu nhập phi lãi cho thấy khả năng của ngân hàng trong việc mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ ngoài tín dụng, cũng như hiệu quả của những dịch vụ đó. Điều này cũng góp phần vào việc giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động kinh doanh thông qua việc phân tán rủi ro giữa nhiều dịch vụ khác nhau.

Tóm lại, trong phạm vi nghiên cứu này, TNNL bao gồm các khoản thu nhập ròng từ hoạt động phi tín dụng: thu nhập từ hoạt động dịch vụ, thu nhập từ hoạt động kinh doanh đầu tư và các khoản thu nhập khác.

2.3.2. Cách thức đo lường

Để đo lường mức độ đóng góp của hoạt động ngoài lãi, tác giả sử dụng tỷ lệ từng nguồn TNNL trên tổng thu nhập hoạt động. Theo Chiorazzo và ctg. (2008), Busch và Kick (2009), Lê Long Hậu và Phạm Xuân Quỳnh (2017) TNNL theo 3 thành phần: thu nhập từ dịch vụ - (COM), thu nhập từ hoạt động kinh doanh và đầu tư - (TRAD), TNNL khác - (OTH), cụ thể:

ICOCOM = COM/(NET+NON)

ICOTRAD = TRAD/(NET+NON)

ICOOTH = OTH/(NET+NON) ICONON = ICOCOM + ICOTRAD + ICOOTH Trong đó:

ICONON là tỷ lệ thu nhập thuần ngoài lãi;

ICOCOM là tỷ lệ thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ;

ICOTRAD là tỷ lệ thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh, đầu tư;

ICOOTH là tỷ lệ thu nhập thuần từ các hoạt động ngoài lãi khác.

NON là thu nhập thuần ngoài lãi;

NET là thu nhập thuần từ lãi.

Khi tính toán biến ICONON, nếu các khoản thu nhập thuần ngoài lãi đều có giá trị âm thì xem như ICONON = 0%, ngân hàng không đa dạng hóa thu nhập (Nguyen Thi Canh và ctg, 2015).

Theo DeYoung & Rice (2004), thu nhập ngoài lãi được đo lường dựa trên tỷ trọng TNNL trên tổng tài sản, cụ thể như sau :

Tỷ lệ TNNL trên tổng tài sản = TNNL/tổng tài sản bình quân

Tỷ lệ này phản ánh một đồng giá trị tài sản bình quân của NHTM sẽ tạo ra được bao nhiêu thu nhập ngoài lãi trong kỳ. Chỉ tiêu này càng cao thể hiện quy mô và hiệu quả hoạt động dịch vụ phi tín dụng của NHTM đó và ngược lại.

2.3.3. Vai trò của thu nhập ngoài lãi đối với các ngân hàng

Trong ngành ngân hàng thương mại, thu nhập ngoài lãi đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn thu và ổn định lợi nhuận. Theo Phạm Quốc Thắng và Nguyễn Hồng Sơn (2019), vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của thu nhập ngoài lãi là giảm bớt sự phụ thuộc vào thu nhập từ lãi suất. Điều này giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro do biến động của lãi suất và thị trường tín dụng. Trong môi trường kinh doanh đầy

biến động, ngân hàng thương mại phải đối mặt với rủi ro lãi suất do sự biến động của thị trường. Phạm Quốc Thắng và Nguyễn Hồng Sơn (2019) chỉ ra rằng, thu nhập ngoài lãi giúp ngân hàng giảm thiểu sự phụ thuộc này bằng cách cung cấp một nguồn thu ổn định khác, qua đó giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự ổn định tài chính. Ngân hàng có thể phát triển sản phẩm và dịch vụ như quản lý tài sản, tư vấn đầu tư, và bảo hiểm, nhằm tạo ra nguồn thu ổn định bên cạnh thu nhập lãi suất truyền thống.

Thứ hai, Lê Minh Châu (2020) nhấn mạnh rằng thu nhập ngoài lãi tăng cường khả năng cạnh tranh của ngân hàng bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó thu hút và giữ chân khách hàng. Thu nhập ngoài lãi từ các dịch vụ mới này giúp ngân hàng không chỉ tăng doanh thu mà còn củng cố mối quan hệ với khách hàng. Ngân hàng có thể đầu tư vào công nghệ thông tin để phát triển các ứng dụng ngân hàng di động, dịch vụ thanh toán trực tuyến, và các giải pháp tài chính kỹ thuật số khác.

Tiếp theo, theo Trần Đức Anh (2021), thu nhập ngoài lãi còn giúp cải thiện tỷ lệ ROA và ROE, là hai chỉ số quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của ngân hàng. Sự đóng góp này đến từ việc thu nhập ngoài lãi thường có chi phí biến đổi thấp hơn so với thu nhập từ lãi suất, từ đó nâng cao lợi nhuận ròng và hiệu quả sử dụng vốn. Do đó, ngân hàng cần tập trung vào việc quản lý và tối ưu hóa chi phí của các dịch vụ không dựa trên lãi suất, đồng thời khai thác cơ hội để tăng thu từ các hoạt động này.

Như vậy, thu nhập ngoài lãi đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của các ngân hàng thương mại, qua đó góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế tổng thể. Thu nhập ngoài lãi không chỉ là một nguồn thu bổ sung mà còn là một yếu tố then chốt trong việc xây dựng sự ổn định tài chính, tăng cường khả năng cạnh tranh và cải thiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại. Sự phát triển và quản lý hiệu quả thu nhập ngoài lãi đòi hỏi ngân hàng phải không ngừng đổi mới và điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như các thách thức kinh tế.

2.3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi

2.3.4.1.Các yếu tố vĩ mô

Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy rằng các yếu tố vĩ mô có ảnh hưởng đến TNNL. Theo Hahm (2008), tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, môi trường lạm phát ổn định và thị trường chứng khoán phát triển tốt có khuynh hướng cho thấy TNNL cao

hơn. Bên cạnh đó, Hakimi và ctg (2012) cũng chỉ ra rằngcác yếu tố vĩ mô như lãi suất, GDP và lạm phát cũng ảnh hưởng đến TNNL ở Tunisia.

Tăng trưởng kinh tế

Tại các quốc gia có nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển, các ngân hàng kinh doanh tại những quốc gia này thường có cơ hội cung cấp rộng rãi hơn các sản phẩm tài chính, nhờ đó, tạo ra nguồn TNNL lớn hơn. Ngược lại, tại các quốc gia có những hạn chế nghiêm ngặt về hoạt động ngân hàng thì các ngân hàng hoạt động tại những quốc gia này chủ yếu thực hiện chức năng trung gian tài chính. Do đó, tỷ trọng TNNL cũng thấp hơn.

Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế, các thành phần kinh doanh trong nền kinh tế đều hoạt động có hiệu quả, việc này giúp cho hoạt động huy động vốn cũng như cho vay của các ngân hàng thương mại diễn ra thuận lợi, đảm bảo khả năng thu hồi vốn cũng như mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Tăng trưởng kinh tế cao sẽ giúp gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Lạm phát

Khi dự báo lạm phát được thực hiện một cách chính xác, các quản lý ngân hàng có khả năng chỉnh sửa lãi suất để đạt được mức tăng trưởng doanh thu vượt trội so với chi phí, dẫn đến việc tăng lợi nhuận của ngân hàng. Ngược lại, khi lạm phát xảy ra một cách bất ngờ, ít ngân hàng nào có thể kịp thời điều chỉnh lãi suất, khiến chi phí tăng nhanh chóng và vượt qua doanh thu, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của họ. Lạm phát có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

2.3.4.2. Các yếu tố nội tại của Ngân hàng

Cơ cấu vốn của ngân hàng

Nguồn vốn của ngân hàng là cơ sở để duy trì hoạt động và sự phát triển ổn định của Ngân hàng. Nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng càng lớn sẽ giúp các ngân hàng thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh, giúp các ngân hàng có thể đầu tư để phát triển các dịch vụ, đầu tư, mua sắm các tài sản sinh lời để đem về TNNL cho ngân hàng. Đồng thời vốn chủ sở hữu còn là căn cứ để xây dựng lòng tin đối với khách hàng, quyết định đến quy mô và hiệu quả của các hoạt động kinh doanh của NHTM. Do đó, quy mô vốn càng cao sẽ càng thúc đẩy các dịch vụ phi tín dụng và gia tăng TNNL của NHTM.

Quy mô của ngân hàng

Khi đề cập đến yếu tố quy mô của NHTM ảnh hưởng đến TNNL, trước tiên chúng ta cần hiểu được quy mô của NHTM là sự mở rộng hoạt động kinh doanh dưới hình thức đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ cung ứng cho khách hàng để tăng thêm thu nhập nhằm hướng đến mục tiêu chung tối đa hóa lợi nhuận. Bất kỳ một NHTM nào cũng luôn có xu hướng mở rộng quy mô hoạt động để đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ. Theo DeYoung & Rice (2004), các ngân hàng với quy mô hoạt động lớn sẽ tạo ra TNNL cao hơn so với các Ngân hàng có quy mô nhỏ. Đối lập với quan điểm trên, Chiorazzo và ctg.

(2008) lại cho thấy TNNL có xu hướng giảm khi các ngân hàng tăng quy mô với các ngân hàng nhỏ ghi nhận mức tăng đáng kể nhất trong TNNL tại Hoa Kỳ.

Dư nợ cho vay

Hoạt động cho vay luôn mang lại nguồn thu nhập lãi chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập của ngân hàng thương mại cổ phần. Tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản càng cao một mặt chứng tỏ thị phần của ngân hàng tập trung vào hoạt động tín dụng mà không đẩy mạnh các hoạt động phi tín dụng, giảm TNNL. Ngược lại, khi TNNL tăng chứng tỏ các NHTM đa dạng hoá thu nhập và giảm dư nợ cho vay. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) phản ánh phản ánh tốc độ tăng trưởng thu từ lãi so với tốc độ tăng chi phí. Chỉ số NIM giúp đánh giá khả năng sinh lời và tăng trưởng của một ngân hàng. Chỉ số NIM của NHTM càng cao chứng tỏ hoạt động tín dụng càng được gia tăng, do đó làm giảm TNNL.

Tỷ lệ tiền gởi khách hàng

Huy động vốn là một phần quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của NHTM.

Nguồn vốn huy động từ tiền gởi khách hàng là nguồn tài trợ ổn định và chi phí thấp hơn so với các nguồn tài trợ khác. Nguồn vốn này càng cao chứng tỏ thị phần của ngân hàng càng lớn, tạo ra nguồn vốn đa dạng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, giúp các ngân hàng tăng thanh khoản, mở rộng các hoạt động tín dụng và phi tín dụng, gia tăng TNNL và lợi nhuận của NHTM.

Đa dạng hoá thu nhập

Dịch vụ ngân hàng là hoạt động mang lại thu nhập cho ngân hàng thông qua phí dịch vụ, và là nguồn thu ổn định, an toàn của các NHTM. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ, việc đa dạng hoá các dịch vụ ngân hàng sẽ giúp các NHTM nâng cao khả năng cạnh tranh, hạn chế rủi ro, gia tăng nguồn TNNL và ngược lại. Đa dạng hoá được thực hiện bằng cách cải tiến, thay đổi,

sáng tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới phong phú hơn. Quá trình này sẽ kéo theo sự tăng lên của chi phí và TNNL trrong cơ cấu thu nhập hoạt động của Ngân hàng, từ đó cải thiện và thay đổi thu nhập của NHTM.

Sự đầu tư công nghệ

Trong thời đại hướng tới kỷ nguyên số như hiện nay, việc đầu tư công nghệ không thể thiếu cho sự tồn tại và phát triển của các NHTM. Nhưng việc đầu tư công nghệ sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận nói chung và TNNL nói riêng tại NHTM như thế nào cần được phân tích rõ để các nhà quản trị trong ngân hàng có những chiến lược phù hợp để thực hiện mục tiêu đặt ra. Nghiên cứu của nhóm tác giả Lee & ctg. (2021) cho rằng, sự phát triển của các công ty Fintech mang tính đổi mới và đột phá như mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ, quy trình vận hành với chi phí thấp hơn và tiện ích hiện đại hơn, sẽ định hình các hoạt động chính của các ngân hàng trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Theo nghiên cứu của Buchak & ctg (2018) và Vives (2019), việc phát triển và đầu tư vào công nghệ đã trở thành một chiến lược cần thiết cho các ngân hàng do sự thâm nhập vào thị trường ngân hàng của các đối thủ cạnh tranh này, dẫn đến ảnh hưởng lợi nhuận và thị phần của các ngân hàng truyền thống. Còn theo nghiên cứu của Berger (2003) cho rằng, tăng trưởng công nghệ khuyến khích chiến lược đa dạng hóa của các ngân hàng trong việc cung cấp các dịch vụ và sản phẩm mới. Từ đó có thể nhận ra được việc đầu tư công nghệ trở thành cơ hội chiến lược của các ngân hàng để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới phù hợp với xu hướng phát triển như ngân hàng số, thanh toán điện tử… và do đó có thể dẫn đến sự gia tăng lớn trong TNNL. Chính vì vây, sự đầu tư công nghệ có ảnh hưởng thuận chiều đến TNNL của các NHTM.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của thu nhập ngoài lãi đến hiệu quả hoạt động của các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(305 trang)