Kinh tế chất thải đối với các hoạt động doanh nghiệp

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIẢNG DẠY KINH TẾ MÔI TRƯỜNG TRÌNH ĐỘ: ĐẠI HỌC (Trang 76 - 84)

CHƯƠNG 3: KINH TẾ HỌC CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG

3.4. Kinh tế chất thải

3.4.2. Kinh tế chất thải đối với các hoạt động doanh nghiệp

3.4.2.1. Giảm từ nguồn

Để đạt được mục tiêu giảm thiểu chất thải từ nguồn, những phương thức mà doanh nghiệp có thể tiến hành như: Thay đổi các nguyên liệu thô cho đầu vào sản xuất; cải thiện dây chuyền sản xuất nhằm giảm hoặc loại bỏ sự sinh ra chất thải trong một quá trình nào đó. Trong thực tiễn để thực hiện được những nội dung này về mặt kỹ thuật người ta phải tiến hành đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA), tức là phân tích toàn bộ vòng đời của sản phẩm, bao gồm việc nhận dạng và định hướng năng lượng và nguyên liệu sử dụng, chất thải ra môi trường, đánh giá tác động tới môi trường và cơ hội cải thiện môi trường theo quy trình bốn bước, bắt đầu từ bổ sung- khởi đầu, kiểm kê, tác động và cải thiện.

Hình thức này hướng tới mục tiêu sản phẩm đầu ra không đổi, thậm chí còn tăng lên, nhưng sẽ giảm nguyên liệu đầu vào và giảm chất thải. Hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sẽ tăng lên và cải thiện chất lượng môi trường.

3.4.2.2. Tái chế, tái sử dụng chất thải

- Tái chế chất thải: Thực chất là người ta lấy lại những phần vật chất của sản phẩm hàng hoá cũ và sử dụng các nguyên liệu này để chế tạo ra sản phẩm mới. Các nguyên liệu phải được gia công lại và các công đoạn của quy trình công nghệ sẽ được bổ sung. Bên cạnh những lợi ích do tái chế đưa lại như giảm tiêu dùng tài nguyên, giảm nhu cầu năng lượng, giảm sử dụng nước, giảm sự phát thải ra không khí, đất, nước, chất thải cho xử lý và thải bỏ. Ở các quốc gia có trình độ công nghệ thấp những công nghệ lạc hậu này sẽ phần nào tăng lên mức độ tác động tới môi trường do tái chế gây ra. Ví dụ điển hình những làng nghề truyền thống tái chế sắt thép Đa Hội; tái chế giấy Dương Ổ (Bắc Ninh); tái chế nhựa và túi ni lông tại xã Minh Khai, Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) v.v…

- Tái sử dụng chất thải: Thực chất có những sản phẩm hoặc nguyên liệu có quảng đời hữu dụng kéo dài, người ta có thể sử dụng được nhiều lần mà không bị thay đổi hình dạng vật lý, tính chất hoá học. Ví dụ như các vỏ chai hoàn lại, nhiều đồ dùng bằng vật liệu gỗ, mây, tre đan v.v…

Trong tái sử dụng thông thường những sản phẩm hoặc nguyên liệu khi đưa vào sử dụng có cùng mục đích hoặc tương tự nhau.

Do chất thải có thể tái chế hay tái sử dụng mà doanh nghiệp có thể tăng doanh thu của mình thông qua việc bán hoặc hoặc sử dung lại chất thải, nghĩa là gián tiếp làm giảm chi phí trong hoạt động sản xuất.

3.4.2.3. Xử lý chất thải

Xử lý chất thải hay người ta gọi là “Xử lý cuối đường ống”. Những hình thức xử lý này của các doanh nghiệp thường là:

- Xử lý nội vi, hay còn gọi là xử lý tại chỗ trong hàng rào của doanh nghiệp, chi phí cho việc xử lý tại chỗ bao gồm: Xây dựng lò thiêu đốt, bãi chôn lấp, xử lý vật lý, hoá học, xử lý nước thải, tái chế, tái lọc các chất thải dầu mở.

- Xử lý ngoại vi hay còn gọi là xử lý bên ngoài hàng rào của doanh nghiệp:

Những chi phí cho xử lý ngoại vi bao gồm lò thiêu, tái chế, phục hồi, phục hồi, tái sử dụng, bãi chôn lấp và các nhà máy xử lý chất thải cho các dịch vụ làm nhiệm vụ thu gom và xử lý chất thải.

Ngoài những hình thức xử lý cơ bản trên việc xử lý chất thải còn diễn ra dưới hình thức như xuất khẩu chất thải sang các nước khác; cất giữ nội vi hoặc ngoại vi;

trao đổi chất thải.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy việc xử lý chất thải cuối đường ống thường chi phí tốn kém, phần nào đạt hiệu quả môi trường như tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Câu hỏi ôn tập chương 3

1. Trình bày các khái niệm: cung, cầu, cân bằng thị trường, thặng dư sản xuất, thặng dư tiêu dùng? Giải thích khi nào thì một sự phân bổ nguồn lực được gọi là đạt hiệu quả Pareto?

2. Thất bại của thị trường là gì? Phân tích các nguyên nhân làm phát sinh thất bại của thị trường?

3. Phân tích tác động của ngoại ứng tích cực đến sự thất bại của thị trường?

Làm thế nào để khắc phục những thất bại đó?

4. Phân tích tác động của ngoại ứng tiêu cực đến sự thất bại của thị trường?

Làm thế nào để khắc phục thất bại đó?

5. Trình bày khái niệm về đường chi phí giảm thải cận biên MAC và đường chi phí thiệt hại môi trường cận biên MDC? Chứng minh rằng mức ô nhiễm tối ưu là một mức thải mà tại đó MAC=MDC?

6. Quyền tài sản môi trường là gì? Phân tích mô hình mặc cả ô nhiễm trong nền kinh tế thị trường? Những hạn chế của định lý Coase khiến cho mô hình mặc cả ô nhiễm khó xảy ra trong thực tế.

7. Trình bày giải pháp thuế môi trường của Pigou? Tại sao nói thuế Pigou tạo ra một động cơ kinh tế làm cho các doanh nghiệp không chỉ có xu hướng hoạt động tại mức sản lượng tối ưu đối với xã hội mà còn có những tác động tốt đối với môi trường?

8. Chuẩn mức thải là gì? Dựa trên những căn cứ nào để xác định mức chuẩn thải có hiệu quả? Các doanh nghiệp có đường MAC khác nhau sẽ ứng xử như thế nào khi phải tuân thủ một mức chuẩn thải thống nhất? Sử dụng đồ thị để phân tích.

9. Phí xả thải là gì? Dựa trên những căn cứ nào để xác định mức phí thải có hiệu quả? Các doanh nghiệp có đường MAC khác nhau sẽ ứng xử như thế nào khi phải tuân thủ một mức phí thải thống nhất? Sử dụng đồ thị để phân tích.

10. Trình bày những ưu điểm và hạn chế của phí xả thải so với chuẩn mức thải? Dùng đồ thị để giải thích: trong trường hợp nào các Nhà quản lý xã hội ưa thích sử dụng phí thải hơn chuẩn thải và ngược lại?

11. Thế nào là giấy phép thải có thể chuyển nhượng? Thị trường giấy phép thải là gì? Động cơ nào khiến các doanh nghiệp muốn mua/ hoặc bán giấy phép?

12. Tại sao nói giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng là sự kết hợp các ưu

điểm của chuẩn mức thải và phí xả thải? Lấy ví dụ giả định để giải thích.

13. Hãy phân tích bản chất của các vấn đề: Trợ cấp; đặt cọc hoàn trả; ký quỹ cho bảo vệ môi trường? Lấy ví dụ thực tiễn để phân tích và chứng minh.

14. Kinh tế chất thải là gì? Phân tích mô hình thị trường cho dịch vụ quản lý chất thải rắn đô thị. Đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có những phương thức giảm thiểu chất thải như thế nào?

Bài tập chương 3

Câu 1. Giả sử có một chủ nuôi ong cạnh một chủ trồng nhãn. Chủ trồng nhãn được lợi bởi lẽ một tổ ong thụ phấn được cho khoảng một ha nhãn. Chủ trồng nhãn không phải chi trả gì cho chủ nuôi ong vì ong được thả tự do. Tuy nhiên theo tính toán giữa số lượng ong và diện tích vườn nhãn hiện có thì số tổ ong quá ít không đủ thụ phấn cho toàn bộ vườn nhãn, do vậy chủ vườn nhãn phải hoàn tất việc thụ phấn bằng nhân tạo, khoản chi phí này ước tính khoảng 10$ cho một ha nhãn. Còn đối với chủ nuôi ong người ta xác định được hàm chi phí cận biên là MC=10 + 2Q (Q là số tổ ong). Mỗi tổ ong tạo ra một lượng mật là 10 kg, giá thị trường là 2$ cho một cân mật ong.

a. Hãy cho biết người nuôi ong nuôi bao nhiêu tổ?

P = MB = MC  20 = 10 + 2Q,  Q = 5 b. Đó có phải là tổ ong hiệu quả không? Vì sao?

Q = 5, Đây mức hiệu quả theo quan điểm của người nuôi ong. Không phải quan điểm hiệu quả của xã hội.

c. Để có hiệu quả về mặt xã hội hãy cho biết người nuôi ong nên nuôi thêm bao nhiêu tổ?

P = MSB = MC  (20 + 10) = 10 + 2Q,  Q = 10 d. Thể hiện các kết quả đã tính toán lên đồ thị.

Câu 2. Giả sử hoạt động sản xuất xi măng trên thị trường có hàm chi phí cận biên MC = 16 + 0,04Q, hàm lợi ích cận biên MB = 40 - 0,08Q và hàm chi phí ngoại ứng cận biên MEC = 8 + 0,04Q.

(Q là sản phẩm tính bằng tấn, P là giá một sản phẩm tính bằng USD) a. Xác định mức sản xuất hiệu quả cá nhân và mức giá sản phẩm tương ứng.

b. Xác định mức sản xuất hiệu quả xã hội và giá tương ứng.

c. So sánh phúc lợi xã hội tại mức hoạt động tối ưu cá nhân và xã hội để thấy được thiệt hại do hoạt động sản xuất này gây ra cho xã hội?

d. Để điều chỉnh hoạt động về mức tối ưu xã hội, cần áp dụng mức thuế là bao nhiêu? Tính tổng doanh thu thuế?

e. Thể hiện kết quả trên đồ thị.

Câu 3. Giả sử hoạt động khai thác than trên thị trường, có hàm lợi ích cận biên

là MB = 20 - Q, hàm chi phí cận biên là MC = 14 + Q và hàm chi phí cận biên ngoại ứng là Q (Q là sản lượng tính bằng nghìn tấn, P là mức giá sản phẩm tính bằng triệu đồng).

a. Tính mức khai thác than hiệu quả cá nhân? ở mức đó giá sản phẩm là bao nhiêu?

b. Tính mức khai thác than hiệu quả xã hội? ở mức đó giá sản phẩm là bao nhiêu?

c. Tính phần thiệt hại mà hoạt động khai thác đó gây ra cho xã hội?

d. Để đưa hoạt động khai thác than về mức hiệu quả xã hội, cần áp dụng mức thuế môi trường (thuế Pigou tối ưu) là bao nhiêu?

f. So sánh tổng số thuế mà hoạt động khai thác than phải nộp với tổng chi phí ngoại ứng do hoạt động đó gây ra khi khai thác ở mức hiệu quả xã hội? (Chỉ rõ trên đồ thị).

Câu 4. Giả sử có hai hãng sản xuất hoá chất có chất thải đổ xuống một dòng sông gây ô nhiễm nguồn nước dòng sông đó. Để giảm mức độ ô nhiễm, các hãng đã lắp đặt thiết bị xử lý nước. Cho biết chi phí giảm thải cận biên của các hãng như sau:

MAC1 = 800 - W1

MAC2 = 600 - 0,5W2

(Trong đó, W là lượng nước thải (m3), chi phí giảm thải tính bằng USD)

a. Nếu cơ quan quản lý môi trường muốn tổng mức thải hai hãng chỉ còn 1000 m3 bằng biện pháp thu một mức phí thải như nhau cho mỗi m3 nước thải. Hãy xác định mức phí thải đó và lượng nước mà mỗi hãng sẽ thải ra sông?

b. Xác định tổng chi phí giảm thải của 2 hãng trên?

c. Nếu cơ quan quản lý vẫn muốn đạt mục tiêu môi trường như trước nhưng chỉ quy định chuẩn mức thải đồng đều cho hai hãng thì chi phí giảm thải mỗi hãng sẽ là bao nhiêu?

d. Thể hiện các kết quả trên đồ thị?

Câu 5. Giả sử có hai doanh nghiệp dệt cùng đưa nước thải sản xuất vào một hồ nước tự nhiên và gây ra ô nhiễm hồ nước đó. Biết rằng các hàm chi phí giảm thải cận biên mỗi doanh nghiệp như sau:

MAC1 = 900 – W1

MAC2 = 400 - 0,5 W2

(Trong đó W là lượng nước thải (m3); Chi phí giảm thải là USD).

a. Nếu không có sự quản lý của Nhà nước, tổng lượng thải của 2 doanh nghiệp là bao nhiêu?

b. Doanh nghiệp nào có khả năng giảm thải kém hơn. Tại sao?

c. Để bảo vệ hồ nước, cơ quan quản lý môi trường muốn tổng mức thải hai doanh nghiệp chỉ còn 800m3 bằng biện pháp thu một mức phí thải như nhau cho mỗi m3 nước thải. Hãy xác định mức phí thải đó, và lượng nước thải mà mỗi hãng sẽ xả vào hồ.

d. Xác định tổng chi phí giảm thải của 2 doanh nghiệp trên.

e. Thể hiện các kết quả trên đồ thị.

Câu 6: Có ngành công nghiệp gây ô nhiễm cho xã hội. Giả sử Chi phí thiệt hại được xác định: MDC = 100 + W. Để kiểm soát Ô nhiễm môi trường, ngành công nghiệp đã bỏ chi phí: MACT = 400 – 2W. Tuy nhiên, khi Nhà nước ban hành Chuẩn mức thải và Phí xả thải lại tính toán: MACE = 340 – 2W.

1. Hãy xác định mức Ô nhiễm tối ưu trong trường hợp trên?

2. Xác định Các công cụ mà Nhà nước ban hành?

3. Hãy cho biết sự lựa chọn của ngành công nghiệp khi sử dụng 2 công cụ ở trên để Kiểm soát ô nhiễm môi trường?

4. Minh hoạ bằng đồ thị.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIẢNG DẠY KINH TẾ MÔI TRƯỜNG TRÌNH ĐỘ: ĐẠI HỌC (Trang 76 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(116 trang)
w