Chương 1. NHỮNG CÂU CHUYỆN HÔN NHÂN
1.3. Chuyện hôn nhân của những người nông dân
1.3.1. Chuyện về những người chồng
Khi kể về những người chồng trong gia đình nông dân, Sêkhôp thường kể về nghề nghiệp không ổn định, công việc nặng nhọc, kiếm sống vất vả, mức thu nhập khá thấp…của họ, hầu hết đều phải bươn chải để mưu sinh.
Nhân vật Iakov trong tác phẩm “Cây vĩ cầm của Rothschild” được giới thiệu ngay đầu truyện: “Giá Iakov Ivanovich làm nghề đóng quan tài ở trên tỉnh thì có lẽ lão đã có một ngôi nhà riêng hẳn hoi, và ở đó người ta gọi lão là ông Iakov Matveevich, chứ không như cái giống dân mách qué ở đây, gọi trống không cái tên Iakov, đã thế còn đặt cho lão cái biệt danh “lão Đồng”, hoạ có trời mới hiểu là gì. Iakov sống nghèo khổ như một gã mugic tầm thường, ngôi nhà gỗ cũ kỹ chật chội”[41,5]. Iakov có hình dáng vạm vỡ của người lao động tay chân: “có bói cũng không ra một người cao to, chắc khỏe như lão, kể cả trong nhà tù, mặc dù lão đã bẩy mươi tuổi”. Cuộc sống của Iakov khá chật vật và phải lo lắng từng đồng cắc: “… Sau đó lão lại vớ lấy cái bàn gảy và tính toán rất lâu, thở dài căng thẳng… Lão nghĩ hơn nghìn rúp thất thu đó nếu đem gửi nhà băng thì mỗi năm lãi suất cũng chẳng được là bao - có 40 rúp. Có nghĩa 40 rúp này cũng là một mất mát nữa” [41,7]. Và trong khi tính toán thì “mặt mũi lão đỏ gay và đẫm mồ hôi”. Chi tiết này lặp lại nhiều lần trong truyện. Qua đó, có thể thấy Iakov là người lo toan kiếm tiền trong gia đình, việc này trở thành mối quan tâm lớn, thậm chí là duy nhất, điều đó đã khiến Iakov quên đi việc quan tâm tới chính người vợ của mình.
Nhân vật người chồng trong truyện ngắn “Chị bếp lấy chồng” xuất hiện ngắn ngủi nhưng để lại nhiều ấn tượng đối với người kể chuyện khi cậu bé nhìn qua lỗ khóa: “Một bác nông dân to lớn, lực lưỡng, tóc hung hung đỏ, râu nhiều, mặc áo choàng của người đánh xe ngựa, đang ngồi trước cái bàn của mọi ngày thường dùng để thái thịt và thái hành”[40,356]. Là một người đánh xe khỏe mạnh, lực lưỡng, ở nhân vật còn thể hiện chút gì thô bạo khiến đứa trẻ e ngại: “Một giọt mồ hôi to tướng đọng ở đầu mũi bác, bác nâng cái đĩa trên năm đầu ngón tay phải và vừa uống chén nước trà và côm cốp nhai
đường”, “bác đánh xe gớm ghiếc có cái mũi đỏ, đôi giầy bốt lông xù”. Công việc của bác đánh xe thu nhập không ổn định “Ngày thì được ba rúp, ngày thì đánh xe về không chẳng được một xu…”[40,62]. Chỉ qua vài nét phác họa, chân dung người chồng hiện lên với vẻ lam lũ, thô mộc không hứa hẹn một cuộc hôn nhân no đủ khi “chị bếp lấy chồng”.
Trong truyện “Những người đàn bà”, những người người con trai nhà lão Điuđia lấy vợ và sống chung trong ngồi nhà hai tầng lợp mái tôn trong làng Raibus. Người con trai cả Phêđor thì làm thợ cả về ngành cơ khí tại một nhà máy: “anh ta làm ăn phát tài đến nỗi bây giờ khó mà đến gần anh ta được”. Người con trai thứ hai là Alioska “lưng hơi gù gù, anh ta ở nhà với bố”. Bị gù nên Alioska chỉ suốt ngày rong chơi, không làm việc “miệng thở hồng hộc, không nhìn ai, cứ thế chạy vào trong nhà, một lát sau anh ta chạy từ trong nhà ra, tay cầm chiếc đàn phong cầm… vừa chạy vừa cắn hạt dưa và khuất dần sau cánh đồng”, “cứ đi chơi đàn đúm với bọn trai làng mãi”[50,362]. Sự vô dụng của anh chồng này thể hiện qua cách đánh giá của những người xung quanh: “thằng đểu cáng”, “càng ngày nó cứ càng đổ đốn ra”, “chẳng được cái tích sự gì”. Alioska không hề quan tâm đến vai trò và nghĩa vụ của một người chồng, một người đàn ông trong gia đình. Hai người đàn ông trong gia đình lão Điuđia đối lập nhau, một người mải mê làm ăn, một người rong chơi vô lo vô nghĩ. Nhưng cả hai có một điểm chung là đều bàng quan với trách nhiệm của một người chồng.
Trong truyện “Trong khe núi”, các con của Sưbukin cũng lập gia đình và ở chung thành một đại gia đình lớn. Không hòa hợp như trong truyện
“Những người đàn bà”, mối quan hệ giữa các gia đình nhỏ ở đây phức tạp hơn rất nhiều. Trong cái làng Ucơlevô xa xôi mãi trong khe núi ấy, gia đình Gơrigôri là một trong những gia đình khá giả bậc nhất. Người con trai cả có một công việc ổn định, có chức phận: “Anhixim làm ở sở cảnh sát trong bộ phận điều tra” nhưng khá bí ẩn “rất ít khi về nhà ngoài những ngày lễ lớn,
nhưng gã hay gửi người làng mang về nhà quà bánh và những bức thư”.
Ngoại hình Anhixim cũng được Sêkhôp miêu tả với vẻ đáng sợ, khó hiểu:
dáng người “ốm yếu, nhỏ bé, hai cá má phinh phính hệt như gã đang phùng mồm lên thổi lửa, mắt gã sắc lẹm, nhìn không chớp, bộ râu thưa màu hung hung, hễ cứ lúc nào nghĩ ngợi là hắn nhét râu vào miệng mà nhay nhay…”[41,539]. Thêm vào nữa là tính rượu chè “nhìn bộ mặt và dáng đi của gã là biết ngay”. Sau này gia đình nhận được tin Anhixim bị bắt vì tội làm và tiêu thụ tiền giả. Người con trai thứ trong gia đình Gơrigôri là Xtêpa “theo nghề buôn bán, đỡ đần cho bố”. Tuy nhiên vai trò của Xetêpan trong gia đình không lớn vì anh ta “kém sức khỏe và nghễnh ngãng”. Đó đều là những người đàn ông, theo lẽ thường phải trở thành trụ cột gia đình, nhưng ở đây, cả hai đều bỏ bê nghĩa vụ. Một người thì xa gia đình, một người thì vô dụng, mọi công việc trong gia đình được quán xuyến bởi người cha già và hai người vợ trẻ.
Bên cạnh những người chồng nông dân, trong truyện Sêkhôp còn có một số nhân vật khác làm những công việc lao động chân tay khác nhau.
Nhân vật người chồng trong truyện “Agafia” làm nghề kiểm tra đường tàu, công việc đầu tắt mặt tối tới mức chỉ có thể “về với vợ mỗi đêm sau khi tuần tra xong chuyến đường”. Người chồng trong “Chai rượu sâmpanh”
làm phu kiểm tra tuyến đường Bắc Nam, anh chàng Fyodor (“Quan đại phu”) làm quản gia… Qua câu chuyện kể của Sêkhôp về những người chồng nông dân, lao động, người đọc có thể phỏng đoán phần nào cuộc sống gia đình của họ. Không phải ngẫu nhiên Sêkhôp rất chú trọng kể về công việc vất vả, nặng nhọc. Đồng tiền mà họ kiếm được khá khó khăn, chật vật, hơn nữa, nhân vật thể hiện sự hời hợt đối với hạnh phúc hôn nhân và gia đình của họ