Bi kịch hôn nhân do quan niệm sai lệch

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hôn nhân trong truyện Sêkhôp (Trang 60 - 67)

CHƯƠNG 2. HÔN NHÂN VÀ NHỮNG BI KỊCH GIA ĐÌNH

2.3. Bi kịch hôn nhân do quan niệm sai lệch

Quan niệm sống là cách hiểu, là cách nhìn nhận và phán xét những vấn đề, hiện tượng cụ thể của cuộc sống. Nó chi phối cách đánh giá, hoạt động và cách sống của một người. Mỗi người có thể có những quan niệm giống hoặc khác nhau về nhiều vấn đề, nhưng đều chịu ảnh hưởng khá lớn bởi tư tưởng thời đại. Trong truyện Sêkhôp, tác giả đã để cho nhân vật của mình phát biểu những quan niệm khác nhau về các vấn đề của hôn nhân như: vai trò của phụ nữ và đàn ông, tình yêu, hạnh phúc…Những quan niệm này khác nhau nhưng đều là những suy nghĩ rất gần gũi với nếp tâm hồn của người Nga lúc bấy giờ.

Một vấn đề mà Sêkhôp quan tâm lớn đó là vai trò và mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà trong gia đình. Trong vấn đề gia đình, có thể có sự góp mặt của con cái, người thứ ba, bố mẹ (nếu là gia đình nhiều thế hệ) nhưng hạnh phúc gia đình vẫn được quyết định bởi mối quan hệ mang tính bản chất nhất, cơ bản nhất đó là mối quan hệ giữa người chồng và người vợ.

Trong truyện Sêkhôp, nhiều nhân vật nam không đánh giá cao vị trí của người phụ nữ. Đối với họ, một nguyên tắc bất biến trong cuộc sống gia đình đó là người vợ phải phục tùng chồng. Trong truyện ngắn “Dọc đường”, Likharep đã khẳng định về vai trò của người phụ nữ: “Phụ nữ đã và sẽ là nô lệ

của đàn ông”. Suy nghĩ ấy thể hiện ở ngay cách mà nhân vật nói về vợ mình, đó là một người phụ nữ “như mũi tên đo chiều gió, đã thay đổi luôn luôn niềm tin của mình cho phù hợp với những say mê mới của tôi”. Bản thân anh ta rất hài lòng về điều đó “một kiểu nô lệ đầy cao thượng”. Người chồng trong “Lời cảnh báo” thì nhồi nhét vào vợ mình ý nghĩ “Người vợ luôn phải biết sợ, nể và phục tùng chồng của mình”. Trong truyện “Những người đàn bà”, Mátvay khuyên người tình những điều “phải đạo”: “Chị Maria ạ, bây giờ chị phải rửa chân cho anh Vaxili Mắcximứt và phải ăn xúp loãng, và chị hãy làm một người vợ ngoan ngoãn của anh ấy”[50,293]. Trải qua nhiều mối tình, Gurôp cũng có cái nhìn coi thường phụ nữ: “hầu như bao giờ anh cũng nói đến phụ nữ với một thái độ thù ghét khinh bỉ. Khi có ai bàn đến phụ nữ trước mặt thì anh sẽ gọi họ là thế này: - Loại người hạ đẳng!”[41,468]. Người phụ nữ chỉ được đặt trong vai trò là thứ phụ kiện của đàn ông, phải phục tùng và chấp nhận để người đàn ông đó quyết định cuộc đời mình. Nhiều nhân vật nam của Sêkhôp cho rằng khi người phụ nữ lấy chồng, một trong những phẩm chất cơ bản là “ngoan ngoãn”, sự ngoan ngoãn của một nô lệ bất kể người chồng đó ra sao, có tình yêu hay không. Suy nghĩ đó đã bao trùm lên rất nhiều cuộc hôn nhân.

Không chỉ đàn ông coi thường phụ nữ, mà bản thân nhiều người phụ nữ trong truyện Sêkhôp cũng không ý thức được quyền bình đẳng của mình. Họ tin sự bất bình đẳng đó là nguyên tắc sống tự nhiên mà không mảy may nghi ngờ hay phản đối. Rất nhiều phụ nữ đã sống như thế: Người vợ trong truyện ngắn “Mưa dầm”, người vợ trong truyện “Cây vĩ cầm của Rothchild”, “Nỗi khổ”, cách sống của nàng Dusechka trong truyện cùng tên. Người vợ trong

Chai rượu sâmbanh” chấp nhận làm cái bóng, cái cây leo bên cạnh chồng: “ Cô ta yêu tôi say đắm, như một tên nô lệ của tôi và không chỉ yêu vẻ đẹp trai hay tâm hồn mà yêu cả lỗi lầm, sự giận dữ, nỗi buồn tẻ, thậm chí cả sự tàn

nhẫn của tôi. Trong cơn say rượu, không biết tức giận vào ai, tôi đã làm tình làm tội cô ta bằng những lời của trách càn dở”. Thậm chí người chồng không đòi hỏi thứ tình cảm đó: “Có điều gì tốt đẹp trong tình yêu quá say mê của cô ta?”[50,48]. Người phụ nữ trong truyện ngắn “Vận xấu” cả đời nhịn nhục, chấp nhận sự dọa dẫm, mắng chửi của chồng với “ánh mắt ôn thuận một cách tử vì đạo của một con chó ăn thì ít mà ăn đòn thì nhiều”. Người đàn ông trong

Dọc đường” coi thường phụ nữ một phần vì chính cách mà họ sống :“Chỉ vì mối tình không đáng một xu của bọn đàn ông mà không ít phụ nữ gọt đầu đi tu, vứt bỏ gia đình, bỏ xương nơi đất khách quê người…Những người phụ nữ bản lĩnh nhất, nếu tôi truyền cho họ niềm say mê của tôi rồi, họ đều theo tôi không cần nghĩ ngợi hỏi han và làm tất cả những gì tôi muốn”. Người phụ nữ có thể yêu hoặc không yêu, nhưng trong hôn nhân họ tôn thờ chồng, phụ thuộc quá nhiều vào chồng, tới mức đánh mất bản thân mình, đánh mất khát khao hạnh phúc cho riêng mình. Sêkhôp thương họ, nhưng cũng cười đau xót trên cái sự hi sinh nhẫn nhục của đó. Ông có lần nhận xét (nhân nói về thái độ lý tưởng của Tolstoy đối với dân quê Nga): “Tôi nhà quê ở trong máu, và tôi chẳng hề bị xúc động bởi những đức hạnh của họ.”

Đây là hệ quả của xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, xã hội phong kiến bảo vệ quyền lợi gia trưởng của người đàn ông, đẩy người phụ nữ xuống trở thành một thứ “tài sản”. Xã hội phong kiến bảo thủ tiêm nhiễm tư tưởng này vào đầu con người, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tới một lúc nào đó họ mặc nhiên coi đó là lẽ phải. Sự bất bình đẳng ấy thể hiện trên mọi phương diện, hoạt động của xó hội và rừ nột nhất trong cuộc sống hụn nhõn và gia đỡnh.

Khi nói đến nói hôn nhân không thể không nói đến tình yêu. Nó là sợi dây vô hình kết nối hai người lại với nhau, một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất định phải xuất phát từ tình yêu. Sêkhôp cũng đã để cho các nhân vật trao đổi

về mối quan hệ giữa tình yêu và hôn nhân, từ đó đưa ra những quan điểm về sự tồn tại của hôn nhân khi thiếu vắng tình yêu.

Không ít nhân vật của Sêkhôp tách biệt tình yêu và hôn nhân. Mẹ của Lipa (Trong khe núi) khuyên con gái: “Ai cũng phải lấy chồng con ạ, chuyện này không phải do mình định đoạt mà được”. Trong suy nghĩ của nhân vật, hôn nhân là số mệnh, hoàn toàn không có sự tham gia của tình yêu và cũng không được quyết định bởi người trong cuộc. Ở mức độ cực đoan hơn, nhân vật Điuđia, Mátvay (Những người đàn bà) khẳng định vai trò của hôn nhân đồng thời phủ nhận tình yêu “Đã lấy chồng thì phải ở với chồng! – Lão Điuđia nói”, “Vợ chồng là gửi xương gửi thịt cho nhau… Trên đời này, chịu đựng những nỗi khổ của người chồng hợp pháp gây ra vẫn còn hơn là sau này phải nghiến răng mà chịu nhục hình ở địa ngục”. Đối với họ, hôn nhân là điều quan trọng, thậm chí để bảo vệ giá trị đó, con người phải từ chối tình yêu và hạnh phúc, chấp nhận đau khổ. Đây không phải quan niệm của một vài cá nhân, mà là thứ thuốc đầu độc tâm hồn con người trong bầu không khí ngột ngạt của xã hội. Cá nhân phải từ bỏ hạnh phúc bản thể của mình để bảo vệ nền tảng đạo đức phong kiến.

Trong truyện Sêkhôp, cũng có những nhân vật tiến bộ hơn, đã đánh giá cao vai trò của tình yêu trong hôn nhân hôn nhân. Nhưng bài toán về hạnh phúc thì vẫn bỏ ngỏ. Trong truyện ngắn “Cuộc đấu súng”, nhân vật Laevski khẳng định sự thiết yếu của tình yêu khi tiến đến cuộc sống gia đình: “Lấy vợ không cần tình yêu cũng bỉ ổi như làm thánh lễ mà không có đức tin”. Thế nhưng tình yêu là thứ rất mong manh và khó nắm giữ. Bản thân nhân vật đã rơi vào tình trạng không còn tình yêu với người phụ nữ của mình, còn người phụ nữ đó thì sợ tiến đến chuyện hôn nhân hợp pháp:

“Nếu chúng tôi cưới nhau thì mọi chuyện sẽ không khá hơn. Ngược lại còn tồi tệ hơn”. Đó là cảm giác hoài nghi về sức mạnh và sự tồn tại của tình yêu trong hôn nhân. Sêkhôp từng viết trong Sổ tay: “Tình yêu hoặc là một

cái gì trước kia vốn lớn lao nhưng nay chỉ còn là tàn tích, hoặc là một phần nào đó của cái sẽ trở thành lớn lao trong tương lai. Nhưng hiện tại nó khụng làm cho người ta thừa món, nú mang lại cho con người rất ớt so với những gì người ta chờ đợi”[10,86]. Trong “Adriatna”, 1895, ông viết:

“Tình yêu đồng nghĩa với hạnh phúc. Ở Nga, người ta coi thường những cuộc hôn nhân không có tình yêu, sự dâm dục thật nực cười và gợi lên sự ghê tởm, và những tiểu thuyết hay truyện ngắn thành công nhất là những tác phẩm trong đó có các phụ nữ đẹp, thơ mộng và có học thức… Nhưng chính ở đó mới có đau khổ. Cho tới khi chúng ta kết hôn hay gắn bó với một người vợ, mới hai ba năm trôi qua thì chúng ta đã cảm thấy như bị lừa gạt…”.

Nhận thức được vai trò và sự biến thiên của tình yêu, song đối mặt với điều đó như thế nào? Đối với Laevski, anh muốn kết thúc bởi tiếp tục sống với nhau khi đã hết yêu chỉ là sự dối trá. Samoilenko lại quan niệm: “Bản thân tôi cũng tán thành những cuộc hôn nhân ngoài nhà thờ,…nhưng theo tôi một khi đã lấy nhau, thì cẩn phải sống với nhau cho tới lúc chết”, “trong cuộc sống gia đình, điều chủ yếu nhất là chịu đựng… Không phải tình yêu mà là sự chịu đựng. Tình yêu không thể kéo dài lâu được. Cậu sống hai năm trong tình yêu còn bây giờ là cuộc sống gia đình… cậu buộc phải vận dụng mọi sức chịu đựng của mình”. Nhân vật của Sêkhôp có những cách khác nhau đối diện và duy trì hôn nhân. Nhưng cả hai gặp nhau ở một điểm chung đó là hoài nghi sự tồn tại của tình yêu, hạnh phúc khi bước vào cuộc sống gia đình.

Trong các tác phẩm của mình, Sêkhôp nhiều lần đặt ra vấn đề hạnh phúc. Sêkhôp để các nhân vật của mình tranh luận và đưa ra quan niệm hạnh phúc khác nhau. Trong truyện ngắn “Ở nơi đày ải”, các nhân vật sống cuộc sống buồn tẻ nơi “đồng không mông quạnh”, một nơi có vẻ như không đáng sống: “không có một thứ rau cỏ, hoa quả gì cả, người thì rặt những loại nát

rượu, vô học, chẳng có ai mà giao lưu”. Mỗi người tự tìm kiếm hạnh phúc cho mình bằng những cách sống khác nhau. Ông già Xêmiôn từng khuyên một nhân vật: “Nếu ông muốn tìm hạnh phúc cho mình thì điều trước tiên là đừng cầu mong cái gì hết”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không cần gì hết:

“Không có cái gì gọi là bố, mẹ, là vợ, là tự do, không cần gì cả!”[50,318].

Bằng cách đó, ông già Xêmiôn tự mãn nguyện với cuộc sống của mình: “Cầu mong cho người nào cũng được sống như lão đây”. Quan niệm về hạnh phúc này phủ nhận tất cả mọi thứ, phủ nhận cả những khao khát, ước muốn hạnh phúc gia đình để chấp nhận và vui với cuộc sống hiện tại. Suy nghĩ của nhân vật Tácta đối lập với quan niệm đó. Tácta cho rằng cuộc sống “không có gì”

của lão Xêmiôn thật khổ. Anh ta chấp nhận: “Sống một ngày hạnh phúc còn hơn chẳng được gì cả”, “nếu vợ anh đến đây một ngày hay thậm chí một giờ thôi, thì để đánh đổi lấy hạnh phúc ấy, anh ta sẵn sàng chịu đựng mọi điều khổ ải mà vẫn tỏ lòng biết ơn Thượng đế”[50,326]. Bản thân sự đau khổ của nhân vật đã hàm nghĩa sự khao khát vượt qua thực tại, khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng chấp nhận hạnh phúc một thời khắc rồi khổ ải mãi mãi có phải là hạnh phúc thực sự?

Nhân vật Nikitin trong truyện ngắn “Thày giáo dạy văn” cũng rất trăn trở về vấn đề “hạnh phúc”. Khi tâm sự với vợ về hạnh phúc hôn nhân của mình: “Anh không coi hạnh phúc của mình là một cái gì ngẫu nhiên đến với anh, như từ trên trời rơi xuống. Hạnh phúc này là một hiện tượng tự nhiên tuần tự, đúng đắn, hợp với logic. Anh tin rằng con người là người sáng tạo ra hạnh phúc của mình và bây giờ anh chỉ hưởng chính cái mình gây dựng nên.

Vâng, anh nói thẳng rằng hạnh phúc ấy anh tạo nên và anh có quyền hưởng nó… Mồ côi nghèo khổ, một thời thơ ấu bất hạnh, thời thanh niên buồn chán, tất cả những cái đó là cuộc đấu tranh, là con đường mà anh đã mở ra để đi đến hạnh phúc…”[40,350]. Đó là thời điểm nhân vật đang cảm thấy hạnh phúc và

hết sức hài lòng với cuộc hôn nhân của mình. Nhân vật cho rằng hạnh phúc đến một cách tự nhiên khi con người biết đấu tranh. Nhưng rồi đó chưa phải là hạnh phúc đích thực. Nhân vật mơ đến một cuộc sống khác: “Một cuộc sống mới, căng thẳng, có ý thức đã bắt đầu và nó không thể nào phù hợp với sự yên tĩnh và hạnh phúc cá nhân được”. Hạnh phúc phải là điều gì đó cao hơn hạnh phúc cá nhân, vượt ra ngoài hạnh phúc hôn nhân tầm thường và tẻ nhạt. Nhân vật đã dần nhận ra ý nghĩa thật sự của hạnh phúc.

Sêkhôp không hề áp đặt lên độc giả quan niệm hạnh phúc thế nào mới đúng. Tác giả đưa ra những quan niệm khách quan, nó hình thành với sự trưởng thành của nhân vật. Sêkhôp chỉ gợi lên trong độc giả của mình ý thức và khao khát hạnh phúc. Hạnh phúc không dễ dàng có được, mỗi người phải tự phán xét và tìm cho mình quan niệm phù hợp nhất. Nhưng hạnh phúc không phải là thứ vĩnh hằng bất biến, hạnh phúc phải luôn được làm mới, phải vượt ra ngoài phạm vi hạnh phúc cá nhân mới có thể tồn tại lâu dài.

Trong tác phẩm, Sêkhôp hiếm khi phát biểu trực tiếp những tư tưởng, quan niệm của mình mà hầu hết các quan niệm sống thường là tiếng nói của nhân vật. Bởi bản thân ông là một nhà văn rất tôn trọng sự thật khách quan.

Phong cách mà Sêkhôp luôn cố gắng đó là “truyền đạt thoải mái tư tưởng trong hình thức tự sự”. Theo đó, ông luôn nhắc nhở người đọc “chớ đồng nhất nhà văn với nhân vật: “Nếu người ta đưa cà phê ra thì anh đừng cố tìm bia trong đó. Nếu tôi đưa tới cho anh các tư tưởng của vị giáo sư thì hãy tin tôi và đừng tìm trong đó các tư tưởng của Sêkhôp” [13,157]. Bởi cùng một vấn đề, nhiều nhân vật khác nhau có những quan niệm khác nhau, phụ thuộc khá nhiều vào nếp sống và trải nghiệm cá nhân. Sêkhôp chỉ giúp người đọc đưa ra các tình huống mà ở đó, những quan niệm sai lầm về vài trò người chồng- người vợ, về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc đã đẩy nhân vật rơi vào bi kịch

như thế nào. Người đọc không bị áp đặt bởi những quan niệm ấy, họ có quyền phán xét đúng sai và lựa chọn những điều phù hợp với hoàn cảnh riêng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hôn nhân trong truyện Sêkhôp (Trang 60 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w